Vĩnh biệt nhạc sĩ Lê Dinh (1934 – 2020)

Nhạc sĩ Lê Dinh – một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng miền Nam trước năm 1975, đã ra đi vào 4h sáng ngày 9/11/2020, hưởng thọ 86 tuổi.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Nhận được tin buồn này, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ ở trong nước và hải ngoại rất tiếc thương người nhạc sĩ hiền lành, tài năng và đức độ. Xin trích một số dòng thương tiếc dưới đây:

Cô Maria Tô – giám đốc trung tâm Thuý Nga:

Còn đối với MC – ký giả trẻ Jimmy Nhưt Hà, anh cho biết vừa mới gọi điện thoại nói chuyện với nhạc sĩ Lê Dinh chỉ 2 tuần trước đó, và có nhiều dự án ấp ủ đã không thể hoàn thành được:

Một số ý kiến nhận xét về tính tình của nhạc sĩ Lê Dinh, ca sĩ Trang Mỹ Dung, là học trò thân thiết của nhạc sĩ Lê Dinh cho biết:

“Thầy là người rất tận tâm với học trò, chỉ bảo dạy dỗ rất nhiệt tình, từ thầy tôi học được tính hòa đồng, vui vẻ và cái tâm làm nghề”.

Một cô học trò trong lớp nhạc Lê Minh Bằng kể lại:

“Thầy Lê Dinh người cũng cao ráo nhưng dong dỏng, lúc nào cũng cười nhưng rất là nguyên tắc. Thầy Lê Dinh sử dụng đàn piano và ghi ta nhưng thầy còn có thể sử dụng tambourine, hoặc maracas…

Thầy Lê Dinh đúng như là một công chức gương mẫu, làm việc gì rất đúng giờ giấc, khi đi đến lớp thấy luôn luôn đem theo cái dù dài trong rất là đạo mạo, thầy rất là nguyên tắc mặc dầu lúc nào cũng cười”.

Còn ca sĩ Phương Dung cho biết: 

“Lần đầu tiên gặp thầy, tôi rất rụt rè và ngại vì nhạc sĩ Lê Dinh lúc đó vừa là chồng của cô giáo mình vừa là nhạc sĩ có danh tiếng trong giới mà tôi lúc đó chỉ là cô bé mới bước chân vào nghề”.

Cô giáo mà Phương Dung nhắc đến là bà Trần Thị Kim Quyên, dạy học ở Gò Công (quê của Phương Dung – Nhạn Trắng Gò Công) từ năm 1955. Năm 1956, nhạc sĩ Lê Dinh cũng về dạy học cùng trường, họ cưới nhau năm 1957 và đã chung sống hạnh phúc cho đến những ngày tháng cuối cùng của nhạc sĩ Lê Dinh.

Ca sĩ Phương Dung kể tiếp về “cô Quyên” (còn được gọi là “cô Tám”) như sau: “Cô Tám rất đẹp, ở Gò Công ai cũng biết. Từ khi lên Sài Gòn cùng chồng, cô chấp nhận làm người nội trợ chăm lo cho cuộc sống gia đình. Cô chưa bao giờ tham gia tiệc tùng hay sánh bước bên chồng ở bất kỳ cuộc vui nào để thầy Lê Dinh có sự tự do và thoải mái”. 

Có người nói rằng đối với một người nhạc sĩ, chỉ cần sáng tác ra vài bài hát, hoặc thậm chí là 1 bài duy nhất nếu được khán giả yêu thích, được tồn tại cùng năm tháng thì đã niềm vinh hạnh cho nhạc sĩ và được người đời nhắc đến mãi về sau. Nhưng nhạc sĩ Lê Dinh làm được những điều vượt xa. Ông cùng với một số nhạc sĩ cùng trong thế hệ tài năng của dòng nhạc vàng đã có vài chục sáng tác nổi tiếng để lại cho đời, mãi mãi được xướng danh trong số những tên tuổi lớn nhất của nhạc Việt.

Những bài hát tiêu biểu nhất của nhạc sĩ Lê Dinh trước 1975, nếu chỉ những bài sáng tác riêng của ông, đó là Thương Đời Hoa, Ga Chiều, Tấm Ảnh Ngày Xưa, Chiều Lên Bản Thượng, Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao, Nỗi Buồn Châu Pha…


Click để nghe các sáng tác hay nhất của nhạc sĩ Lê Dinh

Ngoài là một nhạc sĩ tên tuổi, Lê Dinh còn là một nhà báo, là chủ bút của Nguyệt San Nghệ Thuật tại Canada vào thập niên 1990, đồng thời ông cũng thành lập Đài Phát Tiếng Nói Việt Nam tại Montreal.

Từ khi rời Việt Nam năm 1978, nhạc sĩ Lê Dinh chỉ định cư duy nhất ở Canada và cũng chưa lần nào về lại quê hương.

Về quan điểm sáng tác của nhạc sĩ Lê Dinh, lục lại một bài phỏng vấn ông hồi trước 1975, ông đã từng nói về dòng “nhạc vàng” mà ông sáng tác như sau:

“Kỹ thuật sáng tác của chúng tôi không điêu luyện, cầu kỳ như các bậc đàn anh nổi tiếng, mà giản dị hơn, âm điệu lại dồi dào, khiến nhạc phẩm dễ đờn, dễ hát, dễ nhớ. Nhưng phần lời ca quyết định sự thành công đối với bạn trẻ hơn là lời nhạc. Lời ca của chúng tôi thường sát với tâm tình của họ, thế hệ trẻ hôm nay thích cái gì buồn buồn, dang dở…”

Còn sau đây là nhận định của nhạc sĩ Lê Dinh trong bài phỏng vấn năm 2003:

“Ngày xưa, trước 1975, các ca khúc của nhạc sĩ miền Nam viết thì nhạc ra nhạc, lời ca ra lời ca. Âm điệu của những bài hát thời này nghe như tiếng suối reo, như tiếng sáo diều êm ái, diễn đạt được tâm trạng của nhạc sĩ. Lời ca bóng bẩy, trau chuốt, nhưng không dùng sáo ngữ và nhất là không nghịch với nốt nhạc cho nên ca sĩ dễ hát, dễ diễn tả. Chẳng hạn như:

Qua bến nước xưa lá hoa về chiều,
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa (Nắng Chiều – Lê Trọng Nguyễn)”

Ông cũng thẳng thắng nhận xét về các ca khúc sáng tác sau này như sau:

“Âm nhạc những năm sau này, nhất là âm nhạc trong nước, không phải là âm nhạc nữa mà không biết nên gọi đó là gì. Nghe loại nhạc chói tai này, đang vui mình cũng bỗng thấy bực tức ngang xương. Ca sĩ thì không gào thét không phải là ca sĩ, có thể gọi là “hét sĩ” thì đúng hơn. Tuy nhiên ở trong nước cũng có một số ít bài rất dễ thương như Sông Quê, Tiếng Hát Chim Đa Đa…”

Nhạc sĩ Lê Dinh đã nổi tiếng từ thập niên 1950, nhưng đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của ông là khi hợp tác với nhạc sĩ Minh Kỳ và Anh Bằng để thành lập nhóm Lê Minh Bằng.

Nhạc sĩ Lê Dinh nói rằng trong suốt 9 năm hợp tác của nhóm Lê Minh Bằng (1966-1975), cả 3 nhạc sĩ đều rất vui vẻ hoà thuận, không xảy ra tranh cãi nào lớn. Nhạc sĩ Lê Dinh người Nam, nhạc sĩ Minh Kỳ người hoàng tộc ở miền Trung, còn nhạc sĩ Anh Bằng thì quê ở ngoài Bắc sát biên giới Việt Trung. Bắc Trung Nam hợp thành một nhóm rất ăn ý và sáng tác ra hàng trăm ca khúc nổi tiếng, tiêu biểu là Đêm Nguyện Cầu, Chuyện Tình Lan Và Điệp, Mưa Trên Phố Huế, Đà Lạt Hoàng Hôn, Cô Hàng Xóm, Linh Hồn Tượng Đá, Tình Đời, Người Thợ Săn Và Đàn Chim Nhỏ… Ngoài để tên sáng tác là Lê Minh Bằng, nhóm sáng tác còn sử dụng nhiều bút danh khác nhau như Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Cầm, Trúc Ly, Dạ Ly Vũ, Vũ Chương, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Giang Minh Sơn…

3 nhạc sĩ Anh Bằng, Minh Kỳ, Lê Dinh

Sau đây, xin trích lược tiểu sử nhạc sĩ Lê Dinh do chính ông ghi lại:

Sinh năm 1934 tại làng Vinh Hựu, tỉnh Gò Công.

1948-1953: Học Trung học ở Collège Le Myre de Vilers (Mỹ Tho) .

1953-1955: Học trường Cao đẳng Vô Tuyến Điện Saigon (Ecole Supérieure de Radióelectricité de Saigon).

1955-1957: Dạy học (Pháp văn và âm nhạc) ở Gò Công và ở Chợ Lớn.

1957-1975: Làm việc tại Đài Phát thanh Saigon. Chức vụ: Chủ sự Phòng Sản Xuất, sau đó là Chủ sự Phòng Điều Hợp.

1975-1978: Không làm gì được cả.

Tháng 8/1978: Đến đảo Đài Loan.

Tháng 10/1978: Định cư ở Canada, thành phố Montréal, cho đến nay.

1979-1999: Làm việc cho hãng tàu chở hàng hóa đi khắp thế giới có tên là Federal Navigation (viết tắt là FEDNAV) của Canada ở thành phố Montréal (Điểm đặc biệt là hãng tàu này là hãng tàu đã cứu vớt 40 người trên chiếc ghe tị nạn – trong đó có gia đình Lê Dinh – trên biển Nam Hải năm 1978).

Từ sau 1999: Trở thành ký giả, chủ bút kiêm chủ nhiệm tạp chí và đài phát thanh, sau đó về hưu ở tuổi ngoài 70.

Nhìn lại những nhạc sĩ cùng thế hệ với nhạc sĩ Lê Dinh, có thể thấy hầu hết đã lần lượt rời bỏ thế gian này, nhưng không có một sự thay thế nào xứng đáng cho vị trí của họ và những gì họ làm được cho âm nhạc Việt Nam.

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version