Khi nhắc đến nhạc sĩ Trúc Phương, người ta nhớ đến rất nhiều bài nhạc vàng bất tử: Nửa Đêm Ngoài Phố, Tàu Đêm Năm Cũ, Thói Đời, Kẻ Ở Miền Xa, Đêm Tâm Sự… và 2 ca khúc nối tiếp nhau là Hai Lối Mộng và Hình Bóng Cũ. Dù bài Hình Bóng Cũ không phải là một bài quá quen thuộc so với các bài khác của cùng tác giả, nhưng nó mang được những gì đặc trưng và tinh túy nhất của nhạc Trúc Phương: Điệu bolero nhẹ nhàng, lời ca đẹp giàu chất thơ nhưng vẫn giản dị, chân phương, mỗi câu hát như là lời tâm tình dễ đi vào lòng người:
Click để nghe Thanh Thúy hát Hình Bóng Cũ trước 1975
Từ sau hôm cách biệt
Vui buồn ai biết
những đêm ngõ hoang chờ trăng về muộn màng,
hồn bâng khuâng mơ hình bóng đã ghi mãi trong lòng.
Nhiều khi chân bước nhỏ đi vào thương nhớ,
muốn lên phố xưa tìm thăm người bạn đời,
đường không xa nhưng mình trót cách hai lối mộng rồi.
Bài hát có nhắc đến “hai lối mộng”, cũng là tên của một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Phương. Nếu để ý kỹ, có thể nhận thấy nét nhạc 2 bài này khá tương đồng nhau, và nội dung cũng rất có thể liên quan với nhau.
Không chắc chắn về thời điểm hai ca khúc này sáng tác, nhưng cả 2 đều được nhà xuất bản Diên Hồng xuất bản gần như đồng thời vào tháng 7 năm 1962. Bài hát Hai Lối Mộng nói về một cuộc tình tan vỡ, 2 người đi theo 2 hướng đời dù vẫn còn thương yêu. Cũng bởi vì “thương nhau chưa trót” nên cuộc từ ly diễn ra rất nhẹ nhàng, không muốn gây ra bất cứ tổn thương nào cho nhau, nên khuyên nhau rằng “xin nhẹ đi vào sầu”.
Nội dung bài Hình Bóng Cũ diễn ra từ sau hôm cách biệt đó. Dù đã cố gắng nhưng kẻ thất tình vẫn không thể tránh khỏi những cơn sóng lòng dữ dội, rồi trong những bước chân về trên ngõ hoang ngập ánh trăng sầu để về lại căn nhà quạnh vắng cô độc, người thấy lòng buồn-thương-tiếc-nhớ cuộc tình đã xa. Không chỉ xa ở lối đi đường về, mà còn cách xa cả lối mộng.
Nếu như ở bài hát Hai Lối Mộng, đôi tình nhân gọi nhau là “bạn lòng”, thì ở Hình Bóng Cũ còn gọi thành “bạn đời”, vốn chỉ dành để gọi vợ hoặc chồng:
“muốn lên phố xưa tìm thăm người bạn đời”
Đường lên phố xưa để thăm nhau, dù không xa, nhưng nếu gặp nhau thì sẽ “gợi thương tiếc nhiều đau bấy nhiêu”, vì đã “trót cách hai lối mộng”, nên chỉ có thể đành dằn lòng để ôm riêng nỗi sầu.
Nếu mai sau còn gặp nhau thì nhìn lên trông nhau
như khi ban đầu mà thời gian chưa xóa dấu.
Kỷ niệm xưa nhắc lại
và đường vào tương lai vương vấn mãi hình bóng ai.
Vì đã trót hứa nên không thể chủ động tìm thăm, chỉ có thể mong thấy được người xưa trong một dịp tình cờ, có thể là những bước ngang qua phố vô tình lướt qua nhau. Nếu có được cơ may đó, hy vọng là người sẽ nhìn lên trông nhau, cho ta còn nhìn thấy lại được ánh mắt trìu mến như khi ban đầu, để ta được chìm đắm trong dòng kỷ niệm êm đềm dù chỉ là trong một khoảnh khắc, để bước đường tương lai sẽ lại ngập tràn mãi bóng hình người, để mỗi đêm về lại càng thêm nỗi buồn tủi không nguôi:
Để đêm đêm cúi mặt nghe buồn lên mắt
mới hay trắng tay
còn chăng chỉ nụ cười đọng trên môi
khi người cũ bước chân khuất nẻo đời.
Cả 2 bài hát Hai Lối Mộng và Hình Bóng Cũ cùng nhắc về hoàn cảnh chia tay của 2 người mà không nói rõ lý do vì sao, ngoại trừ một câu ngắn ngủi ở đoạn cuối Hình Bóng Cũ: “mới hay trắng tay”. Đó là nguyên nhân phổ biến nhất, và có lẽ cũng là chính đáng để nhiều cuộc tình phải lặng lẽ chia tay. Không thể trách được người “tham phú phụ bần”, vì có lẽ đằng sau đó có thể còn là cả những áp lực gia đình, vòng lễ giáo, sự môn đăng hộ đối… Nếu vì yêu người mà để cho người phải khổ sở, thì thà đành chấp nhận lìa xa.
Bài hát Hình Bóng Cũ nổi tiếng qua giọng hát Thanh Thúy, là người gắn bó với dòng nhạc Trúc Phương từ đầu thập niên 1960 đến nay. Mở đầu bài hát, Thanh Thúy cũng ngâm 4 câu thơ của chính nhạc sĩ Trúc Phương viết và đưa vào đầu bài hát:
Nếu biết tình mình không trọn vẹn
Xin người về sắp sẵn thương đau
Ngày mai còn có gặp nhau
Nhớ đừng ngoảnh mặt cúi đầu làm ngơ
Ngoài ra, với riêng bài Hình Bóng Cũ thì phiên bản của ca sĩ Lưu Hồng trình bày cũng rất hay và được nhiều người yêu thích:
Click để nghe Lưu Hồng hát Hình Bóng Cũ
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn