Nếu thi sĩ Phạm Thiên Thư được mệnh danh là “người thi hoá Kinh Phật” thì nhạc sĩ Phạm Duy chính là “người đời hoá thơ của Phạm Thiên Thư”.
Những bài nhạc Phạm Duy nổi tiếng nhất phổ từ thơ Phạm Thiên Thư, ngoài 10 bài đạo ca thì còn có các ca khúc Ngày Xưa Hoàng Thị, Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu, đặc biệt là Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, phổ từ bài thơ Động Hoa Vàng từng đoạt giải thưởng Văn học toàn quốc vào năm 1971. Có thể nói tài năng phổ nhạc của Phạm Duy và tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh chính là hai yếu tố quan trọng đưa những tứ thơ phiêu lãng của Phạm Thiên Thư đến với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.
Click để nghe Thái Thanh hát Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng thu âm trước 1975
Nguyên gốc bài thơ kể về câu chuyện tình đời của một chàng học trò ngày ngày đèn sách nhưng thi mãi không đậu. Chàng yêu và muốn cưới một cô gái trong làng làm vợ nhưng lực bất tòng tâm vì gia cảnh nghèo khó, công danh sự nghiệp lại không có gì. Chàng đành đau khổ, bất lực nhìn người yêu bị đem gả cho một công tử con nhà giàu. Sau vài năm quyết chí ngày đêm dùi mài kinh sử, cuối cùng chàng thi đậu trạng nguyên và được ra làm quan. Tuy nhiên, chốn quan trường danh lợi đua chen bạc bẽo khiến chàng chán nản, xin cáo quan về quê, chọn sống cuộc đời ẩn dật với hoa cỏ gió trăng.
Mối tình eo le với những ngả rẽ bất ngờ trong cuộc đời chàng trai được Phạm Thiên Thư thi hoá bằng những ca từ bay bổng, da diết, lồng ghép những ý tứ, mong ước về một cuộc sống bình an, phiêu bồng và thoát tục. Tuy nhiên, nếu Phạm Thiên Thư diễn giải câu chuyện khá dài bằng 400 câu thơ, chia thành 100 khổ thì nhạc sĩ Phạm Duy đã chắt lọc lại còn vài ba chục câu mà ông tâm đắc nhất để đưa vào âm nhạc.
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau
Đây là hai câu hát mở đầu, được lặp đi lặp lại nhiều lần trong ca khúc giống như sợi dây mạch nguồn chủ đạo xuyên suốt. Trong tư tưởng của người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng, việc các quan lại bất mãn chuyện triều chính, nhân tình thế thái nên chọn giải pháp là từ quan ở ẩn, sống cuộc sống an nhiên không phải là sự trốn chạy hèn nhát mà là thể hiện cốt cách cao quý, muốn giữ cho bản thân được thanh bạch, không vào hùa, nhúng chàm vào những thói hư tật xấu ở chốn quan trường và ở đời.
Tuy nhiên, thông thường khi nhắc đến những nhân vật từ quan ở ẩn, người ta thường nghĩ tới những bậc trưởng thượng, những quan chức đạo mạo và có tầm ảnh hưởng. Còn ở đây lại là một “gã”, hẳn là còn trẻ, công danh sự nghiệp vẫn còn lưng chừng lỡ dở, nhưng “gã” lại quyết từ quan, quyết “lên non”. Nhưng “lên non” để làm gì? “Tìm động hoa vàng” để làm gì? À, chỉ là để “nhớ nhau”. Để tự do, thoả thích phiêu bồng với những tâm tư riêng mà khi còn làm quan đã không thể bộc lộ. Chỉ bằng vài câu chữ mà nghe như trong phong thái, dáng dấp của “gã” có chút “nổi loạn”, chút bất cần của kẻ lãng tử. Nhưng dù có rũ bỏ hết cơ đồ để “lên non”, “gã” vẫn không thể rũ bỏ được hình bóng người thương ở trong tim.
Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau
Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi
Sông này đây chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông
Buổi chia tay khắc hoạ rõ nét cuộc tình sâu nặng, bi thiết và còn nhiều quyến luyến. Chàng trai dường như van nài cô gái đến tiễn đưa mình, đến gặp gỡ nhau lần cuối. Xin em đừng ngại cơn mưa đang kéo tới, hay xin em đừng ngại anh sẽ nhỏ lệ níu kéo, quyến luyến không thể rời bước. Bởi “sông này đây chảy một dòng thôi”, lần từ biệt này sẽ là vĩnh viễn, chẳng thể nào còn có thể gặp lại nhau nên “gã” muốn ghi khắc lại hình bóng em lần cuối cùng rồi ra đi.
Câu hát “mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông” vẽ nên bức tranh chia ly buồn đến nao lòng, dù đã đi xa thật xa, người đầu sông kẻ cuối sông nhưng chàng trai vẫn không thôi đau đáu nhớ thương về hình bóng, mái tóc người thương nơi cuối dòng. Những kỷ niệm xưa thật xưa về cô gái lại dội về từ ký ức:
Nhớ xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân may áo áo hồng đào rơi
Mùa Thu em mặc áo da trời
Sang Đông lại khoác lên người áo hoa
Đó là những ngày tháng thanh tân em chưa thuộc về ai, chưa theo chồng, anh thì thoả sức yêu đương và mơ mộng. Hình ảnh cô gái trẻ trung, tươi mát được vẽ lên chỉ bằng những màu áo thật độc đáo. Hẳn là trong suốt nhiều năm tháng tuổi trẻ, chàng trai đã dõi theo bóng dáng người thương, nhớ từng đường nét, cử chỉ của cô, từng chiếc áo cô mặc. Giữa đất trời chuyển mùa, thay sắc, xuân hạ thu đông, chàng trai chỉ nhìn thấy duy nhất cô gái, nhớ duy nhất màu áo mà cô mặc. Mỗi mùa một sắc màu, nhưng sắc màu nào cũng ngọt ngào, tươi đẹp, trong trẻo như chính tình yêu của chàng trai dành cho cô.
Thôi thì em chẳng còn yêu tôi
Leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng
Thôi thì thôi mộ người tà dương
Thôi thì thôi nhé… đoạn trường thế thôi
Câu hát “leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng” nhắc ta nhớ đến những câu ca dao nổi tiếng trong dân gian:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay…
Chàng trai hẳn là cũng “tiếc lắm thay”, tiếc ngẩn tiếc ngơ khi người thương cất bước theo chồng, nhưng tiếc hơn cả là sau nhiều năm tháng gặp lại “em chẳng còn yêu tôi” nữa, em hẳn đã có một cuộc sống hạnh phúc, êm ấm bên chồng. Vậy nên “thôi thì thôi nhé”, chàng đành vỗ về cõi lòng náo động của mình rằng chẳng thể thay đổi, mong cầu được điều gì nữa. Và chàng trách cô gái “sao nỡ để lời thề bay”, sao vội quên mất lời thề nguyện, hẹn ước khi xưa dưới trăng đêm:
Nhớ xưa em rủ tóc thề
Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay
Chỉ trách nhẹ vậy thôi chứ chàng trai hoàn toàn không oán hận cô gái. Bởi vì yêu nên chàng chấp nhận chờ đợi. Chàng đợi cô gái “tàn cuộc hoa” với người chồng hiện tại, nhưng chàng cũng hiểu rằng cô không còn yêu mình nữa, cô hẳn là đang hạnh phúc. Chàng chắc chắn sẽ phải đợi cô rất lâu, không chỉ trong trăm năm hữu hạn của đời người, mà nhiều đời nhiều kiếp sau nữa. Giống như trong tích xưa, chàng là Trương Quân Thụy, nàng là Thôi Oanh Oanh hẹn nhau ở đồi Tây lúc trăng lên:
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi Tây hững hờ
Đến đoạn hát cuối cùng, ý tứ ca từ bỗng nhiên có sự chuyển đổi sâu sắc.
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Dường như khi sống ở “động hoa vàng”, nơi chốn thanh tao, thoát tục, chàng trai đã gội rửa được tất cả những sầu luỵ, vướng bận ở đời để vui sống an nhàn, tự tại và “ngủ say”. Tại sao lại là “ngủ say”? Bởi trần đời luôn náo động những nỗi niềm, khổ đau, biến thiên không ngừng. Chỉ khi ngủ say, con người mới có thể thoát khỏi những những nhát cắt ấy của đời sống. Chỉ khi ngủ say, mới không mộng mị, mơ màng những giấc mơ hư thực. Chỉ khi ngủ say, tâm hồn con người mới thật sự an yên. Trạng thái “ngủ say” đầy tĩnh tại ấy hẳn chỉ những bậc cao nhân mới tìm thấy được, là giấc mơ của rất nhiều người đang quay cuồng trên đời này.
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi
Và dù “gã” chưa thể đạt được trạng thái tinh thần cao vợi đó của các bậc cao minh thì trong sâu thẳm lòng mình gã vẫn nuôi ước mơ, vẫn dằn lòng mình xuống, vui vầy với hiện tại, “ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan”, để “mặc mây trôi”. Bởi “gã” hiểu rằng tất cả “chỉ là phù vân”, tất cả chỉ “có ngần ấy thôi”. Mọi vật vã mong cầu hay cuồng quay chiếm hữu chỉ làm nặng thêm một kiếp người. Chi bằng cứ bình thản bước đi, bình thản đón nhận mọi biến thiên của thân phận, trời đất:
Chim ơi chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà
Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu
Cuộc dạo chơi vào thiên thu ấy được thi nhân ví như là “chim ơi chết dưới cội hoa”. Có loài chim nào chết dưới cội hoa? Đó là The thorn bird, là tiếng chim hót trong bụi mận gai, loài chim ấy chỉ hót một lần trong đời, ngọt ngào hơn bất cứ âm thanh nào trên đời này. Một khi trưởng thành, rời tổ, nó tìm ngay một cành cây đầy gai nhọn, phóng mình vào, đồng thời cất lên tiếng hót duy nhất trong đời. Tiếng hót lúc đó là bài ca tuyệt diệu nhất, mang theo cả niềm hạnh phúc vô tận của tình yêu đồng thời cả chất liệu thống thiết khổ đau hàm ẩn của nó.
Hai câu hát cuối cùng gợi nhớ đến tích Trương Chi – Mỵ Nương. Sau khi anh lái đò Trương Chi ôm mối tương tư mất ăn mất ngủ, sầu héo dần, anh chết đi nhưng khối tim si tình vẫn còn, kết thành pha lê trong vắt tuyệt đẹp. Số mệnh đưa viên pha lê đó về lại bên Mỵ Nương, rồi được tiện thành cái ly.
Một lần Mỵ Nương uống nước chợt bóng Trương Chi hiện nơi đáy cốc. Xúc động nàng đánh rơi. Ly không vỡ, nhưng sau chỉ một giọt nước mắt thương yêu của Mỵ Nương, chiếc ly bỗng tan thành nước.
Chỉ một giọt nước mắt nhỏ vào thiên thu, “gã” có thể thỏa nguyện cho giấc ngủ ngàn năm.
Bài: Niệm Quân (nhacxua.vn)