Tình yêu đầy màu sắc thần thoại trong ca khúc “Tình Yêu Và Huyền Thoại” – Nàng mọc cánh bay đến nơi chân trời…

Trong âm nhạc Việt Nam, ca khúc Tình Yêu Và Huyền Thoại là một nhạc phẩm khá đặc biệt, không chỉ gây mê đắm bởi giai điệu và ca từ đẹp đến ngỡ ngàng mà còn để lại bao câu hỏi cho giới mộ điệu về vị nhạc sĩ tài năng đã sáng tác nên nhạc phẩm này. Lần theo những bản thu thanh, có thể thấy Tình Yêu Và Huyền Thoại đã ra mắt công chúng từ trước năm 1975 với tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh Lan.


Click để nghe Thanh Lan hát trước 1975

Giai đoạn sau này, bản nhạc đã được nhiều giọng ca nữ thể hiện như Thái Hiền, Phi Khanh, Như Mai, Trịnh Vĩnh Trinh,.. trong đó nổi bật nhất là bản thu thanh của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh với chất giọng trong trẻo, bay bổng rất phù hợp với tính “huyền thoại” của bản nhạc. Tuy nhiên, khi so sánh lời hát trong bản thu của nữ ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh thì lời hát bị sai lạc khá nhiều so với bản thu thanh của nữ ca sĩ Thanh Lan trước năm 1975 và bản nhạc có chữ ký của tác giả Văn Trí.

Nói thêm về tác giả của nhạc phẩm Tình Yêu Và Huyền Thoại, trước đây, người ta chỉ biết đến hai chữ “khuyết danh” được đề ở phần tên của nhạc sĩ sáng tác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều nguồn tin khẳng định tác giả sáng tác là nhạc sĩ Văn Trí, tên thật là Văn Minh Trí. Ông sinh năm 1940, có thời gian học sư phạm ở Sài Gòn, sau đó về dạy ở Cà Mau tại trường Trung Học An Xuyên. Bản nhạc Tình Yêu Và Huyền Thoại được ông sáng tác vào khoảng năm 1968. Ngoài ra, ông cũng là tác giả của ca khúc Hoài Thu rất nổi tiếng qua giọng hát của Thanh Thuý.

Từ sau năm 1975, ông chuyển đến New Zealand và sống kín tiếng ở đó đến nay cho nên rất ít người biết ông chính là tác giả của bản nhạc tình mê đắm Tình Yêu Và Huyền Thoại.

Rất nhiều người yêu nhạc, trong đó có cả người viết bài này, khi lần đầu tiên nghe bản nhạc đã ngỡ ngàng với vẻ đẹp của ca từ, giai điệu, và ngạc nhiên hơn nữa là tại sao một nhạc phẩm đẹp như vậy lại không được phổ biến rộng rãi. Đúng như tên gọi của ca khúc là Tình Yêu Và Huyền Thoại, ngay từ câu hát đầu tiên đến câu hát cuối cùng đều phủ tràn một sắc màu “huyền thoại” lóng lánh.

Tình yêu trong ca khúc không phải là thứ tình yêu giao duyên trai gái trần tục như vẫn thường thấy trong thi ca, nghệ thuật hiện đại mà là thứ tình yêu “thần thoại” mê đắm, với những cuộc rượt đuổi kỳ lạ, lung linh nhưng cũng không kém phần hoang dại của các vị thiên tiên trong văn chương nghệ thuật Châu Âu cổ điển. Bằng những ca từ ma mị, nhạc sĩ kéo người nghe vào thế giới tình yêu “huyền thoại” nhưng cũng đầy tâm tư, ẩn ý như tình yêu của con người nơi trần thế.

Nàng mọc cánh bay đến nơi chân trời
Chàng đuổi theo trên chuyến xe cuộc đời
Nàng vươn tay hái sao trời đỉnh núi
Kết lên tóc mây như đôi mắt tình yêu

Ngay từ câu hát đầu tiên đã gợi cho người nghe nhiều suy tưởng. Không rõ là “Nàng” giận hờn hay “Nàng” trốn tránh tình yêu hay vì một lý do nào đó khiến nàng bỏ đi, chỉ biết chắc rằng “nàng mọc cánh bay đến nơi chân trời”, đến tận nơi cùng trời cuối đất, xa xôi để chàng không thể tìm thấy. Nhưng “Chàng” nào có bỏ cuộc, vẫn mải miết “đuổi theo trên chuyến xe cuộc đời“, chẳng có phép màu nào phù trợ cho tình yêu của “Chàng” được dễ dàng, nhanh chóng hơn, chỉ có tấm chân tình đẩy chuyến xe của chàng đi tìm tình yêu của đời mình. Còn “Nàng” dù đã mọc cánh bay đi, hẳn là vẫn quay lại để dõi theo bóng dáng “Chàng”, vẫn mong “Chàng” tìm được mình, vậy nên “Nàng vươn tay hái sao trời đỉnh núi. Kết lên tóc mây như đôi mắt tình yêu”, để từ xa chàng đã có thể thấy “đôi mắt tình yêu” mà tìm đến. Nhưng tình yêu nào có dễ dàng như một cuộc đuổi bắt, tìm được nhau rồi còn phải giữ nhau lại, trao cho nhau yêu thương trong sự thấu hiểu và đồng cảm:

Chàng cầm đuốc soi sáng tâm tư nàng
Bầy thỏ ngoan đi trốn đôi tay chàng
Hồn chết đuối nơi sông dài yêu đương
Bóng đêm đứng trông chiều khóc ai sương mờ

Những hình ảnh ẩn dụ đậm chất thơ, phảng phất phong vị cổ tích, tuy mới lạ so với thơ ca Việt nhưng gần gũi với tâm tư, tình cảm của con người. Trong tình yêu, phụ nữ luôn được coi là tạo vật khó hiểu nhất trần đời, khiến nam giới luôn phải “cầm đuốc soi sáng tâm tư”, chật vật tìm đường đi vào trái tim. Nàng có khi mềm lơi, dịu dàng, đáng yêu như “bầy thỏ ngoan” khiến cho chàng ngỡ có thể nắm giữ được trái tim, tâm hồn và tình yêu của nàng mãi mãi, nhưng rồi chỉ một vài phút lơ là lại vuột “trốn” mất lúc nào không hay. Tạo hoá sinh ra phụ nữ đáng yêu và khó hiểu, nhưng tạo hoá cũng sinh ra đàn ông mạnh bạo và thích chinh phục. Vậy nên, từ ngàn xưa đến nay, tình yêu giữa đàn ông và đàn bà luôn là một đề tài nóng hổi, là cuộc rượt đuổi dài lâu, mê đắm nhất của nhân loại.

Trên đồng bằng ân ái, môi nàng là hoa thắm
Cho mật ngọt tình yêu, đam mê đừng trốn mất
Mây mùa hè thiêu đốt, sa mạc lòng rực cháy
Chim rừng về hỏi lá, đàn quạ đen cười rũ

Tình yêu khi thăng hoa mang đến cho con người bao mật ngọt ái ân, bao đam mê thắm thiết thì khi sa xuống cũng tàn bạo thiêu đốt, bẽ bàng, chua chát, hoang lạnh không kém. Nhưng nhân loại bao đời nay vẫn chấp nhận điều đó như một lẽ tất nhiên. Từng lời hát vì vậy thả xuống không quá nặng nề, sầu muộn mà lãng mạn phiêu bồng như một khúc du ca.

Nàng là đá bao tuổi xanh hỡi nàng
Chàng là rêu ôm đá mơ thiên đàng
Bằng đôi chân mang linh hồn dã điểu
Đá xanh chở rêu về núi xa tự tình

Khúc ca kết lại bằng một tình yêu vĩnh cửu muôn đời của đá và rêu: “Nàng là đá”, “Chàng là rêu”, “Đá xanh chở rêu về núi xa tự tình”. Chỉ một chữ “tự tình” vang vọng lại mà cả bản nhạc bỗng sáng bừng hy vọng.

Mời các bạn nghe lại các phiên bản thu âm sau 1975 của các nữ ca sĩ:


Click để nghe Trịnh Vĩnh Trinh hát hát


Click để nghe Thái Hiền hát


Click để nghe Như Mai hát

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version