Tiểu sử nhạc sĩ Ưng Lang và hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Mưa Rơi” – Câu chuyện tình buồn của một “vương gia”

Nói về nhạc sĩ Ưng Lang, có thể sẽ ít người biết, nhưng tin chắc rằng đã có nhiều người nghe nhạc từng yêu thích các ca khúc của ông viết cùng nhạc sĩ Châu Kỳ như Mưa Rơi, Chiều Tiễn Biệt được ca sĩ Thái Thanh trước 75 và ca sĩ Thanh Thúy hát sau 75:

Chiều nay mây giăng nét sầu
Sông nước lững lờ, xuôi thuyền về đâu… (Chiều Tiễn Biệt)


Click để nghe Thái Thanh hát Chiều Tiễn Biệt trước 1975

Bâng khuâng nghe tiếng tơ dịu dàng
Nhìn lá úa theo hoa tàn
Tiếc than phút giây lìa tan (Mưa Rơi)

Nhạc sĩ Ưng Lang tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lang, cháu 4 đời của vua Minh Mạng.

Vua Minh Mạng (1791 – 1841) có tất cả 142 người con, gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa. Năm 1823, Vua làm bài Đế hệ thi và bài 10 Phiên hệ thi để quy định chữ lót trong cách đặt tên cho con cháu các thế hệ đời sau…

Theo đó, những người con của vua Minh Mạng có tên đệm là Miên (Vua Thiệu Trị tên Miên Tông, 2 vị vương gia nổi tiếng Tùng Thiện Vương và Tuy Lúy Vương có tên lần lược là Miên Thẩm, Miên Trinh). Đời tiếp theo là Hồng (Vua Tự Đức tên Hồng Nhậm). Đời sau nữa là Ưng, như vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Ưng Chân. Vua Hàm Nghi là Nguyễn Phúc Ưng Lịch.

Nguyễn Phúc Ưng Lang là một trong số những người đó. Ông nội của ông là Nguyễn Phúc Miên Tuấn, là Hoàng tử thứ 37 của Vua Minh Mạng, tước Hòa Thạnh Vương, có phủ Hòa Thạnh ở vùng Gia Hội, thành phố Huế.

Thân phụ của Ưng Lang là Nguyễn Phúc Hồng Khanh (Hường Khanh), là một quan văn trong triều, đồng vai với Vua Tự Đức (Hồng Nhậm).

Như vậy, Nguyễn Phúc Ưng Lang đồng vai với Vua Hàm Nghi (Ưng Lịch), Vua Đồng Khánh (Ưng Kỷ), vai trên của các vua: Vua Khải Định (Bửu Đảo), Vua Thành Thái (Bửu Lân), Vua Duy Tân (Vĩnh San), Vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy).

Tiểu sử của nhạc sĩ Ưng Lang được tác giả Đinh Công Bảy – Một người bạn của nhạc sĩ vào những năm cuối đời kể lại:

Hoàng thân Nguyễn Phúc Ưng Lang sinh năm 1919 tại Huế. Từ nhỏ ông đã có tư chất thông minh và hiền từ. Tuy thân hình nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Ông tỏ ra say mê âm nhạc, lại vừa ưa thích kỹ thuật xây dựng và cơ khí.

Lớn lên ông theo học trung học tại Trường Khải Định (hiện nay là Trường Quốc Học Huế), sau đó ra Hà Nội học ở trường Paul Bert (Collège Paul Bert). Đây là ngôi trường được thành lập từ năm 1912 để đào tạo bậc trung học bán phần cho con em của người Pháp và con của những quan chức người Việt làm việc cho Pháp. Hiện nay trường Paul Bert trở thành Trường Trung học Phổ thông Trần Phú – Hoàn Kiếm.

Năm 1936, ông lấy bằng kỹ sư tại trường Paul Bert, sau đó được biên chế công tác tại Sở Lục lộ (hiện nay gọi là giao thông công chánh) tỉnh Nghệ An.

Trong quãng thời gian từ 1936-1941, ông đã đi nhiều nơi và tham gia xây dựng nhiều công trình về cầu đường. Đây cũng là thời gian nhạc sĩ Ưng Lang tham gia phát triển phong trào tân nhạc, với sáng tác đầu tay mang tên Tiếng Lòng năm 1941.

Thời trai trẻ, Ưng Lang là một chàng thanh niên hiền lành và hào hoa, có nhiều tài như khiêu vũ, chơi các loại nhạc cụ, đặc biệt là đàn guitare Hawaii (Hạ Uy cầm), là môn do ông tự học mà thành. Có thể nói, Ưng Lang và các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Nguyễn Thiện Tơ là những người đầu tiên biểu diễn loại đàn này từ thập niên 1940.

Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp và và ra lệnh cho tất cả các công chức phải trở về nguyên quán. Ưng Lang rời Nghệ An để về Huế làm việc tại Sở Công Chánh Thừa Thiên.

Tại đây, ông là nghệ sĩ biểu diễn và dạy Hạ Uy cầm đầu tiên ở Huế, sau đó dạy hòa âm phối khí ở Trường Quốc gia Âm nhạc Huế. 

Ưng Lang cùng những người bạn thân ở Huế là các nhạc sĩ Lê Quang Nhạc, Ngô Ganh, Văn Giảng, Tôn Thất Đậu thành lập ban nhạc Aloha Oe (mượn câu chào của người Hawaii). Trong những năm 1940, ban nhạc này đã đi biểu diễn ở nhiều nơi.

Cũng tại Huế, ông lập gia đình và có người con gái đầu lòng năm 1949.

Năm 1956, Ưng Lang qua học tu nghiệp tại Trường Công nghệ kỹ thuật Erron, Paris (Pháp).

Năm 1959, ông khi tốt nghiệp và trở về nước, phụ trách công chánh, quản đốc các công trình xây dựng cầu cống từ Quảng Trị vào đến Quảng Ngãi. Trong thời gian làm việc, ông vẫn tiếp tục mở nhiều khóa dạy nhạc, đàn, ca hát cho thanh thiếu niên.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Ưng Lang đã ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống và làm việc tại Sở Giao thông công chánh cho đến khi về hưu năm 1979 ở tuổi 60.

Năm 2005, theo mong muốn của con cháu, ông sang Hoa Kỳ sống một thời gian rồi về Sài Gòn sống với con trai út là Bửu Sư.

Nhạc sĩ Ưng Lang qua đời vào đêm 17 tháng 8 năm 2009 tại Sài Gòn, hưởng thọ 90 tuổi.

Tính cách của nhạc sĩ Ưng Lang được bạn bè ghi nhận là luôn chân thành, quan tâm chu đáo với những người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Bất cứ ai đã từng tiếp xúc với Ưng Lang đều thấy ở ông những nết của một người ông, người cha, người anh hiền lành, đôn hậu, cởi mở và rất dễ gần gũi.

Vào những năm cuối đời, ở tuổi gần 90, Ưng Lang vẫn còn rất “phong độ”. Nụ cười và ánh mắt của ông vẫn tỏa ra một sức sống tràn trề, thanh lịch, đầy tình thân và làm cho người tiếp xúc thấy dễ chịu.

Gặp Ưng Lang, trò chuyện mới thấy được ông có tinh thần lạc quan hiếm thấy, nhìn cuộc đời một cách nhẹ nhàng, thanh thản, và luôn bỏ qua cho mọi lỗi lầm của người khác mà không tỏ ra một điều gì là kẻ cả.

Ngoài vai trò là người nhạc sĩ sáng tác ra những ca khúc bất hủ để lại cho đời, Ưng Lang còn là một kỹ sư danh tiếng đã có phát minh để cải tiến xe đạp rất hữu dụng cho những người lao động cực nhọc thời đó.

Kỹ sư Ưng Lang đã hình thành ý tưởng cải tiến xe đạp khi ông chứng kiến những người lao động phải chở nhiều loại hàng hóa nặng nề và cồng kềnh bằng xe đạp rất vất vả. Ông bèn nghĩ cách thiết kế hệ thống bánh trớn (volant inertie) lắp vào cả hai bánh xe đạp. Và sau nhiều năm nghiên cứu thí nghiệm, ông đã hoàn thiện sáng chế xe đạp cải tiến Lucapro.

Lucapro là tên viết tắt của cụm từ: LU (Lang Ưng), CA (Càng), PRO (Progressive: tăng tốc); nghĩa là chiếc xe càng đạp càng tăng tốc do Ưng Lang sáng chế. Được như vậy là nhờ xe có lắp hệ thống bánh trớn kết hợp bằng 3 (hoặc nhiều hơn) đĩa sắt nhỏ, nhẹ, hình tròn và dẹt, kích thước cũng như trọng lượng tương đương nhau và đủ để tạo nên lực trớn khi chúng quay vòng quanh chu vi vành xe.

Sáng chế xe đạp Lucapro của Ưng Lang đã được đăng ký bảo hộ bản quyền tại châu Âu.

Bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Ưng Lang là Mưa Rơi, mời các bạn nghe lại phiên bản trước 1975 của Khánh Ly hát sau đây:


Click để nghe Khánh Ly hát Mưa Rơi

Bài hát được viết về mối tình đầu của nhạc sĩ Ưng Lang khi ông đang công tác ở Nghệ An. Câu chuyện được nhạc sĩ Lê Hoàng Long kể lại:

Từ năm 1936 đến 1945, Ưng Lang làm việc ở Sở Lục lộ Nghệ An. Tại đây ông được gia đình người bà con cho một căn phòng để ở, có cửa sổ nhìn sang dãy nhà đối diện.

Chiều chiều sau khi đi làm về ông thường mở cửa sổ cho mát và lấy đàn ra lả lướt vài bài cho đỡ buồn. Tiếng Hạ Uy cầm réo rắt, ngân nga vọng sang cửa sổ phòng của một cô gái ở dãy nhà đối diện bên kia. Ngày nào như ngày ấy, đúng giờ là tiếng đàn lại nỉ non, thánh thót. Ở phía bên kia có người mỹ nhân cũng dần quen thuộc với tiếng đàn của chàng trai láng giềng.

Cuộc tình của hai người trẻ bắt đầu một cách thầm lặng, cũng thơ mộng giống như biết bao đôi uyên ương khác. Nhưng rồi cuộc đời có những ngả rẽ bất ngờ làm cho người ta không thể biết trước.

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp và ra lệnh cho tất cả các công chức phải trở về nguyên quán. Ưng Lang cũng không thoát khỏi cái lệnh ấy nên phải khăn gói trở về làm việc tại Sở Công Chánh Thừa Thiên. Buổi tiễn đưa, đôi tình nhân bịn rịn chia tay. Về đến quê nhà mưa rơi rả rích suốt ngày, bầu trời u ám, nỗi buồn càng thêm da diết. Bài Mưa Rơi đã ra đời sau đó và trở thành ca khúc vượt thời gian.

“Mưa rơi.
Màn đêm xuống rồi
Mây sầu khắp nơi
Thương nhớ đầy vơi…

Bâng khuâng nghe tiếng tơ dịu dàng.
Nhìn lá úa theo hoa tàn,
tiếc than phút giây lìa tan…”.

Mưa Rơi là câu chuyện thất tình của Ưng Lang ban đầu được ông sáng tác cả nhạc lẫn lời. Tuy nhiên trong ấn phẩm xuất bản năm 1955 của Tinh Hoa – Huế ghi lời của Châu Kỳ. Ưng Lang từng giải thích rằng thời gian sau này, vào khoảng đầu thập niên 1950, nhạc sĩ Châu Kỳ – là người bạn ở Huế, và cũng là người em của ông đang gặp chuyện buồn tương tự, khi cuộc hôn nhân với ca sĩ xinh đẹp Mộc Lan tan vỡ.

Thấy ca khúc Mưa Rơi hợp với tâm sự buồn của mình nên nhạc sĩ Châu Kỳ đề nghị cho thay đổi vài chỗ trong lời hát với dụng ý nhắn kèm lời gửi gắm đến người xưa đã ra đi.

Nhạc sĩ Ưng Lang còn có một số bản nhạc nói về tình yêu quê hương và tình yêu đôi lứa trong tập “Chiều Thôn Vỹ”. Trong gia tài âm nhạc của ông, ngoài ca khúc Mưa Rơi, còn có thể kể các tác phẩm tiêu biểu như: Chiều Tiễn Biệt, Chiều Về Thôn Vỹ, Ký Ức Tango, Nhạc Lòng, Xuân Thắm… đặc biệt là ca khúc Chiều Tiễn Biệt nổi tiếng qua giọng hát của danh ca Thái Thanh.

Bài Chiều Tiễn Biệt có ca đẹp và buồn mênh mang, gợi nên hoài niệm về một thuở xa xưa: Người đi trong sương gió lúc chiều tàn hoa lá rơi ngập tràn tiếng chim sầu than…

Bài: Đông Kha (biên soạn) – nhacxua.vn

Exit mobile version