Nhạc sĩ Vinh Sử là một trong những tên tuổi tiêu biểu của nhạc vàng miền Nam trước 1975, đặc biệt là ở thể loại nhạc bình dân dành cho đại chúng. Ngoài sáng tác với bút danh Vinh Sử, cũng là tên thật, ông còn lấy nhiều bút danh khác nhau là Bồng Nga Nữ, Chế Huyền Trân, Cô Phượng, Diễm Nhi, Đức Vượng, Hàn Ni, Linh Ngân,… với những ca khúc tiêu biểu: Chuyện Tình Sao Ly, Chuyện Tình Liêu Trai, Nhẫn Cỏ Cho Em, Gái Nhà Nghèo, Bạc Màu Áo Trận, Đêm Lang Thang, Đêm Hỏa Châu, Gõ Cửa Trái Tim, Hai Bàn Tay Trắng, Không Giờ Rồi, Nét Buồn Thời Chiến, Năm 17 Tuổi, Vòng Nhẫn Cưới, Chuyến Xe Lam Chiều…
Nhạc sĩ Vinh Sử là một người có tài trong lĩnh vực sáng tác, những bài hát của ông thường đánh trúng thị hiếu của đa số công chúng nghe nhạc bình dân nên nhạc của ông bán rất chạy. Không rõ là từ lúc nào, ông được người ta đặt cho biệt danh là “ông vua nhạc sến”.
Vinh Sử gắn bó một cách trọn vẹn với dòng nhạc đại chúng. Nhiều người đánh giá rằng nhạc của ông được hầu hết giới bình dân đón nhận vì gần gũi với cuộc sống của họ. Nội dung trong nhạc của Vinh Sử thường nói về những thân phận không may mắn, những mối tình trắc trở do không “môn đăng hộ đối” giữa một chàng trai nghèo và một cô gái giàu sang. Công chúng thích nghe nhạc của Vinh Sử vì họ thấy ở đó hình ảnh và tâm sự của chính mình.
Nhạc sĩ Vinh Sử cũng từng cho biết:
“Nhạc tôi viết là dành cho những người nông dân, những người lao động. Tôi đã gởi hết toàn tâm toàn ý của mình vào đó và cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng lao động nghèo. Tôi nghĩ rằng nhạc của mình cũng là tiếng nói của một bộ phận nhân dân. Nghe nhạc của tôi, những người lao động nói rằng đó là nhạc của người Việt Nam, không lai căng”.
Nhạc sĩ Vinh Sử cũng biết đến với một đời sống rất phong lưu, tiêu xài trác táng. Ông từng trải qua 4 đời vợ và số người yêu thì không đếm xuể. Vinh Sử sáng tác với nhiều bút danh, và ông từng nói rằng mỗi bút danh đó đều gắn với một câu chuyện tình.
“Tôi thích yêu những người đẹp để dễ thất tình mà lấy cảm hứng viết nhạc. Tôi chỉ yêu người đẹp chứ người xấu thì ai mà yêu, ai điên mà yêu người xấu. Cuộc đời của tôi hình như không may mắn về đường tình duyên, người xấu cũng phụ mà người đẹp cũng bị phụ. Càng nhiều người phụ tôi thì lại càng có nhiều bài nhạc. Bao nhiêu bài nhạc thì bao nhiêu nhân tình, trong đó có viết cho vợ nữa. Nhưng tôi không lăng nhăng nhiều người, chấm hết với bà này tôi mới ở với bà khác.” (Vinh Sử nói trên báo Dân Trí)
Nhạc sĩ Vinh Sử sinh ngày 9/6/1944, tên thật là Bùi Vinh Sử. Cha mẹ của ông từ Hà Tây đi làm phu đồn điền cao su cho Pháp, lưu lạc vào miền Đông Nam Bộ trong thập niên 1940. Sau đó gia đình ông chuyển vào Sài Gòn, sinh sống bằng nghề làm lò bún trong một xóm lao động nghèo ở quận 4. Gần 10 tuổi ông mới được đi học, cũng là người duy nhất trong số 4 anh chị em trong gia đình được đi học.
Cuộc đời của nhạc sĩ Vinh Sử trải qua nhiều thăng trầm và gập ghềnh, lúc thì ở đỉnh cao cả về danh vọng lẫn tiền bạc, lúc thì lâm vào tình trạng khốn cùng.
Thuở nhỏ, gia đình ông thuộc dạng lao động nghèo khó. Năm 15 tuổi, Vinh Sử bỏ học và bắt đầu sáng tác nhạc. Khi đó, ông đã phải chịu không ít ánh nhìn hoài nghi từ chính gia đình và những người quen chung quanh. Có sẵn năng khiếu âm nhạc nên ông vừa học nhạc, vừa mua sách hướng dẫn để tự học cách sáng tác, viết ra những bài ca chia ly và mất mát của tình yêu đôi lứa.
Tuy nhiên, trong những năm đầu khó khăn thì sáng tác được bài hát là một chuyện, bán được hay không là chuyện khác. Không có nhiều ca sĩ chịu hát bài của một nhạc sĩ trẻ mới tập tành viết nhạc. Vận may đến với ông khi ca khúc Yêu Người Chung Vách được Chế Linh thu âm, từ đó sự nghiệp sáng tác nhạc của Vinh Sử bắt đầu đi lên.
Có thể nói thời điểm thập niên 1960, 1970, âm nhạc đã mang đến cho nhạc sĩ Vinh Sử tất cả, từ danh tiếng đến tiền bạc. Thời hoàng kim trước năm 1975 với tiền tác quyền từ các ca khúc đủ để Vinh Sử tậu xe hơi, nhà lầu. Ông còn chủ trương thực hiện những băng nhạc Kim Đằng nổi tiếng, tuyển tập các ca khúc thời trang nhạc tuyển được giới lao động bình dân yêu thích và bán rất chạy. Nhờ đó Vinh Sử đạt đến đỉnh cao của làng nhạc Miền Nam.
Click để nghe băng nhạc Kim Đằng 1 do nhạc sĩ Vinh Sử thực hiện, có nhiều bài của ông sáng tác
Tiền quá nhiều, ông bắt đầu lao vào những cuộc chơi. Mỗi tối ông thường đến những khu ăn chơi của giới thượng lưu để mua vui. Mỗi lần như vậy, ông sẵn sàng chi ra hàng chục cây vàng không chút đắn đo. Nhạc sĩ Vinh Sử kể lại trên báo Thanh Niên:
“Hồi trẻ tôi ăn chơi bạt mạng. Chơi một đêm có khi 12 cây vàng ở các nhà hàng nổi tiếng khu Chợ Lớn. Đúng nghĩa “nhất dạ đế vương”. Bước vô nhà hàng có nhiều giai nhân vây quanh, muốn gì được nấy. Chắc tại tôi “chơi” bạt mạng quá nên những giai nhân bên cạnh lần lượt ra đi. Sau thời gian về chung nhà, họ đã không chịu nổi cách sống của tôi thời đó nên ra đi.”
Tuy nhiên cuộc sống phong lưu của ông chấm dứt từ năm 1975. Cho đến cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, khi nhà nước bắt đầu nới lỏng lĩnh vực âm nhạc, nhiều ca khúc nhạc tình cảm, quê hương được phép biểu diễn trở lại, nhiều hãng băng đĩa bắt đầu làm ăn phát đạt, và nhạc sĩ Vinh Sử được mời làm biên tập nhạc cho các hãng nhạc ở trong nước như Saigon Audio, VAFACO, Rạng Đông… từ đó cuộc sống của ông đỡ vất vả và bắt đầu phất lên trở lại. Tuy nhiên đây cũng là thời kỳ mà nhạc sĩ Vinh Sử bị tai tiếng trong việc mạo nhận là tác giả của nhiều bài hát của nhạc sĩ khác, đặc biệt là các nhạc sĩ đã ra hải ngoại là Anh Bằng, Lam Phương…
Thập niên 1990, tuy làm ra nhiều tiền nhưng nhạc sĩ Vinh Sử cũng không giữ lại được vì thói quen tiêu xài phung phí đã có từ thời trẻ. Thời gian sau đó ông lại bị rơi vào đói nghèo, đau ốm bệnh tật triền miên.
Năm 2012, nhạc sĩ Vinh Sử phát hiện bị ung thư đại tràng. Năm 2014, căn bệnh đã chuyển sang giai đoạn di căn. Trái với những thời hoàng kim, lúc đó ông sống khó khăn và đơn độc trong căn nhà chỉ 15m2 tại một con hẻm nhỏ ở Sài Gòn. Tiền chữa trị bệnh của ông phải nhờ đến sự giúp đỡ của nhiều ca sĩ.
Vài năm sau đó, số phận lại xoay vần một lần nữa với cuộc đời nhạc sĩ Vinh Sử, khi trào lưu bolero trở lại. Từ những năm gần đây, có nhiều ca sĩ đặt hàng ông sáng tác mới, đồng thời tiền nhận được từ trung tâm tác quyền âm nhạc cũng khá cao, đủ cho ông sống nhàn hạ ở tuổi xế chiều.
Ngày 22/7/2022, nhạc sĩ Vinh Sử phải nhập viện vì ung thư đến giai đoạn cuối, kèm theo bị xuất huyết dạ dày, đường tiêu hoá và viêm phổi. Ông nằm điều trị ở Khoa gây mê hồi sức trong tỉnh trạng nửa tỉnh nửa mê, mỗi ngày phải truyền máu, thức ăn và đeo máy trợ thở để duy trì sự sống. Các bác sĩ tiên liệu nhạc sĩ khó qua khỏi do cơ thể suy kiệt sau nhiều năm mắc bạo bệnh.
Lúc 3h sáng ngày 10/9/2022, nhạc sĩ Vinh Sử từ trần.
Hoàn cảnh sáng tác 1 số ca khúc nổi tiếng được nhạc sĩ Vinh Sử kể lại:
Bài hát Đêm Lang Thang
Ngày đó ông yêu một cô gái tên là Thu Hẳng, con chủ nhà hàng, rất xinh đẹp. Tuy nhiên gia đình cô ngăn cấm vì không cho yêu một nhạc sĩ. Vinh Sử buồn chán và tuyệt vọng, đi lang thang suốt đêm, len lỏi trong những con hẻm nhỏ cho vơi nỗi buồn. Bài hát Đêm Lang Thang viết trong 1 tâm trạng thất tình, về một tình yêu lãng mạn không thành:
Vẫn lang thang như người không nhà
Đã xa em nghe buồn nghĩa trang
Người yêu ơi em chắc đang vui
Nào em hay anh rất đơn côi
Gom góp kỷ niệm giây phút tình chia phôi
Bài hát Vòng Nhẫn Cưới, Nhẫn Cỏ Cho Em
Người con gái mà nhạc sĩ Vinh Sử thầm thương, một ngày nọ báo tin lấy chồng. Nàng lấy người giàu có và mời ông dự đám cưới. Nhìn họ trao nhẫn sang trọng cho nhau, ông nhớ hình ảnh Nhẫn Cỏ Cho Em, rồi viết Vòng Nhẫn Cưới.
Bài hát Nối Lại Tình Xưa
Vinh Sử viết chung với nhạc sĩ Ngân Giang dành cho người yêu cũ tình cờ gặp lại trong một nhà hàng. Lúc đó vì còn tình cảm nên Ngân Giang nói là 2 người nên nối lại tình xưa, tạo nên cảm xúc để 2 nhạc sĩ cùng viết chung thành bài hát.
Bài hát Không Giờ Rồi
Bài hát được viết cho một người vợ đã sống chung 10 năm và có 3 người con với nhạc sĩ Vinh Sử. Đó là thời điểm mà nhạc sĩ Vinh Sử con nghèo, bị nợ nần phải trốn người ta đến nhà đòi nợ, có khi đã 0 giờ mà vợ Vinh Sử vẫn phải canh cho ông trốn.
Đông Kha
nhacxua.vn