Nhạc sĩ Bảo Thu là tác giả của các ca khúc nhạc vàng nổi tiếng như Giọng Ca Dĩ Vãng, Nếu Xuân Này Vắng Anh, Cho Tôi Được Một Lần… Trước khi trở thành nhạc sĩ, ông là một ảo thuật gia chuyên nghiệp, từng được coi là “Thần đồng ảo thuật Việt Nam”.
Có thể nói nhạc sĩ Bảo Thu là người duy nhất nổi tiếng với cả 2 lĩnh vực âm nhạc và ảo thuật, lĩnh vực nào cũng đạt được nhiều thành công.
Nhạc sĩ Bảo Thu tên thật là Nguyễn Trung Khuyến, sinh năm 1944 tại Sài Gòn. Ông nội ông là Nguyễn Văn Hậu, hiệu Thuần Đức, còn gọi là Nguyễn Trung Hậu, là một nhà giáo, nhà báo, đồng thời cũng là một chức sắc cao cấp đạo Cao Đài với phẩm Bảo pháp. Cha ông là nhà báo Nguyễn Trung Ngôn, bút danh Tam Đức, thi sĩ Trực Thần đồng thời cũng là một chức sắc đạo Cao Đài với phẩm Hiền tài. Từ năm 8 tuổi ông đã học đàn mandoline cùng nhạc sĩ Văn Thủy, tuy nhiên lúc đó còn nhỏ, học đàn bị đau tay, hơn nữa vì chuyên tâm học văn hoá nên đã bỏ ngang việc học đàn.
Về cơ duyên đến với bộ môn ảo thuật, nhạc sĩ Bảo Thu kể lại rằng trong một lần đi học về ngang qua một đám Sơn Đông mãi võ, ông đã đã tò mò đứng xem, thấy ông bán thuốc đặt một con rối gỗ (hình dạng 1 ông tướng) xuống thảm cỏ rồi ra lệnh cho nó nhảy múa, và con rối đã nhảy múa theo đúng ý ông bán thuốc.
Ấn tượng và ngạc nhiên và tò mò trước màn biểu diễn đó, Bảo Thu đã về hỏi ông nội của mình. Được ông nội giải thích về màn biểu diễn đó, cậu bé mang tên Nguyễn Trung Khuyến đã cảm thấy thích thú và tìm hiểu thêm về các mánh trong ảo thuật, rồi dần dần có đam mê với môn này. Vì ngày đó bộ môn ảo thuật còn ít có ở Việt Nam nên ông nội của Bảo Thu đã tìm những quyển sách tiếng Pháp cho cháu đọc. Ông nội ông lúc đó là thầy giáo dạy Pháp văn, cũng là nhà báo, nhà văn. Còn Bảo Thu đã học tiểu học tại trường Pháp nên có thể đọc hiểu được các cuốn sách tiếng Pháp. Tìm hiểu được bộ môn ảo thuật qua những cuốn sách này, Bảo Thu đã tự mày mò để trở thành một ảo thuật gia khi mới 14, 15 tuổi.
Năm 1960, lần đầu tiên ông biểu diễn ảo thuật trước công chúng là ở đoàn Kim Cương, ngay lập tức được công chúng tán thưởng và được báo chí Sài Gòn gọi là “thần đồng ảo thuật”.
Nhạc sĩ Bảo Thu kể rằng thời điểm mới vào nghề, ông chỉ mới trình diễn được vài tiết mục đơn giản, nhưng vì bộ môn ảo thuật ở Sài Gòn thời đó còn rất mới mẻ nên người ta vẫn thích thú và tán thưởng. Các ông bầu thay nhau mời nên cái tên “ảo thuật gia Nguyễn Khuyến” luôn xuất hiện trên các pano quảng cáo khắp nơi. Cùng thời điểm đó, có một ảo thuật gia tu nghiệp ở Pháp về mở lớp dạy ảo thuật và thôi miên, ông đã đăng ký theo học và mới chính thức bước chân vào con đường ảo thuật chuyên nghiệp.
Thời gian sau đó, Bảo Thu đi diễn ảo thuật cho các show của Lâm Tuyền, gồm có các nhạc sĩ như Nguyễn Ánh 9, Duy Khiêm, Phùng Trọng… Nhận thấy Bảo Thu có năng khiếu âm nhạc, nhạc sư Lâm Tuyền đã yêu mến và nhận dạy nhạc miễn phí cho ông, còn tặng thêm cây đàn guitar. Trong khoảng thời gian này, nhạc sĩ Bảo Thu học sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau như trống, guitar… Đặc biệt, ông được thọ giáo ngón đàn guitar của giáo sư – nhạc sĩ Hoàng Bửu, một bậc thầy về guitar flamenco.
Nhạc sĩ Bảo Thu chính thức bước vào lĩnh vực sáng tác vào năm 1964, khi được 20 tuổi. Thời điểm đó, trong các buổi đi diễn chung, ông quen biết với những ông bầu sô nổi tiếng như Nguyễn Đức, Tùng Lâm. Thời gian rảnh rỗi, Bảo Thu có giúp nhạc sĩ Nguyễn Đức dạy và dợt nhạc cho các ca sĩ trẻ. Trong các học trò của Nguyễn Đức có cô ca sĩ học trò rất xinh đẹp là Phương Hoài Tâm. Một hôm cô ca sĩ này tình cờ đưa cho Bảo Thu một bài thơ, làm cho ông có cảm hứng sáng tác thành nhạc, rồi lấy ý trong bài thơ đó để viết thành ca khúc đầu tay mang tên Ước Vọng Tương Phùng.
Sau khi sáng tác xong ca khúc này, Bảo Thu vẫn không nghĩ rằng mình sẽ theo được nghiệp sáng tác, nhưng vẫn gửi bài hát lên đài phát thanh quân đội (lúc đó ông tham gia diễn ảo thuật trong 1 ban nhạc quân đội), hy vọng rằng sẽ có dịp nào đó, bài hát sẽ được chọn thu âm trên đài phát thanh. Một thời gian sau, bài hát này bất ngờ được đài phát thanh trao giải khuyến khích dành cho các sáng tác mới. Dù chỉ sáng tác nghiệp dư nhưng lại được giải thưởng như vậy, nhạc sĩ Bảo Thu cảm thấy có động lực để tiếp tục viết nhạc.
Thời gian này, Bảo Thu hay đi diễn ảo thuật chung show với ban nhạc Blue Stars, gồm những nữ ca sĩ chỉ mới 15,16 tuổi, trong đó có ca sĩ Xuân Thu. Ông thường tới chơi nhà Xuân Thu và dợt cho cô hát. Sau một thời gian quen biết và qua lại nhà thường xuyên, ông đã phổ nhạc cho bài thơ của mẹ của Xuân Thu mang tên là Cánh Thư Chiến Tuyến, vốn có nội dung đối lại với bài thơ – bài hát Ước Vọng Tương Phùng. Cho đến lúc này, Bảo Thu vẫn sáng tác nhạc với bút danh là tên thật Nguyễn Trung Khuyến. Mẹ của Xuân Thu gợi ý cho ông lấy bút danh Bảo Thu, vì thời gian đó ông hay lui tới nhà Xuân Thu, và cũng có quen với với những cô nữ sinh ở Đà Lạt, có 2 cô tên Bích Bảo và Thanh Thu.
Ca khúc thứ 3 của nhạc sĩ Bảo Thu mang tên Một Lời Cho Em, viết chung với nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, nhưng không thành công. Đến ca khúc thứ 4 mới mang lại chút tiếng tăm cho ông là bài Đừng Hỏi Vì Sao Tôi Buồn, được danh ca Lệ Thu hát đầu tiên.
Ca khúc thứ 5 của ông là Tôi Thương Tiếng Hát Học Trò, viết chung với Mặc Thế Nhân. Thời điểm đó ca sĩ Phương Hoài Tâm được mệnh danh là Tiếng Hát Học Trò, nên nhiều người biết rằng Bảo Thu viết ca khúc này từ những cảm xúc dành cho cô ca sĩ khả ái này.
Ca khúc tiếp theo là 1 dấu son trong sự nghiệp của Bảo Thu, mang đến cho ông thành công cả về mặt danh tiếng lẫn tiền bạc, và có thể xem là bài hát nổi tiếng nhất của ông: Giọng Ca Dĩ Vãng. Nhạc sĩ Bảo Thu cho biết trong vòng 10 năm, đã có khoảng 1 triệu bản nhạc tờ của ca khúc Giọng Ca Dĩ Vãng được xuất bản, trở thành một hiện tượng của nhạc vàng thời điểm cuối thập niên 1960.
Trong buổi trò chuyện trên Jimmy Show, nhạc sĩ Bảo Thu nói rằng bài “Giọng Ca Dĩ Vãng” được ông viết dành cho người ca sĩ mà ông yêu mến, là cảm hứng để ông bước vào lĩnh vực sáng tác, cũng là người đã gợi ý cho ông sáng tác ca khúc đầu tay Ước Vọng Tương Phùng. Tuy ca khúc đầu tay này không mang lại sự thành công, nhưng cũng là bước khởi đầu để sau này ông trở thành một nhạc sĩ tên tuổi.
Nhờ ca khúc Giọng Ca Dĩ Vãng, nhạc sĩ Bảo Thu kiếm được nhiều tiền để có thể mua được máy móc và mở một phòng thu riêng cho mình.
Trên báo CATP năm 2008, nhạc sĩ Bảo Thu kể lại câu chuyện tình trong bài Giọng Ca Dĩ Vãng như sau:
“Dạo ấy, P.H.T sinh hoạt trong ban văn nghệ thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức, tôi dạy ảo thuật nhưng thỉnh thoảng cũng đến tham gia sinh hoạt và phụ thầy Đức dạy nhạc lý, nên tôi và T. quen nhau. Sau đó tôi mở lớp nhạc tại nhà riêng trên đường Trần Hưng Đạo, trong thời gian này tôi thường đến nhà T. dạy hát và giới thiệu T. diễn ở một số phòng trà tại Sài Gòn.
Khi T. đã có tên tuổi trong làng nhạc thì chúng tôi nảy sinh tình cảm. Trớ trêu thay, T. báo tôi biết là gia đình đã đính hôn cho cô từ lâu rồi! Cả hai chia tay. Trong nỗi tuyệt vọng và nhớ thương hình bóng người xưa, tôi đã sáng tác Giọng Ca Dĩ Vãng, tái hiện hình ảnh “anh đàn em hát” ngày nào nay đã trở thành dĩ vãng nhạt nhòa”.
Click để nghe Giao Linh hát Giọng Ca Dĩ Vãng trước 1975
Ca khúc tiếp theo của nhạc sĩ Bảo Thu được nhiều người biết đến là Thương Ca Mùa Hạ, hợp soạn cùng nhạc sĩ Thanh Sơn – một nhạc sĩ chuyên viết về mùa hạ và tuổi học trò.
Sau thành công với Giọng Ca Dĩ Vãng, nhạc sĩ Bảo Thu được Hãng Dĩa Việt Nam của bà Sáu Liên ký độc quyền với cái tên Bảo Thu. Đó cũng là thời điểm ông thành công với 2 ca khúc Nếu Xuân Này Vắng Anh và Cho Tôi Được Một Lần, được được hãng dĩa Việt Nam thu âm khoảng năm 1967, 1968.
Click để nghe Lệ Thu hát Cho Tôi Được Một Lần trước 1975
Cùng thời gian này, có một số hãng thu âm khác muốn mua nhạc của ông, nhưng vì đã ký độc quyền cái tên Bảo Thu để sáng tác riêng Hãng Dĩa Việt Nam, nên sau khi hỏi ý kiến hãng dĩa này, ông đã được này đồng ý để sáng tác một số ca khúc khác với bút danh Trần Anh Mai là Xuân Trong Rừng Thẳm, Lính Và Tình Yêu… để bán cho hãng thu âm khác. Bút danh Trần Anh Mai viết tắt thành T.A.M, gợi nhớ đến tên Tâm, cái tên của những người có duyên với cuộc đời của ông, như ca sĩ Phương Hoài Tâm và ca sĩ Thanh Tâm (là người vợ sau này của Bảo Thu).
Ngoài vai trò là nhạc sĩ, ảo thuật gia, Bảo Thu còn được mời phụ trách chương trình “Tiếng “K” Thời Đại” vào năm 1966. Đó là chương trình ca vũ nhạc, ảo thuật xiếc, độc tấu đầu tiên của Đài truyền hình Việt Nam. Sau đó chương trình này đã đổi tên thành “Tiếng hát 20”, rồi “Chương trình Bảo Thu”. Ông cũng được mệnh danh là “Ông hoàng bồ câu” với những tiết mục ảo thuật độc đáo với chim bồ câu được thu và phát trên làn sóng truyền hình nhiều lần thời bấy giờ.
Năm 1969, Bảo Thu được tổ chức International Brotherhook of Magicians IBM (Kenton Chio – USA) chính thức công nhận là Ảo thuật gia Quốc tế. Năm 1971, ông thực hiện chuyến lưu diễn qua một số nước châu Âu như Pháp, Ý, Bỉ… Thời gian này, ông dừng chân tại Hà Lan để học thêm về múa và kịch nói.
Nhạc sĩ Bảo Thu lập gia đình năm 1973 cùng với nữ ca sĩ xinh đẹp Thanh Tâm. Thời điểm đó ca sĩ Thanh Tuyền vừa lấy chồng nên tạm dừng sự nghiệp ca hát, và ca sĩ Chế Linh đã chọn ca sĩ Thanh Tâm để cùng song ca, thay thế cho đôi song ca Chế Linh – Thanh Tuyền nổi tiếng trước đó. Trong những buổi dợt nhạc cho đôi song ca Chế Linh – Thanh Tâm, nhạc sĩ Bảo Thu đã nảy sinh tình cảm với nữ ca sĩ trẻ mới 18-19 tuổi. Họ làm đám cưới khi Thanh Tâm vừa mới bắt đầu tạo dựng được tên tuổi. Tuy nhiên thời gian sau đó, Thanh Tâm ít đi hát hơn và gần như ngừng hẳn để chăm lo cho gia đình. Vợ chồng nhạc sĩ Bảo Thu – ca sĩ Thanh Tâm đã sống hạnh phúc với nhau trong gần 50 năm qua.
Sau năm 1975, Bảo Thu tiếp tục được chính quyền mới mời phụ trách Chương trình Bảo Thu, ca vũ nhạc ảo thuật xiếc biểu diễn tại các rạp ở Sài Gòn. Năm 1978, Chương trình Bảo Thu kết hợp với Đoàn xiếc Độc lập thành đoàn Hương Miền Nam, chuyên biểu diễn tạp kỹ ca nhạc ảo thuật xiếc cho đến năm 1979.
Hiện nay, nhạc sĩ Bảo Thu sống cùng gia đình tại Sài Gòn, làm giám khảo các hội thi ảo thuật, đạo diễn-dàn dựng-biên tập các chương trình tạp kỹ, làm quảng cáo cho các cơ sở thương mại… Ngoài ra ông còn mở phòng trà “Bảo Thu Bolero Và Nàng” tại đường Nguyễn Trãi – Quận 1.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn