Ý nghĩa của bài hát “Hương Xưa” (nhạc sĩ Cung Tiến) – Tuyệt tác của tân nhạc thập niên 1950

Khi hai bản nhạc được xem là đầu tay của nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác ở tuổi 14-15 là Thu Vàng Hoài Cảm ra mắt năm 1953, ngay lập tức được công chúng yêu thích, rồi trở thành bất tử suốt 70 năm qua, nhưng nhạc sĩ lại nói rằng ông vẫn xem những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp này chỉ là bài tập sáng tác nhạc, chứ chưa thật sự là tác phẩm. Điều đó cho thấy sự cầu toàn trong âm nhạc của Cung Tiến. Vì vậy ca khúc đầu tiên mà ông cảm thấy hài lòng và ưng ý, có lẽ là bài Hương Xưa được sáng tác năm 1956. Bài hát được ghi lời đề tặng cho người bạn thân là Khuất Duy Trác, và cũng chính danh ca Duy Trác là người đầu tiên thể hiện thành công Hương Xưa, đưa ca khúc này trở thành bất tử, là một trong những tuyệt tác sáng lấp lánh nhất của tân nhạc Việt Nam.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Click để nghe Duy Trác hát Hương Xưa trước 1975

Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa?
Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò
Còn đó tiếng tre êm ru
Còn đó bóng đa hẹn hò
Còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu…

Nhạc sĩ Cung Tiến rời Hà Nội năm 14 tuổi, vào cái tuổi bắt đầu có những thay đổi về suy nghĩ và nhận thức. Rời quê mẹ vào thời điểm đó, ông như là một cái cây non bị bứng đi khỏi mảnh vườn thân thuộc, nên nỗi nhớ thương về cố xứ vẫn cứ hoài không nguôi, điều đó cũng đã được ông thể hiện qua 2 sáng tác đầu tay là Thu Vàng, Hoài Cảm.

Vài năm sau, khi sáng tác Hương Xưa với cùng một mạch cảm xúc đó, nhạc sĩ Cung Tiến vẫn mơ xa về những chiều nắng tơ vàng trên đường cũ, nhớ tiếng tre êm ả những trưa hè, nhớ bóng đa rợp mát bên giếng nước đầu làng, và nhớ những đêm sao mờ nghe tiếng sáo vi vu… Trên nền nhạc thật du dương, thấp thoáng trong câu hát chúng ta có thể thấy được hình ảnh của cây đa, cổng làng, con đường mòn nhỏ ngoằn ngoèo… những hình ảnh đặc trưng của làng quê xứ Bắc vẫn còn hoài trong tâm tưởng của chàng trai lúc nào cũng tương tư về hình bóng quê hương đã xa mịt mờ…

Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao
Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao
Còn đó tiếng khung quay tơ,
Còn đó con diều vật vờ
Còn đó, nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa…

Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Cung Tiến nói rằng cho đến khi sáng tác Hương Xưa, ông đã được nghe thêm nhiều nhạc Tây Phương, nhất là nhạc cổ điển của nhạc sĩ thiên tài người Áo – Mozart. Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Mozart vào năm 1956, tổng thống Ngô Đình Diệm đã tổ chức một chương trình đại hòa tấu ngay trong Dinh Độc Lập với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, trong đó Cung Tiến – khi mới 18 tuổi – cũng vinh dự được có mặt. Ông nói rằng đã rất xúc động vì lần đầu tiên được nghe trực tiếp biểu diễn đại hòa tấu nhạc của Mozart, một người mà ông rất ngưỡng mộ và có ảnh hưởng lớn đến âm nhạc Cung Tiến từ đó về sau này.

Ảnh hưởng đó được thể hiện ngay từ ca khúc Hương Xưa được sáng tác sau đó không lâu. Hương Xưa như một tấu khúc buồn ngân dài miên man gợi nhiều hoài niệm. Và điều đặc biệt nhất, ca khúc là sự kết hợp hoàn hảo giữa giai điệu âm hưởng nhạc phương Tây và ca từ thuần chất Việt Nam. Những lời hát đẹp như thơ, rất bay bổng, tha thiết, và cũng là những hình ảnh dân dã vô cùng quen thuộc với người dân quê. Như là “vàng bướm bên ao”, tiếng ru câu ca dao, khung quay tơ và con điều vật vờ… Là những hình ảnh trìu mến của quê hương, như là lời yêu thương ngân dài bất tận biết đến kiếp nào cho vừa.

Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi
Buồn sớm đưa chân cuộc đời
Lời Đường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa
Dù có bao giờ lắng men đợi chờ

Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô
Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ
Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó

Đoạn nhạc này nhắc đến nhân vật Quỳnh Như, nhắc về mối tình của vừa lãng mạn và bi thương giữa Phạm Thái và Trương Quỳnh Như thời Lê mạt – Nguyễn sơ của Việt Nam. Cả bài hát nhuốm một màu sắc nuối tiếc về những ngày yêu dấu cũ không thể tìm lại, vì đường về quê còn xa lắc nên niềm mong ngóng đó thật mơ hồ cũng như là một giấc mơ mà thôi.

Cũng trong đoạn nhạc này, tác giả sử dụng một số điển tích xưa cả ở bên Tàu lẫn ở trong văn chương Việt Nam.

Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô

Ở đoạn sau đó là: “Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ”. “Tiếng đàn đợi chờ” đó chính là 3 loại đàn cổ truyền mà tác giả nhắc đến chỉ trong 2 đoạn nhạc ngắn:

Nhị là cây đàn nhị, loại đàn có 2 dây, người Miền Nam quen gọi là “đờn cò”.

Hồ còn gọi là Hồ cầm, đàn làm bằng gổ ngô đồng có 5 giây tượng của Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ).

Nguyệt Cầm là cây đàn nguyệt, là loại đàn có thùng tròn như mặt trăng, nên gọi là Nguyệt cầm.

Tình Nhị Hồ trong bài hát gợi lại Truyện Kiều, về tình tri âm của Thúy Kiều và Kim Trọng. Sau nhiều năm gặp lại, chàng vẫn một lòng tha thiết với tình xưa:

Tình xưa lai láng khôn hàn
Thong dong lại hỏi tiếng đàn ngày xưa… (Truyện Kiều)

“Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô” là nhắc về chuyện tình Tây Thi với Ngô Phù Sai và Phạm Lãi. Núi Cô Tô ở phía Tây Nam thành phố Tô Châu tỉnh Giang Tô, là tích liên quan đến thời kỳ Xuân Thu.

Tây Thi là người tình của Phạm Lãi – quân sư của Việt Vương Câu Tiễn. Vì Câu Tiễn bị thất thế, khi nằm gai nếm mật để nuôi chí phục thù, đã dâng Tây Thi cho Ngô Vương Phù Sai. Vì Phù Sai say mê nhan sắc, sủng ái hết mực nên đem nàng ở Xuân Tiêu cung tại Cô Tô đài trên núi Linh Nham. Phù Sai dốc ngân quỹ cho người trùng tu Cô Tô đài, biết Tây Thi thích ca nhạc nên thiết kế cung điện, ca hát… đắm chìm trong tửu sắc, bỏ bê việc nước, tạo cơ hội cho Câu Tiễn và Phạm Lãi lấy được thiên hạ. Tây Thi sống trong nhung lụa với Phù Sai nhưng trái tim vẫn luôn nhớ về hình bóng Phạm Lãi.

Thi hào Lý Bạch đã viết về Tây Thi ở Cô Tô đài như sau:

“Phong động hà hoa thuỷ điện hương,
Cô Tô đài thượng yến Ngô vương.
Tây Thi tuý vũ kiều vô lực,
Tiếu ỷ đông song bạch ngọc sàng.”

Dịch nghĩa:

Gió lay động hồ sen, hương thơm ngát
Trên đài Cô Tô, vua Ngô đang ăn tiệc
Múa trong cơn say, Tây Thi chừng mệt lả
Dựa mình vào giường ngọc trắng bên cửa sổ phía đông mà cười.

Nhạc sĩ Cung Tiến đã dựa vào nhạc cụ và điển tích về các mỹ nhân xưa để viết về nỗi luyến nhớ về những ngày yêu dấu cũ. Cả hai mỹ nhân Thúy Kiều và Tây Thi đều bất đắc dĩ vướng vào cuộc tình tay 3 với Kim Trọng – Từ Hải và Phạm Lãi – Phù Sai, cũng không khác gì Cung Tiến ở trong tâm trạng khi sáng tác bài hát. Người thì ở phương Nam nhưng lại nhớ về đất Bắc, mà đó lại là xứ Kinh Bắc của nhiều năm trước đó nữa, vào cái thời Hoàng Kim đã bị chìm khuất xa mờ, được nhắc đến ở đoạn nhạc tiếp theo:

Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ
Dù đã quên lời hẹn hò
Thời Hoàng Kim xa quá chìm trong phôi pha
Chờ đến bao giờ tái sinh cho người…

Chính nhạc sĩ Cung Tiến đã từng giải thích ý nghĩa của những câu chữ này: “Tôi nhớ lại thời hoàng kim, thời xưa của Việt Nam hãy còn hòa bình, nhớ lại cảnh hòa bình xưa của Việt Nam đẹp như thế nào so với cảnh chιến chinh, lúc đó vào khoảng năm 1957-1958, so sánh thời điểm đó với cảnh thanh bình hồi xưa của Việt Nam mà thành lời ca của bản Hương Xưa”.

Đời lập từ những đêm hoang sơ
Thanh bình như bóng trưa đơn sơ
Nay đời tan biến trong hư vô,
ᴄhếƭ đầy từng mồ oán thù.
máu xương tơi bời nhiều mùa thu…

Vào năm 1956, trước mắt chàng trai 18 tuổi Cung Tiến là hoàn cảnh đất nước bị chia thành hai nơi, khói binh chìm đắm, nhìn đâu cũng thấy đầy những mồ oán thù và máu xương tơi bời, đã làm người bị chìm đắm vào một giấc Nam Kha để chờ đợi một ngày “tái sinh” chưa biết bao giờ có được.

“Đời lập từ những đêm hoang sơ” là câu hát thật ý nghĩa để ca tụng thời thơ ấu của mỗi người. Đời người đã được khởi đầu từ những ngày ban sơ thanh bình đó, thanh bình đến từ những điều vô cùng bình dị như là bóng trưa đơn sơ, nhưng nay thì những điều đơn sơ đó cũng đã tan biến trong hư vô, thay vào đó toàn là những “mồ oán thù”…

Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi?
Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi?
Tình có ghi lên đôi môi
Sầu có phai nhòa cuộc đời
Người vẫn thương yêu loài người và yên vui cuộc sống vui.

Đời êm như tiếng hát của lứa đôi,
Đời êm như tiếng hát của lứa đôi….

Đoạn cuối bài hát là những mong chờ của tác giả về một ngày mây đen sẽ tan đi, nắng vàng sẽ về hiền hòa để sưởi ấm lại tình người, sưởi ấm cuộc đời. Khi đó thì sẽ không còn “máu xương tơi bời nhiều mùa thu” nữa, mà mùa thu sẽ về thật thanh bình, yên vui, người sẽ lại được thong thả “nhặt lá thu rơi” như những ngày tươi đẹp cũ, và “người thương yêu loài người” chính là lời nhắn nhủ đơn sơ nhưng thiết tha và đầy ý nghĩa.

Và cuối cùng, cuộc đời sẽ lại êm đềm như “tiếng hát của lứa đôi”. Còn điều gì đẹp hơn như vậy nữa…

Ca khúc này được nhạc sĩ Cung Tiến dành tặng cho danh ca Duy Trác, và chính giọng hát điêu luyện, truyền cảm của Duy Trác đã thể hiện ca khúc này có nhiều cảm xúc nhất, thành công nhất. Bên cạnh đó thì Hương Xưa cũng gắn liền với giọng hát Lệ Thu vào những năm 1960. Ca sĩ Lệ Thu kể về kỷ niệm khi hát Hương Xưa vào gần 60 năm trước như sau:

“Tôi còn nhớ mãi mỗi đêm ở phòng trà Queen Bee, khi tôi hát Hương Xưa xong, khán giả lặng đi một hồi lâu, như là vẫn còn chìm đắm miên man ở trong dòng cảm xúc của bài hát, chưa biết là bài hát đã kết thúc. Tôi hát câu cuối là “Đời êm như tiếng hát của lứa đôi…” rất tình cảm và ngân rất dài. Sau khi dứt tiếng đàn, tiếng hát, mọi người im lặng một lúc, sau đó mới ồ lên vỗ tay…”


Click để nghe Lệ Thu hát Hương Xưa

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version