Những người yêu nhạc vàng, có lẽ nhiều người biết đến ca khúc Đừng Gọi Anh Bằng Chú của nhạc sĩ Anh Thy, được Trung Chỉnh và Phương Hoài Tâm hát lần đầu trước năm 75. Sau này thấy hiếm có ca sĩ khác hát lại ca khúc có lời rất dễ thương này:
Em ơi đừng gọi anh bằng chú
Khi em, em chín thơm hoa mộng
Chưa vấn vương gì
em lúc Xuân thì, còn anh mới đôi mươi…
Xin em đừng gọi anh bằng chú
Ô hay sao chú hay mơ mộng
Sao chú hay nhìn sao chú hay cười
Làm con bé bâng khuâng…
Nguồn gốc của sự tích “đừng gọi anh bằng chú” này được tác giá Nguyễn Ngọc Chính ghi lại như sau:
Năm 1963, nhà văn Chu Tử cho ra đời tác phẩm “Yêu”. Ấn bản đầu tiên của “Yêu” đã bán hết 5.000 cuốn chỉ trong vòng 25 ngày! Phải nói đây là một hiện tượng “đột phá” trong văn chương niền Nam vào thập niên 1960.
Chu Tử cũng là nhà văn chủ trương chỉ chọn một chữ cho tất cả mọi sáng tác của mình. Như tiểu thuyết đầu tiên xuất hiện trên thị trường, có tên là “Yêu”. Sau đó là một loạt những tiểu thuyết có nhan đề một chữ như “Sống”, “Huyền”, “Loạn” rồi “Tiền”, “Nắng”…
Trong “Yêu”, Chu Tử kể ra rất nhiều hình thức của tình yêu xảy ra trong gia đình giáo sư Thức với 4 cô con gái ở vào lứa tuổi cập kê. Bốn cô, mỗi người một tính và, do đó, mỗi người “yêu” một kiểu. Cũng vì thế, Chu Tử đặt tựa cho cuốn truyện chỉ vỏn vẹn có một chữ: YÊU!
Chuyện thầy Đạt (bạn của GS Thức) yêu Diễm (con gái của GS Thức) là một chuyện tình… vượt thời gian và cả không gian. Diễm nhớ lại 10 năm trước đây:
“… cái buổi chiều có nắng thu, Đạt cầm tay nàng, xềnh xệch lôi nàng trên con đường mòn đưa tới suối, và nàng lật đật chạy theo Đạt, thỉnh thoảng lại nấc lên một tiếng vì cơn khóc mới chấm dứt… Diễm nhớ lại từng chi tiết khung cảnh chiều hôm đó, từng cử chỉ của Đạt, nhớ lại cả khuôn mặt lầm lì và cái nhìn nghiêm khắc của Đạt, khi Đạt cởi quần áo cho nàng, bế nàng xuống nước… Diễm như sống lại cái cảm giác mênh mông khi nước suối lành lạnh mùa thu làm nàng ôm chầm lấy Đạt và Đạt công kênh nàng lên vai, đưa nàng ra giữa dòng suối, khiến Diễm vừa sợ, vừa thích…. Và Diễm đã nói: “Nhớn lên cháu lấy chú Đạt”.
Mười năm sau, trong một bức thư Đạt gửi cho Diễm có đoạn:
“Lá thư Diễm đọc đây, Diễm coi như một bức thư “tình” cũng được, hoặc coi như thư của “chú” Đạt cũng được! Mà coi như “thư của chú Đạt” thì tiện hơn vì “chú” Đạt thì tất nhiên thực hơn, gần gũi hơn, không thể có những lời giả dối với “cháu” Diễm được…”
“Từ khi mà – cách đây hơn mười năm – giữa dòng suối, Diễm bá cố chú Đạt để hồn nhiên nói với “chú” rằng: “Nhớn lên cháu lấy chú Đạt”, tôi vẫn nhớ lời Diễm, và từ đó, tôi vẫn tự nhủ: “Mình cố gắng làm một cái gì, lập sự nghiệp gì, đợi cho Diễm nó nhớn lên, rồi lấy nó là vừa”.
“Thật là một ý nghĩ ngông cuồng, lãng mạn! Nhưng thú thật với Diễm, là qua cái bề ngoài lừng khừng, khô khan của tôi, “chú” Đạt của Diễm cho đến lúc này, cũng vẫn chỉ là một đứa mơ mộng bất trị “reveur incorrigible” như Ba Diễm thường phê bình tôi.
“Chính vì tôi là đứa mơ mộng hão huyền, nên mặc dầu tôi biết là khi nói “Nhớn lên, cháu lấy chú Đạt” Diễm chỉ là đứa con nít bảy tuổi và Diễm không hiểu “lấy” là thế nào, chỉ mơ hồ thấy Ba má Diễm yêu nhau thì lấy nhau, nên đinh ninh rằng hễ ai yêu ai thì tất nhiên “lấy” nhau!
“Chính vì tôi mơ mộng cho nên tôi vẫn không quên lời “hứa” của Diễm và không hiểu sao, tôi vẫn tin một cách vô lý là Diễm còn nhớ lời Diễm nói, còn nhớ cái buổi chiều “lịch sử” tắm suối đó! Vậy Diễm còn nhớ không hay đã quên, quên hết rồi? Riêng tôi thì tôi nhớ lắm, nhớ một cách rất rành mạch! Tôi nhớ và tôi đợi Diễm nhớn lên!…
“Bây giờ thì Diễm nhớn rồi, Diễm hiểu “lấy” là thế nào rồi. Nhưng Diễm nhớn thì tôi lại thấy mình “già” rồi, “già” nghĩa là không xứng đôi với Diễm chứ không phải “già” là già. Già và nhất là chưa làm được cái gì, chưa lập được sự nghiệp “chó” gì như lời Ba Diễm thường phàn nàn chung cho tôi và cho Ba Diễm!
“Không những chẳng lập được sự nghiệp gì mà còn mất mát rất nhiều. Nhưng tôi càng mất dần tin tưởng ở cuộc đời thì tôi lại càng cố bám vào cái tin tưởng cuối cùng, tin tưởng rằng nhớn lên “Diễm lấy chú Đạt”. Bởi vì tôi vẫn băn khoăn lo một ngày kia mình không những không tin ở lý tưởng bình sinh nữa mà cũng không còn yêu đương nổi nữa! Sống không lý tưởng mà cũng không biết yêu đương thì còn sống để làm gì, có phải không Diễm?”
***
Rốt cuộc, chuyện tình Đạt-Diễm cũng đến một ngõ cụt: mặc dù yêu Đạt, Diễm vẫn phải lên xe hoa với Khải để đem lại niềm vui cho gia đình. Cuộc đời Diễm từ khi lấy Khải luôn sống trong sự ghen tuông của chồng. Phải chăng đó là số mệnh?
Diễm khuyên Đạt nên lấy Trang, một cô học trò cũ. Chính Diễm và Uyển đứng làm chủ hôn. Sau ngày cưới, Đạt và Trang đi Vũng Tàu hưởng tuần trăng mật một tháng. Họ hoàn toàn không biết Diễm và Khải khi ở tiệc cưới ra về gặp tai nạn do quá chén. Khải từ trần và Diễm sống trong hoảng loạn.
Chuyện tình yêu “Thầy-Trò, Chú-Cháu” trong “Yêu” đã trở thành một mối quan tâm của xã hội thời thập niên 60s ở Sài Gòn. Sau này, đề tài đã khiến nhạc sĩ Anh Thy viết nên bản nhạc “Đừng Gọi Anh Bằng Chú”. Điều đó đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng của tiểu thuyết “Yêu” với cuộc sống hàng ngày.
Trong ca khúc Đừng Gọi Anh Bằng Chú, nhạc sĩ Anh Thy có nhắc đến tên 2 nhân vật nổi tiếng thời đó là Đạt và Diễm trong tiểu thuyết của Chu Tử như sau:
Xin em đừng gọi anh bằng chú
Cho anh, anh nói em nghe
chuyện trong sách anh đọc
Ông chú tên Đạt và cháu Diễm yêu nhau…
Để rồi anh thầm nghĩ về mơ ước đôi ta
em là cô cháu Diễm mang áo trinh nguyên…
anh là ông chú trẻ
anh là ông chú Đạt
tàu neo bến tình yêu…
Tuy nhiên không rõ vì lý do gì mà trong bản thu âm trước năm 1975, Trung Chỉnh và Phương Hoài Tâm hát lời giống như vậy mà là có đôi chút khác ở phần lời thứ 2. Mời các bạn nghe ca khúc:
Xem lại tờ nhạc ca khúc này, nhạc sĩ Anh Thy lời tựa: Cho những cô cháu của chú Anh Thy. Theo bà Phạm Thị Nguyệt – em gái của nhạc sĩ kể lại:
“Tôi còn nhớ, ngày đó anh trai tôi nhận được rất nhiều thư ái mộ của các cô gái trẻ, thậm chí còn ngồi trên ghế nhà trường. Thư gửi về gia đình nhiều quá, anh không trả lời hết, nhờ chị em tôi xem giúp. Khi đó, các cô gái cứ viết gọi anh bằng “chú” hay “đại nhạc sĩ”. Đọc thư mà tôi cũng buồn cười. Cũng vì điều này mà anh sáng tác ca khúc “Đừng Gọi Anh Bằng Chú””.
nhacxua.vn biên soạn
Nguồn: tác giả Nguyễn Ngọc Chính