Tuyển chọn 100 tấm ảnh đẹp của vùng đất Qui Nhơn xưa – Ý nghĩa và nguồn gốc tên gọi Qui Nhơn (Quy Nhân)

Qui Nhơn (hoặc Quy Nhơn) là một trong những thành phố lớn nhất của miền Trung. Qui Nhơn chính thức trở thành thanh phố vào năm 1986, còn trước đó là thị xã, tỉnh lỵ của tỉnh Bình Định, hoặc của tỉnh Nghĩa Bình trong thời gian 2 tỉnh Bình Định – Quảng Ngãi nhập chung lại.

Về tên gọi Qui Nhơn hoặc Quy Nhơn cái nào mới đúng, sự việc này đã gây tranh cãi, và có một sự kiện là vào năm 2020, UBND tỉnh Bình Định có văn bản đề nghị chính phủ xem xét và điều chỉnh lại tên đơn vị hành chính đã công bố là thành phố Qui Nhơn thành Quy Nhơn (điều chỉnh i thành y).

Tên “Qui Nhơn” hiện nay vẫn được sử dụng ở các trung tâm hành chính công hiện nay

Lâu nay, hầu hết các văn bản, báo chí… đều ghi là Quy Nhơn, nhưng thực ra Qui Nhơn mới là tên gọi chính thức. Và trong thực tế, từ khi có chữ quốc ngữ, tìm lại trong các từ điển, các bản in suốt từ năm 1651 đến 1975, các văn bản hành chính, công báo đều viết là Qui Nhơn.

Thành Qui Nhơn trong tấm hình đầu thế kỷ 20

Đến sau năm 1975, không rõ là Qui chuyển thành Quy từ lúc nào, nhưng kể từ sau thập niên 1980, các văn bản hành chính của Nhà nước lúc thì Qui Nhơn, khi thì Quy Nhơn, các bảng hiệu cơ quan nơi viết i nơi viết y, thậm chí có cơ quan các bảng hiệu, vừa i vừa y. Dần dần trong văn bản hành chính và báo chí, chữ Qui Nhơn biến mất thay vào đó là Quy Nhơn, nhưng không có quyết định hay văn bản chỉ đạo của cấp thẩm quyền phải viết Qui Nhơn là i hoặc y.

Nguyên nhân của việc này, có lẽ là chữ Quy thì đúng chính tả hơn là Qui. Tuy nhiên Qui là địa danh, không nhất thiết phải đúng cấu trúc chính tả tiếng Việt. Có nhiều tên địa danh khác không đúng với cấu trúc tiếng Việt và vẫn đang được sử dụng như Bắc Kạn, Kon Tum, thậm chí là Đăk Lăk.

Tên gọi của Qui Nhơn được khởi đầu vào năm 1602, khi chúa Nguyễn Hoàng đặt dinh Quảng Nam, trong đó có phủ Hoài Nhơn. Cũng trong năm đó, chúa Nguyễn đổi tên phủ Hoài Nhơn thành Qui Nhơn. Lúc đó chưa có chữ quốc ngữ nên văn bản được viết bằng văn tự chữ Hán.

Chữ Qui Nhơn (Quy Nhân) được chúa Nguyễn Hoàng đặt có nghĩa là ngài mong muốn quy tụ về đây những con người hiền tài, nhân nghĩa. Cần nói thêm là thời thế kỷ 17, Qui Nhơn còn được người Việt gọi là Qui Nhân. Sau đó, dần dần chữ Nhân bị đổi thành chữ Nhơn, nhiều người nói rằng do kỵ húy thời Minh Mạng, tuy nhiên nhìn lại lịch sử triều Nguyễn thì không có vị nào tên là Nhân cả. Lý do của việc này có thể là vì khác biệt về giọng nói của Đàng Trong và Đàng Ngoài, nên ngoài nhân/nhơn, còn nhiều chữ khác cũng đổi ÂN thành ƠN, như là đàn/đờn, hán/hớn, san/sơn; chân/chơn…

Đến những năm 1618-1622, chữ Quốc ngữ mới bắt đầu phôi thai ở cảng thị Nước Mặn (ngày nay thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), và địa danh “Qui Nhơn” là một trong số rất ít tiếng Việt đầu tiên được ký âm bằng mẫu tự Latin.

Ban đầu, chữ Qui Nhơn được ký âm theo mẫu tự Latin – chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai là Quignin, hoặc Quinhin.

Trong thời gian Alexandre de Rhodes truyền giáo tại Đàng Trong và Đàng Ngoài, ông đã viết các tác phẩm Hành trình và truyền giáo, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, xuất bản năm 1653, trong đó xuất hiện địa danh “la Prouince de Quinhyn”, tức là “tỉnh Quinhyn”.

Cái tên Qui Nhơn xuất hiện đầu tiên trong một từ điển, đó là cuốn Từ điển Việt – La của Pigneau de Béhaine, in năm 1773, trang 493, có chép: “Qui nhơn – tên một tỉnh Đàng Trong”.

Thời kỳ Pháp thuộc, trong tất cả các văn bản tiếng Pháp thì Qui Nhơn được ghi thành Quinhon.

Đại chủng viện Qui Nhơn năm 1932, nay là Trung tâm Thông tin Tư liệu Đại Học Quy Nhơn

Cái tên Qui Nhơn từng là tên gọi của một phủ, một xã, thị xã, thành phố, và tên của một tỉnh. Việc từ phủ Qui Nhơn thành tỉnh Qui Nhơn được bắt đầu như thế nào thì không thấy các tài liệu lịch sử ghi lại, chỉ thấy các nhà truyền giáo ghi là tỉnh Qui Nhơn từ giữa thế kỷ 17.

Đến năm 1898, vua Thành Thái ra Chỉ dụ thành lập thị xã Qui Nhơn, là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Định (cái tên Bình Định do chúa Nguyễn Ánh đặt từ cuối thế kỷ 18, trước khi lên ngôi).

Năm 1930, thị xã Qui Nhơn được nâng cấp lên thành phố cấp 3. Từ năm 1945, chính quyền Việt Minh từng đổi tên Qui Nhơn thành thị xã Nguyễn Huệ. Từ năm 1955-1975, Qui Nhơn trở lại thành thị xã của tỉnh Bình Định.

Tháng 2 năm 1976, hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình, thị xã Quy Nhơn trở thành tỉnh lỵ tỉnh Nghĩa Bình.

Năm 1986, thành phố Qui Nhơn (Quy Nhơn) được thành lập từ thị xã Qui Nhơn.

Ngày 30 tháng 6 năm 1989, tỉnh Bình Định được tái lập, thành phố Quy Nhơn trở lại là tỉnh lỵ tỉnh Bình Định cho đến nay.

Qui hay Quy thì chỉ khác về cách viết, còn khi đọc thì phát âm giống nhau, đều thể hiện một cái tên như nhau. Trong tất cả các văn bản chính thức suốt hơn 200 năm thì địa danh này đều được ghi là Qui Nhơn. Tuy nhiên sau này, có thể là do sự thay đổi đơn thuần về mặt chính tả, chữ Qui bị đổi thành Quy như hiện nay. Tương tự như Đăk Lăk được ghi thành Đắc Lắc, Bắc Kạn thành Bắc Cạn. Tuy nhiên Kon Tum vẫn được giữ nguyên chứ không bị đổi thành Con Tum.

Sau đây, mời các bạn xem lại những hình ảnh của thị xã Qui Nhơn, đa số được chụp trong thập niên 1960:

Đặc điểm địa hình của dải đất miền Trung là một bên là núi, một bên là biển. Các đô thị lớn đều nằm dựa bên một núi, đối với thị xã Qui Nhơn thì đó là núi Vũng Chua:

Đường lên núi Vũng Chua
Từ núi Vũng Chua nhìn xuống Qui Nhơn

Một số hình chùa Tĩnh Hội trên đường Trần Cao Vân:

Một số hình ảnh nhà thờ Chánh Tòa Qui Nhơn trên đường Gia Long (nay là Trần Hưng Đạo), hướng thẳng ra đường Lê Thánh Tôn:

Đường Lê Thánh Tôn dẫn về phía nhà thờ

Đường Gia Long là con đường lớn nhất của Qui Nhơn, chạy xuyên qua thị xã, nối liền với đường Huyền Trân từ cầu Đôi trên sông Hà Thanh. Việc đặt tên Huyền Trân cho một con đường lớn của Qui Nhơn cũng rất ý nghĩa, vì đất Qui Nhơn gắn liền với nước Chiêm Thành, và Huyền Trân Công Chúa từng được gả cho vua Chiêm Thành ở Đồ Bàn, nay thuộc địa phận xã An Nhơn, cách Qui Nhơn 27km.

Sau năm 1975, đường Huyền Trân nhập vào đường Gia Long và đổi thành tên Trần Hưng Đạo.

Đường Gia Long, nay là đường Trần Hưng Đạo

Đường Gia Long, nay là đường Trần Hưng Đạo đoạn gần nhà sách Đại Chúng
Tiệm tạp hóa trên đường Gia Long – Qui Nhơn
Cây xăng dầu Esso Qui Nhơn năm 1968, nằm trên đường Gia Long, gần bến xe cũ – Nay là cây xăng số 1 Trần Hưng Đạo
Đoạn ngã 4 Võ Tánh – Tăng Bạt Hổ. Đường Võ Tánh nay đổi tên thành Lê Hồng Phong

Một số hỉnh ảnh khác ở ngã 4 này:

Căn nhà ngay ngã tư hiện nay là ngân hàng BIDV số 197 Tăng Bạt Hổ

Đối diện bên kia của căn nhà này là sân vận động Nguyễn Huệ:

Sân vận động Nguyễn Huệ ở ngã 4 Võ Tánh – Tăng Bạt Hổ, nay là sân vận động Quy Nhơn ở ngã tư Lê Hồng Phong – Tăng Bạt Hổ

Đất Qui Nhơn đã gắn với một phần đời ngắn ngủi của thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có câu hát nổi tiếng trong ca khúc mang tên Hàn Mặc Tử: “Tìm vào cô đơn, đất Qui Nhơn gầy đón chân chàng đến…”

Qui Nhơn gắn với những ngày buồn bã nhất của Hàn Mặc Tử, khi ông bị bệnh phong, được đưa vào chữa trị ở trại phong Qui Hòa trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời năm 1940.

Một số hình ảnh trại phong Qui Hòa trước 1975:

Bên trong trại phong Qui Hòa

Nhà thơ bên trong trại phong

Sau khi Hàn Mặc Tử qua đời, ông được chôn chất ngay trong trại phong Qui Hòa:

Khu mộ Hàn Mặc Tử, trên bia ghi:

Sau này mộ Hàn Mặc Tử được cải táng về Ghềnh Ráng, nay là số 1 đường Hàn Mặc Tử.

Đường Phan Bội Châu – thị xã Qui Nhơn
Ga Qui Nhơn
Khoa Nhi bệnh viện Qui Nhơn chuẩn bị khánh thành
Bến xe Qui Nhơn
Chợ Bình Định
Hội trường Qui Nhơn – rạp Kim Khánh năm 1967 , nay là Trung Tâm Văn Hóa tỉnh Bình Định ở góc đường Phan Đình Phùng – Phan Bội Châu, đối diện tượng đài Quang Trung hiện nay

Trường sư phạm Qui Nhơn, nay là trường đại học Qui Nhơn, nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng theo học
Bên trong trường sư phạm Qui Nhơn
Biển Qui Nhơn, nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc Biển Nhớ
Trường Nữ Trung học Qui Nhơn năm 1965 – Nay là trường THPT Trưng Vương, nằm trên đường Nguyễn Huệ
Nữ sinh trường Qui Nhơn đang đến trường

Một số hình ảnh trung tâm thị xã Qui Nhơn xưa:


Qui Nhơn xưa có thể xem là trung tâm của nước Chiêm Thành, cách không xa thành Đồ Bàn nay đã trở thành phế tích. Một số tháp Chăm vẫn còn lại ở Qui Nhơn ngày nay:

Những hình ảnh khác vùng xung quanh Qui Nhơn xưa:


Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn
Hình ảnh: manhhai flickr

Exit mobile version