Ở Saigon trước 1975, người ta hay gọi các địa danh và tên riêng bằng cái tên phiên âm ra tiếng Việt (ảnh hưởng từ phiên âm của tiếng Hoa). Có nhiều cái tên khá lạ lẫm, nhưng vẫn có nhiều tên hiện nay gọi vẫn được sử dụng là Thượng Hải, Hà Lan, Luân Đôn, Bình Nhưỡng…
Cách gọi này có thể cũng được dùng ở các vùng khác, nhưng thông dụng nhất vẫn là ở miền Nam ngày xưa.
- Nữu Ước (New York)
- Hoa Thịnh Đốn (Washington)
- Mã Nhật Tân (Manhattan, khu trung tâm của New York)
- Cựu Kim Sơn (San Francisco – bang California, Mỹ)
- Phú Lang Sa (France)
- Úc Đại Lợi (Australia)
- Luân Đôn (London)
- Phi Luật Tân (Philippine)
- Tân Tây Lan (New Zealand)
- Điện Cẩm Linh (điện Kremly – nơi làm việc của tổng thống Nga)
- Hoa Lệ Ước (Hollywood)
- Mạc Tư Khoa (Moscow, thủ đô Nga)
- Cơ Phụ (Kiev – thủ đô Ukraine)
- sông Phục Nhĩ Gia (sông Volga)
- sông Đa Não Hà (sông Danuble)
- Ba Tây (Brazil)
- A Phú Hãn (Afganishtan)
- Gia Nã Đại (Canada)
- A Mỹ Lợi Gia (America)
- Á Căn Đình (Argentina)
- Áo Môn (Macau)
- Cao Ly (Korea)
- Hạ Uy Di (Hawaii)
- Hoành Quốc (Monaco, công quốc thuộc Pháp)
- Hoành Tân (Yokohama – Nhật Bản)
- Hưng Gia Lợi (Hungary)
- Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya – dãy núi)
- Hương Cách Lý Lạp (Shangri La)
- Mễ Tây Cơ (Mexico)
- Tân Đức Lợi (New Delhi – Ấn Độ)
- Hương Cảng (Hongkong)
- Thánh Hà Tây (San Jose – California, Mỹ)
- Tô Cách Lan (Scotland)
- Uy Nê Tư (Venice – Ý)
- Ái Nhĩ Lan (Ireland)
- Ba Lê (Paris)
- Bảo Gia Lợi (Bulgary)
- La Tỉnh (Los Angeles – California, Mỹ)
- Á Lan Đại (Atlanta)
- Á Tế Sá (Asia)
- Bá Linh (Berlin)
- Bạch Nga (Belarus)
- Bàn Môn Điếm (Panmomjum, khu phi quân sự chia đôi Nam – Bắc Triều Tiên)
- Bình Nhưỡng (Pyongyung)
- Băng Đảo (Iceland)
- Cao Miên (Campuchia)
- Chi Gia Kha (Chicago, bang Illinois, Mỹ)
- Đông Hồi (Banglades)
- Hán Thành (Seoul, thủ đô Hàn Quốc)
- Đông Kinh (Tokyo)
- Hồi Quốc (Oman)
- Lục Xâm Bảo (Luxembourg)
- Lỗ Mã Ni (Romania)
- Mạnh Mãi (Mumbay, còn có tên là Bombay, thành phố đông dân nhất Ấn Độ)
- Phú Sỹ (Fuji –ngọn núi ở Nhật)
- Tân Đức Lợi (New Delhi, thủ đô Ấn Độ)
- Tây Hồi (Pakistan)
- Tây Nhã Đồ (Seattle, bang Washington, Hoa Kỳ)
- Tích Lan (Sri Lanca)
- Vọng Cát (Bangkok – thủ đô Thái Lan)
- Trân Châu Cảng (Pearl Harbor)
Chú thích
1. Mã Nhật Tân (Manhattan): là nơi xảy ra sự kiện 11/9, khu vực tòa tháp đôi giờ gọi là Ground Zero.
2. Cựu Kim Sơn: Ai xem phim Hongkong hay Trung Quốc, bối cảnh cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, thì hay thấy người ta nói đi Cựu Kim Sơn để ám chỉ đi Mỹ, vì thời điểm đó người Hoa di cư sang Mỹ khá đông và có nhiều người Hoa sống tại San Francisco. Người Hoa bắt đầu đến San Francisco trong giai đoạn người ta đổ xô đến California để tìm vàng (thế kỷ XIX). Nhà văn Mỹ Jack London cũng lấy bối cảnh này để viết nên tiểu thuyết Tiếng gọi nơi hoang dãnổi tiếng.
3. Hương Cách Lý Lạp: một vùng đất, trong huyền thoại, được xem là lạc cảnh thần tiên của Trung Quốc. Trong phim Xác Ướp 3, địa danh này là nơi cất thuốc trường sinh, Hongkong, Singapore đều có khách sạn nổi tiếng tên này
4. Washington: là tên của tổng thống đầu tiên của Mỹ George Washington, tên của một tiểu bang giáp biên giới Canada, còn là tên của thủ đô Hoa Kỳ. Khi mang tên của thủ đô Hoa Kỳ thì thường phải viết đầy đủ là Washington D.C, có khi người ta chỉ viết là DC để nói cho Washington DC. DC là viết tắt của cụm District of Columbia, tức có thể dịch là Đặc khu Columbia hay quận Columbia. Điểm đặc biệt của DC là không có đại diện trong quốc hội Hoa Kỳ.
5. Thượng Hải, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Hà Lan…: cũng là từ đã được Việt Hóa
6. Những từ Việt hóa này không thống nhất lắm về cách dịch. Có những từ là được dịch, có những từ bắt nguồn từ cách lý giải riêng. Ví dụ: San Francisco lẽ ra phải dịch là Thánh Phan Xi Cô (giống như San Jose được dịch là Thánh Hà Tây), từ San và St có nghĩa là Thánh, bang Minessota của Hoa Kỳ có thành phố St Paul tức là thành phố Thánh Bôn. Nhưng trong trường hợp San Francisco thì có một chút khác biệt từ cách dịch của người Trung Quốc. Người Trung Quốc đến San Francisco để tìm vàng và vàng ở các dãy núi ở San Francisco khá nhiều. Chính vì thế, người TQ gọi là Cựu Kim Sơn (“cựu” là cũ, xưa; “Kim” là vàng) tức có nghĩa là “núi vàng xưa”.
Cũng như Đông Kinh vốn dĩ không phải là bản dịch của từ Tokyo, mà chỉ là người Trung Quốc giải nghĩa nó là kinh đô ở phía đông. Ngày xưa, Trung Quốc vẫn hay dùng vị trí địa lý phía đông để nói về Nhật Bản, thời nhà Tống và nhà Minh (Trung Quốc) thì vẫn hay gọi Nhật Bản là Đông Doanh. Cũng như từ Hoa Kỳ là do nước này có lá cờ có nhiều ngôi sao như những bông hoa, Hoa Kỳ có nghĩa là Cờ Hoa (lá cờ hoa), còn chữ Mỹ thì lấy từ America (tức A Mỹ Lợi Gia). Chính vì vậy, cách Việt Hóa vẫn chưa hề thống nhất.
NHÂN VẬT
- Nã Phá Luân (Napoleon)
- A Lịch Sơn đại đế (Alexander đại đế)
- Bối Đa Phần (nhạc sỹ Beethoven)
- A Lịch Sơn Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes)
- Đạt Lai Lạc Ma (Dalai Lama)
- Kha Luân Bố (Colombo)
- Lệ Ninh (Lenin)
- Kim Nhật Thành (Kim Il-sung, cố lãnh tụ Bắc Hàn)
- Kim Chính Nhất (Kim Jong-il, đương kiêm lãnh tụ Bắc Hàn, con trai Kim Nhật Thành)
- Lỗ Bình Sơn (Robinson)
- Mã Lý Lệ Mộng Cổ (Marilyn Monroe)
- Mã Khắc Tư (Karl Marx)
- Mạnh Khắc Lạc Khắc Tốn (Micheal jackson)
- Phi Cát (Picasso – họa sỹ).
Ngô Minh Trí