Trong bài phỏng vấn này của báo Người Việt, nhạc sĩ Từ Công Phụng chia sẻ về sự nghiệp sáng tác và những quan niệm của ông trong cuộc sống.
- Sau khi vượt được cơn bạo bệnh, biến cố đó có làm cho nhạc sĩ thay đổi nhân sinh quan của mình không?
Nhạc sĩ Từ Công Phụng: Không có gì thay đổi cả, trước giờ tôi vẫn quan niệm không có gì quan trọng bằng tình thương, và ít bon chen vì tôi nghĩ tất cả những nhiễu nhương của cuộc đời này xẩy ra đều do lòng tham mà có. Với người mới bị bệnh ung thư, tôi khuyên là nên bình tâm, đừng sợ hãi, cái sợ nó làm cho mình lo lắng, mất tinh thần, và sau đó là ngoài thuốc của bác sĩ, những loại cây cỏ chung quanh chúng ta có thể giúp chúng ta chữa bệnh được thí dụ như lá đu đủ, măng tây,… đừng ăn nhiều thịt đỏ hay nhiều protein quá, đừng ăn nhiều đường. Nhưng điều chính là lạc quan và bình tâm.
- Ngoài việc là một nhạc sĩ nổi tiếng, ông còn có cử nhân luật, nhưng thật ra nói đến Từ Công Phụng thì khó ai hình dung ông là một luật sư? Ông có thể nói về việc này?
Tôi muốn kể một chuyện có tính cách gia đình. Lúc còn trẻ tôi đi học đại học, bố tôi khuyến khích tôi nên đi học luật, ông làm cho tòa án, không phải tòa xử mà loại tòa hòa giải. Học luật xong ra thì ông hối tôi lấy bằng thẩm phán, tôi bảo bố ơi, đời con con chưa xử được thì xử ai bây giờ. Tỉ dụ như con xử người đó mà con xử sai chẳng hạn thì mang tội quá, không biết đâu chừng, vậy tốt nhất là mình đừng xử ai cả, mình cứ sống rất là bình thường và cởi mở với mọi người, nếu mình có thì mình san sẻ, nếu mình không có thì mình chịu thôi, không có không hẳn là điều quá cấp bách với mình trong đời sống.
- Nếu vậy thì trong thời gian học luật nhạc sĩ có thích môn học đó không?
Không, tôi không thích lắm, nhưng phải cố học thôi (cười), ở Việt Nam hồi đó mà, ai cũng phải có danh vị. Ðây cũng vậy nữa ai cũng phải có danh vị thì mình nói gì người ta nghe cái đó. Nhưng thực sự nó chẳng giúp gì, mình không thích thì khó mà ở với mình lâu.
- Làm thế nào để có một bản nhạc hay, và thế nào là một bản nhạc hay, theo nhạc sĩ?
Âm nhạc là vấn đề của tai, nếu mình nghe được thì có thể những người khác cũng nghe được. Ca khúc là hình thức nhỏ của nhạc lớn thôi, nhạc lớn người ta không nghe được. Ca khúc dùng lời diễn tả tâm tư mình, nó đơn giản như vậy thôi. Nếu có bài hát nào hay là bài hát đầu tiên là mình tấu lên nó gây ấn tượng cho người khác, mà sau đó khi lời được cất lên nó lại càng ấn tượng, bởi vì nó nói được tâm tư của mình mà chính của người khác, thì nó sẽ hay.
- Trong tiến trình làm nhạc thì thường ông viết nhạc trước hay viết lời trước hay là viết song song?
Tùy theo, thí dụ có một câu thơ trong đầu tôi, tôi thấy nó hay, thì tôi ghi nó lại đó rồi tìm cách bỏ nốt nhạc vào, rồi từ đó tôi phát triển ra, để cái nốt ra. Cái vấn đề là cái ý chính của dòng nhạc trước rồi mới đến nốt nhạc sau, đó là kỹ thuật của âm nhạc, khi âm điệu (melody) xong rồi thì bắt đầu mình viết lời, mình lấy tâm sự của mình hay là chuyện gì mình nghĩ trong đầu mình đưa vào. Ðó là viết nhạc trước rồi lời sau. Ðôi khi lời ra trước, nhạc đi sau, và đôi khi cùng lúc. Không có một nguyên tắc nhất định nào hết. Còn viết xong rồi, nhạc có hay hay không là khả năng của mỗi người.
- Theo ông thì điều gì tạo sắc thái đặc biệt hay dòng nhạc của một nhạc sĩ?
Như tôi vừa nói lúc nãy, âm nhạc là cái tai. Phải có tai nghe thì biết âm nhạc hay hay dở. Cái thẩm âm của mình quan trọng lắm. Mỗi người đều có cá tính, có sắc thái riêng của mình, cái đó là trời cho chứ mình cũng không tạo ra được. Tính tình của mỗi người mỗi khác. Mỗi người có một lối diễn tả. Khi nào mà tôi hát một câu nhạc nào đó lên, thì người ta nghe người ta nói ồ cái này tôi đoán có thể bẩy, tám chục phần trăm của ông Từ Công Phụng, thì đó là cái thành công nếu mình tạo ra được một nét riêng như thế. Ðó là một trong những yếu tố đưa tới thành công trong âm nhạc.
- Có phải mỗi một bản nhạc là một mối tình?
Tôi gặp nhiều lần người ta hỏi như thế. Bây giờ tôi hỏi lại cô thế này nhé, nếu tôi có 100 bài hát, thì tôi có 100 người tình à? Trời ơi sao tôi chịu nổi! (cười lớn). Thế thì mỗi cách diễn đạt mỗi khác, cùng một cái nhìn mà diễn đạt nhiều khía cạnh khác nhau. Một bóng hình như thế có thể mình nhìn ở nhiều góc cạnh khác nhau, và diễn đạt nó nhiều cách khác nhau. Thế thôi chứ không phải mỗi bài hát là một kỷ niệm cho một người tình. Tôi là người rất nghiêm túc về chuyện này.
- Có bao giờ người đàn bà đang ở bên cạnh nhạc sĩ muốn biết họ có phải hình ảnh trong bài nhạc, hay có bao giờ họ ghen tuông hay tra hỏi ai là em trong bài nhạc mới của nhạc sĩ không?
Không biết ai thì như thế nào, còn bà xã của tôi bây giờ thì không hỏi đến cái chuyện đó, vì nhiều khi biết quá rõ đời sống của tôi rồi. Thế còn tôi viết em này em kia thì không thành vấn đề, bởi vì nó không có ý gì cả. Em đây có thể là một đối tượng mà mình nghĩ tới, hay có thể mình muốn diễn đạt tâm tư của một người nào đó
- Ngoài nhạc tình, nhạc sĩ có sáng tác hay dự định sáng tác những loại nhạc khác không?
Từ bước đầu bước lên nấc thang của âm nhạc thì tôi vẫn tự dặn lòng là tôi chọn con đường tình ca để tôi viết. Bởi tình ca là một điều vĩnh cửu, ngày nào còn những đôi tình nhân thì còn những bài tình ca để mà ca ngợi tình yêu từ thế hệ này đến thế hệ kia, không bao giờ chấm dứt cả, ngay cả mấy trăm năm qua, mấy ngàn năm qua.
Bởi tình yêu rộng lớn lắm, nó là mấu chốt của mọi vấn đề. Nói một cách khác tình yêu là một sự đồng lõa của sự tồn tại của nhân loại. Nếu không có tình yêu thì nhân loại đã triệt tiêu rồi. Người ta bảo là tình yêu đôi lứa thì nó nhỏ bé quá, tình yêu quê hương mới là lớn, thì tôi xin lỗi tôi nói thế này. Con người ta sinh ra từ sơ sinh chập chững bước đi rồi mới trở thành người lớn, thì tình yêu đôi lứa là căn bản của mỗi con người, khi lớn lên phải có như thế thì mới có sự tồn tại của nhân loại. Phải có tình yêu thì mới lấy nhau thì mới sinh con đẻ cái. Nếu không có tình yêu thì thế giới này đâu còn nữa. Vì thế tôi cho là tình ca ca ngợi tình yêu đôi lứa không phải là nhỏ đâu, và cũng không dễ làm đâu.
- Cảm ơn nhạc sĩ dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn.
Theo Người Việt