Xuất xứ của ca khúc “Người Tình Mùa Đông” – Ca khúc làm nên tên tuổi Như Quỳnh năm 1994

“Đường vào tim em ôi băng giá, trời mùa đông mây vẫn hay đi về…”

Vào những ngày này của 27 năm về trước, có một cô gái trẻ khoác chiếc áo đỏ, đội mũ beret nhún bước hát bài “Người Tình Mùa Đông”. Đó là lần đầu tiên cô xuất hiện trên một chương trình ca nhạc ở hải ngoại, cuốn Asia số 6 – Đêm Sài Gòn 5 – chủ đề “Giáng Sinh Đặc Biệt”. Tên của cô là Quỳnh Như, nghệ danh là Như Quỳnh.

Tên tuổi của Như Quỳnh vụt sáng ở hải ngoại từ thời điểm đó, và hình tượng cô gái khoác áo đỏ đội mũ beret đó cũng đã trở thành bất tử trong lòng fan hâm mộ.

Suýt một chút nữa thì “siêu phẩm” Như Quỳnh – Người Tình Mùa Đông đã không tồn tại, vì khi nhạc sĩ Anh Bằng viết lời Việt cho ca khúc này xong thì trung tâm Asia định đưa ca khúc này cho Ngọc Lan hát. Tuy nhiên sau đó thì cố ca sĩ Ngọc Lan chọn một ca khúc khác, cộng với sự xuất hiện của Như Quỳnh, nên nhạc sĩ Trúc Hồ và cô Thy Vân đưa Người Tình Mùa Đông cho Như Quỳnh hát, và đó trở thành một trong những ca khúc thành công nhất của làng nhạc hải ngoại.

Bài viết này xin chia sẻ thêm về nguồn gốc ca khúc Người Tình Mùa Đông mà Như Quỳnh đã hát lần đầu 26 năm về trước.

Nhiều người vẫn nhầm tưởng đây là một ca khúc nhạc Hoa lời Việt, tuy nhiên bản gốc lại là một bài hát tiếng Nhật tênlà “Rouge” (lớp son hồng), một sáng tác của Nakajima Miyuki và được ca sĩ Naomi Chiaki phát hành trong một đĩa đơn vào năm 1977. Nội dung của bài hát gốc này là lời tự sự của cô gái thôn quê lên thành thị theo đuổi cuộc sống mới, rồi sau đó chợt nhận ra đã đánh mất đi con người mình của năm xưa.


Click để nghe bài nhạc gốc tiếng Nhật của Người Tình Mùa Đông

Tuy nhiên sau khi ra mắt, single “Rouge” không để lại ấn tượng với thính giả mấy so với các nhạc phẩm trước của Naomi Chiaki. Năm 1979, Nakajima Miyuki thực hiện bản self-cover tromg album “Okaerinasai”. Cũng từ thành công của album, công chúng biết đến ca khúc này nhiều hơn.

Năm 1992, bài hát được một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc Hoa Ngữ là Vương Phi cover lại với phiên bản mang tên là “Người phụ nữ dễ bị tổn thương” (容易受伤的女人), nói về tâm trạng yếu đuối, bất an của người phụ nữ sợ bị bỏ rơi, cầu xin người yêu hãy ở lại. Sau đó phiên bản bài hát này của Vương Phi còn được sử dụng trong phim “Đại Thời Đại”. Nhờ bộ phim thành công góp phần giúp bài hát ra đời nhiều phiên bản lời khác với các ngôn ngữ khác nhau như Anh, Việt, Myanmar, Khmer, Thái, …


Click để nghe bài nhạc tiếng Hoa do Vương Phi hát

Bản lời Việt “Người Tình Mùa Đông” lần đầu được Như Quỳnh thể hiện lần đầu trong băng video Asia 6 chủ đề “Giáng sinh đặc biệt” năm 1994, do nhạc sĩ Anh Bằng viết lời Việt. Lời bài hát là ký ức của chàng trai về mối tình năm nào với cô nàng ngây thơ nhưng lạnh lùng. Tuy bài này có nhiều bản lời Việt khác nữa, nhưng dấu ấn lớn có lẽ vẫn thuộc về “Người Tình Mùa Đông” của Như Quỳnh.


Click để nghe Như Quỳnh hát

Đường vào tim em ôi băng giá
Trời mùa đông mây vẫn hay đi về
Vẫn mưa, mưa rơi trên đường thầm thì
Vì đâu mưa em không đến

Đường vào tim em mây giăng kín
Bàn chân anh trên lối đi không thành
Những đêm khuya mưa buồn một mình
Có khi cho ta quên cuộc tình.

Từng cơn mưa hắt hiu bên ngoài sông thưa
Lắm khi mưa làm hồn ta nhớ mãi ngày qua.
Nhớ con phố xưa vẫn âm thầm đợi chờ 
Nhớ đôi vai ngoan em sợ trời mưa gió.

Từng ngày ta vẫn đưa em về qua phố
Vẫn chim cao trời mưa lũ, vẫn tiếng buồn xưa,
Ôi bàn tay ai đã dắt em chiều nay ?

Đường vào tim em bao cơn sóng
Để tình anh sắp đến xuân hoa mộng
Trái tim em muôn đời lạnh lùng
Hỡi ơi, trái tim mùa đông.

Để hình dung lại thời điểm mà “Người Tình Mùa Đông Như Quỳnh” trở về Việt Nam thồn qua băng video, hãy đọc lại lời kể sau đây của một người sau đây:

Lúc đó tôi cùng 2 người bạn có tiệm cho thuê băng Video nên có được cuốn Video Tape có bài Người Tình Mùa Đông này gần như là đầu tiên. Tôi đem ra ngoài quán bar nổi tiếng nhất Sài Gòn thời đó (chủ quán bar ở ngay bến Bạch Đằng góc Nguyễn Huệ này là Huy Cường – bạn thân của tôi) để mở lên cho mọi người xem. Quý vị có thể tưởng tượng, đó chính là một sự kiện chấn động Sài Gòn thời đó, dân chơi Sài Gòn liên tục yêu cầu mở cuốn băng này cả buổi suốt mấy tháng trời.

Quay trở lại các phiên bản của “Người Tình Mùa Đông” ở thị trường âm nhạc quốc tế, sau sự thành công của phiên bản tiếng Hoa mang tên “Người phụ nữ dễ bị tổn thương”, “Rouge” bắt đầu được chú ý đến và được chuyển ngữ sang các ngôn ngữ khác. Riêng ở phiên bản tiếng Anh, đã có ít nhất 3 phiên bản được nhiều người biết ở châu Á.

Một trong những phiên bản nổi tiếng nhất là phiên bản pop “That Is Love” của nhóm nhạc Singapore – Tokyo Square. Bài hát được thể hiện bởi giọng nam (do ca sĩ Max Surin thể hiện) với nội dung là lời thủ thỉ tâm tình của chàng trai đang thuyết phục người yêu hãy tin vào tương lai hạnh phúc của hai người. “That Is Love” được xem là rất nổi tiếng ở châu Á và thường được liệt vào danh sách “Những tình khúc sống mãi với thời gian”. Ngoài ra, còn có một phiên bản mang tên “Keep On Loving You”, được cho cũng là của nhóm Tokyo Square và được thể hiện với giọng nữ (do ca sĩ Linda Elizabeth thể hiện).


Click để nghe bản tiếng Anh nổi tiếng của nhóm Tokyo Square


Click để nghe bản tiếng Anh do Lâm Nhật Tiến hát

Một phiên bản tiếng Anh khác là “Only love is real” phổ biến trong cộng đồng người Việt hải ngoại do ca sĩ Lâm Nhật Tiến và Vina Uyển Mi song ca.

nhacxua.vn biên soạn – tổng hợp

Exit mobile version