Ca khúc Suối Mơ được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào khoảng năm 1942, khi ông mới chỉ 19 tuổi. Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng cảng Hải Phòng, nên sông nước là hình ảnh tôi vô cùng yêu thích. Nhiều sáng tác của tôi, đặc biệt là bài Suối Mơ, sông nước đã trở thành hình tượng chính trong giai điệu và lời ca…”.
Click để nghe Thái Thanh hát Suối Mơ trước 1975
Năm 1954, nhà xuất bản Tinh Hoa tại Sài Gòn phát hành nhạc tờ ca khúc Suối Mơ, trong phần tác giả ca khúc đã ghi cả hai cái tên Phạm Duy và Văn Cao. Chính vì điều này mà nhiều người cho rằng đây là sáng tác chung của Văn Cao và Phạm Duy. Tuy nhiên, đến tận năm 1944, Văn Cao mới gặp gỡ và bắt đầu thân thiết với Phạm Duy, khi đó Phạm Duy vẫn còn là chàng ca sĩ du ca theo gánh hát cải lương Đức Huy, đang tập tành sáng tác những ca khúc đầu tiên. Nhắc đến khoảng thời gian này, Văn Cao gọi Phạm Duy là “kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi khắp chốn”.
Có thể rằng sau đó Phạm Duy đã góp ý chỉnh sửa lại một số câu chữ trong bài hát này, tuy nhiên một điều chắc chắn là ca khúc Suối Mơ của Văn Cao đã được trình diễn ở Hải Phòng từ trước khi ông gặp Phạm Duy. Vậy nên việc nhiều người cho rằng Phạm Duy là đồng tác giả của Suối Mơ cùng với Văn Cao là không đúng. Nếu chỉ xét riêng về giai điệu, ca từ của Suối Mơ, có thể thấy sự đồng nhất về phong cách sáng tác với nhiều tác phẩm nổi tiếng khác của Văn Cao giai đoạn này như Buồn Tàn Thu (1939), Thiên Thai (1941), Trương Chi (1942), Thu Cô Liêu (1943),…
Thời kỳ nhạc sĩ Văn Cao sáng tác nhạc lãng mạn trước năm 1945, dù có số lượng khiêm tốn nhưng giá trị của mỗi tác phẩm đều là đỉnh cao mà rất ít nhạc sĩ có thể vươn tới, trong đó có ca khúc Suối Mơ được coi là nhạc phẩm “thoát tục” và nhẹ nhàng nhất với những lời ca bay bổng, uyển chuyển, tuyệt mỹ:
Suối mơ!
Bên rừng thu vắng
Giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng
Ngày chưa đi sao gió vương
Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương
Những lời ca lững lờ, lãng đãng như thơ như mơ, hồ hoặc ẩn mật kéo người nghe đến với dòng suối cội nguồn trong lành, mát lạnh nơi quê nhà của chàng nhạc sĩ trẻ Văn Cao. Theo lời kể của những người thân trong gia đình Văn Cao. Dòng “Suối Mơ” thanh tao, “thoát tục” này chính là dòng suối chạy quanh khu đền Cấm, ở thị trấn Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn.
Khi xưa, đền Cấm là một khu vực rất yên tĩnh, xanh mát với những gốc xoài rừng, vải rừng cổ thụ rất lớn. Dãy núi Cai Kinh ở phía Tây luôn che chắn cho khu đền khỏi ánh nắng buổi chiều, từ sau 3h chiều là hoàn toàn không còn thấy ánh nắng, vì vậy khu vực quanh đền luôn được bao bọc bởi bầu không khí mát lạnh và trong lành. Cảnh quan tuyệt đẹp nơi đây đã không còn nữa từ năm 1968 khi quốc lộ 1A bắt đầu thành hình.
Suối ơi!
Ôi nguồn yêu mến
Còn ghi khi bóng ai tìm đến
Đàn ai nắn buông lưu luyến
Suối hát theo đôi chim quyên
Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối
Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát
Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi…
Ai đã từng một lần dừng chân bên bờ “suối mơ” thần tiên ấy, bên dòng nước trong veo lững lờ soi bóng nắng, nhìn bóng thuỳ dương xanh ngát đôi bờ, nghe tiếng suối róc rách, ngắm hoa trôi lừng hương gió ngát, trông đàn nai đùa trên khóm lá vàng tươi,.. hẳn không thể cưỡng lại ước mơ được sống trong một ngôi nhà bên suối, để tận hưởng dài lâu cảnh sắc thần tiên, thoát tục ấy, để gột rửa mọi ưu tư, phiền muộn và thanh lọc tâm hồn.
Click để nghe Sĩ Phú hát Suối Mơ
Tơ đàn chùng theo với tháng năm
Rừng còn nhớ tới người
Trong chiều nào giữa chốn đây
Hồn cầm lắng tiếng đời
Suối ơi!
Nghe rừng heo hút
Giòng êm đưa lá khô già trút
Còn như lưu hương yêu dấu
Với suối xưa trôi nơi đâu…
Nhưng mơ ước chỉ là mơ ước. Liệu có mấy ai buông bỏ được tất cả những phiền muộn của đời sống, để trở về với cội nguồn nguyên sơ của chính mình? Tiếng đàn réo rắt lưu luyến xưa kia rồi cũng sẽ “chùng theo với tháng năm”. Để rồi, chàng nhạc sĩ trẻ thả vào ca khúc một câu hỏi hoài nhớ, mênh mông: “rừng còn nhớ tới người?”
Bởi đã lâu rồi, người chẳng còn trở lại chốn xưa. Cuộc đời, thân phận, những vướng bận trong đời sống cứ kéo người đi xa xa mãi, đường về, chốn xưa yên bình đã xa mãi tận đâu đâu, dù nỗi hoài nhớ vẫn còn hoài mãi. Nhạc sĩ Văn Cao trong một lần trải lòng, đã bộc bạch về nỗi hoài nhớ khôn nguôi, dai dẳng đó:
“Có nhiều buổi sáng, con người khi hết một giấc mơ lại tiếp tới thấy một giấc mơ khác, những giấc mơ dù không có thật nhưng nó lại đem lại cho mình mường tượng tới những ngày mình sống cũ, nghĩ lại mà nó vẳng lại những tiếng nói của kỷ niệm, đôi lúc kỷ niệm cứ đeo đẳng và không thể quên, những cái đó là những năm tháng tôi tìm được ra những điều mà tôi đã mất đi trong những ngày trẻ tuổi của tôi…”
Click để nghe bản thu âm cũ nhất của bài Suối Mơ còn lại cho đến nay, tiếng hát Văn Lý trong đĩa đá Oria năm 1949
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn