Ý nghĩa của bài hát “Chuyện Ba Mùa Mưa” (Minh Kỳ – Dạ Cầm) – “Đời từ muôn thuở tiếng mưa có vui bao giờ…”

“Chuyện Ba Mùa Mưa” là ca khúc nổi tiếng của nhóm tác giả Lê Minh Bằng sáng tác vào khoảng năm 1969, được ca sĩ Trang Mỹ Dung thu thanh lần đầu vào dĩa hát Sóng Nhạc. Có thể nói bài hát này, cùng với “Hai Mùa Mưa” (đều là những sáng tác của nhóm Lê Minh Bằng) là hai ca khúc đưa tên tuổi của ca sĩ Trang Mỹ Dung lên hàng ngôi sao của làng nhạc vàng thập niên 1970.

Từ trước năm 1975 cho đến nay có rất nhiều ca sĩ thu thanh ca khúc “Chuyện Ba Mùa Mưa”, nhưng đa số đều hát sai lời gốc của bài há. Riêng bản thu thanh của Trang Mỹ Dung trước năm 1975 là đúng 100% so với lời in trong tờ nhạc được xuất bản trước năm 1975.


Click để nghe Trang Mỹ Dung hát trước 1975

Phiên khúc đầu tiên của “Chuyện Ba Mùa Mưa” là lời dẫn vào chuyện tình vào 3 mùa mưa trước. Đó là lời tự sự của một chàng trai đang trong tâm trạng buồn nuối tiếc và nhớ nhung:

“Đời từ muôn thuở tiếng mưa có vui bao giờ.
Chuyện lòng tôi kể cách đây đã ba mùa mưa.
Tôi đem tất cả tim nồng trao đến một người,
nguyện tròn thương tròn nhớ.”

Tiếng mưa từ muôn thuở đến nay luôn là âm thanh gợi buồn, khơi trong lòng người niềm nhớ thương về những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời. Tiếng mưa đã nhắc nhớ về một câu “chuyện lòng” được nhạc sĩ kể lại trong bài hát. Đó là vào “Ba mùa mưa” trước, có một chàng trai đã “đem tất cả tim nồng trao đến một người”, nguyện sẽ “tròn thương tròn nhớ”.

 “Nàng là trinh nữ tóc buông kín đôi vai gầy.
Một làn môi đỏ, mắt chưa vướng đau vì ai.
Chân son gót nhỏ đi tìm hương phấn cho đời.
Trời xanh đã an bài.”

Đó là những câu hát diễn tả nét đẹp của một thiếu nữ đương tuổi xuân thì. “Nàng là trinh nữ” với “tóc buông kín đôi vai gầy”, có “làn môi đỏ” và “chân son gót nhỏ”. Nàng vẫn còn đang “đi tìm hương phấn cho đời”, nghĩa là đời nàng vẫn đang có nhiều mộng ước, nhiều hy vọng, nhiều điều mới lạ đang chờ nàng khám phá ở con đường hồng tươi trải dài ra trước mắt. Nàng rất đẹp và còn thơ ngây vì chưa từng vướng vào sầu lụy ái tình, được thể hiện rõ qua câu hát “mắt chưa vướng đau vì ai”. Tuy nhiên, phần đông các ca sĩ sau này lại hát sai thành: “Một làn môi đỏ, NHỚ NHUNG VẪN VƯƠNG VÌ AI”, như vậy vô tình đã tước đi nét ngây thơ và trinh nguyên của cô gái.

Điệp khúc của bài hát như một đoạn tóm tắt lại thời gian 3 năm yêu thương của đôi tình nhân:

“Yêu nhau như bướm say hoa.
Đẹp như ước mộng vừa qua hết năm đầu.
Năm sau mưa gió nhìn nhau,
 nàng đã quên dần xa tình năm thứ ba.”

Trong “năm đầu” yêu nhau, tình yêu rất tha thiết tựa như là “bướm say hoa, đẹp như ước mộng”. Đến năm thứ 2 thì đã “mưa gió” bắt đầu đổ xuống cuộc đời, cuộc tình, làm thành những sóng gió trong tình yêu, để rồi “nàng đã quên dần”, qua đến năm thứ ba thì tình đành rời xa.

Bài hát là “Chuyện Ba Mùa Mưa”, cũng là 3 năm mối tình kể từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc đã được kể gói gọn trong đoạn nhạc này. Sau này ca sĩ hát sai thành: Đẹp như giấc mộng vừa qua NHỮNG năm đầu. Ước mộng đẹp và ngắn ngủi chỉ trong vòng một năm, nhưng lại bị hát thành “những năm”, không những sai so với lời gốc mà còn làm lệch đi ý nghĩa của tựa đề bài hát.

Đoạn cuối của bài hát là lời tự sự, tiếc nuối cho mối tình không trọn vẹn:

“Nhìn Trời mưa đổ thấy đau buốt cơn u hoài.
Tình là hoa nở, thắm tươi đó những rồi phai.
Khi xưa nếu chẳng đem tình chôn đáy tâm hồn
thì nay có đâu buồn.”

Những câu hát này được chép từ tờ nhạc phát hành trước 1975, và hình như chỉ có phiên bản thu âm trước 1975 của Trang Mỹ Dung là hát đúng với lời gốc đó. Còn phần lớn những ca sĩ khác đều hát thành:

“Nhìn Trời mưa đổ thấy đau buốt thêm trong lòng.
Tình là hoa nở thắm tươi đó những rồi phai.
Khi xưa nếu chẳng đem tình dâng hết cho người,
thì nay có đâu buồn.”

Tuy những ca từ bị hát sai này không làm sai lệch ý nghĩa nhiều so với bản gốc, nhưng việc hát chính xác lời của nhạc sĩ đã sáng tác là một cách tôn trọng tối thiếu dành cho tác giả và thể hiện sự quan tâm của ca sĩ dành cho ca khúc mình trình bày. Đặc biệt là có những ca từ được nhạc sĩ chọn lọc, cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng để gửi gắm những tâm tình với dụng ý riêng, nếu bị hát sai thì ý nghĩa bài hát sẽ bị thay đổi hoàn toàn, tác phẩm không còn truyền tải một cách nguyên vẹn nữa. Như vậy, người ca sĩ không những không tôn trọng tác giả, mà còn thiếu tôn trọng khán giả của mình.

Bài: Minh Hiếu
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

 

Exit mobile version