(Hình ảnh & bài viết do ca sĩ; Thanh Thúy cung cấp, 2013)
Ngày 18 tháng 9 tới đây, thấm thoát đã tròn 18 năm – là ngày nhạc sĩ Trúc Phương giã biệt cuộc đời để về một vùng trời miên viễn khói sương. Chẳng biết có khi nào hồn ông có dịp về thăm lại căn nhà xưa ở Cư xá Lữ Gia Phú Thọ Phường 15, Quận 11 hay không, đó là nơi Ông đã ở những ngày cuối đời.
Chỗ đó, nơi ông sống không đúng nghĩa là một ngôi nhà. Nó thật ra, chỉ là một căn phòng nhỏ được sửa lại từ một căn bếp của một ngôi nhà vốn cũng đã nhỏ rồi. Tận cuối ở Quận 11. Ông có 6 người con: bốn trai và hai gái. Người nhạc sĩ lừng danh SG năm xưa đã ở đó những ngày cuối đời cùng với cô con gái đầu lòng tên Loan, và 2 cậu con trai tên Lê (thứ năm), Lâm (thứ sáu). Ông có một cậu con trai lớn tên Linh (đã vượt biên đến Mỹ năm 1981 và hiện là 1 tay lead guitar tên tuổi trong làng nhạc Cali đang cộng tác với vũ trường Bleu mỗi tối thứ năm hàng tuần) và một cậu con trai nữa tên Lam (thứ tư) đi Úc từ năm 1990. Căn phòng nhỏ hẹp này cũng là nơi nhà văn Hồ Văn Xuân Nhi ghé nhiều lần để mang theo thư từ của Trần Quốc Bảo gửi cho Ông cùng nhiều người thân thiết khác như Thanh Sơn, Mặc Thế Nhân, Lê Hựu Hà, Quốc Dũng, Nguyễn Ánh 9, Đynh Trầm Ca, Ngọc Sơn, Hoàng Trang.. Căn phòng nhỏ với một cái giường lớn, cái tủ áo quần nhỏ, hai cái ghế, một cái bàn, một buồng tắm và cái giàn bếp chút xíu, tất cả chung một căn phòng chỉ độ tám mét vuông. Nơi đây là cuộc đời của người nghệ sĩ thiếu nhiều may mắn này từ sau biến cố 1975.
Sự nghiệp viết nhạc của Trúc Phương không phải là một sự nghiệp nhỏ. Những bài Ông viết, đã thành danh cho chính bài hát đó, đã thành danh cho chính Ông và đã thành danh cho tên tuổi của một nghệ sĩ: Thanh Thúy. Đã có trên 65 bài hát, không phải là một sự nghiệp tầm thường. Nếu chúng ta đã nghe những bài hát rất thông dụng như Tình thắm duyên quê, Hai lối mộng, Chuyện chúng mình, Con đường mang tên em, Buồn trong kỷ niệm, Chiều cuối tuần, Ai cho tôi tình yêu, Tàu đêm năm cũ, Kẻ ở miền xa, 24 giờ phép, Mưa nửa đêm, Thói đời.. nhiều lắm, trong số đó có bài hát đã làm nên tên tuổi Thanh Thúy, ca khúc Nửa Đêm Ngoài Phố. Làm thành một sự nghiệp như Trúc Phương đã có, cũng là vĩ đại rồi, cho một người viết nhạc.
Người ta thường quen thuộc nhạc phẩm và ca sĩ nhiều hơn là tác giả của bài ca đó.Làm nhạc sĩ thường nghèo hơn ca sĩ, và riêng Trúc Phương, đã từng là một nhạc sĩ không dư giả gì từ cái thời Sàigòn trước 1975, và 20 năm sau đó (1975-1995) Ông lại càng nghèo khó hơn bao giờ hết. Tuy nghèo thế nhưng Ông vẫn luôn giữ cho mình một sĩ khí, không hề ngửa tay xin tiền ai, cầu cứu ai. Dù bạn bè Ông ở hải ngoại rất nhiều, dù Ông biết nếu cần viết thư lên tiếng sẽ có nhiều nghệ sĩ bạn bè hải ngoại có thể giúp Ông, nhưng Trúc Phương đã không làm điều đó suốt 20 năm sau ngày chinh biến 30/4/75. Ông không hề lên tiếng cho thân phận mình. Ai còn nhớ thì tốt, thì ghi nhận tình nghĩa đó. Ai quên Ông thì thôi. Ông không kiếm đến ai, nhắc ai phải nhớ đến Ông.
Lần cuối cùng, Hồ Văn Xuân Nhi và Trần Quốc Bảo gặp được nhạc sĩ Trúc Phương tại căn phòng nhỏ hẹp cuối Quận 11 này là một ngày mùa Hè nóng như thiêu đốt năm 1995, trước ngày Ông mất khoảng 3 tháng. Năm cuối cùng ấy, Ông tròn 63 tuổi. Ông đã già và trông dáng tiều tụy hơn tuổi của mình nữa. Vì bịnh hoạn. Tai không còn nghe rõ, chân như đi không nổi, chứng bịnh sưng phổi và với hoàn cảnh đó, Ông đã mất đi sau lần 2 người gặp Ông ở căn nhà nhỏ này.
Nhắc lại chuyện quá khứ, 60 năm trước, khoảng năm 1950, Trúc Phương đã bắt đầu viết nhạc. Khi đó Ông còn là một cậu học sinh vốn quê quán Trà Vinh, huyện Cầu Ngang. Nhạc Trúc Phương thường viết theo điệu Boléro, với những nội dung tình yêu đơn thuần của đám đông dân chúng, bình dân và đơn giản. Tình yêu của những người đi lính, hay tâm sự của lính. Tình yêu của trai gái, lời nhạc của Trúc Phương không dùng từ ngữ văn chung ẩn sâu, mà biểu lộ thật những tâm tình trai gái yêu nhau rất bình dân, tha thiết và nồng cháy. Thời đó, những năm thập niên 50, 60 và đầu 70, đất nước còn chinh chiến điêu linh. Nhạc Trúc Phương man mác hình ảnh chiến tranh và tình yêu với giòng tâm sự người lính chiến xa người yêu, xa thành phố hay những chuyện của 2 người yêu nhau rồi mất nhau. Lời viết như những lá thư tình trai gái trao nhau, chứ không phải như những bài thơ văn chương sâu kín chữ nghĩa. Sau 1975, Trúc Phương vẫn còn sáng tác thêm một số bài nói về tình yêu cây lá, tình yêu quê hương nhưng hầu hết ca khúc này, như Ông xác nhận, không thành công lắm, chỉ với lý do, Ông không còn cảm hứng dồi dào như những bài tình ca đã được đón nhận từ trước 1975. Thời xưa, Trúc Phương viết nhạc cho Lính và cũng đã đi lính tuy không bao lâu. Chỉ từ năm 1970, rồi đến 1972 giải ngũ. Cùng đi lính một thời, một đơn vị với Thành Được.Ông viết nhạc và tự mưu sinh với nghề nghiệp. Trúc Phương viết nhạc và thường hát nhạc của Ông nhất, đó là ca sĩ Thanh Thúy. Ít có giọng hát nào hát nhạc của Ông hay hơn Thanh Thúy, mặc dù không phải chỉ có Thanh Thúy mới hát nhạc Trúc Phương quyến rũ. Về giọng nam thì có Duy Khánh, Chế Linh. Đó là trước năm 1975, còn hôm nay thì nhạc Trúc Phương có nhiều người hát thành công như Hương Lan, Tuấn Vũ, Phương Hồng Quế, Như Quỳnh..
Sau 1975, Trúc Phương ở lại và tìm đường vượt biên. Thất bại rồi bị bắt. Nhưng vẫn cứ tiếp tục tìm đường ra đi, liên tiếp 5, 6 năm trường, cuối cùng thì Ông chấp nhận số phận làm kẻ ở lại. Cuộc sống khốn đốn từ đó. Những ngày cùng cực nhất bắt đầu đến với Trúc Phương. Gia đình Ông đổ vỡ. Trúc Phương với những ngày sống lênh đênh không nhà ở, không giấy tờ tùy thân, không việc làm, không gia đình. Không ai dám chấp chứa Ông, vì Ông có những án tù đã từng nhiều lần mưu toan vượt biển. Lây lất hết chỗ này đến chỗ khác, sống khó khăn nhưng Ông không hề ngửa tay xin tiền ai. Bạn bè ở ngoại quốc rất thân, rất đông, có người từng xem như ruột thịt của Ông, ông vẫn ngậm đắng một mình với cuộc sống không viết thư cầu xin điều gì và “người đó” cũng chẳng bao giờ biên thư về thăm hỏi Ông. Lời tâm sự của Trúc Phương ngày đó có niềm cay đắng trách móc trong đó.
Nhưng không phải ai cũng quên Trúc Phương. Khi đọc tin về Ông trên báo Thế Giới Nghệ Sĩ, trên báo có ghi địa chỉ Ông bên nhà, nhiều nghệ sĩ đã viết thư thăm hỏi và gửi tiền về biếu Ông. Tình nghĩa nặng nhất là Hương Lan mà Trúc Phương đã xem như con nuôi. Ngày Hương Lan về VN đã ghé thăm Ông. Rồi Thanh Thúy, Phương Hồng Quế, Giao Linh, Hoàng Oanh, TQB.. và Trúc Phương đã viết thư nhờ báo Thế Giới Nghệ Sĩ chuyển lời cảm tạ đến những bằng hữu đó. Ông rất xúc động và quý vô cùng những ân tình đó.
………………..
Lần chúng tôi gặp gỡ nhạc sĩ Trúc Phương sau cùng lần đó trong ngôi nhà nhỏ bé của Ông, trời Sàigòn nắng như thiêu như đốt. Những điều viết lại này, phát xuất từ tấm lòng thương quý người nhạc sĩ thiếu may mắn chứ không phải do Ông yêu cầu. Nếu có, đó là lời yêu cầu người viết chuyển lời cảm tạ, ơn nghĩa đến những người còn nghĩ đến Trúc Phương, và khi bắt tay giã từ lần sau cùng đó, người viết vẫn không thể nào quên được, trong đôi mắt tuyệt vọng buồn thảm của Ông bỗng rạng ngời một nụ cười hy vọng tin yêu.