Chuyện tình đẹp và có hậu nơi “Giáo Đường Im Bóng” của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ

Ca khúc “Giáo Đường Im Bóng” của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đã ra đời hơn 80 năm, đến nay những lời hát du dương này vẫn còn được hát lên qua nhiều thế hệ, như là lời tình ấm áp mà những người yêu nhau muốn gửi trao cho nhau vào mỗi dịp mùa Giáng Sinh về:

“Nhớ tới đêm đầy ánh sáng
Hương trong gió tràn mênh mang
Giây phút như ngừng thôi rơi
Tiếng kinh muôn lời…”

Ca khúc này không chỉ hay về giai điệu, ca từ, mà còn mang ý nghĩa đẹp đẽ của một mối tình xuyên thế kỷ của chính tác giả là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và vợ, là một mỹ nhân nức tiếng của đất Nam Định.

Cho tới năm 2022, làng âm nhạc Việt Nam vẫn còn hai nhạc sĩ sống trên trăm tuổi. Ở hải ngoại có nhạc sĩ Xuân Tiên, hiện ở Úc. Còn ở trong nước là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, cả 2 cùng sinh năm 1921. Tháng 8 năm 2022, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ qua đời, sang năm 2023 thì nhạc sĩ Xuân Tiên cũng tạ thế.


Click để nghe Khánh Ly hát Giáo Đường Im Bóng trước 1975

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ chào đời và gắn bó trọn đời ở ngôi nhà 22 Mai Hắc Đế – Hà Nội. Yêu thích âm nhạc từ năm 10 tuổi, vào năm lên 12, ông theo học guitar Hawaii (Hạ Uy cầm) với thầy giáo Trần Đình Khuê. Với năng khiếu hơn người về âm nhạc, chỉ ba tháng thì ông đã được biểu diễn cùng thầy trên đài phát thanh Pháp. Sau đó ông cũng theo học Tay Ban Cầm với một người Pháp và bắt đầu biểu diễn ở các phòng trà và chương trình từ thiện với hai nhạc cụ này.

Trong một đêm văn nghệ từ thiện tại Nam Định vào tháng 5 năm 1938, chàng nghệ sĩ trẻ mới 17 tuổi Nguyễn Thiện Tơ đã gặp được bóng hồng định mệnh của cuộc đời mình. Đó là một thiếu nữ gốc 16 tuổi tên là Vũ Hà Tiên, nổi tiếng cả tài lẫn sắc ở thành Nam. Trong buổi văn nghệ, chàng đàn cho nàng hát, rồi khi trở về Hà Nội thì chàng trai 17 tuổi mang theo cả nụ cười duyên, ánh mắt đen lay láy trên gương mặt thanh tú, nét đẹp sắc sảo của cô gái tuổi trăng tròn. Vẻ đẹp đó chúng ta có thể thấy ở tấm hình cũ ở dưới đây.

Sau này, nhạc sĩ kể lại:

“Trong kỳ nghỉ hè năm 1938 (lúc này còn là học sinh trường Thăng Long ở Hà Nội), tôi được mời tham gia biểu diễn đàn ghi-ta ở Nam Định. Ở đây tôi đã làm quen với cô nữ sinh Hà Tiên cũng đến đây đóng góp tiếng hát của mình. Sau buổi dạ hội ca nhạc, tôi được bạn bè cho biết là gia đình cô ấy theo đạo Thiên Chúa. Nghĩ mình là kẻ ngoại đạo nên mới viết nên “Giáo Đường Im Bóng” sau ngày ấy.”

Nhạc sĩ nói thêm rằng ở ngay từ cái nhìn đầu tiên ấy, ông đã cảm thấy mình yêu người thiếu nữ đó. Sau đó họ có gặp nhau đôi ba lần, nhưng lại có những trắc trở. Ngày ấy, cách biệt giữa lương dân và giáo dân còn xa thăm thẳm, mang tâm tư tuyệt vọng vì nghĩ rằng không thể có cơ hội đến với nhau, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đã sáng tác ca khúc đầu tay “Giáo Đường Im Bóng” với niềm khắc khoải:

“Thánh giá xa vời lắm với chuông chiều ngân
Hồn thánh thót mưa dầm buồn tới âm thầm
Nơi giáo đường im bóng tôi thầm mong ngóng
Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ…”.

Thời điểm cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940, tân nhạc vẫn đang ở thời kỳ sơ khởi, không có nhiều sáng tác, nên khi Nguyễn Thiện Tơ ra mắt Giáo Đường Im Bóng với lời ca da diết, giai điệu du dương mang âm hưởng của những bài thánh ca, thì ngay lập tức được đón nhận, đặc biệt là trong tầng lớp trí thức, Tây học. Dĩ nhiên, một ca sĩ mến thơ yêu nhạc như Vũ Hà Tiên thì không thể không biết đến ca khúc này, nên niềm mến mộ của nàng đối với chàng nhạc sĩ trẻ tài hoa kia càng tăng lên gấp bội. Ở xa cách, nhưng họ vẫn liên lạc thường xuyên với nhau qua thư từ. Ngay cả khi Hà Tiên cùng cả nhà di cư vào Vinh, thì mối duyên của họ cũng không bị gián đoạn.

Ít người biết rằng bài hát này được nhạc sĩ viết nhạc trước, và phần lời sau đó được người bạn thân của ông là Phi Tâm Yến viết theo đúng tâm trạng của nhạc sĩ:

Dáng xinh xinh bao tiên kiều
quỳ ngân Thánh kinh ban chiều
Trong giáo đường đêm Noel ấy
ngàn đời tôi mến yêu…


Click để nghe Anh Ngọc hát Giáo Đường Im Bóng trước 1975

Bối cảnh bài hát là một đêm Noel với những hình ảnh liên quan đến giáo đường, những tiếng kinh, tiếng chuông ngân trong một đêm Noel, đồng thời tác nhạc sĩ thể hiện nỗi niềm luyến tiếc, u buồn về một mối tình chưa kịp có đã vụt tan:

Sóng rung rinh hồ xưa đây,
Hồn tôi nhớ nàng mê say.
Ngày xa ấy u trầm quá,
Và chóng qua.

Biết đến đâu tìm kiếm,
Mối dây tình duyên,
Và sóng mắt mơ huyền còn biết đâu tìm.
Tôi tiếc thời tươi sáng trôi cùng năm tháng.
Trí óc âm thầm nhớ mắt nàng huyền mơ.

Dù bài hát nói về sự chia lìa lứa đôi, nhưng ở ngoài đời, nhờ sự kiên trì trong 6 năm để thuyết phục gia đình, mối tình lứa đôi cũng được thỏa nguyện bằng cái kết rất có hậu và viên mãn, một đám cưới được tổ chức năm 1944.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ nói: “Tôi viết bài hát này là vì tưởng chúng tôi không đến được nhau cơ. Chắc hẳn Chúa Trời cũng chiều lòng chúng tôi, đã cho chúng tôi một kết thúc đẹp, một tình yêu có hậu”.

Thời gian sau này, khi cả 1 đều đã ngoài 90 tuổi, nhạc sĩ từng nói:

“Với tôi hạnh phúc nhất bây giờ là được hoàn toàn thanh thản trong ngôi nhà của mình, ngày ngày dạy các cháu chơi đàn, trò chuyện với bà lão tóc bạc, trong lúc bà ngồi nhặt rau hay nấu cơm”.

Người đẹp Vũ Hà Tiên đó ở đất Nam Định, cũng là nơi sinh quán của rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng của tân nhạc thời kỳ đầu, như Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước, Lê Thương, và nhạc sĩ Lê Thương đã có một ca khúc mang tên Nàng Hà Tiên, được nhạc sĩ Phạm Duy tiết lộ là viết cho một cô gái mang tên Hà Tiên, chính là người đẹp nức tiếng sống cùng thời: Vũ Hà Tiên, cũng là người làm cầu nối giữa 2 nhạc sĩ nổi tiếng nhất của nhạc Việt khi gia đình cô đã chuyển về Vinh.

Phạm Duy tường thuật khá tỉ mỉ trong hồi ký: “Tại thành phố Vinh tôi được làm quen – một cách không trực tiếp với một người tôi rất phục tài là nhạc sĩ Lê Thương, qua một người con gái tên là Hà Tiên… Bây giờ tôi biết chắc chắn rằng khi soạn ra bài hát nhan đề “Nàng Hà Tiên”, quả thực rằng nhạc sĩ Lê Thương có yêu một người con gái có xương có thịt mang tên Hà Tiên… Chẳng lẽ một người đàn anh mà mình kính phục là Lê Thương đã yêu cô gái đẹp và viết ra một truyện ca tuyệt vời mà mình lại có thể dửng dưng trước cô ta hay sao? Tôi bèn bắt chước ông anh nhưng dở hơn chàng Lê Thương, tôi chẳng soạn được một câu nhạc nào cho nàng tiên này cả”.


Click để nghe Thái Thanh hát Giáo Đường Im Bóng trước 1975

Bà Vũ Hà Tiên sinh cho nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ tất thảy 8 người con, 5 trai và 3 gái. Ngày 4/10/2013, bà Vũ Hà Tiên qua đời ở tuổi 91, để lại cho nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ niềm nhung nhớ khôn nguôi: “Bà ấy mất đi là cú sốc tinh thần lớn với tôi. Đó là người tôi yêu thương nhất, là người hiểu tôi nhất, là người vợ hiền và cũng là mối tình đầu của tôi”.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ qua đời ngày 18/8/2022, hưởng đại thọ 101 tuổi.

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version