Tiểu sử nhạc sĩ Tùng Giang (1940-2009)

Nhạc sĩ Tùng Giang là một trong những người Việt có phòng thu riêng đầu tiên ở hải ngoại, có thời điểm 70% lượng băng dĩa phát hành ở hải ngoại được thu từ phòng thu của Tùng Giang. Ông là người đi tiên phong trong lãnh vực này, đã có công tạo ra và phổ biến nhiều tác phẩm giá trị của nhạc hải ngoại trong thập niên 1980 kể từ khi kỹ thuật và máy móc còn rất thô sơ, nhờ vậy mà nền âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại không bị mai một.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click
Tờ nhạc bài Biết Đến Thuở Nào của nhạc sĩ Tùng Giang

Nhạc sĩ Tùng Giang tên thật là Phạm Văn Lượng, sinh ngày 17 tháng 11 năm 1940 tại Campuchia, nhưng thời niên thiếu lại sống ở thành phố Nha Trang. Ông xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ (mẹ là Cô Ba Được, một đào hát cải lương rất nổi tiếng thuở đó).

Năm 1956, Tùng Giang mới 16 tuổi đã là trưởng ban văn nghệ trường trung học Võ Tánh ở Nha Trang. Ông đánh trống kiêm quản thủ nhạc cụ của nhà trường. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ lúc đó, từ Sài Gòn bay ra Nha Trang tổ chức Ðại Nhạc Hội “Thùy Dương”, mang theo các nghệ sĩ lừng danh như Hồng Phúc, Thúy Nga, Thanh Thoại, Thùy Hương, Hoàng Thi Thao, Nghiêm Phú Phi… Tại đây, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ biết được trường Võ Tánh có một bộ trống “xịn” và qua môi giới của một giáo sư bạn, ông tới nơi với ý định mượn bộ trống tăng cường cho đại nhạc hội.

Từ duyên cớ trên, Hoàng Thi Thơ gặp được cậu bé Tùng Giang 16 tuổi đang chơi trống một cách say xưa. Với con mắt nhà nghề, nhìn cách “khua” trống của Tùng, ông nhận ra ngay một tài năng tương lai, nên thay vì chỉ mượn trống, ông mời luôn Tùng Giang đến biểu diễn.

Trong đêm diễn hôm đó, tài nghệ của Tùng Giang được khán giả reo hò tán thưởng, ông bầu Hoàng Thi Thơ ngỏ ý nhận làm học trò để đưa về Sài Gòn nhưng vì chưa muốn xa nhà nên Tùng Giang từ chối.

Vài năm sau đó, Tùng Giang theo gia đình vào Sài Gòn, cha của ông là nhân viên hỏa xa được cấp nhà ở đường Lê Lai bên cạnh ga xe lửa. Duyên văn nghệ một lần nữa đến với Tùng Giang, khi ở ngay chuyến xe lửa vào Nam, Tùng Giang gặp được đoàn kịch Tân Dân Nam với Lam Phương, Lê Duyên, Phùng Trọng, Túy Phượng, Tùng Lâm, Túy Hoa trên đường lưu diễn trở về. Ngay trên xe lửa, những nghệ sĩ của ban Dân Nam đàn hát với nhau, Tùng Giang cũng xin tham gia chung. Sau khi thể hiện khả năng của mình, Tùng Giang được ban Tân Dân Nam của bà Túy Hoa nhận ngày vào đoàn. Con gái của Túy Hoa là ca sĩ Túy Phượng trở thành người chị đỡ đầu của ông, mặc dù hai người suýt soát tuổi nhau.

Với ban Tân Dân Nam, Tùng Giang xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu Nam Quang qua vở kịch “Tình chị”, đóng vai em Túy Phượng. Sau đó, đích thân Túy Phượng đưa Tùng Giang về Nha Trang và xin phép gia đình cho nhận Tùng Giang làm em nuôi. Dù danh nghĩa là “chị em”, nhưng theo hồi ký Trường Kỳ thì giữa Tùng Giang và “nữ hoàng nhạc twist” có quan hệ tình cảm. Mẹ và cha dượng của Túy Phượng không vui với mối quan hệ khắng khít đó, vì vậy Tùng Giang ở ban Dân Nam được 2 năm thì rời đi, sau đó được đạo diễn Thái Thúc Nha, Giám đốc hãng phim Alpha giới thiệu vào học nghề chuyển âm và ráp nối phim.

Tùng Giang và Trường Kỳ

Thông minh và yêu nghề, không bao lâu Tùng Giang trở thành một chuyên viên âm thanh điện ảnh chuyên nghiệp. Sau này Tùng Giang được mẹ giới thiệu với nghệ sĩ gạo cội Tư Chơi, biết chàng trai này vẫn còn đam mê đánh trống nên Tư Chơi gởi cho con của ông tay trống nổi tiếng Huỳnh Hiếu huấn luyện, nhờ vậy sau đó Tùng Giang trở thành một trong số những tay trống giỏi nhất của các ban nhạc trẻ nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam, chơi trống cho phòng trà Đại Kim Đô ở Chợ Lớn. Tại đây ông tiếp xúc nhiều hơn với âm nhạc, dần có đam mê nhạc ngoại quốc và nhạc trẻ. Để rèn luyện khả năng chơi trống, ông mua rất nhiều dĩa nhựa nước ngoài về nghe và học theo.

Là tay trống ngoại hạng, Tùng Giang thường theo các ban nhạc trẻ chơi nhạc tại các club Mỹ ở khắp miền Nam. Trong thời gian đó, nhạc trẻ bắt đầu thịnh hành, ông có cơ may quen với một sĩ quan người Mỹ ở Đà Nẵng. Nhận thấy lúc này ban nhạc trẻ còn thiếu, sĩ quan người Mỹ khuyến khích Tùng Giang mở ban nhạc riêng, đó là ban mang tên The Top Five gồm Tùng Giang, Quốc Hùng, Thụy Ái, Minh Phúc, và ca sĩ Tuấn Ngọc. Ban Top Five hoạt động rất thành công tại Đà Nẵng trong suốt hai năm. Tuy nhiên sau đó các thành viên ban nhạc thấm nỗi buồn xa nhà nên chuyển về lại Sài Gòn.

Tùng Giang, Tuấn Ngọc và ban The Top Five

Thời gian đó ở Sài Gòn có ban nhạc nổi tiếng là Spotlight, có Tiến Chỉnh, Đức Huy, Billy Shane và Hồng Hải, nhưng rồi ban này cũng tan rã. Vì vậy Tùng Giang đã kết hợp cùng với Đức Huy, Tuấn Ngọc và Billy Shane thành lập nên ban “Strawberry Four”, đó là quyết định mà Tùng Giang nói hài lòng nhất trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Ban Strawberry Four hoạt động theo hình mẫu của ban Beatles, với bốn người dùng trang phục giống như Beatles.

Ban nhạc được đài truyền hình quân đội Mỹ mời chơi hàng tuần thay cho ban nhạc Monkey của Mỹ. Dù vậy, sau 3 năm, vì những bất đồng chính kiến nên Strawberry Four cũng tan rã. Giải thích ngắn gọn cho việc này, Tùng Giang nói 4 con cọp không thể sống chung trong một chuồng.

Ban Strawberry Four với Đức Huy, Tùng Giang, Tuấn Ngọc, Billy Shane

Cũng trong thời gian đó, Tùng Giang được đài truyền hình mời về làm một chương trình nhạc trẻ và lấy tên là Chương trình nhạc trẻ Tùng Giang. Ông cùng với Kỳ Phát, Nam Lộc và Trường Kỳ đã làm một phong trào Việt hoá nhạc ngoại quốc. Chương trình này đã mang lại sự mới mẻ và luồng gió mới cho đài phát thanh nên rất được giới trẻ lúc bấy giờ rất yêu thích.

Tùng Giang – Trường Kỳ – Nam Lộc

Cùng thời điểm đó, Tùng Giang cũng bắt đầu phát hành tape nhạc trẻ lần lượt mang tên Tùng Giang 1, 2, 3, 4, 5 Thời gian này ông cũng sáng tác, với ca khúc đầu tiên ông viết là “Biết Đến Thuở Nào” viết chung với Trường Kỳ. Việc sáng tác này do ông tự tìm tòi, nghiên cứu chứ không học qua một trường lớp nào cả. Ông từng chia sẻ: “Kỹ thuật nhạc lý tôi không học từ ai cả. Tôi nghiên cứu khuôn nhạc, ôm đàn và hát. Thật tình trống không phải là đam mê của tôi, nhưng người thầy của tôi nói tôi có khiếu về trống, và mọi người cũng nói như vậy nên tôi theo thôi.”

Sau “Biết Đến Thuở Nào” Tùng Giang còn sáng tác thêm nhiều ca khúc nổi tiếng khác như: Từ Khi Anh Gặp Em, Anh Đã Quên Mùa Thu, Tôi Với Trời Bơ Vơ, Chỉ Riêng Mình Em Hiểu, Từ Lúc Em Đi, Người Tình Người Đẹp Xinh Xinh, Điệp Khúc Buồn,… Trong đó bài “Anh Đã Quên Mùa Thu” được Tùng Giang viết chung với Nam Lộc, đây là bài nhạc nền trong phim “Anh Yêu Em” và được giải thưởng do Tổng Thống trao tặng, ca sĩ thâu thanh đầu tiên là Khánh Hà.

Nhắc tới Tùng Giang, không thể nào không nhắc tới các chương trình Sinh Hoạt Nhạc Trẻ do ông thực hiện, góp phần to lớn cho sự phát triển rực rỡ của loại nhạc này trong giới trẻ Sài Gòn những năm đầu thập niên 1970.

Các băng Sinh Hoạt Nhạc Trẻ do Tùng Giang thực hiện:


Click để nghe băng Tùng Giang 1


Click để nghe băng Tùng Giang 2


Click để nghe băng Tùng Giang 4


Click để nghe băng Tùng Giang 5


Click để nghe băng Tùng Giang Băng Vàng

Sau đây là một bài báo năm 1972 giới thiệu chương trình Sinh Hoạt Nhạc Trẻ của Tùng Giang:

Là nhạc sĩ thường xuyên xuất hiện ở chốn phòng trà, vũ trường, Tùng Giang quen biết với một vũ nữ là Yến Trang. Qua cái nhìn phiến diện của người đời, vũ nữ thời đó không được coi trọng vì bị xem là giới có đời sống phóng túng. Tuy nhiên theo lời kể của Trường Kỳ (bạn thân của Tùng Giang) thì Yến Trang có nếp sống rất nhà lành không ai ngờ tới, nhưng vì hoàn cảnh cuộc sống, vì sinh kế gia đình nên bị đưa đẩy thành vũ nữ.

Tùng Giang và Yến Trang

Mối tình của Tùng Giang và Yến Trang vấp phải sự phản đối, ngăn cấm dữ dội của cả 2 bên gia đình, nhưng họ vẫn kiên trì đến với nhau để có được kết cuộc là 3 người con lần lượt ra đời, đó là Giáng Ngọc, Derek Phạm, Yến Mai, từng có những đóng góp cho sinh hoạt ca nhạc hải ngoại.

Ngoài người vợ đầu Yến Trang, với bản tính đào hoa, Tùng Giang còn trải qua nhiều cuộc tình khác. Lúc sinh thời ông nói về điều này như sau:

Thú thật mà nói, trong cuộc đời, tình yêu là do số mệnh hết. Khi mà tôi mới sanh ra, ông thầy bói đã nói tôi có số đào hoa. Thật tình, đã có rất nhiều cuộc tình đã đến với tôi, mà đôi khi tôi không muốn, nó vẫn xảy đến. Nói về phụ nữ, đương nhiên sắc đẹp là tôi có thích rồi. Nhưng đối với Khánh Hà và Diễm Liên, còn có thêm tài năng và khả năng của họ nữa. Những lúc làm việc chung, tôi nhìn thấy những kết quả của họ, rồi nó nảy sinh ra sự quí mến, thêm vào đó qua sự gần gũi vì công việc, số phận đưa đẩy, việc gì đến là nó đến thôi. Những người đó là những người có tài mà tôi lại là người rất mê người có tài. (trích bài phỏng vấn trên Vietweekly)

Gia đình Tùng Giang di tản sang Mỹ trong những ngày cuối cùng của Sài Gòn. Năm 1982, ông bắt đầu mở phòng thâu âm đầu tiên trên đường Garden Grove, California và thâu âm các nhạc phẩm cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại sau năm 1975. Có thể nói Tùng Giang là người Việt Nam đầu tiên có phòng thâu ở Mỹ. Ông đã giúp phổ biến và lưu truyền các nhạc phẩm có giá trị của Việt Nam trong những năm đầu khi kỹ thuật và máy móc còn thô sơ. Từ một phòng thâu nhỏ 8 track, rồi 16 track và sau đó là lên 24 track. Số băng nhạc từ phòng thâu của Tùng Giang chiếm 70% số lượng băng nhạc sản xuất tại hải ngoại.

Hầu hết các cuộn băng cassette rất giá trị của Khánh Ly, Sĩ Phú, Lệ Thu, Khánh Hà, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Phạm Duy,… đều được Tùng Giang chăm sóc và nắn nót từng câu hát, từng tiếng đàn.

Cũng từ những phòng thu do Tùng Giang làm chủ, ông đã lần lượt giới thiệu đến người yêu nhạc các giọng hát lần đầu tiên cất tiếng ca như Diễm Liên, Phi Nhung, Thanh Hà, Kỳ Duyên… Ngoài ra vào thời gian đó Tùng Giang còn cộng tác với người bạn thân là Trường Kỳ xuất bản tờ báo “Hồng” dành riêng cho giới trẻ yêu nhạc tại hải ngoại.

Năm 2000, khi còn đang làm phòng thâu âm tại Nam Cali thì Tùng Giang phát hiện ra mình bị viêm gan B. Sau khi tìm mọi cách chữa trị nhưng vẫn không khỏi, Tùng Giang trở về Việt Nam để chữa theo Đông Y. Nhưng bịnh tình vẫn không thuyên giảm, ba năm sau bị biến chứng và ông quay lại Mỹ, lúc này ở ʟá gan bên phải của ông đã xuất hiện khối u 6cm, bắt buộc phải mổ.

Năm 2005, Tùng Giang cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng và Châu Kỳ được Trung tâm Thuý Nga tổ chức chương trình vinh danh trong Paris By Night 78 – Đường Xưa được thu tại Toronto, Canada.

Ngày 4 tháng 6 năm 2009, nhạc sĩ Tùng Giang qua đời tại California, ông hưởng thọ 70 tuổi.

nhacxua.vn

Exit mobile version