Cùng với các số ít nhạc sĩ cùng thời khác như Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng, nhạc sĩ Lam Phương có sức sáng tác rất bền bỉ cả trước năm 1975 ở Sài Gòn và sau năm 1975 tại hải ngoại.
Sau thời gian đầu vất vả mưu sinh, khi cuộc sống đã dần ổn định, nhạc sĩ Lam Phương tiếp tục cho ra mắt rất nhiều tác phẩm và được yêu thích nhiều không kém các bài hát trước năm 1975. Một điều đặc biệt là những nhạc phẩm được ông viết sau năm 1975 như Bãi Nắng, Như Giấc Chiêm Bao, Mưa Lệ, Bài Tango Cho Em, Thiên Đàng Ái Ân, Say, Lầm, Tình Đẹp Như Mơ, Một Mình, Tình Vẫn Chưa Yên… đều viết cho cảm xúc của chính nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Lam Phương từng nói rằng phần nhiều các ca khúc trước 1975 được ông viết theo nhu cầu của nhà xuất bản, các hãng thu đĩa, nghĩa là “theo đơn đặt hàng”. Sau này, có một sự chuyển hướng, đó là sau nhiều mất mát, đau thương đã trải qua trong cuộc đời, ông chỉ viết nhạc cho chính mình. Chính điều đó làm cho những bài nhạc sau này của ông, dù vui hay là buồn, đều rất giàu cảm xúc.
Bài viết này xin nói qua một phần đời của nhạc sĩ Lam Phương sau năm 1975, là một giai đoạn sáng tác quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy và cuộc đời nhiều thăng trầm của ông.
Trước năm 1975, Lam Phương là một trong số ít nhạc sĩ có thể sống dư dả chỉ bằng nghề viết nhạc, bởi vì những ca khúc của ông viết ra rất ăn khách, bán được rất nhiều, lên đến hàng triệu bản. Tiêu biểu nhất là chỉ với 1 ca khúc Thành Phố Buồn, nhạc sĩ Lam Phương nhận được 12 triệu đồng tiền bán tờ nhạc, một con số rất lớn thời đó, bằng với thu nhập trong 20 năm của 1 đại tá quân đội. Nếu tính ra tiền USD thời điểm bài hát ra đời thì bài Thành Phố Buồn có giá trị gần nửa triệu đô la.
Tuy nhiên, vì thời cuộc thay đổi, nhạc sĩ Lam Phương phải bỏ lại một gia sản khổng lồ 30 triệu đồng còn lại trong nhà băng để ra đi trên con tàu Trường Xuân với đôi bàn tay trắng để sống đời viễn xứ từ thời điểm tháng 4 năm 1975 cho đến lúc qua đời vào cuối năm 2020.
Con tàu Trường Xuân chở 3600 người rời Sài Gòn trong cơn biến loạn. Con tàu này vốn là tài sản của tỷ phú Trần Đình Trường – ông chủ hãng tàu Vishipco Line. Tàu Trường Xuân cùng nhiều con tàu khác thuộc quyền sở hữu đều được ông Trường cho trưng dụng để chở đồng bào rời cảng vào đúng trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Hành trình của tàu Trường Xuân lênh đênh trên biển, chở theo gia đình nhạc sĩ Lam Phương và gần 4000 người khác không hề suôn sẻ. Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy đã ghi lại trong hồi ký như sau:
“Ánh trăng mờ mờ tựa hơi sương làm tăng thêm vẻ cô quạnh vùng biển Nam Hải. Trường Xuân dật dờ trôi giữa cái mông mênh vô tận. Những vì sao chơi vơi lấp lánh trên trời cao. Sóng nhỏ lăn tăn, lấp loáng ánh trăng phả nhẹ vào vỏ tàu tạo nên trong đêm vắng những âm thanh rì rào nghe như những lời than van hay nguyện cầu van vỉ.
Máy tàu, máy đèn đều tê liệt. Những thanh niên vẫn tiếp tục thay nhau xuống phòng máy tát nước. Hai bên cánh đài chỉ huy, những bà mẹ mang theo con nhỏ tìm nơi qua đêm an toàn hơn, nằm ngồi la liệt, không còn chỗ len chân. Mấy lần tôi muốn lấy thiên máy lục phân (sextant) đo chiều cao sao Bắc đẩu để định vĩ tuyến của tàu nhưng không thể nào di chuyển ra mé ngoài.
Tim đập dồn dập mỗi lần nghĩ đến nguy cơ tàu chìm nếu nước phá mạnh ngập phòng máy. Không có phương tiện liên lạc với “thế giới bên ngoài” để kêu gọi tiếp cứu. Đài chỉ huy tối om, không có ánh sáng để nghiên cứu lộ trình trên hải đồ. Tình trạng bi đát không được tiết lộ để tránh tình trạng rối ren…”
Thật may mắn là ngày 2/5, gần 4000 người trên tàu Trường Xuân đã được tàu chở hàng Clara Maersk của Đan Mạch ứng cứu kịp thời trong lúc nguy cấp, vào lúc Trường Xuân đã bị nước vào rất nhiều và không thể cầm cự được lâu hơn.
Gia đình nhạc sĩ Lam Phương đến được trại tị nạn ở Hongkong, đến tháng 11 năm 1975 thì được chấp thuận định cư ở Mỹ.
Từ đây cuộc đời nhiều thăng trầm của nhạc sĩ Lam Phương mở ra một chặng mới, đây cũng là giai đoạn ông viết rất nhiều nhạc, về số lượng thì có lẽ tương đương với trước năm 1975, nhưng về nhạc thuật thì đa dạng hơn, đa tầng cảm xúc hơn. Có lúc ông được thăng hoa cùng hạnh phúc, nhưng cũng có lúc xuống tận cùng của sầu khổ.
Vùng đất đầu tiên mà gia đình Lam Phương đến và sinh sống là tiêu bang Virginia, nơi nổi tiếng về chế biến hải sản. Tuy nhiên, để nuôi vợ xon, Lam Phương phải làm những nghề chân tay mà trước đó vài tháng ông chưa từng nghĩ đến: thợ tiện, thợ máy và cả chùi rửa bồn cầu.
Ông kể lại:
“Lúc mới qua, cọ bồn cầu hay đệm đàn… làm hết. Nói chung làn được gì giúp cho gia đình và mọi người đều làm tuốt, không ngại khó, không than phiền, kể khổ…”
Có lẽ từ thời ấu thơ sống trong “Kiếp Nghèo”, nhạc sĩ Lam Phương đã quen với nghèo khó, nên dù đã trải qua những đỉnh cao cuộc đời, cho đến khi bị cuộc đời đưa xuống hố sâu, ông vẫn nhanh chóng thích nghi được với cái nghèo trên xứ người.
Làm công việc chân tay nặng nhọc được một thời gian, Lam Phương đưa vợ con đến Texas, nơi có cộng đồng người Việt đông đúc hơn, nên bước đầu đôi vợ chồng Lam Phương – Túy Hồng có thể trở lại được với sân khấu. Ban ngày đi làm thuê cho hãng Sears, ban đêm Lam Phương đi đệm đàn cho một vài quán nhỏ. Tích góp được một thời gian, trong nỗi khát thèm trở lại với ánh đèn sân khấu, Lam Phương – Túy Hồng thuê lại một quán ăn để dựng lại Ban Kịch Sống lừng lẫy một thời.
Đôi vợ chồng nghệ sĩ lại được sống với nghề, được gặp gỡ bạn bè văn nghệ, gặp khán giả, đêm đêm sống lại hào quang dưới ánh đèn sân khấu…
Tuy nhiên cũng từ đây mà bi kịch cuộc đời lại một lần nữa đến với nhạc sĩ Lam Phương: Năm 1979, cuộc hôn nhân 20 năm của Lam Phương – Túy Hồng tan vỡ, cũng từ đó mà hàng loạt sáng tác buồn của nhạc sĩ Lam Phương ra đời, mà tiêu biểu nhất là “Anh đã lầm đưa em sang đây…” (Lầm)
Không ai chia sẻ nguyên nhân của cuộc chia tay này, nhưng có vẻ như họ đã không vượt qua những thử thách khắc nghiệt của hoàn cảnh mới. Dù vậy sau này cả 2 vẫn dành cho nhau những lời lẽ tốt đẹp. Chia tay tuy buồn khổ nhưng vẫn văn minh. Nghệ sĩ Túy Hồng từng nói: “Nhạc sĩ Lam Phương vẫn luôn là người tôi kính trọng, dẫu đã từ lâu duyên đã cạn…”
Sau này, có một lần MC Nguyễn Ngọc Ngạn nói bóng gió rằng vào thời điểm 1975, đa số di dân người Việt là đàn ông, vì việc ra đi phải đối mặt với nhiều sóng gió – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và người đàn ông thường để lại vợ con để đi trước dò đường, sau khi ổn định thì mới đón gia đình qua sau. Tình trạng “dương thịnh âm suy”, mất cân bằng về giới tính như vậy là một phần nguyên nhân của nhiều phụ nữ đi tìm duyên mới.
Khác với những lần chia tay những bóng hồng thoáng qua trước đây, cuộc hôn nhân tan vỡ này đã để lại nỗi đau quá lớn đối với nhạc sĩ Lam Phương. Buồn tình và buồn đời, một lần nữa ông bỏ lại sau lưng tất cả để đến Paris ở với người em gái út, lần này ông gọi là “tị nạn ái tình”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã nói về nhạc sĩ Lam Phương và Paris đầu thập niên 1980 như sau:
“Khăn gói qua Paris lại còn vất vả hơn nhiều. Cái nghèo, cái khổ và nhất là cái lạnh của Mùa Đông Paris làm anh vô cùng điêu đứng. Ngày còn ở Việt Nam, nghe Paris là kinh đô ánh sáng, là phương trời mơ mộng mà Nguyên Sa mô tả:
“Hôm nay tôi đi Paris đang vào thu
Dòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa!”
Chao ơi! Đẹp biết bao! Nhưng thực tế thì Paris thiếu rất nhiều phương tiện cho người nghèo, chứ không như bên Mỹ. Lam Phương qua Paris năm 1980, cộng đồng người Việt còn rất thưa thớt và đang ngơ ngác vừa nhớ nhà vừa cố gắng hội nhập. Không ai giúp đỡ được anh. Trung tâm Thúy Nga tuy cũng mới dựng lại bảng hiệu ở quận 13 nhưng còn nghèo xác xơ. Ông Tô Văn Lai đi học sửa xe và cùng con gái đứng bơm xăng thì làm gì có việc cho Lam Phương làm!”
Rồi thời gian qua, Paris cũng bắt đầu nhen nhóm có những sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng ngời Việt ít ỏi, trong đó có nhà hàng Như Ánh của em gái út nhạc sĩ Lam Phương. Ông quản lý nhà hàng giúp em gái, tại đây có sân khấu nhỏ để ông chơi nhạc mỗi đêm cho thỏa nỗi nhớ nghề. Ngoài thu nhập dư dả để sống, công việc này còn giúp nhạc sĩ Lam Phương gặp gỡ được nhiều đồng hương, làm sống lại con người của âm nhạc. Cũng tại nhà hàng này, nhạc sĩ Lam Phương có được mối tình sâu sắc với một cô gái rất đẹp người Tây Đô tên là Cẩm Hường. Từ mối tình say đắm này, nhạc sĩ lại có cảm hứng để sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng, một lần nữa đưa ông trở thành nhạc sĩ ăn khách bậc nhất, với những bài tiêu biểu là Bài Tango Cho Em, Thiên Đàng Ái Ân, Mùa Thu Yêu Đương, Tình Đẹp Như Mơ…
Bên cạnh những bài hát vui tươi ca ngợi ái tình như vậy, vào giai đoạn này nhạc sĩ Lam Phương cũng sáng tác những ca khúc đượm buồn, như là Cho Em Quên Tuổi Ngọc, Em Đi Rồi, và đặc biệt là Một Mình.
Bài hát Một Mình với những ca từ rất day dứt như: Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình… được nhạc sĩ Lam Phương viết năm 1990, khi vẫn còn đang tràn ngập hạnh phúc “hai mình” với người đẹp Cẩm Hường. Không rõ niềm cảm hứng nào để ông viết một ca khúc buồn đến như vậy, để rồi vận vào cuộc đời của chính ông vào thời gian sau này. Chỉ 5 năm sau (1995), Lam Phương đã thấm được thế nào là “đời mong manh quá, kể chi chuyện mình” khi chia tay với Cẩm Hường.
Ngay sau đó, nhạc sĩ Lam Phương một lần nữa bỏ lại sau lưng tất cả, bỏ lại Paris với 15 năm hoa mộng để quay trở lại Mỹ. Tại đây, ông đã sáng tác ca khúc Tình Vẫn Chưa Yên. Và thật sự là chưa yên, vì thời gian này lại có thêm một cuộc hôn nhân, là lần thứ 3, nhưng rồi chóng vánh qua nhanh mà ngày nay không có nhiều người biết đến. Đến cuối cùng, nhạc sĩ lại vẫn cứ “một mình” trong ngậm ngùi…
Đến năm 1999, tai họa ập đến trong đời khi nhạc sĩ Lam Phương bị tai biến, liệt nửa người, sinh hoạt khó khăn. Người em gái út là Lâm Thị Minh Khai phải bỏ công việc kinh doanh nhà hàng bên Pháp để sang Hoa Kỳ chăm sóc anh trai.
Bà Minh Khai chia sẻ tâm trạng vào thời điểm gặp lại người anh đang trong bệnh viện:
“Tôi nhìn thấy anh Hai qua lớp cửa kính mà không dám bước vào. Anh nằm im, khong cử động và gương mặt biến dạng. Tính anh Hai luôn sợ phiền lòng người khác nên từ lâu đã cam chịu một mình tất cả những khổ đau. Tôi nghĩ mình là em gái, có thể gần gũi anh nhất vào lúc này. Từ đó tôi đi đến quyết định dời gia đình sang Mỹ để chăm sóc anh những năm tháng này với hy vọng anh sẽ vượt qua cơn bạo bệnh mà chỉ có thời gian rất lâu mới trả lời được…”
Và quả thật nhạc sĩ Lam Phương đã vượt qua cơn bạo bệnh để ở lại thêm được hơn 20 năm, được xem là một kỳ tích.
Một năm trước khi qua đời, nhạc sĩ Lam Phương tâm sự trên Người Việt TV rằng một ngày đối với ông chỉ là quanh quẩn trong 4 góc phòng. Tuổi cao, không ngủ được, buổi sáng dậy thật sớm nằm nghe lại những bản nhạc của chính mình, rồi coi TV đến trưa, cố đếm thời gian qua thật nhanh nhưng đêm về lại trằn trọc với những nỗi niềm xa xứ và chống chọi những cơn đau do bệnh. Tình cảnh hiện tại của ông khiến người ta liên tưởng đến một sáng tác rất nổi tiếng trước năm 75 của ông: Xin Thời Gian Qua Mau:
Buồn nào hơn đêm nay
Khi ngoài kia bão tố đầy trời
Từng cánh lá cuốn gió
Rơi vào lòng đêm thâu…
Rồi một ngày định mệnh cũng đến. Nhạc sĩ Lam Phương đã trút hơi thở cuối cùng ngày 22/12/2020 tại thành phố Fountain Valley – Hoa Kỳ. Trước đó không lâu, ông phải nhập viện cấp cứu khi chứng bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng. Sau thời gian tích cực chữa trị, trái tim đa cảm của người nhạc sĩ tài hoa bậc nhất của nhạc Việt đã vĩnh viễn ngừng đập.
Điều đáng buồn là nhạc sĩ Lam Phương nằm viện và qua đời trong thời gian dịch bệnh nên không ai có thể vào thăm. Trước khi mất 1 tháng, nhạc sĩ Lam Phương có nói chuyện qua điện thoại vào ca sĩ Quang Thành vào dịp lễ Tạ Ơn, ông đã nói rằng ước mong sau khi mất thì có thể được nằm cạnh mộ mẹ ở quê nhà Kiên Giang.
Cuối cùng, xin gửi một nén nhang lòng đến vị nhạc sĩ tài ba đã làm phong phú cho đời sống tinh thần của nhiều thế hệ với rất nhiều tình khúc bất hủ đã và sẽ sống mãi cùng thời gian.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn