Tư liệu về phim “Con Ma Nhà Họ Hứa” – Cuốn phim ma đầu tiên của điện ảnh Việt Nam

Đầu năm 1973, Hãng Dạ Lý Hương Films công chiếu bộ phim “Con Ma Nhà Họ Hứa” do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện. Truyện phim phỏng theo giai thoại “Oan hồn Hứa thị” đã tồn tại lâu đời ở Chợ Lớn và kịch phẩm “Con tinh xuất hiện giữa thủ đô” năm 1963 của soạn giả Năm Châu.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Đây là một câu chuyện có thật được truyền miệng rộng rãi mà người Sài Gòn biết đến, kể về hồn ma của cô con gái út của 1 trong 4 người giàu nhất đất Nam Kỳ thời đó – ông Hứa Bổn Hỏa hay còn còn được biết với tên chú Hỏa.

Thành phần Tài Tử gồm có: Bạch Tuyết (vai Thúy Hồng), Thanh Tú, Dũng Thanh Lâm, Ba Vân, Năm Châu, Tâm Phan, Tường Vi, Trang Bích Liễu, Bà năm Sa Đéc, Kiều Mai Lý, Thy Mai, Thanh Việt, Tùng Lâm, Khả Năng, Minh Ngọc, Tư Rọm, Ngọc Sương, Thu Tâm, Hoàng Giang, Văn Sa…

Bạch Tuyết trong vai Thúy Hồng

Chuyện phim là một câu chuyện tình thê thảm. Mọi chuyện bắt đầu khi cô con gái của chú Hỏa mắc bệnh phong giai đoạn cuối, bị cha cho sống cách ly trong một căn phòng kín, hằng ngày cho quản gia đem đồ ăn, áo quần đến chăm sóc. Lúc đầu, người quản gia không thắc mắc gì cho lắm. Nhưng sau đó một thời gian người quản gia hoài nghi không hiểu vì sao cô con gái bị bệnh đến bây giờ vẫn còn sống (theo như y học thì những bệnh như vậy không sống được lâu), và mỗi ngày ông vẫn phải đem thức ăn, quần áo đến phòng rồi lấy đi những bộ quần áo dính đầy máᴜ. Người quản gia quyết định thực hiện cuộc điều tra tìm hiểu sự thật…

Bối cảnh bộ phim được quay tại một ngôi biệt thự tại Đà Lạt.

Nguồn gốc câu chuyện ma “truyền miệng” ly kỳ: Người Sài Gòn có câu “ăn cơm chú Hỉ, ở nhà chú Hỏa”. Hứa Bổn Hòa hay còn gọi là chú Hỏa là người Việt gốc Trung Quốc khởi nghiệp từ nghề bán phế liệu và trở thành một trong những doanh nhân giàu nhất xứ Nam Kỳ thời bấy giờ. Ông sở hữu khoảng 20.000 căn nhà và biệt thự ở khu vực miền Nam Việt Nam. Chú Hỏa cùng gia đình sống trong căn biệt thự lớn lộng lẫy, tráng lệ có điểm đặc biệt là có tới 99 cánh cửa, được thiết kế, lắp đặt đối xứng khắp 4 tầng lầu. Trải qua trên 100 năm, ngôi biệt thự này vẫn đẹp lộng lẫy theo vẻ cổ kính hài hòa giữa hai trường phái kiến trúc Âu – Á rất kiên cố, không suy suyển theo thời gian. Chính nơi đây xuất hiện lời đồn đầy huyễn hoặc, liêu trai về hồn ma con gái chú Hỏa.

Lời đồn rằng, chú Hỏa ngoài ba người con trai, ông còn một cô con gái út rất xinh đẹp, được ông rất mực cưng chiều. Nhưng không may cô mắc bệnh phong (một trong 4 căn bệnh nan y không thuốc chữa thời bấy giờ). Từ đó, vào những đêm khuya thanh vắng, trong căn nhà vẳng ra những tiếng kêu khóc, nỉ non. Kẻ ăn, người ở thắc mắc nhưng không dám hỏi chủ. Rồi một ngày, chú Hỏa đăng cáo phó tin con gái mất, do mắc bệnh hiểm nghèo, ra đi bất đắc kỳ tử. Cả đất Sài Gòn bàng hoàng. Do con gái ra đi vào giờ trùng nên đám tang chỉ làm sơ sài, thi hài được an táng cạnh ngôi biệt thự nghỉ mát của gia đình ở Long Hải (Vũng Tàu).

Hứa Bổn Hòa (Chú Hỏa)

Từ đó, những lời đồn thổi về hồn ma cô gái lan ra. Có lời đồn rằng, vì nghĩ chú Hỏa giàu có nên hai tên trộm ban đêm đã bí mật đào mộ chôn cô gái, nhưng khi bật nắp quan tài thì trống rỗng. Người ta bàn tán hồn ma cô gái đêm đêm hiện về. Có người quả quyết thấy một cô gái trẻ đêm đêm đứng bên cửa sổ khóc than thảm thiết. Có người thấy bóng áo trắng thoắt ẩn, thoắt hiện trên các khung cửa sổ căn nhà. Đến một ngày, có thông tin, một anh thợ sửa điện vào nhà, phát hiện trên tầng cao nhất của căn nhà có căn phòng đóng kín cửa, chỉ để một khe hở. Bên trong, tiếng la hét dữ dội. Đến bữa, gia nhân chuyền khay thức ăn vào bên trong. Lời kể của anh thợ điện khiến nhiều người tin rằng cô con gái chú Hỏa vẫn còn sống nhưng bị mắc bệnh tâm thần.

Và còn vô số những biến thể kể về hồn ma của gia tộc họ Hứa này nhưng không có thông tin nào được xác nhận chính xác, mọi thứ chỉ là lời đồn thổi nhưng luôn gợi sự tò mò và thích thú trong dân gian.

Chính vì thế, đạo diễn Lê Hoàng Hoa quyết định làm một bộ phim dựa trên câu chuyện liêu trai đầy thu hút này và “Con ma nhà họ Hứa” ra đời.

Chỉ mới ngày đầu tiên trình chiếu tại Sài Gòn, phim “Con ma nhà họ Hứa” đã có một doanh thu kỷ luật: Bốn triệu rưỡi, trở thành cuốn phim ăn khách nhất lúc bấy giờ. Dù chỉ là phim trắng đen, với bối cảnh, ánh sáng lập lòe, nhưng “Con ma nhà họ Hứa” đã làm rất tốt vai trò phim kinh dị của mình khi khiến cả rạp chiếu phim hét thất thanh bởi những cảnh hù dọa.

“Con ma nhà họ Hứa” ra mắt trùng hợp với dịp kỷ niệm 100 năm phát hiện nấm khuẩn Mycobacterium leprea và Mycobacterium lepromatosis, tác nhân bệnh phong cùi, một trong bốn ác tật xưa, “tứ đại nan y” – phong, lao, cổ, lại – bởi bác sĩ Gerhard Armauer Hansen (1841-1912) đã đem lại tiếng vang lớn cho hãng phim Dạ Lý Hương và đạo diễn Lê Hoàng Hoa.

Sau khi phim công chiếu, tên bộ phim đã trở thành khẩu ngữ vui trong cuộc sống người Sài Gòn, “Con ma nhà họ Hứa” được dùng để ám chỉ những ai không biết giữ lời.

Kết thúc thời gian công chiếu, bộ phim đạt doanh thu cao ngất và đạo diễn Lê Hoàng Hoa trở thành triệu phú, sau này được cải lương chuyển soạn rồi ghi hình. Năm 2007, đạo diễn Lê Hoàng Hoa nảy ý định làm lại bộ phim này nhưng chưa thực hiện được vì thiếu tài trợ.

Cho đến nay, giai thoại và bộ phim về “Con mà nhà họ Hứa” vẫn là 1 trong những câu chuyện ma truyền miệng cực kỳ thu hút.

Trương Billy tổng hợp

Exit mobile version