Vĩnh biệt nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu – Người níu giữ nhan sắc Sài Gòn xưa

Những tấm ảnh nghệ sĩ xưa còn lại cho đến ngày nay như là những chứng nhân lịch sử quan trọng ghi lại một cách trực quan thời vàng son của làng nghệ thuật – giải trí miền Nam trước 1975. Có một nhiếp ảnh gia rất quen thuộc mà phần lớn những tấm ảnh nghệ sĩ xưa chúng ta xem ngày nay đều là tác phẩm của ông, đó là Đinh Tiến Mậu, người vừa qua đời lúc trưa ngày 8/10/2020, hưởng thọ 85 tuổi.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Đinh Tiến Mậu cùng với Ảnh Viện Viễn Kính là cái tên quen thuộc nhất trong làng nghệ thuật và nhiếp ảnh Sài Gòn trước năm 1975. Tiệm chụp ảnh Viễn Kính nổi tiếng vì ông chủ là Đinh Tiến Mậu chụp ảnh chân dung rất đẹp, khách hàng của ông không chỉ là tầng lớp trung lưu hay thượng lưu ở Sài Gòn, mà còn có nhiều chính trị gia, và đặc biệt là giới nghệ sĩ của nhiều lĩnh vực, từ điện ảnh, kịch nghệ, cải lương đến tân nhạc…

Ca sĩ Thanh Lan

Trong bài viết này, xin tóm lược tiểu sử của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu, người rất thân thiết giới các ca sĩ, nhạc sĩ huyền thoại của làng giải trí Miền Nam xưa, như là Thanh Thúy, Thanh Nga, Lệ Thu… hay là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.

Ảnh: Phạm Công Luận

Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu sinh năm 1935 tại ngôi làng cổ nổi tiếng Lai Xá, nay thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, cách trung tâm Hà Nội 15km. Ngày nay, tại ngôi làng này có hẳn một nơi gọi là Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá, cho thấy nhiếp ảnh từ đâu đã trở thành một nghề nổi tiếng của cả làng.

Lai Xá là một làng cổ, từ xa xưa người làng này chủ yếu làm nghề nông, trồng lúa, và người đã khai sinh ra nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá là ông Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký), từ nhỏ được đi học nghề tại hiệu ảnh Chu Dương của người Hoa. Chỉ sau 2 năm, ông mở một hiệu ảnh riêng trên phố Hàng Da và bắt đầu dạy nghề cho rất nhiều con em ở làng Lai Xá.

Ông Đinh Tiến Mậu là một trong rất nhiều người Lai Xá ra Hà Nội theo học nhiếp ảnh để thoát khỏi nghề nông quanh năm phải bán lưng giữa đồng ruộng. Đó là năm 1948, lúc đang học năm đầu của trung học thì ông theo mẹ ra Hà Nội sống. Trong khi mẹ ông Mậu làm việc ở tiệm dệt Đào Khê trên phố Hàng Cót, thì ông đi theo người cậu học nghề ảnh ở tiệm Hợp Dung bên bờ Hồ Gươm.

Được 2 năm, ông Mậu lại theo mẹ vào Sài Gòn để đoàn tụ với người cha đang làm nghề hớt tóc trên đường Ohier (nay là Tôn Thất Thiệp) từ thập niên 1930. Thời ấu thơ phải di chuyển và sinh sống ở rất nhiều nơi đã giúp ông Đinh Tiến Mậu hình thành nên được những cảm quan và kinh nghiệm sống rất giúp ích cho nghề nhiếp ảnh sau này.

Tại Sài Gòn, ở tuổi 15, chàng trai Đinh Tiến Mậu vào phụ việc và học nghề tại tiệm ảnh Văn Vấn của ông chú họ nằm trên đường Duranton (nay là Bùi Thị Xuân). Nếu như ở tiệm Chu Dương – Hà Nội, ông chỉ là chân chạy việc để phụ thợ chính những việc lặt vặt, chưa bao giờ được đụng vào máy ảnh, thì tại Văn Vấn, ông được cầm máy và thực hành nhiều, tay nghề lên rất nhanh và bước đầu trở thành một nhiếp ảnh gia thực thụ. Nhờ được học ở trường, ông có vốn tiếng Pháp đủ để giao tiếp nên thường được phân công chụp ảnh cho gia đình sĩ quan Pháp.

Ở Văn Vấn được 8 năm, khi đã thạo việc, ông Đinh Tiến Mậu cùng vài người bạn ra mở hiệu ảnh riêng ở gần chợ An Đông vào năm 1958. Vì đó là nơi có nhiều người Hoa – Chợ Lớn sinh sống tên tiệm chụp ảnh này mang tên là Việt Hoa. Đinh Tiến Mậu còn chú tâm học tiếng Hoa để dễ dàng giao tiếp với khách hàng, vì người ở đây nặng tính cộng đồng, chỉ nói chuyện giao dịch hầu hết bằng tiếng Hoa.

Hiệu ảnh Việt Hoa tồn tại được 2 năm thì bị ông chủ lấy lại mặt bằng nên phải dẹp tiệm, nhóm người bạn lại mở một tiệm khác tên là King’s Photo, cũng ở khu người hoa trên đường Ngô Quyền – Chợ Lớn. Tại đây, Đinh Tiến Mậu bắt đầu được cộng tác với các hãng phim và quen biết với nhiều diễn viên thời danh, và cái tên King’s Photo dưới mỗi bức ảnh người nổi tiếng đó cũng bắt đầu được xuất hiện trên trang nhất những tờ báo đại chúng của Sài Gòn.

Tờ nhạc có hình Thanh Thúy được đóng dấu King’s

Năm 1958, hãng phim Việt Thanh được quái kiệt Trần Văn Trạch hợp tác với người Hoa thành lập, nhờ đó mà King’s Photo trở thành nơi chuyên chụp ảnh cho các diễn viên của hãng phim. Sau khi đã có uy tín trong lĩnh vực này, Đinh Tiến Mậu được cộng tác với hãng phim nổi tiếng nhất Sài Gòn lúc đó là Mỹ Vân của ông Lưu Trạch Hưng. Được làm việc với 2 hãng phim, Đinh Tiến Mậu được quen biết với những diễn viên nổi tiếng, trong đó có 2 nữ nghệ sĩ tài năng và xinh đẹp nhất Sài Gòn: Thanh Nga và Thẩm Thúy Hằng.

Khi nhóm nhiếp ảnh gia King’s Photo bắt đầu đạt được những thành công thì lại bị tan rã vì nhiều lý do khác nhau, có người bỏ nghề, người thì đi định cư nước ngoài. Ông Đinh Tiến Mậu lại bắt đầu bằng con số 0, lần này là làm một mình.

Năm 1962, ông thuê lại mặt bằng của hiệu ảnh cũ tên là Phúc An trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) vốn đang rất ế ẩm. Ông quyết định vẫn giữ tên Phúc An, nhờ có tay nghề cao cộng với chút may mắn và nhờ có nhiều khách hàng cũ đã biết tiếng, hiệu ảnh có khách hàng nườm nượp.

Tờ nhạc có hình Thanh Thúy được đóng dấu Phúc An
Hình Lệ Thu được đóng dấu Phúc An

Chỉ sau 1 năm, khi thấy khách kéo tới Phúc An ngày càng đông, ông chủ cũ cho thuê hiệu ảnh nóng ruột và đòi lại mặt bằng. Một lần nữa Đinh Tiến Mậu ra đi tay trắng khi đang rất thành công với nghề. Năm 1963, ông mở hiệu ảnh Viễn Kính ở số 277 Phan Đình Phùng, chỉ cách hiệu Phúc An có vài chục mét, và khách hàng cũ biết tin đã kéo sang nườm nượp, hiệu Phúc An lại vắng như chùa Bà Đanh. Bấy giờ ông chủ Phúc An lại sang níu kéo mời gọi Đinh Tiến Mậu quay về, nhưng điều đó là không thể.

Hình Bạch Yến được đóng dấu Phúc An

Viễn Kính nghĩa là Kính Viễn Vọng, trong nghề ảnh, muốn có bức ảnh chụp khoảng cách xa thì phải dùng ống kính hiện nay gọi là tele, xưa gọi là viễn kính. Ông Mậu chọn tên Viễn Kính cho cửa hiệu của riêng mình là để gửi gắm một thông điệp về sự lâu dài và tầm nhìn xa trong sự nghiệp nhiếp ảnh.

Sau khi Viễn Kính bắt đầu đông khách, ông chủ mặt bằng bắt đầu tăng giá thuê, sau đó tìm cách đuổi chàng thợ ảnh ra đường để lấy lại mặt bằng. Sau khi trì hoãn được một thời gian, ông Đinh Tiến Mậu gom góp hết số tiền có được để mua lại căn nhà đó với giá 200 cây vàng. Vậy là ông chủ hiệu Viễn Kính đã hoàn toàn là chủ và không còn phải nơm nớp lo sợ điều gì nữa, cái tên Viễn Kính từ đó cũng trở thành một huyền thoại của làng nhiếp ảnh Sài Gòn trước 1975.

Cũng tại cửa hiệu Viễn Kính này, ông Đinh Tiến Mậu lấy được vợ đẹp là bà Phan Kim Bình, là người bạn kém 7 tuổi đã chơi với nhau như anh em từ khi Kim Bình chỉ mới là cô nữ sinh lớp 9. Ông kể lại rằng khi ngỏ cưới, vợ ông giật mình, nói đại ý là vì sao xung quanh có quá nhiều người đẹp nổi tiếng Sài Gòn mà ông lại đi cưới một người bình thường như vậy. Ông trả lời: “Trong mắt anh, không ai đẹp hơn em cả”. Và từ đó họ đã sống bên nhau hạnh phúc đến cuối đời.

Thời điểm thập niên 1960, báo chí tự do ở Sài Gòn được phát triển mạnh, nhu cầu chụp ảnh nghệ sĩ để đăng lên trang bìa rất cao, và hiệu ảnh Viễn Kính của Đinh Tiến Mậu có hân hạnh hợp tác với hầu hết các báo lớn: Phụ Nữ Ngày Mai, Phụ Nữ Diễn Đàn, Màn Ảnh, Kịch Ảnh, Sáng Dội Miền Nam…

Ảnh trên bìa 4 tạp chí Sáng Dội Miền Nam số Tết Nhâm Dần 1962 

Ngoài chụp cho hãng phim và các tờ báo, ông Mậu cũng cộng tác với nhiều hãng đĩa nhạc lớn ở Sài Gòn như Sóng Nhạc, Sơn Ca, Continental… Ông Mậu kể lại trong cuốn Ký Ức Một Ảnh Viện Sài Gòn như sau:

“Tôi chụp cho các hãng đĩa thường xuyên. Thù lao trả cho các bộ ảnh cũng cao hơn chụp cho các tờ báo, vì băng đĩa ca nhạc giải trí thời bấy giờ làm ăn được, các hãng đĩa thường giàu có nhờ kinh doanh tốt. Công việc này làm cho tôi ngày càng đi sâu vào trong giới nghệ sĩ biểu diễn, dễ dàng gặp gỡ những ngôi sao của Sài Gòn. Tôi có thể gọi điện mời các nghệ sĩ danh tiếng sắp xếp thời gian đến với hiệu ảnh một cách dễ dàng vì nhiều người cũng thích cách làm việc vủa tôi, thích cách tôi nhìn và hiểu họ qua những bức ảnh”.

Theo ông Đinh Tiến Mậu, ca sĩ Minh Hiếu đẹp nổi trội nhất trong số nữ ca sĩ ông đã chụp chân dung.
Người đẹp Diễm Thúy
Ca nhạc sĩ Duy Khánh
Danh ca Thái Thanh
Danh ca Bạch Yến
Ca sĩ Trúc Mai

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version