Vĩnh biệt nhạc sĩ Đan Thọ – Tác giả ca khúc Chiều Tím

Nhạc sĩ Đan Thọ vừa qua đời ở tuổi 99 vào ngày 5/9/2023 tại Houston, Texas.

Ông tên thật là Đan Đình Thọ, sinh ngày 21/6/1924 tại Nam Định. Từ nhỏ, ông vừa học chữ vừa được học nhạc ở trường Saint Thomas D’Aquin dòng Lasan tại Nam Định. Khi học hết trung học, ông chơi nhạc cùng với nhạc sĩ Hoàng Trọng. Thời điểm này ông còn được học hòa âm và sáng tác cùng với các giáo sư Tạ Phước và Vũ Đình Dự. Sau này nhạc sĩ Hoàng Trọng mở quán Thiên Thai ở Nam Định, rồi sau đó là ở Hà Nội thì Đan Thọ đều là người chơi violon chính ở quán. Từ năm 1948 tới 1954, nhạc sĩ Đan Thọ gia nhập ban quân nhạc Đệ tam Quân khu Hà Nội cũng những tên tuổi lừng danh khác là Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Nhật Bằng…

Trong thời gian hoạt động tại đây, Đan Thọ được quân nhạc trưởng Schmetzler hướng dẫn về cách dùng Saxophone, từ đó ông chơi sành cả hai loại nhạc cụ là violin lẫn Saxophone tenor. Ngoài tham gia những hoạt động trong ban quân nhạc, Đan Thọ cùng nhạc sĩ Nguyễn Túc từng trình diễn tại nhiều phòng trà ở Hà Nội.

Nhạc sĩ Đan Thọ được người yêu nhạc biết đến nhiều nhất với ca khúc Chiều Tím, lời của thi sĩ Đinh Hùng. Trước khi là người sáng tác, ông đã góp phần xây dựng nền tân nhạc Việt Nam với tư cách một nhạc sĩ chơi vĩ cầm. Thời thập niên 1940, Đan Thọ được xem là người có tiếng đàn ngọt ngào nhất của tân nhạc.


Nghe Lệ Thu hát Chiều Tím trước 1975

Đan Thọ thuộc lớp các nhạc sĩ sáng tác thể hệ thứ hai của tân nhạc, cùng thời với những Nhật Bằng, Hoàng Giác, Ngọc Bích, Canh Thân… Nhưng chỉ mãi tới năm 1952, Đan Thọ mới cho ra đời hai nhạc phẩm đầu tay được ông sáng tác chung với nhạc sĩ Nhật Bằng mang tên “Bóng Quê Xưa” và “Vọng Cố Đô” và được công chúng biết tới.

Khoảng giữa năm 1954, Đan Thọ cùng ban quân nhạc di cư vào Nha Trang rồi tới Sài Gòn năm 1956. Giai đoạn này, ông có tác phẩm Tình Quê Hương, phổ từ thơ Phan Lạc Tuyên, ca khúc đã làm xúc động hàng triệu người di cư nhớ về quê Bắc.

Sau khi vào Nam, ông tiếp tục theo học kèn với nhạc sĩ Mano Umali người Philippines. Với sở trường sử dụng thành thạo hai nhạc khí là Violin và Saxophone, Đan Thọ cộng tác với nhiều chương trình nhạc trên các đài phát thanh, truyền hình và phòng trà, vũ trường ở Sài Gòn. Bên cạnh đó, ông còn là trưởng ban nhạc nhẹ của đài Ðài Phát Thanh Tiếng Nói Quân Ðội trong khoảng một thời gian dài từ năm 1956 – 1965, gồm các nhạc sĩ nổi tiếng như Xuân Tiên, Xuân Lôi, Canh Thân,…

Năm 1965, Đan Thọ giải ngũ và sau đó tham gia vào ban nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh và tiếp tục chơi nhạc tại các phòng trà, vũ trường cho tới năm 1975.

Đã có rất nhiều nhạc sĩ chơi đàn hoặc chơi các loại nhạc cụ đã từng cộng tác với các đài phát thanh, các hãng sản xuất băng/đĩa nhạc, các đài truyền hình ở Sài Gòn trong khoảng thời gian từ 1954-1975, hoặc có thể còn sớm hơn nữa, từ những năm 1940 tại Hà Nội. Đó là những người đã thực sự góp công sức lớn để nền tân nhạc phát triển, nhưng cho đến nay, trừ những người trong nghề hoặc các bằng hữu, thì hầu như không còn ai nhớ đến, vì họ chỉ là những nghệ sĩ trình diễn, không để lại một tác phẩm riêng nào.

Trong đời sống hình như luôn có những người phải chịu sự bất công như vậy.

Đan Thọ sáng tác không nhiều, dù rằng ông có căn bản nhạc lý vững vàng và đã cống hiến cả đời cho âm nhạc. Trong số những tác phẩm được công chúng biết tới của Đan Thọ, hầu hết đều là những sáng tác chung với Nhật Bằng, Xuân Tiên, hoặc thơ phổ nhạc, chỉ có một bài duy nhất do chính ông viết cả lời lẫn nhạc đó là bài “Bóng Chiến Y”. Có lẽ một phần lý do là nhạc sĩ Đan Thọ đã gặp trở ngại khi viết lời ca, và những ca khúc ký tên chung của ông với các nhạc sĩ khác, thì Đan Thọ viết nhạc, còn người khác viết lời.

Phần giai điệu do Đan Thọ viết trong các ca khúc luôn toát ra vẻ dịu dàng, chải chuốt, thường được diễn tả bằng những dây đàn vĩ cầm – nhạc cụ gắn liền với sự nghiệp của ông. Hai ca khúc gây ấn tượng nhất của Đan Thọ đối với người nghe là các bài Tình Quê Hương Chiều Tím.

Nếu như Tình Quê Hương được phổ từ bài thơ của Phan Lạc Tuyên, sau này trở thành một đại tá tham gia đảo chính và đã tham gia MTGPMNVN từ 1963, thì ca khúc Chiều Tím thường được giới thiệu là nhạc Đan Thọ, thơ Đinh Hùng.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Đan Thọ cho biết ca khúc này có phần lời được Đinh Hùng viết sau khi có giai điệu, chứ không phải là nhạc phổ từ bài thơ. Nhan đề bài hát thì lại do Thanh Nam đặt.

Chuyện kể rằng trong một bữa uống cà phê tại La Pagode trên đường Tự Do – Lê Thánh Tôn, Đan Thọ đã đưa ra bản nhạc chưa có lời mà ông vừa viết xong cho Đinh Hùng và Thanh Nam coi. Đình Hùng nói: “moi biết chơi mandoline, để moi viết lời cho”.

Khi Đinh Hùng viết xong lời ca, 3 người lại gặp nhau, Thanh Nam để nghị đặt tên là Chiều Tím, và người trình bày ca khúc này đầu tiên là danh ca Anh Ngọc phát trên đài phát thanh.

Sau 1975, Đan Thọ tiếp tục cộng tác cùng ban nhạc của nhạc sĩ Ngọc Chánh, chơi nhạc cho Đoàn kịch nói Kim Cương và cùng đoàn đi trình diễn ở nhiều nơi. Sau đó ông cộng tác với vũ trường Maxim’s, trước khu cùng gia đình sang định cư ở Hoa kỳ vào năm 1985. Họ sống trong khu phố sau lưng tiệm phở Nguyễn Huệ tại quận Cam, hàng ngày nhạc sĩ Đan Thọ bình thản lái xe lên tận Van Nuys làm công nhân cho hãng General Ribbon, chuyên sản xuất ruy băng. Vào mỗi cuối tuần, ông sống với niềm đam mê nghệ thuật bằng việc chơi đàn trong ban nhạc ở vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh. Trong nhiều năm, ông sống từ tốn, ngăn nắp và dồn mọi tình thương cho gia đình, cùng thú vui nuôi chim yến.


Tưởng nhớ nhạc sĩ Đan Thọ – Jimmy TV

Nhạc sĩ Đan Thọ sống lặng lẽ như vậy tới năm 1994, ở tuổi tròn 70 tuổi, ông mời bạn bè tại California đến dự một buổi hòa nhạc tại Ritz. Ðó là buổi tiệc chia tay sân khấu và nhạc sĩ Đan Thọ đã đậy đàn vào hộp, là cây đàn ôm từ Hà Nội vào Nam rồi qua Mỹ. Năm 1997, vợ chồng nhạc sĩ Đan Thọ về sống ở New Orleans cùng con cái, nhưng sau trận bão Katrina lịch sử năm 2005, ông chuyển sang ở Houston.

Ngày 5 tháng 9 năm 2023, nhạc sĩ Đan Thọ từ trần tại Houston, Texas, hưởng thọ 99 tuổi.

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version