Xem lại phim “Trường Tôi” của Lê Dân có nhạc sĩ Quốc Dũng đóng vai nam chính

Năm 1974, đạo diễn Lê Dân thực hiện cuốn phim điện ảnh đen trắng mang tên Trường Tôi và giới thiệu một nam tài tử đầy triển vọng, vốn không phải là gương mặt xa lạ với nền nghệ thuật miền Nam thuở ấy, đó chính là ca sĩ – nhạc sĩ Quốc Dũng, người được giới trẻ lúc đó yêu thích. Tuy nhiên đó là lần duy nhất Quốc Dũng đóng vai chính, vì sau đó thời cuộc thay đổi, nền điện ảnh thương mại nhường chỗ cho điện ảnh cách mạng và các diễn viên trẻ như Quốc Dũng không còn cơ hội đóng phim.

 

Quốc Dũng trong phim Trường Tôi năm 1974

Trường Tôi là phim tâm lý dành cho lứa tuổi mới lớn, câu chuyện xảy ra trong một trường trung học nội trú quy tụ nhiều học sinh nam nữ. Đời sống tập thể của học sinh, các sinh hoạt nhà trường, những chuyện vui buồn hàng ngày, mối quan hệ giữa thầy trò, tình bạn học là những điểm chính của phim. Trong không khí hồn nhiên náo nhiệt của nhà trường, có đôi trẻ cô đơn trầm lặng thông cảm nhau, hiểu nhau trong một mối tình ngây thơ và cảm động. Đó là một thế giới học trò tươi mát, khiến người xem thấy thích thú muốn sống lại thời kỳ cắp sách đến trường.

Đôi diễn viên chính trong phim: Quốc Dũng, Tuyết Lan

Trường Tôi là phim đen trắng 35mm, màn ảnh rộng, do Tân Dân sản xuất và đạt được 2 giải quan trọng nhất của Giải thưởng văn học Nghệ thuật Sài Gòn năm 1974, đó là Phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc, và phim có ý nghĩa giáo dục xã hội.


Click để xem phim Trường Tôi năm 1974

Dư luận báo chí của điện ảnh kịch trường thời đó đã dành nhiều lời có cánh dành cho phim Trường Tôi. Báo Tiền Tuyến khẳng định đây là “phim đen trắng đẹp nhất”, báo Đông Dương thì khen ngợi “Trường Tôi là một bài thơ tuyệt vời bằng hình ảnh. Ký giả Trần Quân mô tả: Trường Tôi với đầy đủ yếu tố tươi mát, vui nhộn, thơ mộng, xứng đáng là bộ phim dành cho học sinh Việt Nam. Ký giả Huy Vân thì nói: “Rất gay gắt và cứng rắn với Loan Mât Nhung và Trần thị Diễm Châu, Lê Dân tỏ ra dịu dàng trong Trường Tôi, một thế giới học trò có đầy đủ cả hỉ, nộ, ái, ố, lạc.

Báo Điện Tín tháng 6 năm 1974 cho biết: Lê Dân nghiên cứu rất kỹ về phương diện các kỷ niệm học trò, những gì thơ mộng, êm đềm đều được ghi lại trong Trường Tôi.

Sau đây là bài báo của ký giả Ngọc Hoài Phương đăng trên tờ Đông Phương tháng 3 năm 1974:

Tiếp tôi tại văn phòng luật sư của anh ở đường Bùi Thị Xuân, nay do chính chị Lê Dân (cũng là nữ luật sư), trông nom phần lớn, anh Lê Dân tỏ vẻ tin tưởng nhiều nơi kết quả nghệ thuật và tài chính của phim Trường Tôi, một phim dành riêng cho lứa tuổi học trò.

Anh tiết lộ với tôi:

– Tôi chưa nói cho ai biết cả: tôi đang có ý định dành buổi chiếu ra mắt của Trường tôi cho những học sinh xuất sắc các trường công, tư thủ đô. Tôi định sẽ đặt thư mời mỗi lớp một em học sinh xuất sắc.

Trường tôi được thực hiện bằng phim đen trắng 35 ly màn ảnh rộng. Tôi hỏi tại sao không làm phim màu, anh Lê Dân đáp:

– Với tình trạng hiện nay của phim ảnh nước nhà, làm phim màu khó hy vọng thu đủ vốn. Tôi đã nghĩ kỹ trước khi quyết định thực hiện Trường Tôi bằng phim đen trắng. Với số vốn tương đối nhẹ hơn, tôi chỉ cần trình chiếu tại 6, 7 rạp hạng trung bình tại đô thành trong dịp Tết là có thể thu vốn dễ dàng.

Tôi cười, cãi lại anh:
– Sao lại chỉ thu vốn thôi? Phải có lời nữa chứ?

Anh Lê Dân cũng cười lạc quan:
– Dĩ nhiên là cũng phải hy vọng có lời… chút ít.

Thật ra, tuy không tốn nhiều về phim liệu, nhưng vì số diễn viên phụ quá đông nên tốn kém về thù lao, di chuyển, ăn uống khá nhiều.

Về nhạc phim, đạo diễn Lê Dân cho biết là do Phạm Duy và Ngọc Chánh đảm trách với nhiều ban nhạc trẻ, đặc biệt sẽ có bài “Tuổi Biết Buồn” của Phạm Duy là nhạc phẩm được vào chung kết cuộc thi quốc tế nhạc trẻ tại Đông Kinh, do chính Thanh Lan trình bày.

Đoạn video sau đây là nhân vật cô giáo (ca sĩ Băng Châu đóng) giới thiệu tiếng hát Thanh Lan. Ca sĩ Thanh Lan cũng xuất hiện trong phim này với vai diễn chính mình và trình bày ca khúc Tuổi Biết Buồn trên sân khấu trường học.


Click để xem

Các diễn viên tham gia trong phim, ngoài Quốc Dũng vai nam chính (nhân vật tên Dũng), thì nữ chính cũng là một gương mặt mới của điện ảnh, đó là Tuyết Lan lúc đó mới 17 tuổi, em gái của ca sĩ Bạch Lan Hương.

Câc diễn viên khác cùng góp mặt, có nữ kịch sĩ Kiều Hạnh từng là thầy dạy học của Quốc Dũng tại Ban Tuổi Xanh, trong vao bà hiệu trưởng, có ca sĩ Băng Châu vai cô giáo, ca sĩ Thanh Lan vai ca sĩ, ca sĩ Bạch Lan thanh, các danh hề Khả Năng, Tùng Lâm, Thanh Việt, Thanh Hoài, Xuân Phát. Phim quay 2 tháng với hậu trường là Cô nhi viện Thủ Đức.

Bài: Đông Kha

Exit mobile version