Mời các bạn đọc lại bài phỏng vấn danh ca Hoàng Oanh vào cuối năm 1971, đăng trên nhựt báo Sóng Thần. Lúc này Hoàng Oanh 25 tuổi, đang học năm cuối trường Đại học Văn Khoa. Qua bài phỏng vấn này, chúng ta sẽ được thấy những tính cách, thói quen của Hoàng Oanh đã được hình thành từ thuở thiếu thời, như là thích hát nhạc tình càm và không hợp với phòng trà, thích những gì tự nhiên, giản dị… Bài phỏng vấn còn có nhắc tới đôi chút về nhạc sĩ Mai Châu (Mã Gia Minh), hai người kết hôn chỉ vài tháng sau bài phỏng vấn này được thực hiện:
7 giờ tối, qua chiếc cầu sắt nhỏ, con đường Bùi Hữu Nghĩa thoai thoải đưa chúng tôi đến nhà Hoàng Oanh. Cánh cửa sát đóng kín ánh đèn yếu ớt len lỏi qua khe cửa tạo thành những vệt sáng loang trên mặt đường.
Chúng tôi bấm chuông, âm hưởng tiếng chuông chưa kịp dứt, đã thấy H.O. nơi khung cửa, dáng điệu nghịch ngợm như một chú chim nhỏ.
HOÀNG OANH HỌC THI
Chúng tôi ngồi nói chuyện thân mật với nhau trong khung cảnh ấm cúng của gian phòng khách. H.O. cho biết hiện giờ cô đang bù đầu “gạo bài” để lấy nốt chứng chỉ chót ở Văn Khoa. Bởi vậy ngoài những giờ làm việc ở các đài T.H truyền thanh…, cô dồn tất cả thì giờ vào việc học thi:
“Những lúc nhìn chồng “cours” cao ngất, Oanh chỉ mong, phải chi có thể xé ra, rồi nhét hết vào trong đầu thì khỏe quá”.
Vừa nói H.O. vừa phát những cử chỉ thật dễ thương ngộ nghĩnh. Cô cho biết ca hát là một trong những “đam mê lớn nhất” của đời cô. Cô sẽ hát “cho đến khi nào hết thích thì thôi”.
Ngoài ra, có lẽ để làm quen với… thuốc men, H.O. vừa có thêm một nghề tay trái mà ít người ngờ đến – nghề trình dược viên, tiếng Tây tiếng U gọi là “visiteur médical” đấy mà.
KHÔNG HỢP VỚI PHÒNG TRÀ
H.O: đã vướng vào nghiệp ca hát từ nhỏ, và mặc dầu được sự ái mộ của khá nhiều khán thính giả, nhưng cô chưa từng một lần đèn tới phòng trà, và có lẽ cô cũng chẳng bao giờ làm việc tại những nơi này.
Để giải thích, H.O. cho biết cô thấy không hợp lắm với không khí phòng trà, cả đại nhạc hội cũng vậy nữa, có lẽ H.O, thích diễn tả những nhạc phẩm cô chọn bằng giọng ca thiên phú của minh, hơn là bằng điệu bộ, nét mặt. Vì thế lần đầu tiên hát trên TV, “Oanh thấy ngượng ngập lắm, còn chân tay thì thừa thãi không biết để vào đâu”
CÁI THUỞ LỎI TÌ
H.O. tên thật là Huỳnh Kim Chi, sinh năm 1946 tại Mỹ Tho. Ngay từ bé, H.O. đã mê hát và cô đã từng gia nhập các ban nhạc “Thiếu Nhi Quân Đội”, “Tuổi Xanh” rồi “Việt Nhi”, và sau đó là các ban người lớn… Những kỷ niệm vui nhất đẹp nhất thường vào tuổi thơ. Nhắc lại khoảng thời gian ấy. H.O. rất lấy làm thích thủ, Cô kể với tôi “Oanh còn nhớ hồi đó lên hát Đại nhạc hội, tụi nàng năm đứa: Quốc Thắng, Kim Chi, Hoàng thi Thao, Phương Lan và Oanh vui ghê đi, một lũ vừa đứng hát vừa sử dụng những nhạc cụ nho nhỏ lùng tùng xòe, lùng tùng xòe”.
HOÀNG OANH CỰU NỮ SINH GIA LONG
Một kỷ niệm khác với ban Tuổi Xanh. Hồi đó Oanh mới học đệ thất, “5g30 chiều đã đi thu đài thế mà 6g mới tan học. Mỗi lần học xong phải chạy như bay lại kẹt xe nên luôn luôn chỉ hát bài chót thôi.
Tiếp tục ôn lại những kỷ niệm cũ bằng một “người lớn” hơn, H.O. cho biết cảm động là sự quý mến ban Giám Đốc và Học sinh Gia Long dành cho cô khi có tin dồn H.O. chết.
Hồi đó, cô kể, Oanh đã lên học tại Văn Khoa, thế mà nghe tin đồn ấy, học sinh Gia Long kéo lên hỏi thăm bà Hiệu Trưởng tưng bừng. Bà Hiệu Trưởng có nhắn hỏi, sau khi biết chắc không phải H O…. “lên xe hoa”- bà liền mời H.O. vào trường để cho các học sinh… thấy mặt. Đang giờ học, bà Hiệu trưởng cho máy phóng thanh gọi các học sinh ra sân để gặp Oanh, có chị thấy H.O. còn khóc nữa, cảm động ghê, vừa mắc cở nữa. Các chị cũng yêu cầu Oanh hát, hát xong được vỗ tay quá xá, Oanh nghĩ, phải chi mà lúc đó… chết thiệt, Oanh cũng sung sướng và không ân hận gì cả.”
THÍCH HÁT NHẠC TÌNH CẢM
Sở trường của Hoàng Oanh vẫn là nhạc tình cảm, đặc biệt là nhạc tiền chiến: “vì nhạc tiền chiến có giá trị, tình cảm nhẹ nhàng, thanh cao hơn nhiều bản nhạc thời nay”.
Hiện nay H.O. cộng tác với hầu hết các ban nhạc sáng giá như Phạm Mạnh Cương, Trường Sơn, Nhạc vàng…
Ngoài giọng ca truyền cảm, H.O. còn có tài ngâm thơ nữa. Giọng ngâm cao vút và nhẹ nhàng của Hoàng Oanh thường xuyên được gửi đến các thính giả mộ điệu trong chương trình Tao đàn, qua hệ thông truyền thanh của dãi phát thanh Sài Gòn.
NGƯỜI CA SĨ THÍCH NHỮNG CÁI GÌ TỰ NHIÊN, GIẢN DỊ
Nói chuyện với một nữ ca sĩ, nhất là một nữ ca sĩ khá nổi tiếng, không thể không đề cập đến vấn đề ăn mặc, trang điểm. Riêng đối với H.O, người ca sĩ còn nhiều nét học trò, thì vấn đề chưng diện cũng không đến nỗi phức tạp lắm: “…Oanh thường chỉ mất chừng 15,20 phút để sửa soạn trước mỗi lần trình diễn”.
Câu chuyện giữa chúng tôi còn đang vui vẻ, chợt một người thanh niên “cao ráo, sáng sủa” bước vào. H.O giới thiệu đó là Mai Châu, nhạc sĩ có những bản nhạc mà cô thường trình bầy, anh cũng là một dược sĩ nữa.
Ngồi nói chuyện với chúng tôi, Mai Châu… “xuất chiêu” trước bằng một giọng vui vẻ: “Mấy chị đừng cho tên tôi lên báo nghe, kẻo thiên hạ lại bảo… “dựa hơi”.
Chúng tôi hỏi H.O:
– Bao giờ Oanh định… “con sáo sang sông”.
– Có lẽ sang năm. Tại bây giờ mắc… “gạo” đó…
H.O “bật mí” với chúng tôi:
– Tụi này quen nhau lâu lắm rồi, hồi Oanh còn học Gia Long, còn ảnh Taberd.
Được hỏi “sau khi lập gia đình, Oanh có định theo nghề hát nữa không?”. Sau một thoáng suy nghĩa, H.O cho biết:
– Cũng chưa biết chừng, nhưng nếu còn thích, chắc Oanh sẽ còn hát. Duy có một điều, là nếu có con, chắc Oanh sẽ không cho nó theo… nghề hát.
Đáp câu hỏi cuối về ước vọng của cô, H.O trả lời không suy nghĩ:
– Oanh ước gì mai mốt sẽ có tiền để mở một trường học, làm hiệu trường. Nhưng Oanh không thích dạy học đâu đấy nhé!
H.O còn cho biết, nếu được mời đóng phim với vai trò thích hợp, cô sẽ vui vẻ nhận lời.
Thiên Nga – Thụy Khương thực hiện, nhựt báo Sóng Thần 10-1971