Mỗi năm, gần đến rằm tháng tám, chắc là nhiều người sẽ nhớ về tuổi thơ mầu nhiệm của mình với những kỷ niệm không thể nào quên được về những chiếc lồng đèn giấy kiếng dưới ánh trăng sáng tỏa. Đặc biệt là nếu được nghe lại những câu hát này, ai cũng sẽ cảm thấy một trời yêu dấu quay về từ ký ức xa xăm: Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ…
Đó là những câu đầu tiên trong bài hát Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương, rất quen thuộc với hầu hết các thế hệ tuổi thơ Việt Nam từ thập niên 1950 đến nay, là những ca từ chân chất, dễ nhớ và dễ hát như một khúc đồng dao:
Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ
Lặng yên ta nói Cuội nghe:
“Ở cung trăng mãi làm chi”
Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ.
Ngay ở tựa đề bài hát, tác giả dùng chữ “thằng” thật dân dã và gần gũi, như cách mà dân gian vẫn hay nói về thằng Bờm, thằng Mõ. Với cách gọi như vậy, thì dù là “Cuội già” nhưng vẫn mãi mãi là một nhân vật trẻ dại, ngây ngô và mơ mộng, cứ ngồi nơi cung trăng đã bao lâu để ôm một mối mơ đã thành vĩnh cửu. Hàng bao nhiêu năm qua, các em nhỏ vẫn nhìn lên bóng trăng rằm có những vệt đen giống như là hình dáng Cuội già đang ngồi gốc đa và thắc mắc rằng Cuội “ở cung trăng mãi làm chi?”.
Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta
Lặng nghe trăng gió bảo nhau:
“Chị kia quê quán ở đâu?”
Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta.
Câu hát về một ngọn gió lãng du trong một đêm thu trời trong mát, mênh mang trôi đi khắp nơi. Trăng gặp gió bèn hỏi: “chị kia! quê quán ở đâu?”. Đáp lại rằng gió không có nhà đâu, gió chỉ trôi đi biền biệt khắp muôn phương mà không biết nơi đâu là quê hương gốc gác. Nhạc sĩ mượn câu chuyện trăng gió để nói về những thắc mắc thơ ngây của tuổi nhỏ. Vì chúng ta, ai cũng đã từng trải qua những ngày tháng đó, đều từng nhìn lên những ngọn cây lắc lư rồi tự hỏi gió rung cây kia từ đâu mà đến, trăng kia vì sao mà cứ kiên trì theo gót ta mãi hoài…
Các con dế mèn
Suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền
nên nghèo xác xơ
Đền công cho dế nỉ non
Trời cho sao chiếu ngàn muôn
Các con dế mèn
Suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ.
Bằng những hình ảnh gần gũi, nhạc sĩ đã có những lý giải rất mới lạ đối với các hiện tượng thiên nhiên. Có lẽ trẻ em thành phố ngày nay sẽ không bao giờ biết được âm thanh của những con dế mèn “hát xẩm không tiền” suốt trong đêm khuya, kết hợp cùng những tiếng kêu xa vắng não nùng của lũ sâu đất và muôn loài côn trùng khác từ những bãi hoang nghe như là đến từ một cõi khác, là những âm vang đã đi sâu vào trong tâm khảm tôi trong cả một thời thơ dại.
Suốt những đêm dài ẩm ướt sương khuya, tiếng động côn trùng của loài dế nghèo xác xơ đó đã vang động tới tận cao xanh. Vì mủi lòng nên ông Trời đã ban cho ánh sao chiếu ngàn muôn xuống cõi trần trong những đêm trường lung linh huyền ảo, một cảnh tượng thật đẹp như là để tưởng thưởng cho bầy dế reo đêm.
Sáng rơi xuống đồi
Sáng leo lên cây
Sáng mỏi chân rồi
Sáng ngồi xuống đây
Cùng trông ánh sáng cười vui
Chị em ta hãy đùa chơi
Sáng rơi xuống đồi
Sáng leo lên cây
Sáng mỏi chân rồi, sáng ngồi xuống đây
Các em thích cười
Muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời
cho mượn cái thang
Mười lăm tháng Tám trời cho
Một ông trăng sáng thật to
Các em thích cười
Muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang.
Bài hát nói về mười lăm tháng tám, nói về đêm trung thu có trăng sáng soi khắp nơi, nhắc về Cuội già, nhưng lạ thay là không nói gì đến chị Hằng. Phải chăng hình tượng “sáng” trong đoạn hát này chính là chị Hằng xuống chơi trần gian cùng bầy bé thơ đang vui đón trăng rằm?
Ánh sáng huyền diệu của chị Hằng đang soi rọi khắp cõi trần, sáng ở trên đồi, sáng soi trên cây, sáng đi muôn nơi và mỏi chân thì hãy ngồi xuống đây để chơi cùng đàn em nhỏ.
“Cùng trông ánh sáng cười vui, chị em ta hãy đùa chơi”. Vì sao là “chị em” mà không phải là “anh em”?, là bởi vì Chị ở đây chính là chị Hằng, chị đang cười vui và nô đùa cùng các em nhỏ thơ ngây.
Cứ mười lăm tháng tám hằng năm, Trời lại cho một ông trăng thật to sáng soi xuống trần. Ngước nhìn bóng trăng vằng vặc đó, hình như ai cũng đã từng có những mơ ước thơ ngây là một lần được dạo bước lên cung trăng cùng với chị Hằng. Thật ra chuyện đó cũng không khó lắm, lời khuyên của nhạc sĩ Lê Thương đến các em nhỏ là chỉ cần liên hệ ông Trời để mượn cái thang là được.
Đó là những suy nghĩ ngây ngô mà ai cũng từng có, và cũng là cần có trong một thế giới đang ngày càng thiếu vắng đi những ước mơ như hiện nay. Dù là những ước mơ viển vông, nó cũng giúp cho tâm hồn các em nhỏ có thể bay cao vời đến những chân trời mà người lớn không bao giờ chạm tới được. Tuổi thần tiên yêu dấu cần những điều bình dị nhưng cũng mầu nhiệm như vậy, hơn là việc được tiếp cận quá sớm với những công nghệ đã làm cho thế hệ tuổi thơ hiện nay bị bào mòn đi cảm xúc trong trẻo và thui chột đi những ước mơ hồn nhiên.
Click để nghe Thằng Cuội do Bích Huyền của Ban Tuổi Xanh hát trước 1975
Ca khúc Thằng Cuội đã được rất nhiều thế hệ ca sĩ hát, nhưng không hiểu sao tôi vẫn yêu thích nhất những âm thanh đến từ quá khứ, nhất là bản thu âm của Bích Huyền ở bên trên, tràn ngập một cảm xúc trong trẻo và hồn nhiên của một thuở ấu thơ.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn