Chủ nghĩa hiện sinh du nhập vào Việt Nam mạnh mẽ từ những năm thập niên 1960, ảnh hưởng cả vào trong âm nhạc, trong các ca khúc Lê Hựu hà, Nguyễn Trung Cang, Lê Uyên Phương, và đặc biệt là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những ca khúc mang chủ đề thân phận, tiêu biểu nhất là Vết Lăn Trầm.
Triết học hiện sinh có ảnh hưởng lớn tới Trịnh Công Sơn, đặc biệt là tác giả Albert Camus với trường phái triết hiện sinh phi lý và những tác phẩm của ông. Năm 1963, khi còn theo học ở trường sư phạm Qui Nhơn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đọc The Myth of Sisyphus của Albert Camus và nhận thấy sự hiện hữu của con người trên đời này là một chuỗi dài của sự phi lý, không khác gì anh chàng Sisyphus bị đày khổ sai bằng việc làm vô nghĩa: hằng ngày phải lăn một tảng đá lên núi, rồi thả tay cho đá lăn xuống núi, không nhằm một mục đích nào cả. Công việc này diễn ra nhàm chán và phi lý. Đó là cảm hứng để ca khúc Vết Lăn Trầm ra đời:
Vết lăn vết lăn trầm
Hằn trên phiến đá nâu thêm ưu phiền
Như có lần chim muông hằn dấu chân
Hình ảnh phiến đá nâu lăn trên sườn núi đó ví như đời người. Những biến cố xảy ra trong đời mỗi người giống như là những vết trầy xước của phiến đá lăn, nhưng rồi sẽ nhanh chóng bị phai mờ dần và đi vào quên lãng không khác gì dấu chân chim muông hằn trên cát. Điều đó cũng liên hệ tới đời người ngắn ngủi, sau khi nằm xuống thì chỉ sau mươi năm là trở thành lãng quên trong trí nhớ người đời.
Click để nghe Khánh Ly hát Vết Lăn Trầm trước 1975
Người đi phiêu du từ đó chưa thấy về
Quê nhà rộng đôi cánh tay chờ mong
Người chợt nhớ mình như đá
Đá lăn vết lăn buồn
Đá trong nhạc Trịnh thường được dùng để đại diện cho nỗi buồn của kiếp nhân sinh, là sự hóa thân của kiếp người. Đá dường như cũng có linh hồn, có cảm xúc, có nỗi phiền muộn như con người. Nỗi buồn trong ca khúc này nảy sinh từ cảm giác lưu lạc, xa xứ của con người, một nỗi buồn luôn hiện hữu: Nơi đây là quê hương hay chỉ là chốn lưu đày? Người có cảm giác như là bị lưu đày trên chính quê hương điêu tàn, thấy mình đang phiêu du không biết tự khi nào, luôn mơ về chốn quê nhà rộng đôi cánh tay chờ mong. Quê nhà ở đây không còn là một nơi chốn xác định, mà là nơi ẩn trú an toàn giữa cõi đời.
Nhưng rồi người chợt nhớ phận mình như là đá, phiến đá lăn buồn vô nghĩa, không đích đến, không có chỗ nương náu.
Từ hoang xưa dấu thân anh dã cầm
Ôi vết hằn ghi trên bồn gió hoang
Chờ ta da du một chuyến
Ôi môi hờn xin đừng kể lại tích xưa buồn hơn
Đợi chờ năm làm gió qua truông thiên đàng
Không dễ dàng để giải thích ý nghĩa từng chữ nghĩa (vốn ít được sử dụng) trong đoạn nhạc này. Có thể hiểu rằng “dã cầm” là loài chim trời hoang dã, thứ mà nhạc sĩ tự ví với mình để thể hiện ước mong trở về nương náu chốn hoang xưa. “Bồn gió hoang” là để mô tả nơi in vết hằn phiến đá ở một nơi xa vắng. Còn “da du” hoàn toàn là ngôn ngữ sáng tạo của Trịnh Công Sơn, không có trong từ điển. Nhạc sĩ cũng đã nhiều lần sử dụng chữ “da du” trong những bức thư tình gửi cho người yêu Dao Ánh vào đúng thời điểm ông sáng tác Vết Lăn Trầm, như sau:
Một ngày nào đó anh sẽ da du qua những miền chưa hề ghé đến. Có những buổi sao mình thấy yêu thương quê hương đến thế này. Da thịt mình như được dựng nên bằng đất đỏ và tâm hồn như được xây bằng cỏ cây hoa lá, bằng tiếng đàn buồn bã của dân mình.
…
Anh mong có đủ một món tiền kha khá và rỗi rảnh để sống một cuộc đời phiêu bạt phù phiếm da du từ chốn này qua chỗ nọ rồi chết gục tình cờ. Như một loài hoa dại buổi chiều trên đồi anh bắt gặp héo úa. Có ai nhìn thấy ai đâu, trong những lúc quạnh hiu nhất mình chỉ còn cho mình khoảng không hun hút trước mặt mà soi cho cùng khắp những hư ảo của đời mình.
…
Anh gọi tên Ánh cho anh trong những ngày da du rừng núi này của anh. Ôi, xin những vách núi hãy ghi lại tiếng gọi này tha thiết…
Như vậy, có thể hiểu chữ da du của Trịnh Công Sơn nó gần với nghĩa phiêu du, phiêu bạt. “Vách núi” mà nhạc sĩ nhắc tới bên trên, rất có thể cũng là vách núi mà ông đã hình dung cho phiến lá Sisyphus lăn tròn trên vách núi như đã nhắc tới ở bên trên. Vách núi với nhiều vết hằn ghi lại những chuyến da du đời người, những vết tích đa số là buồn, đợi chờ một ngày “gió qua truông thiên đàng”, mơ về một ngày tốt đẹp hơn.
Rồi trong nỗi đau buồn của thân phận, con người chỉ còn cách an ủi, ru dỗ chính mình để xóa bỏ ám ảnh về nỗi đau của đá, thoát khỏi những đau khổ chốn trần gian:
Thôi ngủ yên đi con
Ngủ đời yên đi con
Che giấu thân đau rã mòn
Ngủ đời yên đi con
Như vết thương đau ngủ buồn
Như trùng dương đêm mắt thâm
Còn nghe ngóng…
Đá lăn vết lăn trầm
Từ cơn đau ấy lưu thân mỏi mòn
Ôi mắt thầm van xin lời thánh đêm
Bài ca dao trên cồn đá, trên ngai vàng quê nhà
Khi đã trải qua những khổ đau tột cùng, con người như mất tất cả, không còn chỗ bám víu, chỉ còn biết lưu thân mỏi mòn ở cõi tạm và nguyện xin tới đấng tối cao để nhóm lên chút hy vọng, để được nhìn lại chút bình yên nào đó được mô tả bằng hình tượng “ca dao trên cồn đá” và trên “ngai vàng quê nhà”.
Một thời ngủ yên tuổi xanh
Rồi một hôm chợt thấy hoang vu quanh mình…
Tuổi xanh là lứa tuổi tràn đầy năng lượng để cống hiến cho đời. Nhưng có một thế hệ đã từng “ngủ yên tuổi xanh”, cảm thấy mình lạc lõng trên quê hương, thiếu lý tưởng, sống cho qua ngày mai không có mục đích. Đó là cái mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cảm nhận khi chứng kiến hoàn cảnh bi thảm của quê hương thời đó.
nhacxua.vn biên soạn