Vì sao Nhạc Vàng – Nhạc Xưa lại cuốn hút và khó bị chôn vùi sau hơn nửa thế kỷ

Có người em thích nhạc ngoại hỏi tôi về vấn đề vì sao nhiều người thích nghe nhạc xưa và sức sống của nhạc vàng vì sao mạnh vậy?

Trước khi trả lời câu hỏi của em, tôi hỏi em có thích bóng đá không? Em kêu mình “là fan cuồng”. Tôi hỏi em có biết ca khúc World Cup Mùa hè Italian 1990 không, em nói fan bóng đá nào cũng mê và thích ca khúc đó, mỗi lần nghe lại vẫn xao xuyến nhớ lại nhiều kỷ niệm.

Tôi nói:

“Sức mạnh của nhạc xưa là ở chỗ đó, dù không cụ thể như ví dụ anh đưa ra. Rất khó để tìm ra bài về bóng đá hay hơn, xúc động hơn ca khúc đó, không phải vì thế hệ nhạc sĩ sau kém tài hơn thế hệ nhạc sĩ trước, mà vì trên đời này chỉ có một mùa hè Italy 1990 và chỉ có một Maradona. Mỗi thời đại lại có màu sắc riêng, sự lãng mạn trong bảng màu bóng đá những năm đó đã được lãng mạn hóa, bi tráng hóa chính xác trong ca khúc huyền thoại đó. Nhạc xưa gợi lại cảm xúc đẹp em ạ”.

Quay lại sức cuốn hút nhạc xưa tại Việt Nam, tôi cho rằng có nhiều lý do, trước hết dòng nhạc đó có nhiều bài hay, ca từ sâu sắc và phù hợp tâm sinh lý người Việt, nó dường như đã ở sẵn trong máu người Việt và bởi vì nhạc xưa có xu hướng “thuần Việt”. Các cụ ngày xưa dù học hỏi phương Tây nhưng đã luôn ý thức bản địa hóa và đưa bản sắc và hồn Việt Nam vào đó, chứ không chỉ sao chép một nền văn minh. Tiếp đến vì những cuộc di cư lớn giai đoạn 1945 -1954 đã tạo nên một giai đoạn hy hữu khi tinh hoa văn nghệ 3 miền tập trung phần lớn ở miền Nam, một nơi được tự do thể hiện tư tưởng trong sáng tạo hơn, điều này tạo nên thời kỳ văn nghệ đỉnh cao khó lòng lặp lại một lần nữa trong lịch sử.

Giai đoạn nhạc xưa đó có nhiều máu và nước mắt cũng như sự chia rẽ đau thương của lịch sử người Việt, mà lịch sử chính thống đương đại chỉ tô hồng màu cho văn hóa bên thắng cuộc. Sự lãng mạn và sự nhân bản ở phe còn lại bị cố ý phủ nhận. Đó là một “cái nghiệp” chưa được trả sòng phẳng nên nhạc xưa như một linh hồn oan khuất. Linh hồn đó luôn còn ám ảnh thân phận và cõi lòng người Việt.

Lý do còn lại thì vô hình hơn, bất chấp thời cuộc thay đổi ra sao, hoài niệm và kỷ niệm vĩnh viễn là những viên ngọc quý của đời người – nhạc xưa gợi nhớ và chạm vào tim người ta theo lối đó. Thế nên, nhiều nhạc sĩ thế hệ sau này khi sáng tác, họ cũng chọn màu sắc và cảm xúc kinh điển của dòng Tân nhạc cải cách 1954 – 1975. Do đó, dòng nhạc xưa sẽ luôn tồn tại, dù ồn ào hay khiêm nhường, vì giá trị tự thân cùng di sản khổng lồ của dòng nhạc, và vì sẽ chẳng hay ho gì nếu ta chỉ còn hiện tại và tương lai – gạch bỏ quá khứ/lịch sử/di sản.

Lịch sử có thể quên ghi vài điều và đôi khi vài điều đó lại được âm nhạc – văn – thơ ghi lại. Không có chuyện lỗi thời hay không lỗi thời, cái gì hay thì có sức sống lâu dài. 20 năm nữa, nhiều tác phẩm thời Làn Sóng Xanh cũng sẽ trở thành “nhạc xưa”, và cái gì hay vẫn sẽ ở lại.

Dòng nhạc xưa ở góc độ toàn cầu thì “sòng phẳng” hơn Việt Nam nhiều, người ta không phủ nhận gì nên cái gì hay người ta sẽ nghe hoài. Xu hướng tìm đến cảm giác kinh điển, cổ điển, vintage là một lối sống của một phần nhân loại. Người nước ngoài vẫn sáng tạo mới như điên nhưng họ coi trọng giá trị di sản.

Nhạc sĩ Thiên Ca

Exit mobile version