Vĩnh biệt giáo sư – nhạc sĩ Trần Quang Hải (1944-2021)

Nhận được tin buồn, giáo sư – nhạc sĩ Trần Quang Hải đã vừa qua đời vào sáng sớm nay, ngày 29/12/2021, tại Pháp. Ông là trưởng nam của giáo sư Trần Văn Khê, xuất thân trong gia đình có 5 đời là nhạc sĩ cổ truyền.

Nhạc sĩ Trần Quang Hải là hậu duệ đời thứ 5 của nhạc sĩ cung đình Huế, Trần Quang Thọ (1830-1890), đời thứ tư của nhạc sĩ nổi tiếng về đàn tỳ bà, Trần Quang Diệm, đời thứ 3 của nhạc sĩ nổi tiếng về đàn kìm và dây Tố Lan Trần Quang Triều (tự Bảy Triều). Song thân cùa ông là Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu Văn hóa và Âm nhạc cổ truyền nổi tiếng Trần Văn Khê (1921-2015) và bà Nguyễn Thị Sương (1921-2014), cựu giáo sư Anh văn Trường nữ Trung học Gia Long ở Sài Gòn.

Ông nội của Trần Quang Hải là ông Bảy Triều có ba người con. Người con cả là giáo sư Trần Văn Khê, kế đến là “quái kiệt” Trần Văn Trạch (1924-1994), người con gái út là Trần Ngọc Sương. Ông Triều nổi tiếng với đờn ca tài tử Nam Bộ, sáng chế ra dây Tố Lan cho đàn kìm.

Cha của Trần Quang Hải là giáo sư Trần Văn Khê, cũng là nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng nhất của Việt Nam thời cận đại. Ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp, có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công rất lớn trong việc quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.

Giáo sư Trần Quang Hải ra đời năm 1944. Đến năm 1949, giáo sư Trần Văn Khê quyết định sang Pháp du học về âm nhạc, do hoàn cảnh nên cha mẹ của ông đồng thuận không sống chung nữa, từ đó Trần Quang Hải và các em sống chung với mẹ.

Vợ chồng giáo sư Trần Văn Khê

Tại Pháp, để có tiền ăn học, giáo sư Trần Văn Khê lấy nghệ danh là Hải Minh để thu thanh 1 số bài hát cho hãng dĩa Oria của Pháp và đi hát ở quán bar của người Việt tên là Bồng Lai. Hải Minh là ghép từ 2 tên hai người con của ông là Trần Quang Hải và Trần Quang Minh.

Xuất thân trong gia đình có truyền thống về âm nhạc, giáo sư Trần Quang Hải được học nhạc từ nhỏ. Từ năm 10 tuổi, ông học tại ngôi trường danh tiếng Petrus Ký. Năm 1955, ông theo học vĩ cầm với giáo sư Đỗ Thế Phiệt tại trường Quốc gia âm nhạc. Đến năm 1961, khi mới 17 tuổi, ông sang Pháp để du học về nhạc, gặp lại vầ sống chung với cha của mình. Tại Pháp, nghe lời khuyên của cha và những người bạn của cha, ông không tiếp tục theo học vĩ cầm mà nối tiếp cha để học và nghiên cứu về nhạc truyền thống dân tộc. Bởi vì khi đó nước Pháp không cần có thêm một nhạc công người Việt biết đàn vĩ cầm, mà rất cần một người thầy dạy về nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam.

Trong vòng 10 năm sau đó giáo sư Trần Văn Khê dốc tâm huyết của mình để truyền lại cho con trai Trần Quang Hải toàn bộ những kiến thức mà ông đã học tập và nghiên cứu được về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, âm nhạc Đông Phương và các nước Á Châu khác.

Thời gian sau đó, ông lấy bằng tiến sĩ âm nhạc dân tộc người Việt tại Pháp (là người thứ hai lấy bằng này sau cha của mình) và làm việc cho Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học tại Bảo tàng Con người (Musée de l’Homme) Paris (Pháp) từ năm 1968. Ông đã có những nghiên cứu đặc biệt trong lĩnh vực Dân tộc âm nhạc học như: hát đồng song thanh, phát triển gõ muỗng, phát triển kỹ thuật biểu diễn đàn môi… Từ sau đó, ông được mời dạy và thuyết trình tại hàng trăm trường đại học, trung tâm nghiên cứu và viện bảo tàng ở khắp năm châu.

Năm 1978, nhạc sĩ Trần Quang Hải lập gia đình với danh ca Bạch Yến. Khi đó thì ông đã trải qua một đời vợ và có một người con gái tên là Minh Tâm, còn Bạch Yến thì cũng đã 34 tuổi. Họ về chung một nhà chỉ sau khoảng 2 tuần gặp gỡ trong một cuộc hôn nhân kỳ lạ, chóng vánh nhưng đã keo sơn bền chặt cho đến lúc ông qua đời năm 2021.


Dù sống và làm việc tại Pháp nhiều năm, đạt được nhiều thành tựu và giải thưởng trong lãnh vực âm nhạc dân tộc, nhưng thời điểm đám cưới, nhạc sĩ Trần Quang Hải vẫn còn rất nghèo nếu so thu nhập với một ca sĩ nổi tiếng như Bạch Yến, nhưng nữ danh ca này chẳng hề quan tâm tới điều đó. Ngày cưới của họ, Trần Quang Hải viết ca khúc Tân Hôn Dạ Khúc đem tặng Bạch Yến làm quà cưới với những lời yêu thương nồng đượm và hứa hẹn thuỷ chung:

Tối hôm nay ngày vui chúng mình
Hát bên nhau, hạnh phúc dạt dào
Từ nay, từ nay vui sống trăm năm
Ước mơ nay, tình yêu đã thành

Sau khi kết hôn, danh ca Bạch Yến chuyển hướng sự nghiệp, từ một ca sĩ nổi tiếng chuyên hát tân nhạc và nhạc ngoại quốc, Bạch Yến bắt đầu hình trình “về nguồn”, chuyển sang hát nhạc dân tộc cổ truyền và đi trình diễn khắp nơi trên thế giới cùng với chồng. Họ đã cùng nhau thực hiện hơn 3.000 buổi giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở 70 nước trên thế giới, góp công rất lớn để quảng bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam ra thế giới.

Ngoài ra, giáo sư Trần Quang Hải còn được tôn xưng danh hiệu “vua muỗng” sau khi chiến thắng tại một cuộc thi gõ muỗng trong khuôn khổ Đại nhạc hội dân nhạc tại Cambridge, Anh vào năm 1967. Ông đã có hơn 60 năm gắn bó với những giai điệu từ muỗng, từng biểu diễn “gõ muỗng” trong hơn 1500 chương trình biểu diễn, buổi sinh hoạt âm nhạc ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục người thể hiện tiết tấu – âm thanh đa dạng nhất từ nghệ thuật gõ muỗng. Năm 2012 ông được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục người trình diễn đàn môi mông tại nhiều quốc gia nhất thế giới.

Giáo sư Trần Quang Hải đột ngột qua đời vào một ngày cuối năm 2021, hưởng thọ 77 tuổi. Trước đó ông từng bị ung thư máu và nhiều bệnh khác như sưng phổi, suy thận và tiểu đường mãn tính.

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version