Thi sĩ Nguyên Sa và nhạc sĩ Song Ngọc đều là những tên tuổi lớn trong làng thi ca ở Miền Nam trước năm 1975. Những vần thơ trác tuyệt của Nguyên Sa đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, nổi tiếng nhất là nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Ngoài ra còn có nhạc sĩ Anh Bằng (Nếu Vắng Anh, Mai Tôi Đi), Phạm Đình Chương (Màu Kỷ Niệm), Phạm Duy (Vết Sâu)… Tuy nhiên, ít người biết rằng nhạc sĩ Song Ngọc mới là người đầu tiên phổ nhạc cho thơ của Nguyên Sa, đó là bài hát Tiễn Đưa, được viết năm 1961 khi Song Ngọc mới có 18-19 tuổi.
Nguyên Sa đã nói rằng Paris luôn mang lại cho ông những cảm xúc biệt ly. Năm 1954, khi ông hoàn thành chương trình học và phải rời bỏ Paris để về lại Việt Nam, là một buổi chia lớn, đầy lưu luyến, thì trước đó đã nhen nhúm nhiều cuộc biệt ly nhỏ khi rời Paris để đi về sinh sống ở những vùng phu cận là Coulommiers, Rambouillet, Provins. Paris chứa đựng cả một phần đời, có cả tình yêu với người vợ bé nhỏ, nên Nguyên Sa gọi đến Paris là về, còn đi những nơi khác là đi, như trong bài Tiễn Biệt (được nhạc sĩ Song Ngọc viết thành ca khúc Tiễn Đưa):
Người về đêm nay hay đêm mai
Người sắp đi chưa hay đi rồi…
Những cảm xúc lớn lao, dao động mạnh đã mang lại cho Nguyên Sa hoàng loạt bài thơ về biệt ly trong những năm sắp sửa (và đã) rời xa nước Pháp, đó là: Tiễn Biệt (năm 1953), Paris (1954) và Paris Có Gì Lạ Không Em (1955). Cả 3 bài thơ này đều được phổ thành những bài hát rất nổi tiếng của các nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên, Song Ngọc và Anh Bằng.
Trong chương trình Paris By Night cách đây 15 năm, nhạc sĩ Song Ngọc có kể về kỷ niệm với thi sĩ Nguyên Sa và hoàn cảnh sáng tác của bài hát Tiễn Đưa, được ông phổ từ bài thơ Tiễn Biệt của Nguyên Sa.
Nguyên tác bài thơ như sau:
Người về đêm nay hay đêm mai
Người sắp đi chưa hay đi rồi
Muôn vị hành tinh rung nhè nhẹ
Hay ly rượu tàn run trên môi
Người về trên một giòng sông xanh
Trên một con tàu hay một ga mông mênh
Sao người không chọn sông vắng nước
Hay nước không nguồn cho sông đi quanh
Sao người đi sâu vào không gian trong
Bức tường vô hình nên bức tường dầy mênh mông
Và sao lòng tôi không là vô tận
Cho gặp gỡ những đường tàu đi song song
Người về chiều nắng hay đêm sương
Người về đò dọc hay đò ngang
Câu thơ sẽ là lời hò hẹn
Nhưng nói làm gì tôi xin khoan
Nhưng người về đâu, người về đâu
Để nước sông Seine bỡ ngỡ chảy quanh cầu
Sao người không là vì sao nhỏ
Để cho tôi nhìn trong đêm thâu
Sao người không là một cung đàn
Cho lòng tôi mềm trong tiếng than
Khi trăng chảy lạnh từng chân tóc
Khi gió se trùng muôn không gian
Sao người không là một con đường
Sao tôi không là một ga nhỏ
Mà cũng có những giờ gặp gỡ
Cũng có những giờ chia tan?
Người về lòng tôi buồn hay lòng tôi vui
Áo không có màu nên áo cũng chưa phai
Tôi muốn hỏi thầm người rất nhẹ:
Tôi đưa người hay tôi đưa tôi?
(Paris, 1954)
Vào năm 1961, khi đó Nguyên Sa đã là một nhà thơ rất nổi tiếng với nhiều tác phẩm được giới sinh viên học sinh thuộc nằm lòng. Ngoài ra ông cũng là giáo sư triết học Trần Bích Lan dạy học ở nhiều trường và nổi danh trong ngành. Còn nhạc sĩ Song Ngọc lúc đó mới chỉ là 1 chàng trai còn đang học trung học.
Một hôm, có một người bạn gái chép tặng cho nhạc sĩ Song Ngọc một bài thơ có tựa đề là Tiễn Biệt. Ông tưởng rằng bài thơ là của cô bạn gái sáng tác, vì rất thích bài thơ này nên ông đã thức trắng nguyên một đêm để phổ thành nhạc, lấy tựa đề là Tiễn Đưa. Sau khi hoàn thành xong, ông cầm bài hát đi khoe với bạn bè, thì mới được bạn cho biết đây là 1 bài thơ rất nổi tiếng của thi sĩ Nguyên Sa lúc đó.
Click để nghe Khánh Ly hát Tiễn Đưa (thu âm trước 1975)
Song Ngọc nghe vậy rất bất ngờ, rồi quyết định đến gặp thi sĩ Nguyên Sa tại nhà ở đường Pasteur để xin phép phổ bài thơ thành nhạc. Với vai vế chỉ là một học sinh trung học, so với một giáo sư dạy học như Nguyên Sa vốn rất oai phong, được kính nể, nên khi tới nhà, Song Ngọc rất rụt rè, lấp ló ở bên ngoài cửa, rồi bạo gan đi vào thưa chuyện. Đoạn đối thoại sau được Song Ngọc kể lại:
Song Ngọc: – Thưa anh ạ
Nguyên Sa: – Cậu tìm ai đó
– Thưa anh, có phải anh là Nguyên Sa không ạ
– Vâng, cậu muốn gì?
– Thưa anh, em là Song Ngọc, em có phổ nhạc từ 1 bài thơ của anh, thành ra em muốn lại thưa với anh…
– Nhớ nhé, sau này khi mà anh có phổ bài thơ của ai thì anh phải xin phép trước nhé…
– Dạ, dạ, thưa anh, em xin phép anh em về
Khi ra tới cửa, như sực nhớ, Song Ngọc quay lại nói tiếp:
– Dạ thưa anh, cho phép em để tên anh trong bài hát được không ạ?
– Thôi nhé, không cần đâu nhé…
Thời điểm đó, Song Ngọc còn rất nhỏ, chưa có tên tuổi gì, nên có thể vì vậy mà nhà thơ Nguyên Sa đã từ chối việc để tên mình trên một nhạc phẩm của một “thằng bé” không ai biết là ai.
Không ngờ bài Tiễn Đưa sau đó đã rất được công chúng yêu thích. Khi nhà xuất bản Diên Hồng phát hành tờ nhạc bài Tiễn Đưa, họ đã tự đề thêm tên Nguyên Sa vào tờ nhạc: Nhạc Song Ngọc, ý thơ Nguyên Sa.
Nhạc sĩ Song Ngọc kể lại, khi ông ra Thủ Đức học khóa 14 trường BB một năm sau đó, những đêm học tập ở ngoài rừng, mang theo radio để nghe Thanh Thúy hát bài Tiễn Đưa, ông cảm thấy rất ấm lòng:
Người về chiều mai hay đêm nay
Người sắp đi hay đã đi rồi
Muôn vị hành tinh rung rung
Lung linh thềm ga vắng
Hay rượu tàn rung trên môi
Người về nhặt sao rơi đêm nay
Đường sắt kia trên những con tàu bùi ngùi
Sao đường tàu không đi quanh
Cho con tàu xuôi bến
Tay người lại trong tay tôi
Đêm vẫn trôi canh dài bồi hồi
Ai tiễn ai nên hẹn nhiều lời
Biết bao điều thương yêu
Tàn đêm bên quán nhỏ
Sân ga vời vợi nhớ
Chuyện tâm tư thành thơ
Mà người về nơi đâu nơi đâu
Tàu vẫn đi nên vẫn có người đợi chờ
Sương lạnh nhẹ rơi trên vai
Trăm con tàu trăm lối
Tôi đưa người hay đưa tôi
Click để nghe Thái Châu hát Tiễn Đưa
Sau này, khi gặp lại Nguyên Sa ở hải ngoại, nhạc sĩ Song Ngọc có nói chuyện và phổ nhạc thêm nhiều bài thơ khác của Nguyên Sa, trong đó có bài Mai Tôi Đi (Nhạc sĩ Anh Bằng cũng có phổ nhạc bài này và lấy cùng tên). Nhân lần đó, Nguyên Sa có nói về nhạc sĩ Song Ngọc như sau:
“Song Ngọc là một thủy thủ. Cuộc đời với nhạc sĩ nầy là biển, âm nhạc là bến đỗ… Song ngọc không bao giờ phụ rẫy âm nhạc. Người thủy thủ đó không bao giờ bỏ đi biền biệt không kể tháng, không kể năm… Song Ngọc sống tận tình cho âm nhạc. Sáng tác buổi sáng. Sáng tác buổi chiều. Sáng tác ngày. Sáng tác đêm. Hơn một người tìm hiểu về Song Ngọc đã hỏi tôi làm việc nhiều như thế, vật lộn với đời gay go như thế làm sao sáng tạo? Thì đó, cởi bộ áo giang hồ, người thủy thủ trở về với bản ngã nghệ sĩ của mình sống tận tình trong bản ngã đó… Mỗi lần về bến là một lần sáng tạo, một lần khác biệt…”
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn