Ca khúc Tiếng Dân Chài (Phạm Đình Chương) và bức tranh tuyệt đẹp của người cần lao miền biển

Tiếng Dân Chài là một trong những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ra đời từ những năm đầu thập niên 1950. Bài hát như là tiếng ca reo vui hân hoan của người cần lao miền biển, với những dân chài luôn hăng say lao động hàng đêm dưới ánh trăng để mang về khoang cá đầy vào mỗi buổi sớm mai. Giai điệu của bài hát lúc thì dặt dìu khoan thai như nhịp chèo thuyền, lúc thì dồn dập như tiếng sóng biển xô bờ:

Đêm dâng với ngọn triều
Dô à dô kéo thuyền nhổ neo
Vi vu buồm lên cao
Dô à dô sóng reo dạt dào.

Trăng lên vừa nhô xa
Con thuyền trôi trong trời bao la.
Mái chèo này chèo xa tắp bến bờ.

Mau cùng nhau anh em ta
Dô dô dô hò hò
Tay bàn tay siết chặt trôi mau
Sông sâu là sông sâu
Sông này nuôi sống dân chài nghèo.

Anh em cùng ra đây
khoang thuyền đây tay chài tay lưới
Ấy đời nhọc nhằn mà vui.

Tân nhạc Việt Nam thời kỳ thập niên 1940-1950, dù chưa phát triển nhiều về số lượng như thời gian sau này, nhưng đã có rất nhiều ca khúc viết về người cần lao – những người góp tay góp sức lao động để xây dựng quê hương. Trong đó, nhiều nhất là nhạc sĩ Phạm Duy, với những ca khúc về em bé quê, bà mẹ quê, vợ chồng quê, nhắc đến từ những kẻ nông phu cho đến người thương binh, và cả những người dân nhập cư nghèo chốn thành thị. Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc đến nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác nhạc để ca ngợi những cánh đồng lúa vàng rực khắp thôn trang (bài Được Mùa), xưng tụng vẻ đẹp miền sơn cước (bài Sáng Rừng), nhắc tới mọi tầng lớp người đồng vai sát cánh nhau (bài Ly Rượu Mừng), và đặc biệt là ca khúc Tiếng Dân Chài dành cho người miền biển. Cho đến nay, đây có thể là bài tân nhạc hay nhất, và có lẽ cũng là duy nhất nói về cuộc sống của người dân chài.


Click để nghe Hùng Cường hát Tiếng Dân Chài trước 1975. Phần hát bè của Ban Sao Băng và tốp nữ

Bài hát là một bức tranh tuyệt đẹp, vẽ cảnh những người ngư dân nhổ neo và giăng buồm lên cao để thả thuyền ra khơi lúc triều dâng. Giữa đêm thanh, người phá tan sự tĩnh lạnh của biển khuya và cùng nhau hò reo khích lệ tinh thần của nhau. Bên dưới nghe có sóng reo dạt dào, bên trên nhìn thấy trăng nhô cao, dân chài nhanh tay chèo thuyền lướt trôi dưới trời bao la, trên con sông sâu đã nhiều đời nuôi sống dân chài nghèo.

Trước khi di cư vào Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Đình Chương có thời gian dài đi qua nhiều vùng ở phía Bắc, và trong một lần dừng chân nhiều ngày bên sông Mã, ông đã được nhìn thấy cảnh ngư dân hồ hởi thả thuyền dập dềnh ra khơi và trở về với khoang thuyền đầy ắp cá. Có tận mắt chứng kiến, ông mới thấu hiểu được cuộc đời “nhọc nhằn mà vui” của những cư dân miền biển, và lưu lại hình ảnh thật đẹp đó để thời gian sau này sáng tác thành bài hát:

Tôi nhớ một chiều ánh lửa hồng soi thân yêu
Đâu bóng tre xanh,
Đâu mắt mẹ hiền
Giọt lệ rưng rưng chờ mong bóng con

Ơ này anh em ơi…
Hương khói gia đình bát ngát trong câu mong chờ
Đêm khuya mơ hồ chan hòa bao tiếng ta hò:

Ô hò, hò dô ta
Lẳng lặng mà nghe ới hò dô ta
Đêm nay thuyền ngược trường giang.
Cho mai sớm được vui khoang cá đầy

Ô hò, hò dô ta
Lẳng lặng mà nghe ới hò dô ta
Lưới vung chụp ánh trăng vàng
Mồ hôi tôi đổ xuống hàng bờ lau

Ô hò, hò dô ta
Lẳng lặng mà nghe ới hò dô ta
Ới ai đời sống dân chài,
Đêm đêm soi bóng sông dài mà ca

Ô hò, hò dô ta
Lẳng lặng mà nghe ới hò dô ta
Sóng ru đợt vỗ lênh đênh
Tiếng reo cơn gió bập bềnh thuyền ta.

Ô hò…
Hò dô ta ới hò dô ta
Hò dô ta ới hò dô ta

Những đoạn cuối bài hát, giai điệu bài hát dồn dập theo tiếng hò dô ta mô tả nhịp kéo lưới. Thuyền lướt sông dài làm bạn cùng trăng sao, người vung lưới giữa biển xa, tưởng như là lưới chụp lên cả trăng vàng, đó là hình ảnh đẹp và lãng mạn vô bờ trong cuộc sống cần lao. Cuộc sống của họ thật đơn giản, vui hạnh phúc bình dị của một ngày trúng lưới, rồi giong thuyền trở về trong niềm chờ đợi của người ở lại nhà: Hương khói gia đình bát ngát trong câu mong chờ…

Trên một số trang mạng, trong đó có wiki, ghi rằng bài hát này được sáng tác năm 1957. Tuy nhiên thông tin này chắc chắn không đúng, vì theo hình ảnh bên trên thì bài hát được nhà xuất bản An Phú ấn hành lần thứ 4 vào năm 1954. Ngoài ra, “vua hề” Tùng Lâm từng cho biết ông rằng năm 1952, ông được giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á với ca khúc Tiếng Dân Chài, vậy thì bài hát này phải được sáng tác từ trước năm 1952.


Click để nghe bản thu âm vào thập niên 1950 của ban Thăng Long (trong đó có giọng hát của chính tác giả Phạm Đình Chương)

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version