Vĩnh biệt nhạc sư Vĩnh Bảo (1918-2021)

Cây đại thụ cuối cùng của cổ nhạc Việt Nam – nhạc sĩ Vĩnh Bảo, cuối cùng cũng đã rời xa dương thế ở tuổi 103. Nếu tính theo âm lịch, ông hưởng thọ 104 tuổi.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Tiếng đàn của ông đến nay vẫn được xem là độc nhất vô nhị, được gói gọn chỉ trong 4 chữ nhưng lột tả đầy đủ ý tứ để diễn tả tiếng đàn lẫn cốt cách của một tài năng: tinh tường, tinh tế. Cách sống nhẹ nhàng, thanh tao của ông đã vận vào tiếng đàn làm nên những âm thanh làm say lòng người.


Nhạc sư Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê hòa đờn năm 2010

Không đơn thuần chỉ là một nghệ sĩ chơi đàn, ông còn là nhà nghiên cứu chuyên sâu về cổ nhạc, đặc biệt là đàn tranh, là giáo sư thỉnh giảng về cổ nhạc ở Việt Nam và Mỹ, ông là người đã làm rạng danh âm nhạc Việt Nam trên thế giới qua Nhạc tài tử Nam Bộ do ông và GS Trần Văn Khê diễn tấu, được hãng Ocara và UNESCO thu âm tại Paris – Pháp năm 1972. Ông cũng là người cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn. Ngoài ra, ông đi diễn thuyết và trình tấu âm nhạc dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới.

Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 19 tháng 8 năm 1918 tại làng Mỹ Trà, nay thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Từ lúc 5 tuổi ông đã biết chơi đờn kìm, đờn cò, 10 tuổi biết chơi rất nhiều các loại nhạc cụ dân tộc. Ở tuổi thiếu niên, vì kinh tế gia đình sa sút, để đỡ gánh nặng cho cha mẹ, Vĩnh Bảo quyết định lang bạt kỳ hồ, sống tự lập, có khi lưu lạc sang tận Nam Vang (Campuchia) để làm nhiều nghề mưu sinh. Tại đây ông đã làm thu ngân trong hãng nước đá Le Sud Industry của một ông chủ người Pháp, rồi làm thư ký đánh máy cho Sở Trường Tiền. Trong những lúc rảnh rỗi, ông lại tụ họp bạn đồng hương người Việt yêu thích văn nghệ lập “gánh hát tự phát”.

Năm 1938, ông quay lại Sài Gòn, được hãng đĩa Béka – thuộc Công ty John Keller (Đức) – mời thu thanh một số bản đờn.

Năm 1946, ông quay về quê cũ Sa Đéc, kết duyên với người mà ông thầm thương trộm nhớ từ thuở thiếu thời, là người đẹp Sóc Trăng nổi tiếng tên là Trâm Anh. Sau 68 năm chung sống với nhau, bà Trâm Anh qua đời năm 2014. Nhạc sĩ Vĩnh Bảo ngậm ngùi:

“Đôi lúc tôi ngẫm cuộc đời mình nếm trải biết bao ngọt bùi, cay đắng. Tôi cố gắng để vượt qua những chặng đường thật khó khăn, phải biết chấp nhận thay vì chỉ biết than khóc, buông xuôi. May mắn tôi gặp người bạn đời Trâm Anh yêu quý. Trâm Anh đã mang đến cho tôi bao nguồn cảm hứng từ sự ngọt ngào, dịu dàng và cả nghị lực”.

Vợ chồng nhạc sư Vĩnh Bảo – Trâm Anh

Từ năm 1955, ông cùng một số người bạn (Michel Nguyễn Phụng, Nguyễn Hữu Ba…) trở thành những người thầy đầu tiên của Trường Quốc gia Âm nhạc danh tiếng từ thuở mới khai sinh. Nhạc sĩ Vĩnh Bảo dạy đàn tranh và được giao chức vụ trưởng ban cổ nhạc miền Nam. Từ đây, ông bắt đầu hoạt động nghệ thuật thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn.

Thập niên 1970, nhạc sư Vĩnh Bảo cùng 2 tài hoa khác của nền âm nhạc Việt Nam là GS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy đã được ĐH IIlinois (Mỹ) mời sang giảng dạy.

GS-TS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sư Vĩnh Bảo (từ trái sang) trong buổi trình diễn tại ĐH Southern Illinois (Hoa Kỳ) vào tháng 11-1971. Ảnh: VIETNAM BULLETIN

Nhạc sư Vĩnh Bảo còn được nhiều người ngưỡng mộ qua tình bạn đặc biệt của ông và giáo sư Trần Văn Khê. Sinh thời, giáo sư Trần Văn Khê từng gọi thầy Vĩnh Bảo là ‘hậu tổ’ của đời ca tài tử và cải lương Nam bộ. Vào những ngày cuối đời, giáo sư Khê đã mong muốn được nghe lại tiếng đàn của ông một lần nữa. Sau đây mời các bạn nghe lại tiếng đàn Vĩnh Bảo trong đám tang giáo sư Trần Văn Khê:


Nhạc sư Vĩnh Bảo đàn tiễn đưa GS Trần Văn Khê

Những năm cuối đời, ngoài viết sách dạy học đàn, nhạc sư Vĩnh Bảo còn dạy nhạc online qua mạng internet cho rất nhiều người muốn theo học nhạc cụ dân tộc. Khi đó ông đã tròn 100 tuổi, sử dụng máy vi tính rất thành thạo. Trong những buổi online, dù cách xa nửa vòng trái đất, ông vẫn chỉnh sửa từng nốt nhạc, hòa đàn cùng học trò.

Ở tuổi ngoài 100, ông vẫn minh mẫn, khỏe mạnh hơn người, vẫn kể chuyện tiếu lâm hoặc chuyện từ xa xưa rất chi tiết, và vẫn ngón đàn tuyệt diệu. Tuy nhiên theo quy luật cuộc sống, ngày 7/1/2021, nhạc sư Vĩnh Bảo đã giã từ dương thế sau thời gian chữa bệnh già, để lại nhiều tiếc thương cho muôn người yêu mến.

Nguyễn Vĩnh Bảo từng tâm sự, cuối đời, ông không mong có một buổi hòa nhạc lớn cho riêng mình, cũng không mong tên tuổi được vinh danh, chỉ muốn lưu giữ những nét nhạc cổ truyền nguyên bản nhất cho thế hệ trẻ hơn.

nhacxua.vn

Exit mobile version