Nếu có một bảng xếp loại 10 ca khúc nổi tiếng nhất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, không thể không nhắc đến bài Hạ Trắng, dù vậy không phải ai cũng hiểu thấu đáo ý nghĩa ẩn sâu sau lời của bài hát này.
Hạ Trắng được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết năm 1961, khi ông đang theo học tại trường Sư phạm Quy Nhơn. Đây là một trong những sáng tác đầu tay của chàng nhạc sĩ họ Trịnh khi ông vẫn còn vô danh. Phải tới 5 năm sau đó, tên tuổi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới được biết đến rộng rãi trong giới yêu nhạc và ca khúc Hạ Trắng cũng theo dòng chảy định mệnh đó, bắt đầu được biết tới và yêu thích rộng rãi.
Hạ Trắng rõ ràng là một bản tình ca, nhưng đó là một bản tình ca viết cho “giấc mơ đời hư ảo” như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…”
Nếu ai đó cố gắng tìm kiếm một câu chuyện tình mùi mẫn sau lời hát thì chắc chắn sẽ vô cùng thất vọng bởi chẳng có câu chuyện tình nào cả. Hạ Trắng được khơi nguồn từ những giấc mơ trong cơn mê man ốm sốt vào một trưa hè nắng như đổ lửa, của chàng nhạc sĩ 22 tuổi và niềm xúc động trước tình cảm khắng khít của một cặp vợ chồng già.
“Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một dàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó lại còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và quần áo sờ vào cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42-43 độ C.
Có một mùa hạ năm ấy, tôi bị một số cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài gần nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy có một hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Đến lúc tỉnh người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cầm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức.
Trong vùng tôi ở đó, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.
Sau một tuần lễ tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩn liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó, ông nằm trên sập gu một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo cụ bà luôn.
Câu chuyện ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như ‘áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau’ để viết nên bài Hạ Trắng.”
(Trích trong cuốn “Trịnh Công Sơn – Tôi là ai là ai…” của NXB Trẻ xuất bản)
Nhạc sĩ Trịnh Công có rất nhiều tình khúc làm nhiều người mê đắm, nhưng riêng với Hạ Trắng, chỉ cần thoáng nghe giọng ca trầm khàn, ma mị, tràn đầy nhựa sống của Khánh Ly vang lên câu hát đầu tiên: “Gọi nắng!” người nghe nhạc có thể cảm thấy dâng một làn sóng cảm xúc rần rần trượt dài trên thân thể theo từng câu hát đắm say. Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao lại “gọi nắng” mà không “gọi em” hay “gọi tình”, nghe nó thực hơn, rõ ràng hơn.
Nhưng Nắng làm sao mà gọi được?! Xin được mạn phép cắt nghĩa chi tiết này như sau. Như lời kể của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hạ Trắng là tình khúc được gom góp từ những cơn mê khi ông đang ốm nặng. Trong cơn mê sảng vì sốt cao, cái “nắng nóng oi bức như địa ngục” từ ngoài cửa hắt vào vẫn ám ảnh chàng nhạc sĩ, vậy nên thay vì nhìn thấy em sẽ “gọi em”, chàng ta lại “gọi nắng”. Nắng nóng là “thủ phạm” làm nên cơn sốt, làm nên những cơn mê nên phải “gọi nắng”, dù chẳng biết là để tri ân hay để trách móc. Chỉ biết rằng, hình ảnh cô gái xuất hiện trong cơn mê rất đẹp và thơ, một ảo mộng thần tiên có lẽ hiếm thấy khó tìm.
Có người gọi ca khúc Hạ Trắng là một “thiên tình mộng” bởi ca khúc có đến 3/4 là mộng, chỉ có một phần là thực ở đoạn hát thứ 3, nhưng cái thực đó cũng bị cuốn vào dòng tâm tư của ảo mộng. Trong cơn sốt mê man, bóng dáng của cô gái hàng xóm mang hoa dạ lý hương đến và mùi thơm ngào ngạt của loài hoa này đã đưa chàng nhạc sĩ lạc vào khu rừng hoa trắng thần tiên, đầy mê hoặc. Ca khúc Hạ Trắng đã được bắt đầu như vậy. Hãy nghe người nhạc sĩ ấy kể về những giấc mơ của chính mình:
Gọi nắng!
Trên vai em gầy đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say
Lối em đi về trời không có mây
Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy
Chàng nhạc sĩ chưa kịp tỉnh giấc thì đã chìm vào cơn mộng ảo thứ hai, “cơn mê chiều”:
Gọi nắng!
Cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay
Cho tay em dài gầy thêm nắng mai
Bước chân em về nào anh có hay
Gọi em cho nắng chết trên sông dài
“Giấc mơ trưa” rực rỡ, lãng mạn, bay bổng bao nhiêu thì “cơn mê chiều” u buồn, hụt hẫng bấy nhiêu. Trời chiều đổ bóng, những cánh hoa trắng rời khỏi cành, tan tác bay trong gió, giống như một làn sương mờ phủ xuống dần che khuất bóng hình cô gái. Chàng trai khẩn khoản cầu xin “cho tay em dài gầy thêm nắng mai”. Hẳn là chàng đã ước cô gái vươn cánh tay dài về phía chàng, để chàng có thể nắm lấy tay cô, để “nắng mai” bừng sáng trở lại trong khu rừng tình mộng. Nhưng cô gái nào có nghe thấy lời chàng, cô tiếp tục bước đi về phía trước, đi mãi, đi mãi rồi mất hút về phương trời nào đó mà chàng không hay biết.
Hoàng hôn đã tắt, cô gái đã đi mất, tuyệt vọng, hoảng hốt, quay cuồng trong bóng tối, chàng trai vừa đuổi theo cô gái vừa gọi lớn. Lời gọi đầy bi thiết: “Gọi em cho nắng chết trên sông dài”. Trong cơn mê sảng, chàng nhạc sĩ tội nghiệp ngỡ như mình “đã chết trên sông dài”.
Khi “cái chếƭ” trong cơn mơ hoảng loạn vừa chờ tới, chàng trai giật mình tỉnh giấc và nhận ra mình vừa trải qua một giấc mộng dài. Nhưng những xúc cảm, rung động, say mê và cả u sầu bi thiết, lẫn bóng hình cô gái vẫn còn đây, hiển hiện rõ nét trong tâm trí chàng. Chàng nhạc sĩ có lẽ không “cam tâm” với cái kết phũ phàng như vậy. Nên chàng đã nguyện ước được trở lại cơn mê một lần nữa:
Thôi xin ơn đời trong cơn mê này gọi mùa thu tới
Tôi đưa em về chân em bước nhẹ trời buồn gió cao
Và trong cơn mê đó, chàng cầu xin gió thu tới xua đi nắng hè chói chang. Bởi mùa thu mới là mùa của những đôi tình nhân, mùa của những cảm xúc bay bổng mà sâu lắng, mùa của sự chín chắn và trưởng thành. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhiều lần thể hiện rõ quan niệm này trong âm nhạc, trong ca khúc Ru Tình, ông cũng từng mong cầu mùa thu đến mau hơn: “Ru cho bầy lá nhỏ, rụng đầy một mùa thu”.
Nhạc sĩ đã xin cho tình cảm của cô gái và chàng tiến thêm một bước. Chàng không cầu xin những cảm xúc rạo rực, say mê của mùa hè rực nắng nhưng xa cách trong ảo mộng. Chàng cầu xin một mùa thu dịu dàng với “trời buồn gió cao”, êm êm, lãng đãng, chầm chậm trôi để chàng có thể đuổi kịp cô gái, để có thể sóng bước cùng nhau, để “đưa em về”. Và xa hơn nữa, chàng cầu xin:
Đời xin có nhau dài cho mãi sau nắng không gọi sầu
Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau
Chàng nhạc sĩ cầu mong trong giấc mộng tiếp theo, chàng và nàng được bên nhau “dài cho mãi sau”, bên nhau trong hạnh phúc tròn đầy “nắng không gọi sầu”. Và dù cho năm tháng có trôi qua, chàng và nàng già đi, xấu đi, ánh mắt nhăn nheo, da dẻ xù xì như chiếc “áo xưa” nhàu nhĩ, vẫn “xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”. Dù chỉ là trong ảo mộng hư thực, chàng vẫn mong cầu một tình yêu bền chặt, vĩnh viễn. Nhưng điều mong cầu của chàng có được tác thành?
Hãy nghe chàng nhạc sĩ kể về giấc mơ tiếp theo, giấc mơ cuối cùng:
Gọi nắng!
Cho tóc em cài loài hoa nắng rơi
Nắng đưa em về miền cao gió bay
Áo em bây giờ mờ xa nẻo mây
Gọi tên em mãi suốt cơn mê này…
Lệ Thu là người đầu tiên hát Hạ Trắng, click để nghe bản thu âm trước 1975
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn