Có một dòng sông nổi tiếng ở xứ Bắc đã nhiều lần đi vào trong những áng thơ, bài nhạc bất hủ, đó là con sông Thương, nơi đã trở thành nguyên liệu, chất xúc tác để nhạc sĩ Đặng Thế Phong sáng tác Con Thuyền Không Bến hơn 80 năm trước.
Click để nghe danh ca Anh Ngọc hát Con Thuyền Không Bên trước 1975
Sông Thương không có nước chảy cuồn cuộn như sông Đà hay sông Lô, cũng không mênh mông như sông Hồng, sông Đáy, không trầm mặc như sông Hương, mà nó gợi lên sự êm đềm với những gợn nước lăn tăn nhẹ nhàng trên mặt sông, như là có thể dìu hồn người nghệ sĩ vào trong những cơn đắm mê trong một đêm thu buồn, để rồi phát tiết thành giai điệu:
Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng.
Trong cây hơi thu cùng heo may
Vi vu qua muôn cành mơ say
Miền xa lời gió vang thông ngàn
Ai oán thương ai tàn mơ vàng.
Điểm đặc biệt của những ngày chớm thu ở xứ Bắc là nhưng cơn gió heo may nhè nhẹ, dù không rét mướt ê chề nhưng cũng đủ để len vào lòng người lạnh băng những nỗi niềm, đặc biệt là với những người đang có nhiều tâm sự, như là chàng nhạc sĩ Đặng Thế Phong vào một đêm thu buồn cảm thấy cô đơn và lạc lõng, thấy mình như là con thuyền đang lờ lững chơi vơi giữa dòng, tơ lòng chùng lại vì nỗi “nhớ thương ai”, và giấc mộng vàng trong thoáng chốc đã vỡ tan như mảnh trăng lấp loáng trên mặt nước.
Chàng nhạc sĩ trẻ đó đang ngồi ở bên sông, mơ màng nhìn lên những hàng cây đang rung gió nhẹ nhàng vi vu qua muôn cành, tưởng như đó là lời gió ở một miền xa xăm đang vọng về những lời than oán buồn thương.
Click để nghe Thái Thanh hát trước 1975
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong là người quê ở Nam Định, tuy nhiên lúc sáng tác ca khúc này, ông có việc phải lên Bắc Giang. Trong tâm trạng nhớ người yêu vào một đêm buồn nhìn ra sông, nghe gió heo may tràn về thổi tuôn nguồn thơ ý nhạc trong lòng chàng nhạc sĩ mới 23 tuổi.
Con sông Thương này có đi qua cả Lạng Sơn nữa, nhưng phần lớn là nằm gọn trong lòng tỉnh Bắc Giang, và đặc biệt là hiện tượng “nước chảy đôi dòng” của sông Thương ngày xưa là ở khu vực Bắc Giang, như là trong bài Con Thuyền Không Bến nhắc tới:
Lướt theo chiều gió
Một con thuyền theo trăng trong
Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng…
Nước chảy đôi dòng trên sông Thương là do sự nhập giang của một dòng nước chảy ra từ cánh đồng chiêm đục màu phù sa, hòa vào nước sông vốn rất trong xanh, tạo thành 2 dòng chảy khác màu dần hòa quyện vào nhau. Ngày nay thì hiện tượng này đã không còn vì sự thay đổi của địa chất và hạ tầng, nhưng “sông Thương nước chảy đôi dòng” đã in sâu vào tâm khảm của nhiều người, được nhắc đến trong nhạc và cả ca dao:
Sông Thương nước chảy đôi dòng
Bên Trong bên đục em trông bên nào (Ca Dao)
Trên dòng Thương bên đục bên trong, chàng nhạc sĩ nhìn theo con thuyền lướt nhẹ theo bóng trăng, tưởng như là nó đang trôi trong vô định không bờ bến, chẳng khác nào lòng người cũng đang không nơi neo đậu:
Biết đâu bờ bến
Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu
Trên con sông Thương
Nào ai biết nông sâu.
Nhớ khi chiều sương
cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Biết bao buồn thương
Thuyền mơ buông trôi xuôi dòng
Bến mơ dù thiết tha
Thuyền ơi đừng chờ mong
Click để nghe Hà Thanh hát Con Thuyền Không Bến trước 1975
Trong một bài viết, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã nhận xét về câu hát này như sau: “Hình như không phải chỉ là con thuyền buông trôi theo dòng mà có cả kiếp người trôi trong dòng đời, cái có thật và cái tưởng tượng đều lẩn khuất sau một màn sương, chúng ta nhìn nhau với lòng trắc ẩn, hạnh phúc khó khăn hay chỉ sống không thôi đã là một điều khó khăn, “bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong”, chúng ta chẳng thể nào tới được nơi mong ước, cũng không biết đã ra đi từ đâu…”
Ánh trăng mờ chiếu
Một con thuyền trong đêm thâu
Trên sông bao la
Thuyền mơ bến nơi đâu…
Click để nghe Khánh Ly hát Con Thuyền Không Bến
Bài hát như là một bức tranh thủy mặc, phác họa một cảnh sông buồn có bóng trăng soi nước, có con thuyền lững lờ lướt trôi, và có những hàng cây rung nhẹ theo gió heo may. Tất cả những hình ảnh đó gợi lên một nét rất mong manh và dễ dàng bị lướt trôi theo cùng mây gió. Nhiều tài liệu nói rằng thời trẻ, nhạc sĩ Đặng Thế Phong có mơ ước trở thành họa sĩ, ông đã từng thi vào trường cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, nơi mà sau này cũng đã có nhiều nhạc sĩ theo học như Phạm Duy Văn, Văn Cao, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Đình Phúc. Không chỉ thích vẽ tranh bằng cọ, Đặng Thế Phong còn vẽ tranh bằng nốt nhạc, một bức tranh thật buồn trong bài Con Thuyền Không Bến, và buồn như chính cuộc đời của ông.
Ca khúc này được nhạc sĩ Đặng Thế Phong sáng tác khi ông đã chớm phát những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh nan y, có lẽ vì vậy mà ông đã có những dự cảm buồn cho cuộc tình, cũng như cuộc đời của mình. Con Thuyền Không Bến ở trên sông Thương đó có lẽ cũng chính là hình tượng của cuộc đời ông, lờ lững, chơi vơi, không tìm thấy bến bờ neo đậu.
Sau khi hoàn thành xong ca khúc này, chính Đặng Thế Phong đã hát để trình làng với công chúng tại rạp chiếu bóng Olympia (phố Hàng Da, Hà Nội) vào năm 1941 và ngay lập tức được công chúng đón nhận, rồi trở thành bất tử suốt 80 năm qua. Tuy nhiên chỉ một năm sau đó nhạc sĩ Đặng Thế Phong đã qua đời bị bạo bệnh, chỉ kịp để lại cho đời 3 bài hát đều thật buồn: Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu và Đêm Thu. Chỉ với vỏn vẹn 3 bài hát, nhưng nền tân nhạc Việt Nam thời kỳ đầu vĩnh viễn ghi danh nhạc sĩ Đặng Thế Phong là tên tuổi tiêu biểu nhất vào đầu thập niên 1940.
Có một điều trùng hợp, đó là cả 3 ca khúc của Đặng Thế Phong đều viết về mùa Thu, và ông cũng ra đi vào một đêm chớm mùa thu, ngày 2 tháng 8 năm 1942.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn