Ông Trăng Xuống Chơi là một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy được viết dựa trên một bài đồng dao.
Trong số những ca khúc sáng tác cho thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Duy mà ông gọi là nhạc Bé Ca, có 2 ca khúc dựa vào đồng dao với nội dung là sự luân chuyển thú vị, bên cạnh Ông Trăng Xuống Chơi còn có Chú Bé Bắt Được Con Công. Lời những bài hát này tưởng chừng là ngây ngô như suy nghĩ của con trẻ, nhưng thực ra là hàm chứa được những triết lý về cho và nhận:
Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo
Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút
Ông trăng xuống chơi ông bụt thì ông bụt cho chùa
Ông trăng xuống chơi nhà Vua thì nhà Vua cho lính
Ông trăng xuống chơi đền thánh thì cụ chánh cho mõ…
Ông trăng xuống chơi nồi chõ thì nồi chõ cho vung
Ông trăng xuống chơi cành sung thì cành sung cho nhựa
Ông trăng xuống chơi con ngựa thì con ngựa cho tầu
Ông trăng xuống chơi cần câu thì cần câu cho lưỡi
Ông trăng xuống chơi cây bưởi thì cây bưởi cho hoa
Ông trăng xuống chơi vườn cà thì vườn cà cho trái
Ông trăng xuống cô gái đẹp thì gái đẹp cho chồng
Ông trăng xuống anh đàn ông thì đàn ông cho vợ.
Ông trăng trả vợ đàn ông
Trả chồng cô gái
Trả trái cây cà
Trả hoa cây bưởi
Trả lưỡi cần câu
Trả tầu cho ngựa
Trả nhựa cây sung
Trả vung nồi chõ
Trả mõ ông chánh
Trả lính nhà vua
Trả chùa cho bụt
Trả bút học trò
Trả mo cây cau
Trả mo cây cau
Trả mo cây cau…
Với hầu hết các thế hệ tuổi nhỏ, đặc biệt là vào những ngày xưa, thì mặt trăng luôn là người bạn thân thuộc nhất, được gọi nhân cách thành Ông Trăng hoặc là Chị Hằng. Nhiều năm về trước, vào ban ngày, trẻ con nếu không đi học thì cũng bận rộn phụ cha mẹ việc nhà hoặc lên nương, đến đêm tối mới được có cả một bầu trời thần tiên của tuổi nhỏ, đặc biệt có là ánh trăng soi sáng cho khoảng sân rộng nhiều trò vui chơi, được mang cảm giác rằng “em đâu trăng theo đó”, như là trăng chỉ dành riêng cho mình mà thôi.
Được nô đùa và chạy nhảy dưới trăng là nguồn vui bất tận mà thế hệ tuổi thơ ngày nay không còn được tận hưởng, và niềm khát khao đợi đến đêm trăng tròn huyền diệu chỉ còn là ở trong ký ức của người lớn, những kẻ mà giờ đây chỉ có thể nhớ lại và tưởng tiếc một thời đã tiêu hoang phí tuổi thơ đầy màu sắc mà sẽ không bao giờ trở lại được một lần nào nữa.
Mỗi tối Ông Trăng sẽ nhô lên từ hướng Đông để vui cùng nhân gian, chơi cùng đàn em bé, rồi sẽ chia tay và dần khuất về hướng Tây, đều đặn như vậy tròn rồi lại khuyết. Có Ông Trăng vui quá nên ai cũng hào phóng muốn tặng cho Trăng những thứ quý giá nhất của mình, như là cau sẽ cho mo, học trò cho bút, ông Bụt cho chùa… Rồi khi ông trăng từ biệt thì trả lại hết thảy những thứ đó để ra về tay không.
Một tầng ý nghĩa khác của bài đồng dao/ca khúc Ông Trăng Xuống Chơi, đó là để kết bạn, trẻ con thường có những điều đặc biệt để thu hút bạn bè theo kiểu có qua có lại. Ban đầu, muốn có Ông Trăng xuống chơi cùng thì phải “đánh đổi”, hoặc là “mua chuộc”. Tuy nhiên khi đã trở thành bạn rồi thì không cần điều đó nữa và trả lại nguyên như cũ, chỉ còn chơi với nhau bằng tất cả tình thân mến. Là bạn thì không thể lợi dụng hay cần có sự đánh đổi nào về vật chất, niềm vui bất tận khi được cùng nhau vui đùa dưới bóng trăng đã chính là món quà lớn nhất mà những người bạn nhỏ đã trao nhau trọn vẹn rồi.
Đó là một bài học về tình bạn thật đơn sơ và giản dị dành cho lứa tuổi đầu đời.
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn