Nhạc sĩ Trịnh Hưng – Tác giả “Lối Về Xóm Nhỏ” và câu chuyện về mối tình đầu suốt đời mang theo

Nhạc sĩ Trịnh Hưng tên thật là Trịnh Hưng, sau này ông đổi lại thành tên Nguyễn Văn Hưng, sinh năm 1930 tại Hà Nội, nguyên quán ở Bắc Ninh. Cha của ông nguyên là một quan huyện triều Nguyễn. Ngoài việc được biết đến với nhiều bài hát về quê hương nổi tiếng như Lối Về Xóm Nhỏ, Lúa Mùa Duyên Thắm, Tôi Yêu… nhạc sĩ Trịnh Hưng còn là thầy dạy nhạc của những tên tuổi nổi tiếng của nhạc vàng là nhạc sĩ Trúc Phương, Phạm Thế Mỹ, Đỗ Lễ, ca sĩ Thanh Thúy…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Click để nghe Nhật Trường – Như Thủy hát Lối Về Xóm Nhỏ trước 1975

Những bài hát ngợi ca quê hương thanh bình của nhạc sĩ Trịnh Hưng rất được yêu chuộng bởi lời ca mộc mạc, trong sáng, tiếng nhạc vui tươi, chan chứa tin yêu, gợi cho người nghe một cảm giác thanh bình, an lành nơi thôn dã nên rất được yêu thích.

Từ năm 1945 tới 1952, nhạc sĩ Trịnh Hưng theo kháng ᴄhιến chống Pháp, làm đội phó văn công Trung Đoàn Thăng Long. Trong chiến khu ông được thụ huấn một lớp âm nhạc do giáo sư Tạ Phước giảng dạy.

Nhạc sĩ Trịnh Hưng bỏ kháng ᴄhιến để về thành năm 1952. Vì biết mình chỉ còn con đường âm nhạc để tiến thân, ngoài ngón đàn Mandoline, Hawaii, ông còn học sáng tác và dành nhiều thời gian để tự tập thêm đàn Guitare trong cuốn Méthode de Guitare soạn bởi F. Carulli, được giáo sư Tạ Phước chép lại. Nhờ sự chăm chỉ tập luyện, ông có thể độc tấu Tây Ban Cầm cho bằng hữu thưởng lãm. Ðầu năm 1952 ông sáng tác bài đầu tay là: “Lối Về Xóm Nhỏ” theo điệu Fox, trở thành bài hát nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông:

Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca
Ngọt bông lúa tình quê thêm đậm đà
Rào rạt bao niềm thương trong mái lá…

Khi về Hà Nội, nhạc sĩ Trịnh Hưng đi đánh đàn trong các phòng trà dancing cho lính Tây khiêu vũ một thời gian ngắn và dạy thêm đàn Hawaii cho học sinh. Năm 1954, ông di cư vào Sài Gòn, tiếp tục làm công việc đàn cho các phòng trà, nhưng công việc bấp bênh vì các phòng trà ở đây đã có đủ nhạc công.

Trong tình cảnh đó, ông may mắn được một người giới thiệu đến khu Hồ Văn Ngà, là khu vực bán đàn và dụng cụ âm nhạc nổi tiếng thời bấy giờ. Vì thấy ông chơi đàn giỏi, người chủ thuê ông ngay và còn cho ông mở lớp nhạc tại đó nhằm mục đích câu khách đến mua đàn. Cách tiệm bán đàn của ông không xa có hai lớp dạy nhạc của hai danh sư là nhạc sĩ Lâm Tuyền và nhạc sĩ Trọng Khương.

Thời thập niên 1950, nền âm nhạc Tây Phương đang thịnh trong giới thượng lưu trí thức Sài Gòn, nhưng không có nhièu những nhạc sĩ chơi đàn guitare giỏi như Lâm Tuyền, Trọng Khương, Trịnh Hưng… Nhờ lớp nhạc này mà ông trở nên khá giả, đời sống trở nên phong lưu, tiền bạc dư giả, quan hệ bạn hữu càng rộng rãi.

Nhạc sĩ Trịnh Hưng lập gia đình năm 1955, đến cuối năm 1956 thì ông dời lớp nhạc về số 9/1 Cao Thắng và ở đó cho đến tận năm 1990 thì qua định cư ở Pháp. Ở lớp dạy nhạc Cao Thắng ông dạy đủ loại: đàn Mandoline, Hawai, Guitare, và luyện thanh, nhưng chỉ có môn guitare là sở trường, có rất nhiều nghệ sĩ sau này thành danh đã từng đến học ông, hoặc nhờ ông chỉ dẫn, đỡ đầu. Những ca sĩ đã từng học ông là Thanh Thúy, Bạch Yến, Túy Hồng… và các nhạc sĩ nổi tiếng như Trúc Phương, Phạm Thế Mỹ, Ðỗ Lễ…

Nhạc sĩ Trúc Phương đã đến gặp nhạc sĩ Trịnh Hưng khoảng năm 1957 để học thêm về kỹ thuật sáng tác, và hai người đã viết chung ca khúc “Tình Thắm Duyên Quê”. Từ trước đến nay, bài hát này chỉ được biết đến tới tên người sáng tác là Trúc Phương. Tuy nhiên nếu người nghe nhạc tinh ý thì sẽ thấy có nét nhạc rất giống với các bài hát khác của Trịnh Hưng.


Click để nghe Hương Lan hát Tình Thắm Duyên Quê trước 1975

Về lý do ông đổi họ, từ Trịnh Hưng sang Nguyễn Văn Hưng, ông Đỗ Bình là người bạn thân nhạc sĩ Trịnh Hưng cho biết: “Trong thời gian ở vùng Liên khu 4, Trịnh Hưng ở chung với gia đình ông bà Lê Khải Trạch và nhận ông bà này là anh chị nuôi. Cũng chính ở đây ông gần gũi và thân với nhà thơ Quang Dũng, vì nhà thơ Quang Dũng là bạn thân với ông bà Lê Khải Trạch. Lúc này ông đang chuẩn bị để trở về thành, trên đường về thành phải qua những trạm kiểm soát của công an Việt Minh, để tránh bị phiền nhiễu, bà Nguyễn Thị Chi, vợ của ông Lê Khải Trạch đã nhận Trịnh Hưng là em ruột, từ đó Trịnh Hưng đổi thành Nguyễn Văn Hưng trong thẻ căn cước”.

Nhạc sĩ Trịnh Hưng và mối tình đầu mang theo suốt cuộc đời

Thời kỳ ở chung với ông bà Lê Khải Trạch, nhạc sĩ Trịnh Hưng đã thầm trộm yêu cô con gái ông bà Lê Khải Trạch là cô Lê Thị Bích Liên. Người thiếu nữ mới chớm tuổi trăng tròn cũng thầm mê tiếng nhạc của chàng nhạc sĩ nghèo. Mối tình đầu thơ ngây, trong sáng tưởng sẽ thăng hoa, nhưng chỉ kéo dài chưa đến một năm thì tan vỡ vào cuối năm 1954. Nợ tình còn vương vấn mãi đến tận ngày hấp hối, ông vẫn còn nhắc tên người tình xưa. Ông đã viết bài Tìm Quên cho kỷ niệm buồn này:


Click để nghe bài Tìm Quên

Buồn trông mây tím giăng ngang trời
Chiều thu như chết trong lòng tôi
Đêm nào em khẽ nói bên tôi
Đây tình yêu trong trắng trao tôi
Hẹn thề yêu chỉ anh mà thôi.

Lời xưa âu yếm nay đâu rồi
Thoảng như cơn gió đưa bèo trôi
Ai ngờ câu chót lưỡi đầu môi
Đem tình yêu gian dối trao tôi
Cho lòng tôi mãi mang hận đời.

Trên danh nghĩa, nhạc sĩ Trịnh Hưng đã nhận bà Lê Khải Trạch làm chị ruột, nên trở thành cậu của cô gái.

Gia đình của ông Lê Khải Trạch là một gia đình danh tiếng và đầy thế lực lúc bấy giờ, áp lực từ những lời dị nghị của dư luận đã làm chia cắt lứa đôi. Nhạc sĩ Trịnh Hưng đành chôn chặt khối tình si trong lòng, và từ nỗi đau đó nhạc sĩ đã viết được một ca khúc tuyệt đẹp, và là bài hát duy nhất mà ông viết về “tình yêu đôi lứa”, ngoài chủ đề quê hương quen thuộc.

Sau bao nhiêu năm, vật đổi sao dời, đến khi sang Pháp, ông vẫn để tấm hình của người thiếu nữ rất đẹp này trên đầu giường.

Đầu thập niên 1990, nhạc sĩ Trịnh Hưng được con gái bảo lãnh sang Pháp. Tại đây ông tiếp tục viết nhạc, cộng tác với nhiều tạp chí văn nghệ hải ngoại. Thỉnh thoảng ông có về lại Việt Nam và viết nhiều bài về cuộc sống, hoàn cảnh của các nhạc sĩ cùng thời với ông vẫn còn ở lại trong nước.

Nhạc sĩ Trịnh Hưng qua đời vào ngày 10/5/2008, thọ 78 tuổi.

Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Nhiều năm qua, có 2 câu thơ nổi tiếng thể hiện niềm yêu đời tha thiết, thường hay được nhiều bạn trẻ trích dẫn, đó là:

Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương

Hai câu thơ này được trích dịch trong tập thơ Nhà tiên tri (The Prophet) của tác giả Kahlil Gibran:

Wake at dawn with winged heart.
and give thanks for another day of loving

Có thông tin cho rằng 2 câu thơ nổi tiếng này là của nhạc sĩ Trịnh Hưng dịch. Nhiều người không biết rằng ngoài sáng tác nhạc, Trịnh Hưng còn là một nhà thơ. Xin chép lại một bài thơ của ông sáng tác:

Nhà nàng cách một giậu thưa
Xuân sang hoàng cúc cũng vừa trổ bông
Nàng thường vận áo cánh hồng
Ra đứng tựa cửa để hong tóc chiều

Một chiều mưa gió đìu hiu
Nàng không hong tóc, tôi nhiều nhớ mong
Nhớ sao là nhớ lạ lùng
Cầu cho mưa lạnh, coi hong tóc chiều

Tôi thầm cảm thấy đã yêu
Nhưng không dám tỏ những điều mến thương
Vì tôi nặng kiếp phong sương
Quanh năm lặn lội chiến trường miền xa

Xuân sau được phép thăm nhà
Lòng tràn vui sướng chan hòa tình yêu
Đến nhà, chợt thấy buồn hiu
Nhà em cửa đóng gió reo ngoài trời

Chiều nay cũng gió mưa rơi
Nhìn sang hàng xóm một trời nhớ mong
Nghe như mưa ở trong lòng
Giọt mưa giá buốt rơi trong lòng mình

Nhìn quanh bốn phía lặng thinh
Xót thương số phận thân mình bơ vơ
Tôi nay như kẻ trễ đò
Vì cô hàng xóm cũng vừa sang sông

Nghe như mưa ở trong lòng
Xuân về tôi chép vài giòng thơ đau

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

 

Exit mobile version