Tháng 5-1985, trong dịp Văn Cao vào công tác vài ngày tại Sài Gòn, tôi có tới thăm và tranh thủ hỏi chuyện về thời trai trẻ và hoàn cảnh ra đời một số tác phẩm nổi tiếng của ông.
Ông cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng trong một gia đình nghèo, học nhạc trong một trường dòng. Sau khi bố chết, năm 1940 lúc 17 tuổi theo chị vào Sài Gòn làm hãng quảng cáo. Thời gian này, ông có sáng tác nhạc, nhưng chưa thành hình. Những gì viết được hồi đó được dùng làm chất liệu cho các bài sau này.
Bức chân dung tự họa được nhạc sĩ Văn Cao tặng cho tác giả bài viết này
Nhạc sĩ Văn Cao “bật mí” với tôi: Ca khúc Thiên Thai nguyên là bài Trên sông Hương được ông sáng tác tại Sài Gòn, từng đem ra trình diễn nhưng không thành công. Năm 1941, khi trở lại Hải Phòng, ông sửa chữa lại cả nhạc lẫn lời và đặt tên là Thiên Thai. Đây đúng là chuyện ít người biết. Cổ tích Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi lạc vào động Thiên Thai rồi kết duyên cùng tiên nữ, qua tài năng sáng tạo nghệ thuật âm nhạc của Văn Cao được nâng lên thành một giai thoại hết sức nên thơ và hấp dẫn.
Ngay trong lần xuất bản đầu tiên tác phẩm Thiên Thai tại Hà Nội, Văn Cao cũng đã thổ lộ cảm nghĩ của mình khi sáng tác bằng mấy câu đặt ở đầu bài: “Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi”.
Sau khi ra đời, bài hát nhanh chóng được đông đảo người nghe đón nhận hết sức nhiệt tình. Bài hát đã bay cao bay xa, vượt không gian và thời gian để thành tác phẩm âm nhạc sống mãi trong lòng quần chúng.
Bài hát Suối mơ, một trong những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao, một ca khúc trữ tình lãng mạn, bay bổng những ước mơ cao đẹp. Nét nhạc nhẹ nhàng, duyên dáng như nét bút uyển chuyển của một họa sĩ tài năng vẽ nên những hình ảnh nên thơ “bên rừng thu vắng, dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng”. Lời ca trau chuốt gọt giũa như những câu thơ giàu nhạc điệu với nhiều hình tượng đẹp về “con suối róc rách”, “bóng cây thùy dương”, “đàn nai đùa trong khóm lá”… Ca khúc với hình thức ba đoạn đơn ABA’, giai điệu từ giọng “la thứ” nhẹ nhàng thơ mộng từ từ chuyển sang giọng “la trưởng” bay bổng thiết tha, rồi lại trở về giọng “la thứ”, tái hiện âm hình chủ đạo ban đầu để rồi kết thúc trọn vẹn ca khúc.
Gặp gỡ nhạc sĩ Văn Cao lần này, sau khi hỏi chuyện về ca khúc Thiên Thai, tôi lại “phỏng vấn” về bài Suối mơ. Ông vui vẻ cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng cảng Hải Phòng, nên sông nước là hình ảnh tôi vô cùng yêu thích. Nhiều sáng tác của tôi, đặc biệt là bài Suối mơ, sông nước đã trở thành hình tượng chính trong giai điệu và lời ca…”.
Ông cho biết thêm: Sau khi sáng tác Suối mơ vào năm 1942, cùng năm đó ông bắt tay vào viết bản Trương Chi 1 từ ba bài gộp lại, trong đó có bài Suối mơ. Nhưng về sau nhận thấy Suối mơ được phổ biến lan rộng, nên đã giữ nguyên bài Suối mơ độc lập, thay bài khác vào làm thành bản Trương Chi 2 (1945), bản đang lưu hành hiện nay. Có lẽ ít người biết rằng ca khúc Suối mơ nổi tiếng được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác lúc còn là một chàng trai trẻ mới 19 tuổi.
Trích bài của nhạc sĩ Trương Quang Lục đăng trên báo SGGP