Ca khúc “Thuở Ban Đầu” và mối tình nhạc sĩ Phạm Đình Chương – Khánh Ngọc

Trong danh sách những tình khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người ta thường nhắc nhiều nhất đến những bài hát buồn được ông sáng tác vào thập niên 1960-1970 sau khi đã chia tay vợ là danh ca Khánh Ngọc, đó là Đêm Cuối Cùng, Người Đi Qua Đời Tôi, Nửa Hồn Thương Đau, Định Mệnh Buồn…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Thời gian trước đó (thập niên 1940-1950), nhạc sĩ Phạm Đình Chương thường chỉ sáng tác nhạc mang tính chất hân hoan, tươi trẻ, hoặc là hào hùng, ít khi viết tình ca, và một bài tình ca hiếm hoi của ông sáng tác trước năm 1954 là Thuở Ban Đầu.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương và ca sĩ Khánh Ngọc

Bài hát rất nhẹ nhàng êm đềm và tràn đầy tình cảm này ra đời vào năm 1953, cũng là năm nhạc sĩ Phạm Đình Chương kết hôn với người đẹp Khánh Ngọc. Đúng như tên gọi của bài hát, Thuở Ban Đầu mang giai điệu và ca từ trong trẻo, tươi sáng của mối tình vừa chớm nở:

Sao không thấy em lại
Để cùng anh thẩn thơ
Trước sân trăng vòi vọi
Để rồi cùng ước mơ 

Sao không thấy em lại
Hàng dừa nghiêng thương nhớ
Này khúc ân tình biết đưa về đâu 


Click để nghe danh ca Duy Trác hát Thuở Ban Đầu trước 1975

Nhạc phẩm mở đầu bằng hình ảnh chàng trai si tình trông chờ người yêu “lại”“Lại” ở đây tức là tới nhà, hẳn là chàng trai đã mong chờ cô gái đến chơi nhà, để cùng “anh thẩn thơ” ngắm trăng, tâm tình và ước mơ. Từng câu hát nhấn nhá nhẹ nhàng lột tả tâm trạng trống rỗng, bồn chồn, sốt ruột, nhớ nhung của chàng trai khi cô gái không tới.

Trong địa hạt tình yêu, những phút giây bùng nổ cảm xúc đầu tiên bao giờ cũng đẹp, cũng lung linh, lấp lánh mối tình đầu, là thời điểm trỗi dậy mạnh mẽ của những rung cảm yêu đương nồng nhiệt nhất. Đó là lúc trái tim đi trước lý trí, mọi suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của người này đều hướng về người kia. Một cái chạm tay, một cái liếc mắt cũng làm nên những rung cảm, những ngượng ngùng, bối rối. Bằng những ca từ cuốn hútđậm chất thơ, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã khắc hoạ lại cái “thuở ban đầu” vô cùng đẹp đẽ ấy rằng:

Ôi đẹp thay là thuở ban đầu
Chìm sâu đáy mắt một màu xanh khơi
Niềm thương không nói nên lời
Chỉ nghe xao xác một trời bâng khuâng

Bâng khuâng lúc em cười
Kìa ngàn cây ngẩn ngơ
Sáng trăng xanh khung đời
Dặt dìu nhạc với thơ 


Click để nghe danh ca Sĩ Phú hát Thuở Ban Đầu trước 1975

Câu hát “chìm sâu đáy mắt một màu xanh khơi” lột tả trọn vẹn đôi mắt của những kẻ si tình. Đôi mắt yêu đương, đắm đuối với những mộng ước chất chứa trong đó nhưng lại chẳng thể nói thành lời: “Niềm thương không nói nên lời, chỉ nghe xao xác một trời bâng khuâng”. Sự tinh tế, khéo léo của nhạc sĩ Phạm Đình Chương thể hiện rõ nét và chắc chắn trong cách lựa chọn những từ ngữ đầy hình cảm và âm thanh: màu xanh khơi, xao xác, bâng khuâng, ngẩn ngơ, dìu dặt,… 

Nhưng không thấy em lại
Hàng thùy dương chếch bóng
Và lũ hoa thầm khép hương chờ mong…

Sự chờ đợi, nhớ nhung chợt biến thành nỗi thất vọng của chàng trai: “hàng thuỳ dương chếch bóng và lũ hoa thầm khép hương chờ mong”. Ở đây cách sử dụng ca từ của nhạc sĩ cũng rất đặc biệt, nỗi sầu buồn của chàng trai khi người yêu không tới không hề bi luỵ, ghen tuông, nghi hoặc mà chỉ phơn phớt chút giận hờn, ủ rũ vô cùng dễ thương.


Click để nghe danh ca Thái Thanh hát Thuở Ban Đầu trước 1975

Có thể nói, Thuở Ban Đầu không phải là ca khúc hay nhất, nổi tiếng nhất nhưng lại là ca khúc ngọt ngào và nhẹ nhàng nhất trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Có lẽ bởi, khi viết ca khúc này, ông vẫn đang là một chàng trai trẻ yêu đời, ngọt ngào, đang đắm đuối trong tình yêu và thăng hoa trọng sự nghiệp, chưa từng trải qua những thăng trầm của đời sống.

Năm 1953, cuộc hôn nhân của đôi nghệ sĩ tài sắc Phạm Đình Chương – Khánh Ngọc diễn ra với sự ngưỡng mộ của bạn bè, đồng nghiệp. Khi đó nhạc sĩ Phạm Đình Chương chỉ ngoài 20 tuổi nhưng đã có nhiều sáng tác vang danh cả nước, còn Khánh Ngọc khi đó mới 16-17 tuổi có sắc nước hương trời, là một nữ ca sĩ trẻ đầy triển vọng.

Sau khi kết hôn, cả 2 người đều thăng hoa trong sự nghiệp và bước lên được những bậc thang của đỉnh cao danh vọng. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương lần lượt cho ra đời những ca khúc hân hoan tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống, trở thành nhạc bất hủ suốt gần 70 năm qua: Ly Rượu Mừng, Đón Xuân, Mộng Dưới Hoa, Tiếng Dân Chài, đặc biệt là trường ca Hội Trùng Dương. Còn Khánh Ngọc cũng không kém cạnh, trở thành nữ canh ca tài sắc, đồng thời là một minh tinh điện ảnh danh tiếng bậc nhất của thập niên 1950.

Tuy nhiên chỉ 7-8 năm sau đó, cuộc hôn nhân đẹp đó đi vào những ngả rẽ đáng tiếc, dẫn đến kết cuộc thật buồn và để lại nhiều tai tiếng.

Dư chấn của thảm kịch này đã làm cho nhạc sĩ Phạm Đình Chương ngưng sáng tác một thời gian dài, để rồi khi đã nguôi ngoai và quay trở lại, ông chỉ viết nhạc buồn, rất buồn, như là Đêm Cuối Cùng, Người Đi Qua Đời Tôi, đặc biệt là Nửa Hồn Thương Đau…

Trái với nhiều lời đồn đoán rằng ca khúc Nửa Hồn Thương Đau được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác ngay sau khi chia tay vợ. Tuy nhiên thực tế thì ca khúc này được sáng tác năm 1970 dành riêng cho phim điện Chân Trời Tím, nghĩa là sau thời điểm đó đến gần 10 năm. Tuy nhiên, dù là bài hát viết cho phim, nhưng chúng ta có thể thấy được phần nào tâm trạng của tác giả trong quãng đời buồn nhất của ông:

Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ…

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version