Ý nghĩa của bài hát “Một Bàn Tay” (nhạc sĩ Phạm Duy): “Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người”

Trong hồi ký của mình, khi nói về ca khúc mang tên Một Bàn Tay, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết: Tôi soạn nhữngbài hát nói tới toàn diện cuộc đời chứ không chỉ là mảnh đời vụn vặt, trong đó có Một Bàn Tay. Một Bàn Tay là tất cả: Bàn tay đưa ta chào đời, dẫn ta vào đời, cuối cùng, bàn tay vuốt mắt ta. Đó là cuộc hành trình dài của một đời người (đàn ông) và ca ngợi người phụ nữ:

Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người
Một đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời
Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái!
Nhạc ru tiếng khóc trần ai.

Nhân vật chính trong ca khúc này được tác giả nói rằng là một người đàn ông, và toàn bộ cuộc đời của anh từ lúc lọt lòng đến khi nhắm mắt xuôi tay đều được sự nâng đỡ của bàn tay người phụ nữ. Khi một hài nhi rời lòng mẹ thì sẽ được tiếp xúc đầu tiên với bàn tay của người hộ sinh, bàn tay nâng niu, êm ái và khoan khoái giúp đứa bé ra khỏi lòng mẹ được suôn sẻ.

Sau chín tháng mười ngày được mẹ cưu mang trong người, đến khi chào đời và đột ngột thay đổi nơi trú ngụ ấm êm nhưng đã trở nên chật chội, đứa bé bị choáng ngợp với thế giới rộng lớn khi hít được những hơi thở đầu tiên và phản ứng bằng tiếng khóc chào đời, nhạc sĩ Phạm Duy gọi đó là “kêu lên hơi thở tuyệt vời”, là giây phút đầu tiên tiếp xúc với khí quyển, làm bật lên tiếng khóc trần ai, để đánh dấu một đời sống bắt đầu.


Click để nghe Thái Thanh hát Một Bàn Tay trước 1975

Bàn tay đưa anh ra gặp cuộc đời
Một Xuân bao dung ai cũng là người
Bàn tay vun xới, ôi bàn tay đưa lối!
Dọc đời, thơ hát đầy vơi.

Khi ra gặp cuộc đời, thế giới bên ngoài không ấm êm như ở trong lòng mẹ, đứa bé cần được bàn tay mẹ nâng niu chăm sóc vỗ về để lớn lên, được cha mẹ luôn kề cận dạy dỗ để thành người. Đó chính là bàn tay vun xới, đưa lối thì đứa bé được lớn lên trong niềm hạnh phúc đầu đời.

Rồi khi đứa bé lớn lên, rời khỏi bàn tay bảo bọc của người mẹ và bắt đầu bị rơi vào những bàn tay ám khí u mê. che mắt và dẫn lối vào những điều xấu xa. Đó là khi thời thanh xuân đã hết, những mơ mộng không còn, người ta bắt đầu trưởng thành và phải nếm trải bao nhiêu khó nhọc của mưa nắng cuộc đời:

Trong cơn mưa hè
Tay nào khô héo bắt anh về?
Bàn tay che mắt
Ôi còn ngăn câu hát
Bàn tay ám khí u mê…

Những sai lầm tuổi trẻ là điều mà gần như ai cũng từng trải qua, vì điều đó là một phần của cuộc sống, miễn là người ta có thể thoát ly được những mảng tối u ám đó. Vào một ngày nọ, chàng thanh niên vừa lớn lên bỗng thấy một ánh sáng mới của cuộc đời:

Nhưng tay em về
Thơm mùi gỗ quý
Gỡ anh ra.

Bàn tay nắng lóa
Ôi bàn tay khơi gió
Tình trong năm ngón nõn nà.

Đó là khi tình yêu đến, chàng trai đã gặp một bàn tay con gái thơm mùi gỗ quý đưa mình trở về với cuộc sống đầy hương hoa. Đó là “bàn tay khơi gió” để đưa người vào trong cảm giác tuyệt vời của “tình trong năm ngón nõn nà”, đó là những mỹ từ tuyệt diệu nhất để mô tả bàn tay thiên thần của người con gái tuổi xuân thì.

Cơn mưa hè đã qua, phút chốc đã đến mùa thu, là mùa của tình yêu đơm hoa kết trái và những ước mơ được cùng xây đắp tương lai:

Bàn tay ôm anh trong cuộc tình đầy
Một Thu sang, tim anh nở tròn ngày
Bàn tay ấm áp, ôi bàn tay bão táp
Bàn tay son vẽ đời đôi!

Từ cái trinh nguyên của “năm ngón nõn nà”, nay đã trở thành bàn tay ấm áp, bàn tay bão táp, đưa nhau vào “cuộc tình đầy” của cuộc chung sống vợ chồng, cái đích cuối cùng của tình yêu đôi lứa. “Bàn tay son vẽ đời đôi” là đời sống gia đình, sinh con đẻ cái để tiếp nối cái chu kỳ bất tận của vạn vật.

Sau mùa thu sẽ là đến mùa đông của đời người:

Một mai đưa anh thăm thẳm lìa đời
Mùa Đông khăn tang, mây bỏ đường dài
Bàn tay thương nhớ, ôi gặp anh băng giá
Lạ lùng, tay khép làn mi.

Khi thời khắc đã điểm, người trút hơi thở cuối cùng để “thăm thẳm lìa đời”, bàn tay thân yêu của người vợ khẽ vuốt mắt chồng để khép làn mi, tiễn người về cát bụi để kết thúc hành trình một đời người. Khoảnh khắc đó làm cho băng giá cả tâm can của người ở lại. Kể từ đó, bàn tay này sẽ vĩnh viễn ly biệt với người, sẽ trở thành “bàn tay thương nhớ”.

Nhưng tại sao lại “Lạ lùng, tay khép làn mi”? Trong một bài viết, tác giả Phạm Xuân Đài lý giải như sau:

“Đối với người sống, cái ᴄҺết muôn thuở là sự sợ hãi và bí mật, mặc dù nó xảy ra không ngừng trong đời sống, con người luôn luôn đối mặt với nó từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ và mãi mãi. Vì nó thường xảy ra quá nên chúng ta vẫn dửng dưng với nó, nếu nó xảy ra ở xa, không liên quan đến ta. Nhưng khi điều đó xảy ra sát bên cạnh ta, với người thân yêu nhất của ta thì sự thể lại khác. Người chồng, đối với người vợ chẳng hạn, như trường hợp bài hát Một Bàn Tay của Phạm Duy.

Người mà từ mùa hè xa xưa đã đến với ta và ta đã cho người ấy bàn tay năm ngón nõn nà, từ mùa thu đã cùng ta vào cuộc tình đầy để xây dựng gia đình con cái, người ấy một ngày mùa đông bỗng dưng “thăm thẳm lìa đời”, từ một sự sống linh động cùng nhau bây giờ đã trở thành băng giá. Cái người thân yêu nhất đời ấy bỗng không còn nữa, bây giờ ở đâu? Bí mật của sự kết thúc đời sống, của sự vĩnh viễn chia lìa, hốt nhiên bao trùm cả nhận thức của người vợ, nên động tác đưa tay vuốt mắt chồng chứa đầy “lạ lùng”, vừa ngơ ngác, vừa sợ hãi, vừa thắc mắc. Đó là thái độ muôn thuở của con người khi đột ngột cảm nhận sự đứt đoạn do cái sinh ly tử biệt gây nên”.


Click để nghe Duy Khánh hát Một Bàn Tay trước 1975

Cả một đời sống, dù có dài đến trăm năm thì cũng chỉ nằm trong bàn tay của người phụ nữ. Qua bài hát này, nhạc sĩ Phạm Duy muốn ca tụng vai trò của người phụ nữ trong cuộc đời này, sự ảnh hưởng to lớn của họ trong cuộc đời người đàn ông, là những người mang sứ mệnh gánh vác giang san.

Tác giả Phạm Xuân Đài nhận xét rằng Phạm Duy đã giới hạn công dụng của bàn tay trong những động tác gần gũi nhất, nhân bản nhất đối với đời sống một con người: đưa hài nhi vào cuộc sống, nuôi nấng dạy dỗ nó, bàn tay xây dựng cuộc sống lứa đôi, bàn tay vuốt mắt… Những nét quan trọng nhất của cuộc nhân sinh được gói trọn trong một ca khúc; chỉ với một hai câu, có khi cô đọng trong một hai từ, tác giả nói đầy đủ tính chất cốt lõi của mỗi giai đoạn của đời người.

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version