Những người ly hương, xa xứ, có lẽ ai cũng thấy bùi ngùi xúc động khi nghe ca khúc “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ thơ Du Tử Lê. Bài thơ – bài hát nói về nỗi cô đơn, hiu quạnh của một người bị đẩy đi rời xa khỏi cố xứ, đếm thời gian chầm chậm trôi qua trong nỗi nhớ vô cùng với quê hương ở bên kia bờ đại dương.
Năm 1978, sau ba năm lưu lạc nơi xứ người, nhà thơ Du Tử Lê sáng tác “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn” trong một tâm trạng như vậy.
Trong bối cảnh sau giờ tan sở ca hai (vào buổi tối muộn), ông lái chiếc xe cà rịch cà tàng trên đường về nhà giữa đêm trăng thanh gió mát, cùng với nỗi buồn thê lương nơi đất lạ quê người. Nhìn trước, sau, chỉ có duy nhất vầng trăng là đang dõi theo lộ trình hiu quạnh đó.
Nguyên tác bài thơ như sau:
đêm về theo vết xe, lăn
tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên, vàng
tìm tôi đèn thắp hai hàng
lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
ngỡ hồn tu xứ mưa bay
tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
đêm về theo bánh xe, qua
nhớ tôi Xa Lộ, nhớ nhà Hàng Xanh
nhớ em kim chỉ khíu tình
trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
nắng Trương Minh Giảng. Lá hè Tự Do
nhớ nghĩa trang: quê bạn bè
nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
đêm về theo vết xe, lăn
tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào?
Click để nghe danh ca Thái Thanh hát Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn
Năm 1981, nhạc sĩ Phạm Đình Chương định cư tại Hoa Kỳ. Tình cờ bắt gặp bài thơ Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn trên trang báo, ông biến ngôn ngữ trong thi ca thành ca khúc tuyệt vời mang cùng tựa đề.
Có một thông tin thú vị liên quan đến quá trình nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc cho bài thơ này, cũng là bài mà ông phải mất nhiều thời gian nhất trong tổng số 20 bài thơ phổ nhạc nổi tiếng trong sự nghiệp âm nhạc.
Phạm Đình Chương đã phải vật vã nhiều đêm với bài thơ đến độ nhà văn Mai Thảo, trong những lần ở lại nhà Phạm Đình Chương đã phải bực mình và văng tuc:
“Sao không vứt m* nó bài thơ đó đi….”
Và nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng bực mình đáp trả:
“Anh câm cái mồm anh đi. Anh biết m* gì về âm nhạc mà nói”
Lý do nhạc sĩ Phạm Đình Chương vật vã đến hơn nửa năm với bài Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn, được cho rằng là vì ông muốn phá bỏ cái nhịp đều đặn của thơ lục bát. Bài thơ được sáng tác năm 1978 nhưng đến 1980 mới được phổ biến trên báo, và được phổ nhạc năm 1981. Bài hát được những danh ca Thái Thanh, Lệ Thu, Quỳnh Giao, Tuấn Ngọc, Ý Lan, Vũ Khanh… thể hiện và đi vào lòng hàng triệu người Việt ly hương ở trên khắp thế giới.
Click để nghe Vũ Khanh hát Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn
Bài thơ được phổ thành bài hát, lời gần như nguyên vẹn, chỉ đổi 1 vài chỗ nhỏ:
Đêm về trên bánh xe lăn
Tôi trăng viễn xứ, hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố, sương quàng cổ cây
Ngỡ hồn tu xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi, mỗi ngày mỗi xa
Đời tan, tan nát chiêm bao
Tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào
Đêm về trên chiếc xe qua
Nhớ tôi xa lộ, nhớ nhà Hành Xanh
Nhớ em, kim chỉ khíu tình
Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
Nhớ mưa, ôi nhớ mưa!
Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do
Nhớ nghĩa trang xưa, quê hương bạn bè
Nhớ pho tượng lính, buồn se bụi đường.
Bài thơ – bài hát có 1 vài câu hoặc chữ đã làm cho khán giả cảm thấy khó hiểu, có người đã gửi thắc mắc đến cho chính Du Tử Lê, và đều được ông giải thích rõ ràng, cặn kẽ trong một bài viết. Ví dụ như câu:
“Ngỡ hồn tu xứ mưa bay”
Không ai hiểu “hồn tu xứ” nghĩa là gì. Về câu này, cố thi sĩ Du Tử Lê đã nhận lỗi về mình khi không đánh dấu phẩy vào ở giữa: “Ngỡ hồn tu, xứ mưa bay”, như vậy thì sẽ dễ hiểu hơn nhiều. Ông nói rằng trong một tâm trạng tha thiết về cố hương, ông ngỡ hồn đi tu. Mà đi tu ở đâu? Đi tu ở “xứ mưa bay”.
Du Tử Lê không dùng một nơi chốn cụ thể nào, mà chỉ nói là “xứ mưa bay”, muốn nói rằng đó là một nơi chốn hiu quạnh, ẩm ướt, để cực tả tính cô đơn của linh hồn.
Trong bài thơ, cố thi sĩ Du Tử Lê còn dùng một chữ cổ mà hiện nay ít thấy, đó là: Nhớ em kim chỉ khíu tình.
Nhiều nơi ghi là “khứu tình”, nhưng tác giả đã đính chính lại từ mà ông dùng là “khíu”. Xin trích lại nguyên văn lời giải thích của ông:
“KHÍU là động từ, giống như động từ VÁ. Nhưng KHÍU khác VÁ ở chỗ: Vá là hành động dùng một miếng vải khác để lấp, che, đậy, phủ lên một chỗ rách trên áo quần cũ, chỗ rách này thường là không quá lớn, không góc cạnh, vá chỉ có thể thực hiện được, một khi chiếc áo hay quần mà chúng ta muốn vá chưa quá cũ tới mức lúc đụng tới, chẳng những không thể vá được mà, nó còn làm cho chỗ rách bị rách thêm vì sợi vải đã muốn mủm rồi!
Trong trường hợp chỗ rách không thể vá được, người ta lấy kim “khíu” tạm để dễ trông hơn, đỡ thảm hại hơn.
Do đó, “khíu” là không dùng một miếng vải nào khác, để che, lấp, phủ lên chỗ rách mà, người ta dùng kim và chỉ, khâu qua khâu lại, với hy vọng có thể lấp, che được chỗ rách ấy.
Tóm lại, khi tôi viết “nhớ em kim chỉ khíu tình” là muốn nhấn mạnh tới cái tinh thần vun vén, cố gắng tối đa của người con gái, để níu giữ mối tình đã có nguy cơ tan vỡ của người ấy.
Tinh thần “khíu” đó, theo tôi, cũng là một trong những cái nết, hay truyền thống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Trừ trường hợp bất khả kháng, họ không bao giờ muốn mất một tình yêu. Dù cho để có nó, họ phải chịu nhiều thiệt thòi, cay đắng!”
Về hoàn cảnh sáng tác cụ thể của “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn”, cố thi sĩ Du Tử Lê kể lại như sau:
Bài thơ Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn tôi viết vào tháng 12 năm 1978. Lúc đó tôi đã làm cho hãng Rockwell International được hơn 3 năm. Vì tôi vào sau lên làm ca 2 vào ban đêm. Tôi muốn nói rằng hơn 3 năm, người bạn đi cùng với tôi trên đường đi làm là vầng trăng. Nhưng mà cho đến cái ngày tôi viết bài thơ đó, cách ngày Noel chừng 1 tuần, tôi chợt thấy rằng giữa tôi và vầng trăng ấy, dù đã hơn 3 năm, nó vẫn là 1 điều xa lạ. Tôi không thể tìm thấy sự đồng cảm, không thấy được sự thân thiết, thân ái hay biết ơn vầng trăng ấy. Mặc dù cũng là vầng trăng đó thôi nhưng dường như nó to hơn trăng ở Việt Nam.
Tôi trở về, ngồi xuống và viết vầng trăng lăn trên bánh xe. Bánh xe của tôi để lại những vết xe trên đường, và vầng trăng soi theo những vết bánh xe đó. Nhưng mà tất cả những “lăn tới đó” là nó lăn tới ở một cái nơi mà tôi nghĩ đó là quê hương tôi. Giống như sự trôi chảy của trí nhớ dẫn tôi về với quê hương của mình. Mà quê hương của tôi tất nhiên là không thể nói một cách trừu tượng được, thì tôi chọn những cái nơi mà cuộc đời trước đó trải qua nhiều nhất. Đó là những nơi rất “nhà quê”, như Hàng Xanh, Thị Nghè, Trương Minh Giảng… Và không ngờ những cái điều đó đã trở thành điều thân thiết cho những người Việt ly hương sau này, khi họ nghe bài thơ đó qua nét nhạc Phạm Đình Chương.
nhacxua.vn biên soạn