Trung thu xưa và nay

Mỗi dịp rằm tháng 8 âm lịch hàng năm, cũng là dịp Trung thu, đây là ngày rất đặc biệt của trẻ thơ. Một ngày mà đứa trẻ nào cũng có quyền đòi mẹ mua cho mình những thứ quà ưng ý nhất. Nhưng trước đây, làm gì có chuyện này.

Xuất xứ của Trung thu, mỗi thuyết nói một kiểu, mỗi người lớn kể một câu chuyện. Trẻ thơ với đầu óc thơ mộng của mình tiếp thu như suối chảy qua từng con dốc, sau này lớn lên, cái gì đọng lại thì đọng, không cũng quên.

Dù thế nào đi nữa thì Trung thu đã trở nên quen thuộc đối với trẻ thơ Việt hàng trăm năm qua. Nó giờ như là trở nên mặc nhiên, như Tết âm lịch, hay Tết dương lịch, đến hẹn lại lên; ngày này, đêm đêm trăng lại sáng tròn, trừ khi mưa gió.

Trung thu là dịp thời tiết đẹp vì trời vào thu, mọi thứ hiền hòa, và may thay, ngày Trung thu thường không có mưa và khô ráo. Trẻ con bây giờ, dù ở thành phố hay ở quê đều được bố mẹ hay anh chị dẫn đi chơi, hoặc là lang thang các phố, ngõ, hoặc là đến nhà văn hóa, điểm nghệ thuật, trên tay em nào cũng có đèn ông sao, bánh kẹo. Chủ yếu là chúng nhìn người khác diễn trò.

Trẻ thơ bây giờ sung sướng lắm, muốn gì được nấy, bánh trung thu có đắt hàng triệu mẹ cũng mua, thứ đồ chơi nào hấp dẫn vừa ra mắt thị trường đều được mẹ rinh về nhà, thỏa thích ngắm, thỏa thích chơi. Đêm trung thu có thể được coi như đêm ông hoàng của trẻ nhỏ.

Khi xưa thì sao, trẻ con ở phố thời ấy thế nào không biết, chứ trẻ thơ ở quê vào đêm Trung thu tự tụ tập nhau ở khoảng sân nhà nào đó rồi nằm ngắm trăng, kể chuyện cổ tích cho nhau nghe. Đèn ông sao thì tự đi hái lá dứa, hoặc xin được lá dừa nhà ai rồi tự làm lấy.

Bố mẹ bận đồng áng, nhà cửa nên sau bữa cơm chiều cũng không đi đâu được, những đứa trẻ từ chiều đã lên lịch với nhau. Có thể chúng chơi dung dăng, chơi trốn tìm, chơi đố vui… có thể chúng khoe những chiếc đèn ông sao tự làm được, hoặc chong chóng… có thể chúng kể những câu chuyện được người lớn kể mà chưa khi nào chúng kể cho bạn nghe.

Sau đó, cả đám ngắm trăng, kể về chú Cuội, chị Hằng, nhiều đứa ước muốn lên mặt trăng. Có đứa nhìn các vết hằn mặt trăng bảo đó là chú Cuội chăn trâu… Trẻ thơ khi xưa đón Trung thu giản dị lắm, chúng không bắt mẹ mua quà, hay đòi hỏi gì, bố mẹ cho gì thì lấy.

Đám trẻ cũng tự hẹn nhau chơi trung thu và cũng tự giải tán khi đêm đã muộn, đương nhiên, người lớn cũng giám sát từ xa, nhưng chung quy lại, Trung thu xưa là tự trẻ thơ làm lấy cho mình. Chúng tự bày, tự diễn sau khi đã quan sát anh chị mình làm từ mấy năm trước. Đêm trung thu luôn đọng lại trong ký ức như vậy đối với những đứa trẻ xưa.

Theo Vũ Gia Hòa (Văn Hiến)

Exit mobile version