Tư liệu về rạp Norodom (hý viện Thống Nhứt) và cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á đầu thập niên 1950

Khi nhắc về những sinh hoạt văn nghệ của Sài Gòn thập niên 1950, chúng ta thường nghe nhắc nhiều đến rạp Norodom (sau 1955 được gọi là rạp Thống Nhứt). Có thể nói rằng hầu như tất cả các ca sĩ hoạt động nghệ thuật vào thập niên 1950 ở Sài Gòn đều đã từng đứng trên sân khấu rạp Norodom.

Rạp Norodom gắn liền với 2 sự kiện lớn nhất của tân nhạc ở Sài Gòn từ thuở ban sơ, đó là nơi tổ chức cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á, là nơi khởi đầu sự nghiệp của nhiều tên tuổi huyền thoại như Khánh Ly, Mai Hương, Bạch Yến…

Bên trong rạp Norodom trong một cuộc thi Tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á năm 1953

Ngoài ra, vào chiều thứ 3 hàng tuần suốt từ năm 1952 cho đến tháng 4 năm 1975, Nha xổ số Kiến thiết quốc gia mỗi tuần dùng rạp Norodom để xổ số, và bài hát “Xổ số kiến thiết quốc gia” của nghệ sĩ Trần Văn Trạch được hát mà cho đến nay nhiều người Sài Gòn xưa vẫn còn nhớ tới.

Vào mỗi thứ 3 hàng tuần, trước khi quay số thì ở rạp Norodom có chương trình phụ diễn tân nhạc với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng, và đó cũng là dịp để các ca sĩ chưa nổi tiếng giới thiệu giọng hát của mình đến công chúng. Từ năm 1978, tòa nhà rạp Thống Nhứt (Thống Nhất) cũng được dùng làm trụ sở của công ty xổ số kiến thiết cho đến năm 2015.

Về lịch sử của Rạp Norodom, tòa nhà này được khởi công xây dựng vào ngày 19/3/1931, ban đầu mang tên là Maison du Combattant (Nhà cựu ᴄhiên binh), tọa lạc ở số 23 đại lộ Norodom. Khu đất này được Thống đốc Nam Kỳ khi đó là Jean Krautheimer cấp miễn phí với sự chấp thuận của Hội đồng Thuộc địa.

Rạp Norodom (Thống Nhứt) khi còn mang tên Maison du Combattant

Tòa nhà Maison du Combattant được thiết kế theo phong cách Art Deco (hình dáng hình học và góc cạnh), hoàn thành vào ngày 30/6/1932 và khánh thành ngày 14/7/1932 (dịp quốc khánh Pháp). Khu nhà có cả một quán bar, nhà hàng và phòng hội nghị, nhưng khu vực quan trọng nhất, được nhiều người biết đến nhất chính là một sân khấu quy mô nhỏ để trình diễn âm nhạc Vì vậy bên cạnh tên gọi chính thức là Maison du Combattant, nó còn được gọi là rạp Norodom.

Sau khi người Pháp rời Sài Gòn năm 1955, tòa nhà trở thành nhà hát và được gọi là Hý viện Thống Nhứt (hoặc rạp Thống Nhứt). Vào thời Pháp, con đường trước tòa nhà tên là Norodom (đặt theo tên dinh Norodom ở đầu đường), sau năm 1955 thì dinh Norodom đổi tên thành Dinh Độc Lập, đại lộ Norodom đổi tên thành đại lộ Thống Nhứt (hoặc Thống Nhất), vì vậy rạp Norodom cũng đổi tên thành rạp Thống Nhứt.

Rạp Norodom nằm sát bên tòa đại sứ Anh Quốc, đối diện với một đơn vị quân đội, có lẽ vì vậy nên khán giả e ngại, ít đến rạp này để xem hát. Đoàn Việt Kịch của nghệ sĩ Năm Châu có hát ở rạp Norodom chỉ một vài lần. Khi nhắc đến rạp này, người ta nhớ nhiều nhất đến những lần đài phát thanh Pháp Á tổ chức thi tuyển ca sĩ tại đây.

Đài phát thanh Pháp Á

Đài Pháp Á được khai sinh từ một thỏa thuận của Pháp với Quốc Gia Việt Nam (quốc trưởng Bảo Đại), ban đầu là từ một đài của Pháp đã hoạt động trước đó, đến ngày 13/4/1950 thì chuyển giao cho Quốc Gia Việt Nam, trụ sở đặt tại tòa nhà ở tòa nhà góc đường Maréchal de Lattre de Tassigny và đại lộ Somme (sau 1955 mang tên đường Công Lý – Hàm Nghi).

Trụ sở đài phát thanh Pháp Á

Người phụ trách chương trình tiếng Việt là ông Hoàng Cao Tăng (thân sinh của nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm). Kể từ đó (năm 1950), đài Pháp Á liên tục tổ chức những cuộc thi tuyển lựa ca sĩ tại rạp Norodom (Thống Nhứt), phát hiện những tài năng âm nhạc cho nền tân nhạc vẫn còn non trẻ ở Sài Gòn. Lâu nay, khi nhắc tới cuộc thi này, người ta vẫn gọi đó là “cuộc thi tuyển lựa ca sĩ”, ít người biết rằng tên chính thức của nó phải là “Cuộc Tuyển-Lựa Tài-Tử Việt-Nhạc”, do Đài Pháp Á và Hội khuyến nhạc Nam-Việt tổ chức dưới sự bảo trợ của Nha Tổng Thơ ký Xổ Số Kiến thiết Quốc gia.

Mỗi lần thi như vậy kéo dài đến nửa năm, qua các vòng loại, tứ kết, bán kết và chung kết với vài trăm thí sinh. Mỗi vòng thi, mỗi thí sinh chọn hát một bài để được chấm điểm lọt vào vòng sau. Mỗi đêm thi như vậy, ngoài phần trình diễn của thí sinh thì còn có sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng. Vào thời kỳ nửa đầu thập niên 1950, Sài Gòn đã có nhiều danh ca sinh hoạt văn nghệ là Minh Trang, Minh Diệu, Minh Tần, Minh Hoan, Châu Kỳ, Mạnh Phát, sau đó còn có thêm Thái Thanh, Tâm Vấn, Ánh Tuyết…

Danh ca Bạch Yến năm 11 tuổi trên sân khấu rạp Norodom năm 1953

Trong lần tổ chức thứ 4 vào năm 1953, có một tên tuổi tham gia thi tuyển lựa ở lứa tuổi nhi đồng, sau này đã trở thành danh ca nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn, đó chính là Bạch Yến (sinh năm 1942), khi đó mới 11 tuổi. Năm đó Bạch Yến được 16 điểm, đồng giải Nhất với 2 người khác. Sau đây là một bài báo năm 1953 ghi nhận lại sự kiện này:

Cuộc tuyển lựa tài tử do đài Pháp Á và Hội Khuyến nhạc Nam Việt chủ trương, đã kết thúc kỳ thứ IV, trong buổi thi chung kết tổ chức tạp rạp Norodom ngày 16-8-1953 vừa rồi.

Buổi thi đã diễn ra rất hào hứng, sôi nổi, với một chương trình giúp vui có mặt rất đông các ca nghệ sĩ, nhạc công ở Thủ đô.

Kết quả cuộc thi đã đưa ra, khác hẳn các kỳ trước: đậu nhất là một bạn trai thanh niên đứng tuổi Quốc Dũng ở Hải Phòng (mà chúng tôi được một vài khán giả ở Cảng, có mặt bữa đó, giới thiệu bạn là con thứ chín của gia đình họ Bạch rất quen biết ở Bắc Việt). Bạn Quốc Dũng hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong được 16 điểm 33.

Hai giải nhì lọt vào tay cô Thanh Giang hát bài Trở Về Mái Nhà Xưa của Curtis và Phạm Duy, cùng được 15 điểm 67.

Sau đó thứ tự đến:

– Giải tư đồng hạng: 3 bạn Philippe Hùng, Văn Chiêu và Trịnh Ngọc Hồng, cùng được 15 điểm 33.

– Giải bảy đồng hạng hai cô Phương Liên và Như Sương được 14 điểm 67.

– Giải chín cô Bích Giang được 14 điểm 33.

– Giải mười cô Khánh Dzư được 13 điểm 67.

Về phần nhi đồng, ba em Bạch Yến, Thanh Nhạn và Kim Biên đều được 16 điểm. Và sau hết, em Khánh Nhung đậu thứ tư với 15 điểm 33.

Bạn Quốc Dũng với giọng hát trầm và ấm, thật đã xứng đáng với giải nhất kỳ này, cũng như cô Thanh Giang giải nhì với giọng trong và cao, hát rất tự nhiên, bình tĩnh.

Trong ba giải nhất Nhi Đồng, có lẽ em Bạch Yến hát trội hơn hai em Thanh Nhạn và Kim Biên, tuy rằng ba em đồng điểm nhau.

Còn các bạn và em khác đều hát đã vững, giọng tốt, và cũng đã chật vật lắm trong cuộc tranh tài gay go qua các vòng loại, tứ và bán kết trong gần nửa năm, với trên 200 thí sinh.

Theo dõi cuộc thi từ đầu, chúng tôi phàn nàn cho nhiều bạn và em, hát rất hay, có nhiều hy vọng vào chung kết, mà đã ân hận rớt ở vòng bán kết, có thể vì một vài bối rối, kém bình tĩnh lúc lên sân khấu hoặc vì một buổi hát không suy sức, cũng có thể vì đã chọn một bài hát không hợp ý thích Ban giám khảo.

Trong những trường hợp đáng tiếc đó, có các bạn Phan Hùng Paul Sibilly, Nguyễn Hồng Phúc, Phạm Huy Tường…

Phần các em Nhi đồng, đáng kể nhất là em Như Mai, 6 tuổi, rất xinh và tự nhiên, vừa hát vừa múa đúng nhịp, chỉ thiếu nửa điểm là được vào chung kết.

Các bạn và các em hẳn không lấy thế làm nản, mà hiểu rằng hát vì thích hát, vì hâm mộ ca nhạc, và cũng để thử thách giọng mình, tập cho có bình tĩnh khi đứng trên sân khấu, đèn sáng trưng trước công chúng đông đảo. Kết quả Nhất Nhì chỉ là phụ. Cũng có nhiều khi những danh hiệu Nhất Nhì đó đã làm nhiều người đi “thụt lùi” vì tự mãn hay “dễ ghét” vì kiêu căng!

Giải thưởng kỳ tuyển lựa tài tử này không đồ sộ như mấy lần trước có lẽ là vì sự vắng mặt của ông chủ sự Đài Pháp Á, nhưng phần nhiều là thực chất giá trị, như các đồ vàng (nhẫn, plaque, cắp cravate…) của Nha Tổng Thư ký xổ số Kiến thiết Quốc gia tặng.

Ngoài ra, các hãng buôn như Asia, Rondon, Viễn Đông, Bastos, Mitac, ORIA… có tặng nhiều phẩm vật. Các nhà xuất bản Tinh Hoa, An Phú, Nam Quang cũng tặng nhiều sách vở, bản nhạc.

Khán giả dự buổi thi Chung kết Tuyển lựa tài tử hôm đó đều rất hài lòng với một chương trình giúp vui đơn giản nhưng hay đều. Từ màn hợp ca mở đầu do các cô Mộc Lan, Minh Diệu, Minh Tần, các bạn Mạnh Phát, Châu Kỳ trình bày, đến các màn đơn ca của cô Bích Thủy, em Lê Phi, cô Minh Hoan, bạn Vũ Huyến, cho đến vở kịch tâm lý hài hước “Ly thuốc độc trường sinh” của Vĩnh Phan. Để kết thúc buổi nhạc hội, các tài tử, nghệ sĩ luôn luôn được những tràng pháo tay tán thưởng, khích lệ. Hai em Thúy Lan và Phương Lan đờn dương cầm chung, 4 tay, cũng được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Màn nhạc cảnh “Hò kéo lưới” do các em Lê Phi, Lê Út, Yến Tuyết, Kim Ánh diễn tả cũng rất được chú ý.

Khán giả ra về hân hoan đã dự một cuộc vui ý nghĩa, tin tưởng ở vườn ca nhạc tương lai, đã có những mầm non đầy hứa hẹn và cũng cảm phục ở công cuộc tổ chức chu đáo của đài Pháp Á và Hội Khuyến Nhạc.

Tư liệu của Leminh Saigon

Từ sau năm 1975, rất nhiều rạp hát ở Sài Gòn đã không còn hoạt động mà được dùng với các mục đích khác nhau, như Rạp Thanh Vân trở thành nơi để nhạc cụ của Nhà hát giao hưởng vũ kịch thành phố. Rạp Đại Nam trở thành khách sạn Đại Nam nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Rạp Aristo hiện tại là khách sạn 5 sao New World trên đường Lê Lai. Rạp Quốc Thanh một thời là nơi tổ chức thi tuyển lựa ca sĩ đài phát thanh Sài Gòn, nay trở thành nhà hàng tiệc cưới Quốc Thanh. Cùng chung số phận, rạp Thống Nhứt sau 1975 được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, đến năm 1978 trở thành trụ sở của công ty Xổ số kiến thiết.

Đến năm 2015, công ty xổ số dời về đường Trần Nhân Tông, “mảnh đất vàng” của rạp Thống Nhứt xưa trên đường Lê Duẩn được bán đấu giá.

Rạp Thống Nhứt vào năm 2017, trước khi bị phá bỏ không lâu

Đó là mảnh đất ở địa chỉ số 23 (Norodom – Thống Nhứt – Lê Duẩn) rất đẹp và vuông vắn (55×55) với hơn 3000m vuông, nằm ở trung tâm Quận 1 và có 2 mặt tiền đắt giá là Lê Duẩn – Nguyễn Du. Trải qua quá trình đấu giá mất nhiều thời gian, công ty Tân Hoàng Minh đã mua được mảnh đất đắc địa này với giá 1430 tỷ đồng vào năm 2015. Đến năm 2017, tòa nhà rạp Norodom cũ vẫn còn, nhưng đến năm 2018 thì đã bị đập bỏ để chuẩn bị xây một cao ốc trung tâm thương mại cao cấp. Tuy nhiên sau đó mảnh đất này được chuyển nhượng cho Techcombank để xây trụ sở.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version