Ca khúc Chiếc Lá Cuối Cùng của nhạc sĩ Tuấn Khanh là 1 trong những ca khúc trữ tình nổi tiếng nhất của thập niên 1950, có sức sống bền bỉ và được nhiều thế hệ khán giả yêu thích trong suốt hơn 60 năm qua.
Click để nghe Lệ Thu hát Chiếc Lá Cuối Cùng trước năm 75
Chiếc Lá Cuối Cùng được sáng tác vào thập niên 1950, nếu so về mặt thời gian thì đây không phải là ca khúc nhạc tiền chiến một cách đúng nghĩa. Tuy nhiên nếu xét về nội dung, với giai điệu và lời ca đẹp như một bài thơ, thì đây là ca khúc mang âm hưởng nhạc lãng mạn thời tiền chiến, mô tả đêm chia ly của một đôi tình nhân. Đây là câu chuyện tình hoàn toàn có thật của nhạc sĩ Tuấn Khanh và một cô gái còn rất trẻ. Trong đêm tạ từ, ông cùng với người yêu đi bên nhau và chờ đến khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống, đó cũng là lúc họ phải xa nhau.
Đằng sau ca khúc nổi tiếng này là hoàn cảnh sáng tác rất đặc biệt mà người viết bài này đã được trực tiếp nghe nhạc sĩ Tuấn Khanh tâm sự. Ngoài ra tác giả cũng chia sẻ về ý nghĩa của từng câu hát trong bài hát này, xin được kể lại ở dưới đây.
Ca khúc Chiếc Lá Cuối Cùng được nhạc sĩ Tuấn Khanh viết cho mối tình thơ của mình với một cô học trò 13 tuổi ở Sài Gòn. Lúc đó ông là ca sĩ Trần Ngọc nổi tiếng, còn cô gái theo ông học nhạc để tham gia một cuộc thi hát. Khi cô gái thi hát xong cũng là lúc không còn học nữa. Đêm cuối cùng tiễn cô gái ra ga tàu điện để về nhà, đường phố hai bên vắng lặng, từng chiếc lá cuốn bay lững lờ. Sài Gòn vào thời đó, tuyến đường sắt nội đô vẫn còn hoạt động, với nhà ga trung tâm là ở bên hông chợ Bến Thành.
Khi cô gái đã lên xe, chàng trai độc bước trở về nhà, nhìn lên bóng cây trơ trọi bên đường khi chiếc lá cuối cùng vừa rơi xuống, trơ trọi và cô độc như chính nỗi lòng của chàng nghệ sĩ. Bầu trời đêm thăm thẳm lấp lánh ánh sao như khắc sâu thêm nỗi cô đơn. Tất cả những điều đó đã tạo nên một khung cảnh không thể nào quên trong lòng người ca sĩ, nhạc sĩ Trần Ngọc – Tuấn Khanh.
Cô học trò vừa mới chớm tuổi dậy thì, mang trái tim thuần khiết, mộng mơ trao cho người thầy. Người thầy ban đầu vô tư, không biết rằng cô trò nhỏ đã sớm mang tâm sự lãng mạn với mình. Tới khi khoá học gần kết thúc, ông mới nhận ra điều đó, khi cô gái mỗi ngày mang theo cuốn sổ nhỏ, khi thì ép cánh bướm, có khi lại là một chiếc lá ép khô tặng người thầy để ngỏ lòng mình. Lúc đó ông không ngờ là cô gái nhỏ này lại nặng tình đến thế.
Sau này, khoảng cuối thập niên 1950, nhớ lại tình cảm với cô học trò bé nhỏ năm xưa, ông đã viết Chiếc Lá Cuối Cùng và trở thành ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình.
Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng
Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang
Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá
Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa…
Trong tờ nhạc phát hành, lời nhạc này được ghi là:
“Đêm CHƯA QUA mà trời sao vội sáng…
Một đàn chim cánh nhỏ TRỞ mùa sang…”
Tuy nhiên chính nhạc sĩ Tuấn Khanh đính chính lại rằng đó là lỗi in sai của nhà xuất bản tờ nhạc. Lời nhạc gốc mà ông viết là:
Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng
Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang…
Nếu nghe lại bản thu âm của Lệ Thu hát trước 1975, có thể thấy ca sĩ Lệ Thu hát đúng như ý tác giả: Đêm qua chưa…
Trong đêm cuối, hai hình bóng sóng vai đưa nhau đi trên con phố nhỏ quen thuộc dẫn ra ga tàu điện, chàng trai thảng thốt thấy thời gian qua nhanh quá, tâm trạng rối bời nên chàng không thể nhận ra là ngày hay là đêm đang phủ xuống. Trạng thái đó khiển kẻ mộng du là nhạc sĩ đặt câu hỏi ngay đầu bài hát: Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng?
Ở hai bên đường, những cánh cửa đã đóng im lìm, không gian vắng lặng, chỉ có đôi chim uyên bé nhỏ đang nhảy bên đường là có thể chứng kiến được phút giây nghẹn ngào của đôi tình nhân:
Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang…
Khi tôi hỏi nhạc sĩ Tuấn Khanh, “đàn chim cánh nhỏ chở mùa” là gì? thì được ông cắt nghĩa cụ thể, xin chép lại sau đây.
Hãy nghe câu hát tiếp theo:
Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá
Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa…
Thực ra thời điểm họ chia tay nhau không phải là mùa thu. Mà mùa thu là mùa của thi nhân, mùa của tình yêu, của nhiều cảm xúc lãng mạn. Nhạc sĩ đã tưởng tượng rằng mùa thu kia đang rong chơi đâu đó ở cuối phương trời kia, và đàn chim uyên cánh nhỏ đã được ông nhân cách hóa. Đôi chim hiểu được tâm sự của đôi bạn bên đường, nên đã kháo nhau cùng đàn bay về cuối trời, chắp từng đôi cánh nhỏ thành một cái bè để chuyên chở mùa thu đến bên đôi tình nhân, là món quà trao cho những kẻ tình si đang thẫn thờ trải qua những phút bên nhau sau cuối.
Trong khung cảnh lãng mạn của một chiều thu được lũ chim uyên ban tặng, họ thấy sầu lạnh lên buốt giá tâm hồn. Đêm đã càng khuya, xung quanh chỉ còn lại tiếng gió thoảng cuốn bay từng chiếc lá trong không trung. Cô gái thầm nói nhỏ, rằng khi chiếc lá cuối cùng trên cành kia rơi xuống, có lẽ cũng là đến lúc em phải bước lên tàu rời xa. Em bước lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế… (Có lẽ thi sĩ Cung Trầm Tưởng cũng thấu hiểu được hoàn cảnh tương tự khi ông viết bài thơ “Chưa Bao Giờ Buồn Thế” ở Pháp).
Đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói
Chỉ nghe em nói nhỏ trở về thôi…
Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói rằng hai câu này đã bị chỉnh sửa lại. Câu gốc mà ông viết ban đầu là:
Đêm chia ly nghẹn ngào sao chẳng nói
Chỉ nghe tim nức nở trở về thôi…
Tuy nhiên lời hát này bị từ chối cấp phép phát hành, vì buồn quá. Thời điểm đó là thời kỳ đầu của nền cộng hòa, âm nhạc còn bị kiểm duyệt khá kỹ. Vì vậy nhạc sĩ đành sửa lại 2 câu hát này thành:
Đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói
Chỉ nghe em nói nhỏ trở về thôi…
Theo nhạc sĩ thì hai câu này cũng thể hiện được trọn vẹn tâm trạng của ông và cô gái lúc đó. Trong giây phút nghẹn ngào không nói nên lời vì sắp phải xa nhau, bỗng nhiên nghe cô gái nhỏ nhẹ nói rằng đã đến lúc rồi, cô phải bước lên tàu, và anh cũng phải trở về thôi…
Click để nghe Tuấn Ngọc hát
Ngày buồn tênh cũng đưa chiều vào tối
Mím môi cười mà nhớ thương khôn nguôi…
Cuộc từ ly này như là một quy luật của sự hợp tan: hợp rồi tan, tan rồi lại hợp. Cô gái nhắn nhủ và an ủi chàng trai như vậy: Họ xa nhau cũng là một quy luật, như là hết ngày rồi đến đêm, hết đêm rồi lại tới ngày, như là “ngày buồn tênh cũng đưa chiều vào tối” vậy. Cô nói rằng nếu còn duyên nợ, họ sẽ có thể quay lại được về với nhau.
Biết là như vậy nhưng sao cả 2 vẫn thấy nghẹn ngào. Trong giây phút đó, cô gái nói: “- Em đã cười rồi này, anh hãy cười lên đi…” Chàng trai cũng gượng cười, nhưng đó là một nụ cười trong đau khổ, miệng thì mím môi cười cho người yêu vui lòng, nhưng không ngăn được dòng nước mắt.
Câu hát này ban đầu được viết là: “Mím môi cười mà nước mắt tuôn rơi…”, nhưng như vậy thì buồn quá, nên khi phát hành đã sửa thành “nhớ thương khôn nguôi”.
Cô gái bước lên tàu, chàng trai đứng lại nhìn theo, cõi lòng tê dại, quay quắt vì nhớ. Những kỷ niệm cũ ùa về, phủ kín tâm hồn chàng, đóng băng không gian và thời gian xung quanh:
Mộng về một đêm xuân sang
Em thì thầm ngày đó thương anh
Thuyền về một đêm trăng thanh
Say mộng vàng đậu bến sông xanh…
Chàng trai nhớ lại những ngày tháng bên nhau vừa qua, khi em thì thầm nói thương anh, họ cùng nhau xây mộng vàng, thơ mộng như hình ảnh thuyền về đậu đêm trăng thanh. Nhưng vì hoàn cảnh, họ đành phải xa nhau, rồi tiễn đưa nhau trong một đêm trăng sao.
Mộng tràn ngập đêm trăng sao
Sao đầy trời từng chiếc lấp lánh…
Phải chăng vì mắt đã ướt nhoè nên những ngôi sao trên bầu trời kia cũng nhòe lệ mà lấp lánh?
Chính nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng chia sẻ rằng những ngôi sao đêm hôm ấy lấp lánh lạ thường. Trời đêm ở thành phố phồn hoa như Sài Gòn thì khó có thể thấy được những vì sao sáng lấp lánh. Nhưng trong đêm này, có lẽ vì thấu hiểu được lời thở than của đôi bạn nên ngàn sao cũng đã lấp lánh như lời hồi đáp tới họ, chia sẻ nỗi buồn mênh mông như bầu trời mà họ phải gánh chịu.
Rồi một chiều xuân thơ trinh
Cho lòng mình về với dĩ vãng…
Trong một ca khúc tràn ngập nỗi buồn như vậy, có buổi chia tay nào mà không mang nỗi buồn luỵ. Nhưng nhạc sĩ nói rằng ông vẫn muốn để lại một tia hy vọng cho ca khúc bằng 2 câu hát trên, như một tia sáng lẻ loi trong đêm trường âm u và lạnh giá. Tác giả bài hát hy vọng rằng sẽ có một chiều xuân thơ trinh nào đó, lòng minh sẽ được trở về với dĩ vãng. Dĩ vãng tươi đẹp vì có người yêu ở đó, đã từng cùng nhau say xưa giấc mộng vàng.
Xa nhau chưa mà lòng nghe quạnh vắng
Đường thênh thang gió lộng một mình ta
Con tàu chở cô gái đã rời đi từ bao giờ, hơi ấm của đôi tay trao nhau vẫn còn trong đêm lạnh. Chàng trai vẫn đứng đó, thẫn thờ tự hỏi: “Xa nhau chưa mà lòng nghe quạnh vắng?”. Và rồi thảng thốt nhận ra, trước mặt mình chỉ còn “đường thênh thang gió lộng”. Cảm giác cô độc, lạnh lẽo phủ xuống tâm hồn chàng trai.
Rượu cạn ly uống say lòng còn giá
Lá trên cành một chiếc cuối bay xa…
Chàng trai mượn ly rượu say để quên đi trống vắng, lạnh lẽo của đêm xa nhau. Vậy mà rượu đã cạn, càng uống càng thấy rằng không có gì có thể thay thế được người yêu. Lòng chưa ấm lại được, ngẩng lên nhìn thì thấy chiếc lá cuối cùng trên nhành cây họ thấy ban đầu, giờ cũng đang lìa khỏi cành. Lúc này, chàng nhạc sĩ mới sực tỉnh cơn cay và nhận ra rằng người yêu thực sự xa rồi. Nàng đã vuột khỏi tay chàng như chiếc lá cuối cùng kia rời khỏi cây không bao giờ còn có thể quay trở lại. Đó là một cảm giác cay đắng và tuyệt vọng…
Đông Kha (Ghi theo lời kể của nhạc sĩ Tuấn Khanh)
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn