Abraham Maslow (1908-1970) là nhà tâm lý học người Mỹ, đã từng giảng dạy và nghiên cứu học thuyết thang nhu cầu của mình tại trường Brandeis University. Lý thuyết của ông giải thích những nhu cầu nhất định của con người cần được đáp ứng để một cá nhân hướng đến cuộc sống lành mạnh và có ích cả về thể chất lẫn tinh thần.
Hiện nay thuyết này được áp dụng rất phổ biến trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quản trị Marketing để tìm hiểu về nhu cầu của khách hàng, từ đó có chiến lược sản xuất, phân phối hàng hóa đáp ứng thị trường.
Theo thuyết Maslow thì nhu cầu con người nói chung được chia thành 5 bậc (kèm hình ảnh). Riêng lĩnh vực ca khúc ở Việt Nam thì người nghe chủ yếu nhằm thỏa mãn các nhu cầu ở bậc 1, bậc 2 và bậc 3.
Vậy người nghe nhạc vàng hiện nay ở bậc nào trong thang nhu cầu của Maslow?
Trả lời được câu hỏi này có ý nghĩa rất quan trọng để định hình được nhu cầu của người nghe cũng như phản ánh được thực trạng sự phát triển ca khúc Việt hiện nay. Bởi vì theo thuyết của Maslow thì khi nhu cầu xã hội tăng lên ở bậc cao hơn thì phản ánh xã hội đó phát triển hơn so với nhu cầu ở các bậc thấp.
- Ở bậc 1, người nghe nhạc chủ yếu để giải trí tương tự như nhu cầu ăn, mặc, nghỉ ngơi, đi lại…
- Ở bậc 2, người nghe nhạc hướng đến những cái hay, cái đẹp để chiêm ngưỡng, trãi nghiệm cuộc sống, đầu óc được an toàn, lành mạnh, tránh xa các loại văn hóa nhảm nhí, vô bỗ. Điều này cũng tương tự như ăn các món ăn sạch, đảm bảo vệ sinh, sống trong môi trường không khí trong lành…
- Ở bậc 3: Người nghe nhạc mong muốn được hòa nhập với cộng đồng như việc chia sẻ về âm nhạc, chia sẻ tâm tư tình cảm bằng âm nhạc hoặc hát để tham gia tích cực vào các nhóm xã hội, để tham gia các hội thi âm nhạc; thông qua âm nhạc để phản ánh xã hội, thay đổi xã hội…
Đối với “người nghe nhạc vàng”, đa số là thỏa mãn các nhu cầu ở cả ba bậc của thang nhu cầu Maslow, trong đó nhu cầu bậc 2 và bậc 3 ở giai đoạn hiện nay có xu hướng phát triển hơn.
Cụ thể:
- Bậc 1: Người nghe nhạc vàng chủ yếu là nghe tại nhà trên điện thoại, máy tính, trên các trang mạng xã hội hoặc các quán cà phê hoặc cao hơn chút là các phòng trà, tụ điểm ca nhạc và cũng chỉ để giải trí hoặc để hát theo nhằm thỏa mãn nhu cầu cơ bản của mình về âm nhạc. Lượng người nghe ở bậc nhu cầu này phần lớn ở độ tuổi trung niên trở lên và đa số ở vùng quê các tỉnh, kể cả các tỉnh phía bắc; đối tượng này xem dòng nhạc bolero như là một món ăn tinh thần hàng ngày bên cạnh các loại hình giải trí khác.
- Bậc 2: Người nghe nhạc vàng phần lớn là dân trí thức và chủ yếu ở các khu đô thị, bởi vì đối tượng này thường bận rộn nên họ muốn đầu óc thanh thản, nhẹ nhàng, muốn chiêm nghiệm cuộc sống, muốn tránh xa các loại văn hóa ồn ào, nhảm nhí. Đối tượng này thường nghe dòng nhạc trữ tình, sâu lắng, đậm nét văn chương và trừu tượng, ẩn dụ, đặc biệt là các ca khúc mang tính triết lý về tình yêu, về cuộc đời, về nhân sinh quan.
- Bậc 3: Người nghe nhạc vàng ở bậc này chủ yếu để chia sẻ tâm tư tình cảm, chia sẻ về các vấn đề của xã hội nói chung; hoặc để hát và xem như là một kỹ năng để hòa nhập với các nhóm cộng đồng xã hội. Một thời gian dài gần đây chúng ta thấy rất nhiều cuộc thi hát Bolero, nhạc trữ tình cũng xuất phát từ nhu cầu này; hoặc các nhóm bạn bè khi tập trung lại nếu có hát hò, karaoke, hát với nhau… thì nhạc vàng cũng luôn hiện diện. Điều này khẳng định rằng, nhu cầu nhạc vàng tuy không bằng giai đoạn chính thống trước 1975 nhưng có chiều hướng phát triển về chất hơn, tức là có sự chọn lọc cho phù hợp với điều hiện hiện nay.
Như vậy, dựa vào ba bậc thang nhu cầu trên thì nhạc vàng vẫn tồn tại như những con sóng, lúc thì cao trào, lúc thì bình lặng trong lòng người nghe nhưng đều phủ khắp các bậc thang của nhu cầu. Có ý kiến cho rằng, khi lứa tuổi nghe nhạc vàng qua đi thì dòng nhạc vàng cũng trở thành dĩ vãng. Ý kiến này chỉ đúng khi lượng người nghe cố định ở một giai đoạn, khi lượng người này giảm thì nhu cầu sẽ giảm. Nhưng dựa vào thang cầu cầu Maslow thì rõ ràng lượng người nghe không cố định, mà “như con sóng” và luôn có tính kế thừa. Đặc biệt là xuất hiện rất nhiều các ca sĩ trẻ hát nhạc vàng hoặc nhiều ca sĩ trẻ chuyển qua dòng nhạc vàng; và cũng có rất nhiều ca khúc mới được âm thầm sáng tác, nhưng vẫn giữ được nét “vàng” của dòng nhạc xưa. Con sóng này hiện nay đang ẩn mình, nấp sau sự ồn ào của các loại nhạc nhảm nhí trên thị trường qua các trang mạng hiện nay của giới trẻ.
Riêng về nhạc trẻ hiện nay, nếu dựa vào thang nhu cầu của Maslow, về mặt chủ quan thì có lẽ chỉ thõa mãn ở nhu cầu bậc 1 trong giới trẻ, tức là nghe nhạc với mục đích duy nhất là chỉ để giải trí. Đây là nhu cầu thấp nhất của con người để thỏa mãn bản năng sinh tồn của mình. Nếu người nghe và người sáng tác chỉ dừng lại ở nhu cầu này thì thật sự quá tầm thường, một điều đáng buồn cho âm nhạc nói chung.
Tóm lại, theo thuyết về thang nhu cầu của Maslow có thể kết luận rằng, những dòng nhạc nào chiếm đa số ở thang nhu cầu bậc cao hơn thì dòng nhạc đó phản ánh xu hướng phát triển của xã hội./.
Tác giả: Võ Thanh Bình
Gửi riêng cho nhacxua.vn