Bài hát “Giọt Mưa Thu” và cuộc đời “vạn cổ sầu” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong

Bài hát “Giọt Mưa Thu” được nhạc sĩ Đặng Thế Phong sáng tác từ năm 1942, trong những năm khởi đầu của nền tân nhạc Việt Nam. Khi sáng tác bài này, nhạc sĩ Đặng Thế Phong chỉ mới 24 tuổi, và đó cũng là năm ông qua đời, khi vẫn còn ở độ tuổi thanh xuân.

Ban đầu bài hát được đặt tên là Vạn Cổ Sầu, nhưng sau đó vì nghe theo lời bạn bè, ông mới đổi tên lại thành Giọt Mưa Thu.

Cho đến bây giờ, không ai biết vì sao chỉ mới ở tuổi 24 mà người nhạc sĩ tài ba (và bạc mệnh) đó lại thấu hiểu được cái “vạn cổ sầu” của kiếp nhân sinh đến như vậy. Phải chăng đó là số mệnh, là một sự báo trước cho kiếp đời buồn bã của ông, cái buồn đã được chép lại trong 3 bài nhạc mùa thu đã trở thành bất tử: Con Thuyền Không Bến, Mưa Thu, và bài hát cuối cùng chính là là Giọt Mưa Thu, được viết trước khi tác giả qua đời chỉ vài tháng.

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ
trong mưa thu
ai khóc ai than hờ!

Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi
mưa buồn chi
cho cõi lòng lâm ly

Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời
châu buông mau, dương thế bao la sầu

Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnh
mây ngỏ trời xanh
chắc gì vui
mưa còn rơi
bao kiếp sầu ta nguôi

Gió xa xôi vẫn về
Mưa chăng mù lê thê
Đến bao năm nữa trời 
Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu…


Click để nghe Thanh Thúy hát Giọt Mưa Thu

Có một giai thoại kể rằng, ca sĩ Thanh Thúy năm 16 tuổi, hàng đêm tại nhà hàng Mỹ Cảnh, cô hát Giọt Mưa Thu với một cảm xúc mãnh liệt. Nàng nhớ đến người mẹ bị lao phổi nặng, đang mỏi mòn chờ con trong căn nhà nhỏ ở con hẻm sâu – nàng đã bật khóc. Những giọt nước mắt đọng trên vành mi của người ca sĩ tuổi mới tròn trăng đã gieo vào lòng Trịnh Công Sơn nỗi xúc cảm tràn ngập để chàng viết thành ca khúc Ướt Mi, rồi sau đó là Thương Một Người.

Về hoàn cảnh ra đời của Giọt Mưa Thu, theo một bài viết của nhạc sĩ Lê Hoàng Long: “Thế rồi, một hôm mưa rơi tầm tã, giọt mưa lộp bộp trên mái lá, thánh thót từng giọt xuống đường, Đặng Thế Phong buồn quá, con tim như thắt lại, máu trào lên để có được một nhạc hứng lai láng, tràn trề khiến ông gượng ngồi dậy viết một hơi điệu nhạc buồn da diết, não nề. Ông viết xong bèn đặt tên cho sáng tác mới ấy là Vạn Cổ Sầu. Chập tối ông Thọ về có thêm dăm người bạn đến thăm, Đặng Thế Phong ôm đàn hát cho mọi người nghe. Nét mặt của mọi người nín thở nghe, đều buồn như muốn khóc. Nghe xong, ai nấy đều khen bài hát thật hay, xoáy vào tim vào óc nhưng cái tên bài bi thảm quá, nên sửa lại thì hơn. Chính vì thế mà Đặng Thế Phong, đổi tên là Giọt Mưa Thu. Có lẽ đây là cái điềm báo trước, là lời di chúc tạ từ nên Đặng Thế Phong lấy mưa ngâu, mùa mưa là dòng nước mắt tuôn chảy lênh láng của Chức Nữ với Ngưu Lang để ví cuộc tình Phong – Tuyết cũng phải cùng chung số phận phũ phàng giống vậy chăng? (Tuyết là tên người tình của nhạc sĩ).

Đến một ngày cuối năm 1941, biết mình khó qua khỏi lưỡi hái của tử thần, Đặng Thế Phong mới ngỏ ý trở về Nam Định để được nằm xuống tại quê nhà và muốn ông Thọ dìu ông về.”

Giọt Mưa Thu được xếp vào những ca khúc hay nhất của tân nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng Giọt Mưa Thu cùng hai nhạc phẩm khác của Đặng Thế Phong khởi đầu cho dòng “nhạc thu” Việt Nam sẽ được Văn Cao và Đoàn Chuẩn tiếp nối sau này.

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u sầu mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ
Trong mưa thu ai khóc ai than hờ…

Thời điểm sáng tác bài này, nhạc sĩ Đặng Thế Phong đã ở giai đoạn cuối của căn bệnh lao nan y, và mùa thu đến với ông cũng như là sự chia ly tìm đến. Có phải là từ khi đó ông đã tự nhận thấy cuộc từ ly của mình đối với đời sống này đã rất gần rồi, nên trong từng giọt mưa thu của mùa Ngâu nhỏ xuống đời, ông đã nghe được lời than khóc rất mơ hồ thoảng theo làn gió lạnh, và rồi cũng nhận ra rằng thực ra đó chính là lời than khóc trong tâm linh của chính mình…

Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
Như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi, mưa buồn chi
Cho cõi đời lâm ly

Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời
Châu buông mau

Dương thế bao la sầu.

Sự mong manh, yếu đuối của sinh mệnh chàng nhạc sĩ cũng không khác gì những con chim non đang run rẩy trên cành kia, chỉ biết khản mỏ gào than chiêm chiếp những lời nỉ non, như là để gửi lời van nài đến trời xanh xin đừng làm cơn mưa gió phủ xuống trần gian những nỗi sầu đau nữa.

“Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về” là câu hát gợi lên niềm thương cảm đến tột cùng. “Liếp che” là những tấm phênh nứa ngày xưa thường được làm vách nhà, nhạc sĩ mô tả cõi lòng mình là muôn bề quạnh vắng và cô đơn, với mặc sức từng cơn gió lùa giá lạnh. Nếu nhà dột nát thì có thể vẫn còn tạm trú được, nhưng cõi lòng đã bị vắng cả muôn bề thì lấy gì để mà che chắn?

Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnh
mây ngỏ trời xanh
chắc gì vui
mưa còn rơi
bao kiếp sầu ta nguôi

Gió xa xôi vẫn về
Mưa giăng mù lê thê
Đến bao năm nữa trời 
Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu…

Mặc cho lời người van lơn, gió xa xôi vẫn về, mưa vẫn giăng mù lê thê trong một mùa Ngâu. Người nhạc sĩ đặt bút ghi lại những tinh túy sau cùng của mình thành ca khúc Vạn Cổ Sầu trong một đêm thất tịch, để rồi không bao lâu sau đó, người vĩnh viễn rời xa khỏi trần thế đau thương này.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã nói về nhạc thuật của tuyệt tác này như sau:

“Trong bài Giọt Mưa Thu, Đặng Thế Phong dung hợp cả hai âm giai thất cung Tây Phương và ngũ cung Việt Nam để nói lên cái hắt hiu, cái lâm ly, cái xa xôi của mùa thu ngoài đời và trong đời mình. Với Giọt mưa thu, Đặng Thế Phong còn cho ta thấy sự chuyển thể khéo léo trong ca nhạc Việt Nam loại mới, xứng đáng là sự nối dài của nhạc cổ truyền. Lối hành âm từ giọng Mi mineur qua La majeur ở nhiều đoạn trong bài Giọt mưa thu chẳng khác chi lối chuyển thể trong loại hát bồng mạc, sa mạc nhưng phong phú hơn. Nếu nghiên cứu theo lối Tây Phương thì ca khúc được xây dựng trên mode dorien rất gần gũi với một dạng trong ngũ cung Á Đông. Âm vực của bài này rất rộng, nét nhạc đi từ nốt Si trầm lên tận Sol cao, cốt ý diễn tả cái sầu thiên cổ trong mùa thu, có mưa rơi không bao giờ ngừng”.


Click để nghe Lệ Thu hát Giọt Mưa Thu

Nhạc sĩ Đặng Thế Phong đã ra đi khi còn quá trẻ, từ năm 1942, khi mà các phương tiện truyền thông vốn đã hiếm, lại chủ yếu là viết về tình hình chính trị xã hội đương thời. Vì vậy thông tin về cuộc đời của nhạc sĩ Đặng Thế Phong không được ghi lại rõ ràng và chính xác, chỉ còn lại là những huyền thoại và giai thoại do người đời truyền tụng, mà có thể phần nhiều là bị thêu dệt thêm.

Những huyền thoại vốn ẩn hiện như trong một màn sương mờ hư ảo, lại bị phủ lên bởi một lớp bụi thời gian dày đặc để rồi sự thật bị trôi dần về lãng quên. Cho nên cuộc đời của nhạc sĩ Đặng Thế Phong và hoàn cảnh sáng tác những ca khúc bất tử của ông cũng hư hư, thực thực, khó lòng kiểm chứng được.

Chính nhạc sĩ Phạm Duy, trong hồi ký của mình, còn nghi ngờ chính người bạn của mình là Bùi Công Kỳ, khi ông này tự nhận là người viết lời cho bài hát Giọt Mưa Thu cùng với Đặng Thế Phong.

Phạm Duy đã viết: “Bùi Công Kỳ là người Nam Định, bạn thân của Đặng Thế Phong. Nó nói nó soạn lời ca cho bài Giọt Mưa Thu, một điều mà tôi vẫn chưa tin là đúng hoàn toàn, vì Đặng Thế Phong qua đời đã từ lâu, làm sao mà mình kiểm chứng được?”

Với Giọt Mưa Thu – Vạn Cổ Sầu, mặc dù tác giả đã đổi tên bài hát để tránh đi sự bi thảm quá mức, nhưng dù với cái tên nào thì bài hát vẫn là một nỗi sầu quá lớn. Mùa thu của Đặng Thế Phong qua bao nhiêu năm tháng vẫn mãi mãi là mùa thu của tình yêu vô vọng, mùa thu của phận đời, phận người nghiệt ngã, mùa thu của tài hoa nhưng bạc mệnh.

Những ngày tháng 7 mưa dầm, nghe lại Vạn Cổ Sầu, thấy lòng bâng khuâng và tiếc nhớ người xưa.

Bài hát này được sáng tác từ năm 1942, sau đó đã được rất nhiều ca sĩ tiên phong của tân nhạc trình diễn trên các sân khấu từ Bắc chí Nam, tuy nhiên đến thập niên 1950 thì nó mới được thu âm lần đầu vào dĩa hát qua giọng hát của danh ca Khánh Ngọc sau đây:


Click để nghe Khánh Ngọc hát, hòa âm của Võ Đức Thu trong dĩa 78 vòng thập niên 1950

Ca khúc này đã được rất nhiều nữ ca sĩ trình bày, nhưng có lẽ bản thu âm trước 1975 của danh ca Thái Thanh sau đây vẫn là đỉnh cao nhất:


Click để nghe Thái Thanh hát trước 1975

Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version