Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?

Những ngày cuối năm.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Khuya. Khi còn lại một mình trên mạng, tôi hay treo status: Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?

Một bạn tình cờ ghé lại, hỏi: Có niềm vui rồi à? Chúc mừng nhé!

Bạn chúc mừng, sao lòng bỗng ngổn ngang trăm mối. Tết đang đến rất gần, chắc chắn rồi mùa cũng sẽ rộn ràng những thời khắc chuyển giao. Nhưng ta, ta có còn những đêm ba mươi đầy háo hức?

Khi nghe và yêu thích một ca khúc nào đấy, thì bạn đã thực sự gắn hồn mình vào trong giai điệu và ca từ của bài hát. Chỉ vì tiếng guitar solo nồng nàn, một đoạn piano gõ thánh thót hay đôi khi, chỉ là một thoáng ngẫu hứng saxophone đầy phiêu lãng… Nhưng chắc chắn vẫn phải là ca từ, ca từ êm ái và mượt mà như thơ ấy. Chúng là những lời nhắc nhớ chân thành, cứ thủ thỉ bên ta mãi…

Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi?
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…

Xưa, khi nhạc sĩ Vũ Thành An bắt đầu phổ nhạc những câu thơ này từ thi sĩ Nguyễn Đình Toàn, chắc có lẽ, ông đã không dụng công lắm để trau chuốt chúng thành những giai điệu ấm áp và tình cảm thế. Bởi tôi, bạn, và tất cả những người đã từng yêu đều có thể dễ dàng bật lên thành câu hát. Khi khắc khoải về một vùng ký ức đẹp. Khi tiếc nuối mơ hồ về một kỷ niệm tình đã cắc cớ ngủ yên.

Có thể ta không có những đêm ba mươi cùng em vô ưu, lang thang trên những con phố mòn mỏi bước. Là con đường Duy Tân, là con đường Gia Long, là con đường Tú Xương… xa lắc trong nỗi nhớ. Và có lẽ, chúng chỉ còn là giấc mơ u hoài, lê thê kéo từ thế kỷ trước. Nơi có những đêm ba mươi, vào thời khắc giao mùa thiêng liêng vẫn còn những người phu quét lá bên đường. Miệt mài và cần mẫn. Và ta, ta có dừng lại xin một chiếc lá vàng, để làm bằng chứng yêu em?


Người phu quét đường…
Chiếc lá vàng…

Khung cảnh im lắng. Đẹp một cách mộc mạc, đơn sơ. Một bức tranh huyền thoại về tình yêu, lồng hờ hững vào trong phố. Yên bình, trong vắt. Nhưng tình yêu có thực sự cần những nhân chứng và vật chứng ấy không? Ta đã ngô nghê đặt lại câu hỏi ấy, có nghĩa là ta cũng đang dần quên đi một thời yêu đương phóng khoáng, cuồng say…

Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sao Giao Thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?

Thì là Tết đấy. Những con đường đang nhộn nhịp quá những người qua. Phố xá dần đông vui lên, rộn ràng những sắc màu nghênh tiếp năm mới. Với lòng người, có quá nhiều điều để háo hức, chờ mong…

Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?

Mà có phải khi ai vu vơ thốt lên câu hát bất chợt ấy, cũng là đang thực sự có niềm vui đâu…

Tháng ngày đã trôi qua
Tình đã phôi pha
Người khuất xa

Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba
Rụng cùng mùa…

Tác phẩm đầu tay nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thành An, “Tình khúc thứ nhất”, cũng là một bài hát phổ từ thơ của thi sĩ Nguyễn Đình Toàn:

Có yêu nhau xin ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời…

Đấy là những câu thơ – nhạc rưng rức đầy tiếc nuối. Mờ. Phai.

Nỗi buồn ở đây dường như đã đi đến cùng tận. Khi “chỉ còn chút hương xưa” rồi cũng đã “phong ba”, và cuối cùng, “rụng cùng mùa” ?

Không. Với kỷ niệm đẹp, nỗi buồn ấy như là một thú vui tao nhã. Những khi thấy lòng mình chùn xuống, ta thong thả mang ra gặm, nhấm…

Dòng sông đêm hồn đen sâu thao thức
Ngàn vì sao mọc hay lệ khóc nhau?

Đá buồn chết theo sau
Ngày vực sâu
Rớt hoài xuống hư không
Cuộc tình đau…

Đã có rất nhiều ca sĩ trình bày ca khúc này. Nhưng được yêu thích nhất có lẽ là Khánh Ly và Nguyên Khang. Nếu Khánh Ly với giọng hát nữ tính, đầy chất ma mị của mình đã tình tự khôn nguôi về một thời yêu thương say đắm, thì Nguyên Khang bằng sự ấm áp cố hữu, lại đem đến một hoài niệm buồn. Một nỗi buồn sang trọng và cần thiết.

Giao thừa đang sắp đến. Gần, đã gần lắm rồi…

Và trong cái thời khắc mong manh ấy, khi trời đất đang bắt đầu trở mình cho một cuộc chuyển giao, thế nào tôi cũng để cho cái ngày xưa của mình quay lại. Rằng:

Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi?
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng, làm bằng chứng yêu em…

Nguồn: yume

Exit mobile version