Hoàng Phương (1943-2002) là một nhạc sĩ nổi tiếng với các sáng tác về tình yêu đôi lứa và quê hương Gò Công từ trước 1975 đến sau này. Ngoài ra ông còn nổi tiếng vì là nhạc sĩ viết nhạc vàng duy nhất có tác phẩm được lưu hành rộng rãi sau 30/4/1975.
Hoàng Phương tên thật là Nguyễn Kim Hoàng, sinh năm 1943 tại Gò Công. Tính cách hào sảng, mê đắm. Thưở nhỏ đã mê nhạc hơn học chữ.
Năm 1955, nhạc sĩ Lê Dinh về Gò Công mở lớp dạy nhạc. Hoàng Phương lúc đó mới 12 tuổi liền theo học violon với Lê Dinh. Cuối cùng do học chữ sa sút nên đã bỏ học chữ về nhà học nghề sửa đồng hồ của cha & học thêm guitar.
Năm 1965, ông cưới người vợ đầu ở thị xã Gò Công.
Năm 1968, ông viết bản nhạc đầu tay cũng là bản nhạc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác là bài Hoa sứ nhà nàng. Lập tức, nhạc của ông nổi tiếng trong giới mộ nhạc và được các hãng tranh nhau mua bản quyền để thâu âm.
Sau 30/4/1975, ông mở lại tiệm sửa đồng hồ, tích cóp tiền để sau này mở 2 tiệm vàng là Kim Hoàng & Toàn Tân. Khoảng năm 1980, rộ lên phong trào băng nhạc Gò Công gồm những bài của Hoàng Phương sáng tác do Bảo Yến hát.
Năm 1989, ông cưới người vợ thứ hai là Mộng Vân. Hai người cất một căn nhà lá nhỏ trên bãi biển Long Thành và sống nhọc nhằn từ đó cho đến lúc Hoàng Phương mất vì bệnh ung thư gan (2002). Về cuối đời, Hoàng Phương suy sụp, hay uống rượu và một mình đi lang thang trên bãi biển.
Nhiều người cho rằng Hoàng Phương là một con người lập dị vì anh để hay tóc dài, mặc áo màu đỏ quần màu kem, bước chân khập khiển do bị tật.
Nhạc của Hoàng Phương hoàn toàn là viết về tình yêu đôi lứa trong sáng và tình yêu quê hương tha thiết. Có lẽ vì vậy mà sau 1975 nhạc của ông được chính quyền mới cho phép lưu hành rộng rãi.
Tác phẩm phổ thông
Anh hai về làng
Anh về đẹp tình quê hương
Ánh mắt quê hương
Biển tím
Cánh thư trời xa
Chung một dòng sông
Chuyến xe Tiền Giang
Chiều hè bãi biển
Chiều mưa thứ bảy
Chuyện tình hoa muống biển
Đàn thương cô quán trong làng
Đường sang nhà em
Hoa sứ nhà nàng 1, 2, 3
Hương hoa sứ
Hương sơ ri
Mẹ Gò Công
Mùa nhạn trắng
Sông quê tình nhớ
Thuyền giấy chiều mưa
Tình em quán Phượng (tặng người vợ đầu)