Cho đến nay, Khánh Ly là ca sĩ Việt Nam duy nhất từng tạo nên một hiện tượng tại thị trường âm nhạc Nhật từ thập niên 1970. Nhiều thập niên sau đó, hình ảnh một nữ ca sĩ người Việt trong bộ áo dài trắng hát Diễm Xưa bằng tiếng Nhật ở hội chợ Osaka năm 1970 vẫn in sâu vào trí nhớ của khán giả Nhật, và từ đó Khánh Ly cũng được người Nhật gọi bằng biệt danh là “công chúa áo dài”.
Khởi đầu cho mối duyên của Khánh Ly với khán giả Nhật là vào năm 1970, cô được hãng đĩa Myrica Music mời sang Tokyo để thu âm 2 ca khúc Diễm Xưa và Ca Dao Mẹ bằng cả 2 ngôn ngữ Việt – Nhật, ngay lập tức những bài nhạc Trịnh này gây được sự chú ý đối với công chúng Nhật Bản.
Mời các bạn nghe 2 ca khúc đó sau đây:
Click để nghe Khánh Ly hát Diễm Xưa, song ngữ năm 1970
Click để nghe Khánh Ly hát Ca Dao Mẹ, song ngữ năm 1970
Từ sự thành công ban đầu đó, trong cùng năm 1970, một lần nữa Khánh Ly được mời sang Nhật. Ban đầu phía Nhật đã mời cả Khánh Ly và Trịnh Công Sơn sang, nhưng vì nhạc sĩ bận đột xuất nên Khánh Ly gọi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 để đi cùng. Lúc đó Nguyễn Ánh 9 là một trong những nhạc công chơi piano, guitar quen thuộc nhất tại khắp các phòng trà Sài Gòn, và vẫn chưa phải là một nhạc sĩ sáng tác nhạc.
Trong đoạn video dưới đây, có thể thấy lại được hình ảnh Nguyễn Ánh 9 đệm đàn cho Khánh Ly hát trên sân khấu của Expo Osaka năm 1970. Hàng ngàn người Nhật đã tập trung tại gian hàng của Việt Nam tại hội chợ này để theo dõi Khánh Ly hát Diễm Xưa bằng tiếng Nhật. Chỉ vài ngày trước đó, khán giả cũng đã được xem Khánh Ly trình diễn trên đài MBS – một đài truyền hình nổi tiếng có trụ sở cũng tại Osaka.
Click để xem Khánh Ly hát Diễm Xưa tiếng Nhật tại Expo Osaka 1970, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đệm guitar
Cũng nhờ chuyến đi này, với sự khuyến khích của Khánh Ly, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã sáng tác ca khúc đầu tay, bài nổi tiếng nhất của ông mang tên 1 chữ là “Không”, là khởi đầu cho sự nghiệp sáng tác, tuy không quá lừng lẫy, nhưng cũng tạo được dấu ấn riêng trong làng nhạc miền Nam trước 1975.
Sau lần ra mắt khán giả Nhật năm 1970, tiếng hát Khánh Ly và nhạc Trịnh Công Sơn đã thành công ngoài sức tưởng tượng, đặc biệt là bài Diễm Xưa với phiên bản tiếng Nhật mang tên Utsukushii Mukashi nhanh chóng trở thành một ca khúc thuộc hàng “top hit” trên thị trường âm nhạc Nhật Bản đầu thập niên 1970, đi đến đâu người ta cũng nghe thấy giai điệu Diễm Xưa vang lên.
Từ sau đó, Khánh Ly là ca sĩ Việt Nam được yêu thích nhất, và có lẽ là duy nhất nổi tiếng tại thị trường âm nhạc Nhật Bản, nên sau đó 1 năm (1971), đài truyền hình Nhật Bản đã sang đến Việt Nam để thực hiện một chương trình phỏng vấn Khánh Ly ngay tại Saigon.
Năm 1979, khi vẫn đang lo cuộc mưu sinh sau cơn biến động lớn của thời cuộc, thì tên tuổi của Khánh Ly vẫn còn người Nhật nhớ đến, và đài NHK của Nhật đã sang tận Mỹ để mời cô tham gia Đại hội dân nhạc châu Á, với những đại diện đến từ Thái Lan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản.
Cũng trong dịp này, hãng đĩa Columbia Nippon của Nhật mời Khánh Ly thu âm các ca khúc của Trịnh Công Sơn bằng 2 ngôn ngữ Việt – Nhật. Sau đó 2 năm (1981) Khánh Ly đã phát hành lại những ca khúc đó tại thị trường hải ngoại và đọc lời giới thiệu như sau:
“Đây là 10 bài hát đầu tiên của Việt Nam được thâu thanh năm 1981 bởi hãng đĩa Columbia Nippon với phần hòa âm của ban đại hòa tấu Tokyo và 2 bài hát của 1 tác giả Nhật hiện đang là thần tượng của giới trẻ Nhật.
Qua 10 bài hát Khánh Ly hát bằng 2 thứ tiếng, quý vị còn thấy rõ sự hòa hợp tuyệt diệu giữa âm nhạc Việt Nam và cách hòa âm cùng những nhạc khí của Nhật, là 1 mới lạ xôn xao người nghe.
Từ những mới lạ đó, Diễm Xưa, Ca Dao Mẹ đã nhiều lần dẫn đầu suốt thập niên 1970 đến 1980. Mới nhất là Ướt Mi, lại nhiều tuần lễ liên tiếp là bài hát được ưa chuộng nhất.
Bây giờ sau 2 năm, Khánh Ly được phép giới thiệu 12 bài hát này đến quý thính giả Việt Nam.
Nhạc Việt nói chung, và những bài hát Trịnh Công Sơn do Khánh Ly trình bày chinh phục được cảm tình của người yêu nhạc Việt, thật đã là hạnh phúc của riêng Khánh Ly.
Khánh Ly quyết định gửi đến quý vị những bài hát này bằng một biết ơn bao la vì những thương yêu đằm thắm quý vị đã dành cho Trịnh Công Sơn, Khánh Ly trong suốt 18 năm qua.”
Mời các bạn nghe lại những bài hát này ở dưới đây:
Click để nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh song ngữ
Sau đó Khánh Ly tiếp tục được đài Bunka Honso Radio mời đến Liên Hoan Âm Nhạc Á Châu 3 năm sau đó cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác của Châu Á.
Năm 1997, đài truyền hình nổi tiếng NHK của Nhật Bản đã làm một bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Khánh Ly mang tên “Tiếng Hát Của Sự Đoàn Tụ” dài gần 50 phút. Khánh Ly là 1 trong 10 nhân vật nổi tiếng được chọn để làm loạt chương trình này.
Khi đó, ekip của đài truyền hình Nhật đã sang tận Mỹ để thực hiện cuốn phim này, bạn có thể xem phim ở bên dưới:
Click để xem phim
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn