Tuần báo Tuổi Ngọc số ra mắt đầu tiên vào ngày 18/7/1969, phát hành được 24 số chỉ trong vỏn vẹn hơn 5 tháng thì đình bản vào tháng 12 trong cùng năm, những số này gọi là Tuần Báo Của Yêu Thương. Chủ nhiệm, chủ bút kiêm quản lý tuần báo Tuổi Ngọc bộ cũ là nhà văn Duyên Anh.
Trong lá thư chủ nhiệm của số báo đầu tiên, nhà văn Duyên Anh giới thiệu tuần báo này như sau:
TUỔI NGỌC đang ở trên tay bạn. Nếu có mặt lúc đó, nhìn bạn lật tờ báo ra, chắc là tôi hồi hộp. Như lần đầu tiên viết bức thư, e ấp gửi cho người tình yêu dấu rồi trốn chạy và nấp một chỗ kín ngó xem người tình mỉm cười ấp thư vào ngực hay cau mày xé nát thư đi. Nhưng mà tôi vẫn cứ hồi hộp. Tôi sẽ buồn nếu bạn cau mày, và sẽ sung sướng lắm nếu bạn cười mỉm. Tưởng tượng bạn đang cau mày, tưởng tượng một chút đã thấy xuống tinh thần.
Con tàu đưa mọi người về qyê hương hồn nhiên nằm ở ga quên lãng lâu quá rồi. nó chỉ còn bắt người ta tội nghiệp khi hồi tưởng kỷ niệm. Kỷ niệm thơ ấu, kỷ niệm niên thiếu của một đời người không có hai lần. Kỷ niệm xa vời. Chỉ an ủi ta, gần gũi ta lúc ta mơ ước “cho tôi lại ngày nào, xin đi lại từ đầu”. Rồi bắt ta thương hại khi nghĩ đến thơ ấu, niên thiếu của con em ta. Ngày nào đó, ta muốn trở về quê hương hồn nhiên, quê hương mơ mộng, quê hương học trò, không thấy con tầu phun khói, kéo còi.
Tạm coi Tuổi Ngọc là con tầu đã nằm lâu ở ga quên lãng. Chúng tôi, anh em làm tuần báo Tuổi Ngọc vừa hì hục khuân củi đốt máy. Chưa kịp sơn vẽ thân tầu, chưa kịp trang trí bên trong các toa, đã kéo còi và cho tầu chạy. Bắt buộc con tầu phải trục trặc ở chặng đường khởi hành. Và như thế, rất đáng để bạn cau mày. Xin bạn cứ ngồi yên, con tầu nhất định dẫn đến nội cỏ ngàn hoa của niên thiếu. Vâng, nhất định vậy. Con tầu không thể bò ra ngoài đường rầy tuổi ngọc.
Sau khi bộ cũ đình bản tròn nửa năm thì bộ mới phát hành vào ngày 27/5/1971, đổi lại là Tuần Báo Của Tuổi Mới Lớn, cũng vẫn do nhà văn Duyên Anh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, thư ký tòa soạn là nhà văn Anh Chi (Đinh Tiến Luyện). Bìa vẽ của tuần báo do Đinh Tiến Luyện đảm trách, thi thoảng bìa vẽ ký tên là Ly hoặc Lê Vĩnh Ngọc.
Tuần báo Tuổi Ngọc là tuần báo viết cho tuổi mới lớn, tuổi trăng tròn, lứa tuổi lớn hơn Tuổi Hoa (Bán nguyệt san Tuổi Hoa là tờ báo ra mỗi tháng 2 kỳ viết cho thiếu niên đọc)
Những năm học cấp 2, tôi mua thường kỳ báo Tuổi Hoa. Cho đến năm học lên cấp 3, khi bỗng dưng buổi sáng nọ đi đến trường, chợt xao xuyến với màu sương mù quấn quýt chưa chịu rời xa những đọt cây long não trên đường Trần Hưng Đạo. Khi bỗng dưng mê man nhìn màn mưa bay bay ngoài cửa lớp. Khi biết thương màu lá sân trường, rồi tìm đọc thấy có mình là cậu học trò mơ mộng trong tuần báo của tuổi mới lớn Tuổi Ngọc. Và tôi đã thành… tín đồ của một tuần báo hay nhất, lãng mạn nhất, phong cách hiện đại nhất của văn chương hồi bấy giờ dành cho tuổi vừa chạm đến cửa ngõ của Tình – Đầu – Yêu – Thương
Tuổi Ngọc đã tập hợp nhiều tay bút của các nhà văn nhà thơ được yêu thích: Duyên Anh, Đinh Tiến Luyện, Từ Kế Tường, Trần Thanh Tịnh (Đoàn Thạch Biền sau này) Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng, Mường Mán. Những tên tuổi hồi đó mới vừa Tuổi Trăng Tròn đã có thơ đăng như Tôn Nữ Thu Dung, Thương vũ Minh, Trần Văn Nghĩa…
Chúng tôi hồi đó cũng vừa bước vào tuổi mới lớn, nên Tuổi Ngọc đã đáp ứng được nỗi đam mê đọc của lứa tuổi bắt đầu biết mộng mơ. Những truyện dài như Áo Tiểu Thư, Quán Trọ Tuổi Trẻ (Duyên Anh) Trong nhật ký của Quỳnh (Đinh Tiến Luyện) Huyền Xưa (Từ Kế Tường) Lá Tương Tư (Mường Mán) Phía Ngoài Cửa Lớp (Mai thảo) đã cuốn hút độc giả không bỏ sót tuần nào không đọc.
Những truyện dài, truyện ngắn và thơ đăng trong Tuổi Ngọc đều mơ mộng lãng mạn, đều tình cảm nhẹ nhàng, trong sáng thanh cao. Có thể nói Tuổi Ngọc là cái nôi đã ươm mầm văn học cho thế hệ nhà thơ nhà văn của miền Nam sau 1975, vì lúc đó đa số họ mới cập kê tuổi 16 hoặc 18.
“Mỗi lần xuất bản là một lần hồi hộp. Như cậu con trai vừa lớn chờ đợi người tình ở gốc cây. Cây khuất nhất trước cổng trường con gái. Như thí sinh làm bài dở chờ đợi nghe kết quả. Không sai chút nào. Tuổi Ngọc. Tuần báo của tuổi vừa lớn, xin được coi giống như một bài thi làm dở của thí sinh chăm học. Và bạn đọc sẽ là thầy chánh chủ khảo tuyên bố kết quả. Nếu bạn phán hai tiếng “Đọc được” có nghĩa là Tuổi Ngọc đã đậu vớt!” (Duyên Anh chủ bút báo Tuổi Ngọc viết trang đầu bộ Tuổi Ngọc mới, số 1, phát hành 27/5/1971)
Nhà văn Duyên Anh đã viết lời nói đầu cho “Đứa Con Cưng” của mình rất duyên dáng và khiêm nhường đề cao bạn đọc!
Tôi cũng là cậu con trai mới lớn đó, mỗi tuần vào ngày thứ 5 là nôn nao chờ đợi Tuổi Ngọc phát hành. như chờ đợi người tình học trò của mình. Hiệu sách tôi mua những số báo thường kỳ nằm đối diện trường tôi, hiệu Quảng Ngãi Nghĩa Thục do nhà thơ Khắc Minh làm chủ tiệm. Mỗi chiều đến trường bao giờ tôi cũng đến sớm hơn nửa giờ để… ngóng Tuổi Ngọc. Ông chủ hiệu sách Thanh Tịnh có cái xe dashu để ngày nào cũng lên phi trường chở sách từ Sài Gòn ra, mỗi lần thấy chiếc xe nhỏ màu trắng này chở sách đến giao cho chị Tâm là tôi đứng sẵn đề chờ ngắm Tuổi Ngọc. Bìa sách là tranh vẽ của Đinh Tiến Luyện chuyên vẽ những cô gái hai mắt to đùng, đã làm mê mệt tôi một thời trẻ dại
Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự hào tôi từng là… tín đồ của tuần báo Tuổi Ngọc, từng biết chọn một tờ báo văn chương sang trọng thích hợp với lứa tuổi học trò, để biết nôn nao trông ngóng đợi chờ mỗi chiều thứ 5 báo phát hành, để dành dụm tiền ăn sáng mua thường kỳ hằng tuần, để vào lớp xôn xao giấu dưới hộc bàn sợ bạn bè trông thấy, chúng sẽ làm… mất màu của Tuổi Ngọc.
Viết bài này, tôi muốn gửi lời cám ơn đến người tình tuổi mới lớn Tuổi Ngọc của tôi. Những bài văn bài thơ đã đăng trong tuần báo này, đã làm cậu học trò tôi hồi ấy vốn đã mơ mộng lại càng mơ mộng hơn. Những giấc mơ tuổi học trò bay bổng mãi không thôi trong những trang sách. Và là tiền đề, là mối tình đầu để cho tôi đeo đuổi giấc mộng đẹp đẽ văn chương cho đến bây giờ.
TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN (nhacxua.vn)