Có nhiều người cho nhạc sĩ Trúc Phương là Ông Hoàng Nhạc Boléro, nghĩa là vua sáng tác nhạc Boléro, và cũng không ít người đã cho ông sáng tác ra nhiều bài… nhạc sến.
Theo suy nghĩ của riêng tôi, người ta đã đặt cho cố nhạc sĩ Vinh Sử danh hiệu là “Vua Nhạc Sến” mới là đúng hơn, không nên mơ hồ đánh đồng nhạc sĩ nào sáng tác ra nhiều nhạc Boléro cũng đều là nhạc sến. Thử nghe, đọc lại và so sánh các bản nhạc của hai nhạc sĩ này, chúng ta dễ nhận ra nghệ thuật tiết tấu giai điệu cùng cách dùng từ của họ không đồng điệu với nhau, cho dù là cùng sáng tác bằng một điệu Boléro.
Sến trong sáng tác có nghĩa như thế nào?
Bỏ qua nguồn gốc cái tên vốn vẫn còn chưa thống nhất, thì theo tôi, một bài nhạc có ca từ dễ dãi, hời hợt thiếu chiều sâu, một bài thơ có lời thơ lâm li bi đát cải lương mới gọi là nhạc sến và thơ sến. Có nhiều người cho nhạc Boléro đều là nhạc sến là sự đánh đồng. Những sáng tác “sến” là những sáng tác trước năm 1975 người ta gọi là “nhạc ba xu, thơ lá cải” nghĩa là rẻ tiền, không có giá trị nghệ thuật. Và từ trước đến nay, những tác giả đã sáng tác thiên về sến rồi thì khó mà thay đổi được tư chất sáng tác trong suốt cả đời mình.
Riêng về bài Con Đường Mang Tên Em của nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác năm 1964, bị nhiều người chê là một sáng tác “sến” của Trúc Phương, được viết theo điệu Habanera, không như phần nhiều nhạc của ông làm theo điệu Boléro. Cũng đi sâu hơn về nội dung bài hát để xem bài hát này “sến” như thế nào.
Click để nghe Chế Linh hát
Mỗi bài ca của các nhạc sĩ trước năm 1975 phần nhiều là mỗi bài kể lại mỗi chuyện tình, thường là chuyện tình tan vỡ, nhạc khúc Con Đường Mang Tên Em của Trúc Phương cũng như vậy, nhưng như hầu hết nhạc của ông, không dài dòng dàn trải chuyện tình, mà là khúc tiếng lòng si tình thất tình được thốt lên bằng những ca từ tha thiết được chắt lọc từng câu từng từ như một bài thơ tình đầy khắc khoải ưu tư:
Trở lại chuyện hai chúng mình
Khi em với anh vừa biết đam mê tình yêu tràn trề
Đường mòn đêm vắng bước chân em nhớ tên.
Điệp khúc 1 mở đầu cho câu chuyện tình của hai người khi còn tha thiết đón đưa nhau trên một con đường. Câu cuối của điệp khúc này là “Đường mòn đêm vắng bước chân quen nhớ tên”. Nhớ tên là nhớ tên ai? Nhớ tên gì? Tác giả không nêu lên rõ rệt, làm thành ba dấu chấm lửng lơ để cho chúng ta tự suy nghĩ và cảm nhận! Có phải đây là cách sử dụng ca từ của Trúc Phương để cho người nghe và người đọc phải suy ngẫm và tìm ra cho mình mỗi người một cách hình dung phán đoán riêng.
Rồi thời gian qua lối này
Khi tay trắng tay, buồn vác lên vai hành trang đường dài
Vì đời nên giả mắt giai nhân cho đời.
Câu cuối của điệp khúc 2: Đúng chính xác theo bản gốc của ấn phẩm tờ nhạc do nhà phát hành in là “giả mắt giai nhân”. Theo tôi nghĩ, nguyên văn ca từ của Trúc Phương là “trả mắt giai nhân”. Vì đời xui khiến phải ngăn cách nhau, thôi đành trả lại mắt giai nhân kia lại cho đời. Có thể là người sắp bản in cho tờ nhạc là người Bắc nên quen tiếng phát âm của vùng miền, đã sắp chữ “trả” thành chữ “giả” chăng? Những ca sĩ nào khi trình bày nhạc phẩm này, nên mạnh dạn hát là “trả”. Vì “giả mắt giai nhân” là hoàn toàn không có nghĩa.
Các bạn có thể nghe lại phiên bản thu âm trước 1975 này của Hoàng Oanh và Duy Khánh, có thể thấy ca sĩ Duy Khánh phát âm rất rõ chữ “trả mắt giai nhân”.
Click để nghe Duy Khánh và Hoàng Oanh song ca
Nghe buốt giá lúc nửa đêm nhớ đêm
lửa ngun ngút lúc gọi yêu về tim.
Con đường tình sử nằm đây,
đèn khuya mắt đỏ còn đầy dấu xưa
Khúc này như một khổ thơ hay. Lửa ngun ngút lúc gọi yêu về tim, như một câu thơ của một thi sĩ khổ công lắm mới phát ra được thứ ánh sáng tình yêu nhiệt cuồng đam mê như vậy.
Nếu chú ý đến hai câu cuối của khúc này thì chúng ta dễ nhận ra đó là hai câu thơ lục bát:
Con đường tình sử còn đây
đèn khuya mắt đỏ còn đầy dấu chân.
Là hai câu thơ lục bát của một nhà thơ tài hoa lắm mới làm nổi hai câu tuyệt tác đến thế. “Đèn khuya mắt đỏ”. Mắt đỏ đèn khuya thao thức đầy dấu xưa kỷ niệm. Trúc Phương đã đưa chúng ta đến những loạt hình dung ẩn dụ. Tôi đoan chắc là một “nhạc sĩ sến” không thể nào có đủ tư duy để cấu trúc được nghệ thuật tượng hình như vậy.
Đường chẳng riêng hai chúng mình
Nên khi vắng anh đường đã thay tên, còn chăng kỷ niệm
lạnh đầy theo tiếng bước ưu tư đi tìm.
Click để nghe Thanh Thúy hát
Giữa điệp khúc 3 cũng là đoạn cuối: “Đường đã thay tên” lại thêm lần nữa làm cho người nghe và người đọc không rạch ròi được ý nghĩa của hai từ “thay tên”. Đành phải suy nghiệm theo cách riêng là khi còn nhau, tác giả gọi là Con Đường Mang Tên Em, khi mất Em rồi thì Con Đường đã thay tên là Con Đường Kỷ Niệm hoặc là Con Đường Tình Lỡ… Mà trong bài hát Con Đường Mang Tên Em, nhạc sĩ Trúc Phương đã trân trọng ca tụng Con Đường đó là Con Đường Tình Sử.
Nhạc Trúc Phương thấm đẫm tình đời, ông đã tạo ra cho mình một giai điệu và chất ca từ riêng. Mỗi giai điệu ca từ của ông như được chảy ra từ trái tim thấm thía nỗi cô đơn của một nghệ sĩ si tình và thất tình. Cũng giống như các nhạc sĩ tài hoa cùng thời, ông đã trải qua nhiều mối tình thắm thiết yêu thương rồi tan vỡ trái ngang. Và đó cũng là chất liệu cho Trúc Phương sáng tác nhiều bài nhạc để đời đi vào lòng người bằng những khúc tình ca ray rức ưu tư thân phận con người.
Bài hát là những tâm tư tình cảm rất gần gũi với đại chúng, dễ đi vào lòng người, ca từ dễ hiểu nhưng không hề bình dân, và không thể nào bị xếp chung vào loại nhạc “sến” được.
Tuy nhiên suy cho cùng, “sang” hay “sến” thì đều có đối tượng khán giả riêng. Thí dụ như không thể nào bắt một anh phụ hồ nghe Đường Chiều Lá Rụng (Phạm Duy) để hiểu về những triết lý nhân sinh trong đó được, cho nên mỗi dòng nhạc đều phục vụ cho những khán giả khác nhau, điều đó mới thể hiện được sự đa dạng và phong phú của nền nghệ thuật phục vụ đại chúng.
Cũng xin nói thêm liên quan tới việc in sai lời nhạc đã nói ở trên, việc nhạc tờ gốc phát hành trước năm 1975 không phải lúc nào cũng in đúng chính xác 100% với lời mà nhạc sĩ đã sáng tác ra. Khi một nhạc sĩ sáng tác xong bài hát, được hãng đĩa mua bản quyền để thu âm, nhạc sĩ còn bán bản quyền bài nhạc cho một nhà xuất bản tờ nhạc, đó có thể là nhà xuất bản Minh Phát, Tinh Hoa Miền Nam, Mỹ Hạnh, Diên Hồng, Sóng Nhạc… Khi bán đứt bản quyền như vậy, việc sắp chữ cho bản in thuộc về nhà xuất bản, vì vậy công việc của một anh “thợ sắp chữ” hoàn toàn có thể xảy ra sai sót mà ngày nay người ta thường gọi là “lỗi đánh máy”, dẫn tới một số chữ bị sai khác với lời nhạc mà tác giả đã viết ra. Chỉ một số ít nhạc sĩ nổi tiếng có khả năng tự phát hành nhạc tờ mà không bán đứt bản nhạc cho nhà xuất bản, kể như Lam Phương, Hoàng Thi Thơ… nhưng không có nhiều nhạc sĩ có đủ “tự tin” tự phát hành nhạc tờ như vậy.
Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn