Tư liệu hiếm về phim điện ảnh “Sau Giờ Giới Nghiêm” năm 1972 (Thanh Nga, Đoàn Châu Mậu, đạo diễn Lê Dân)

Sau gần nửa thế kỷ sống trong hòa bình, đến năm 2021 người Sài Gòn mới thấy lại “giới nghiêm”, đường sá trở nên vắng vẻ lạ thường, thậm chí còn vắng hơn cả thời bất ổn loạn lạc ngày xưa, đó là một hiện tượng có thể nói là chưa từng có của Sài Gòn từ xưa đến nay.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Đường phố Sài Gòn về đêm lặng lẽ khác thường của hiện tại đã làm cho người ta nhớ lại bài hát được sáng tác cho 11 giờ giới nghiêm của nửa thể kỷ trước:

Ôi Sài Gòn, Sài Gòn giờ giới nghiêm
Ôi Sài Gòn, Sài Gòn mười một giờ vắng yên
Ôi em tôi, Sài Gòn không buổi tối…

Đó là ca khúc Chiều Trên Phá Tam Giang được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ từ thơ Tô Thùy Yên, phần nào mô tả được Sài Gòn giới nghiêm năm 1972. Trong cùng năm đó, cũng có một cuốn phim nói về Sài Gòn giới nghiêm được đạo diễn Lê Dân thực hiện, đó là Sau Giờ Giới Nghiêm, với sự có mặt của nữ minh tinh tài sắc Thanh Nga.

Đây là cuốn phim màu 35mm, màn ảnh rộng, thời lượng là 1 giờ 30 phút do Liên Ảnh Công Ty sản xuất dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mai Thảo.

Thông tin của cuốn phim này:

Kịch bản và đạo diễn: Lê Dân

Giám đốc sản xuất Lưu Trạch Hưng và Quốc Phong.

Diễn viên: Thanh Nga (vai Nhàn), Đoàn Châu Mậu (Mẫn), ca sĩ Ngọc Minh (Hoa), Ngọc Phu (Hoạch), Bích Thuận (vợ Mẫn), Bà Năm Sa Đéc (Dì Năm), Hùng Phương (Quang), Nguyên Hạnh (Sinh), Thùy Liên, Bé Bự…

Ca khúc chính trong phim: Đường Dài Một Bóng (Hoàng Trọng – Song Hương) do nữ danh ca Thái Thanh trình bày.


Click để nghe danh ca Thái Thanh hát nhạc phim Đường Dài Một Bóng

Nội dung phim là một thảm kịch đầy nước mắt, phát lên những tiếng kêu cứu đau thương của người phụ nữ Việt Nam trong 20 năm ly loạn.

Sơ lược chuyện phim:

Nhàn (Thanh Nga đóng) là một thiếu nữ nghèo tuổi vừa đôi tám, sống bên người mẹ lạnh lùng khắc nghiệt và người cha kế tàn nhẫn, ngày ngày phải đi gánh nước mướn ở một xóm nghèo.

Sau thời gian chịu đựng, Nhàn đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định bỏ nhà trốn đi, để cha khỏi phải khó xử và cũng là để mong kiếm được một việc làm nuôi thân giữa Sài Gòn hoa lệ. Từ nhỏ nàng đã phải sống trong ngõ hẻm tối tăm nên luôn có mơ mộng thoát khỏi cuộc sống tầm thường để vươn ra đến được đến đường lớn huy hoàng.

Nhàn cũng đã từ chối mối tình chân thật của Sinh (Nguyên Hạnh đóng), là một người thợ sửa xe đạp nghèo để chạy theo những phù phiếm. Mẫn (Đoàn Châu Mậu đóng) hiểu được những mơ mộng đó của nàng thiếu nữ xinh đẹp nhà nghèo nên ông tìm cách chiếm hữu nàng. Là một thương gia giàu có, Mẫn dễ dàng có được trái tim người đẹp khi vẽ ra viễn cảnh một cuộc sống như nàng mơ ước.

Nhàn tưởng đời mình đã được sống hạnh phúc mãi mãi với người chồng giàu có và thương yêu mình, nhưng nàng vỡ mộng rất nhanh vì không ngờ rằng trước đó Mẫn đã có gia đình, và nàng bị một trận đánh ghen nhớ đời.

Sau những đau thương tan nát của một đời hoa lỡ bước, của một thiếu nữ sống giữa xã hội đầy cạm bẫy, một hôm nhân trời vừa sáng, ngay “sau giờ giới nghiêm”, Nhàn lần bước về mái nhà xưa. Nàng thất thểu quay về ngõ hẻm, nhìn thấy cô bạn gánh nước năm xưa vẫn đang an phận sống với cuộc sống cũ. Giờ đây, cái hạnh phúc mà Nhàn từng cho là tầm thường đó cũng đã quá tầm tay, vì nàng muốn quay lại cùng Sinh để xây dựng hạnh phúc, nhưng khi đó thì đã quá muộn.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Sài Gòn, một cuốn phim được chiếu đồng loạt tại 12 rạp chiếu bóng lớn nhất của đô thành.

Đều đó được nhắc trong bài báo sau đây, được đăng trên tạp chí Nghệ Thuật Mới ngày 4/5/1972, đồng thời cũng nhắc tới những khó khăn rất giống với tình hình hiện tại của của phim chiếu rạp Việt Nam.

Phim Sau Giờ Giới Nghiêm được chiếu tại 12 rạp lớn thủ đô

Xuất phẩm màu, Scope của Liên Ảnh, với Thanh Nga, Đoàn Châu Mậu.

Phim Sau Giờ Giới Nghiêm của Liên Ảnh Công Ty do đạo diễn Lê Dân thực hiện, được trình chiếu tại 12 rạp lớn trong đô thành, kể từ ngày 9/5/1972.

Tuần đầu của phim này được chiếu ở 6 rạp: REX, Văn Hoa, Dakao, Nguyễn Văn Hảo, Khải Hoàn, Victory, và tuần lễ thứ nhì phim này được chiếu ở 6 rạp khác: Hồng Bàng, Long Vân, Văn Cầm (Phú Nhuận), Thanh Vân và Kim Đô. Đây là lần đầu tiên phim Việt Nam được chiếu tại nhiều rạp liên tục trong hai tuần như vậy.

Thời gian qua, như mọi người đều biết, phim Việt Nam thường bị phim ngoại quốc, nhất là phim “chưởng” của Tàu cạnh tranh, lấn át dữ dội. Mỗi khi một phim Việt Nam hoàn tất, phải chật vật lắm mới tìm được rạp chiếu. Giới điện ảnh Việt Nam được báo chí tiếp tay, đã kêu gọi chính quyền chú ý nâng đỡ phim Việt. Nhà hữu trách đã đáp lại lời thỉnh cầu này bằng cách giảm phim ngoại quốc nhập cảng từ hơn 400 bộ xuống còn 260 bộ phim ngoại quốc trong một năm.

Sự kiện này đã khích lệ các nhà làm phim lấy lại được tinh thần rất nhiều. Giới điện ảnh Việt Nam thừa thắng xông lên, và việc cuốn phim Sau Giờ Giới Nghiêm của Liên Ảnh công ty trình chiều ở 12 rạp lớn, được coi như mở đầu kỷ nguyên tươi sáng của làng phim Giao Chỉ.

Một số nhận xét khác của báo chí Sài Gòn dành cho phim Sau Giờ Giới Nghiêm:

Báo Hòa Bình:

Qua nội dung cuốn phim và nhờ tài đạo diễn của Lê Dân, Sau Giờ Giới Nghiêm có thể coi là một hy vọng của điện ảnh Việt Nam.

Cấp Tiến:

Từ Chân Trời Tím đến nay, Sau Giờ Giới Nghiêm là cuốn phim màu Scope thứ nhì của Liên Ảnh Công Ty cho thấy hãng này đã bước một bước tiến dài: Hình ảnh đẹp, âm thanh rõ ràng, tài tử diễn xuất già dặn.

Dân:

Sau Giờ Giới Nghiêm, một cuốn phim tình cảm đã thành công từ màu sắc, âm thanh, ánh sáng. Đạo diễn Lê Dân đã làm sáng chói Thanh Nga từ đầu đến cuối.

Tin Sáng:

So sánh với các phim Việt Nam đã được trình chiếu, Sau Giờ Giới Nghiêm là một trong những phim được xem là khá nhất.

Saigon Mới:

Một chuyện tình thời đại rất cảm động. Sau Giờ Giới Nghiêm ra mắt khán giả để mở màn cho một kỷ nguyên mới.

Xây Dựng:

Bố cục, cốt truyện của cuốn phim Sau Giờ Giới Nghiêm đã đảm bảo cho cuộc phản công phim Tàu trong những tháng ngày này. Thanh Nga, Đoàn Châu Mậu làm hài lòng khán giả Việt Nam.

Minh Tinh:

Sau Giờ Giới Nghiêm, một bài học cho những cô gái nghèo đua đòi chạy theo vật chất xa hoa, và là một phim tình cảm nhẹ nhàng, thích hợp với tâm lý phải yếu.

Tuổi Đẹp:

Sau Giờ Giới Nghiêm là cuốn phim màu Eastmancolor được Liên Ảnh Công Ty đặt nhiều tin tưởng nhất trong năm 72.

Chúng Mình:

Sau Giờ Giới Nghiêm là cuốn phim nâng cao bảng hiệu Liên Ảnh Công Ty, và là cuốn phim màu có giá trị gây uy tín cho phim Việt Nam.

Điện Ảnh Mới:

Sau Giờ Giới Nghiêm là cuốn phim được làm kỹ nhất, cẩn thận nhất trong số 6 phim của Liên Ảnh đã thực hiện.

Được biết, cuốn phim này hiện nay do Mỹ Vân Films bảo quản và lưu giữ và đang trong quá trình phục chế lại cuộn phim gốc. Hy vọng trong thời gian sắp tới chúng ta sẽ được xem lại cuốn phim đã được báo chí Sài Gòn xưa đánh giá rất cao này.

Đoàn Châu Mậu và Ngọc Phu trong phim

Billy Trương biên soạn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version